Theo kết quả nghiên cứu Chỉ số Kinh tế Net Zero năm 2023 của PwC - là chỉ số thường niên về tiến độ giảm phát thải CO2 liên quan đến năng lượng và khử carbon tại các nền kinh tế - không có nền kinh tế nào thuộc Châu Á - Thái Bình Dương đạt gần đến tỷ lệ khử carbon yêu cầu là 17,2% hàng năm để có thể đạt được mục tiêu 1,5°C.
Dù vậy, vẫn có 5 nền kinh tế gồm New Zealand, Pakistan, Hàn Quốc, Singapore và Việt Nam, đã vượt mốc giảm phát thải carbon theo Mục tiêu Đóng góp do Quốc gia tự quyết định (NDC). 5 nước này có điểm chung là đều nằm trong nhóm những quốc gia nhập khẩu ròng năng lượng và hầu hết đều có mức giảm về hệ số phát thải các-bon từ nhiên liệu hóa thạch.
Thách thức của Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp
Nghiên cứu của PwC đã chỉ ra, việc chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp không hề dễ dàng do vẫn tồn tại những lý do để các nước Châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục sử dụng nguồn năng lượng phát thải nhiều carbon. Lý do đầu tiên phải kể đến là cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu khiến các ưu tiên chính trị - xã hội thay đổi, gây áp lực lên các chính phủ buộc họ quay lại sử dụng năng lượng rẻ nhưng gây ô nhiễm như than.
Đồng thời, sự tăng trưởng đáng kể của các nền kinh tế làm tăng sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu năng lượng để duy trì tăng trưởng, đặc biệt là dầu khí. Trong khi đó, đầu tư vào năng lượng tái tạo đang bị thiếu hụt, cản trở quá trình chuyển đổi sang nguồn năng lượng sạch hơn.
Mặc dù đạt được những kết quả khả quan song Việt Nam hiện vẫn nằm trong nhóm các nền kinh tế có sự chuyển biến chậm hoặc theo hướng tiêu cực trong quá trình giảm cường độ phát thải carbon và vẫn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch để duy trì tăng trưởng kinh tế.
Những giải pháp dành cho Việt Nam
Theo ông Abhinav Goyal, Giám đốc, Dịch vụ Tư vấn Dự án Vốn và Cơ sở hạ tầng của PwC Việt Nam, các mục tiêu NDC được Việt Nam cập nhật năm 2022 đã cho thấy những bước tiến đáng kể trong việc ưu tiên phát triển bền vững và dường như đã phù hợp với tham vọng Net Zero của Việt Nam vào năm 2050. Tuy nhiên vẫn cần có nhiều hành động thiết thực và sự hợp tác từ Chính phủ hơn nữa để tăng tốc đến một tương lai đạt phát thải ròng bằng không.
Ông Abhinav Goyal cũng nhấn mạnh: “Bằng việc thực hiện các mục tiêu về khí hậu, thông qua sự kết hợp hiệu quả của chính sách và các chiến lược giảm thiểu phát thải, Việt Nam có thể nhận được nhiều lợi ích tài chính từ việc thu hút đầu tư bền vững, tạo thêm việc làm và trở thành quốc gia tiên phong về công nghệ sạch, hướng tới một tương lai bền vững và phát thải carbon thấp”.
Ngoài ra, Việt nam cũng có thể tham khảo đề xuất chiến lược của PwC cho các doanh nghiệp của khu vực châu Á – Thái Bình Dương (theo Báo cáo Chỉ số Kinh tế Net Zero năm 2023 của PwC - Thực trạng tại Châu Á - Thái Bình Dương) để có thêm những bước tiến mới trong quá trình chuyển đổi sang trạng thái đạt mức phát thải ròng bằng không đồng thời biến những hành động vì khí hậu thành lợi thế cạnh tranh và tăng giá trị cho doanh nghiệp:
Hỗ trợ các tổ chức khác giảm lượng khí thải Phạm vi 3: việc này không chỉ nhằm đáp ứng mong đợi của các bên liên quan mà còn thúc đẩy việc chia sẻ giá trị và tạo ra lợi thế cạnh tranh bởi khí thải Phạm vi 3 chiếm tới 65-95% lượng phát thải các-bon và là thử thách của phần lớn các doanh nghiệp.
Chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn (Circular Economy, CE): là một mô hình sản xuất và tiêu thụ nhằm lưu giữ tài nguyên trong vòng tuần hoàn lâu nhất có thể. Việc này có khả năng mang lại cơ hội tăng trưởng kinh tế cho các doanh nghiệp, ước tính có cơ hội thu được 30-50% giá trị trong việc tái sử dụng, tân trang và tái sản xuất.
Đầu tư vào các Giải pháp dựa vào thiên nhiên (NbS): đây là cách tiếp cận tiềm năng nhằm tận dụng các quá trình tự nhiên vào vận hành nhằm giảm lượng phát thải, tăng khả năng chống chịu và giảm rủi ro thiên tai, mang lại lợi ích về môi trường và xã hội, từ đó dẫn đến lợi ích về tài chính.
Khai thác công nghệ khí hậu bằng cách góp phần tạo ra thị trường cho các giải pháp công nghệ khí hậu thông qua việc trở thành những khách hàng giai đoạn đầu. Điều này sẽ mang lại lợi ích cho cả việc giảm phát thải và xây dựng hình ảnh doanh nghiệp.
Áp dụng các phương pháp thích ứng với khí hậu dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng việc làm ở các lĩnh vực mới và tăng khả năng phục hồi của doanh nghiệp trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Nguồn: VnEconomy
Báo cáo Chỉ số Kinh tế Net Zero 2023 của PwC