
Nguồn: Google
Cuộc đổ bộ của rủi ro khí hậu vào doanh nghiệp
Biến đổi khí hậu vốn được xem là một vấn đề môi trường, nhưng ngày nay, nó đang dần hiện diện một cách rõ nét hơn trong các báo cáo tài chính - nơi mà trước đây vốn chỉ thuần phản ánh số liệu kế toán. Sự thay đổi này đã phản ánh mối quan tâm ngày càng lớn của thị trường tài chính tới yếu tố môi trường - xã hội - quản trị (ESG) và bên cạnh đó cũng cho ta thấy khí hậu đã trở thành rủi ro tài chính đang hiện hữu.
Nhiều doanh nghiệp đã phải bắt đầu nghiên cứu và đầu tư vào những phương pháp mới để đưa ra chiến lược phát triển bền vững, từ đó có khả năng để đổi mặt với những biến đổi của khí hậu trong tương lai.
Có thể kể đến như các doanh nghiệp bắt đầu đầu tư hơn vào các phương pháp xanh hoá, hướng đến sự phát triển bền vững. Lấy ví dụ như một doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất phân bón, trước hướng chuyển đổi xanh hóa trong tương lai, họ đã xác định phương hướng phát triển mới là phân bón hữu cơ. Và từ đó doanh nghiệp này đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển (R&D), họ tập trung vào việc nghiên cứu hình thái đất của từng vùng, để từ đó phát triển những sản phẩm phân bón phù hợp với đặc tính đất của vùng đó. Những sản phẩm như vậy không chỉ giúp tăng năng suất cây trồng mà trên hết là cải thiện chất lượng đất về lâu dài, nâng cao khả năng chống chịu của nông nghiệp trước biến đổi khí hậu.
“Thời đại của sự minh bạch”: Áp lực từ các chuẩn mực quốc tế
Trong thời đại khi mà các rủi ro khí hậu ngày càng trở nên rõ nét và lan rộng trong nhiều lĩnh vực, việc tích hợp thông tin khí hậu vào báo cáo tài chính đã trở thành một yếu tố “cần và đủ”.
Thay vì như trước đây, những báo cáo tài chính chỉ thuần về số liệu tài chính thì giờ đây, những yếu tố như tác động của biến đổi khí hậu đến mô hình, chiến lược kinh doanh,... đã đưa ra thêm yêu cầu cho doanh nghiệp phải nhận diện, đo lường và phản ánh được những vấn đề đó một cách trung thực trong báo cáo tài chính.
Sự thay đổi trong nhận thức và thúc đẩy các doanh nghiệp trong hành động là do sự ra đời của các khung Chuẩn quốc tế như IFRS S1, S2 từ Hội đồng Chuẩn mực báo cáo bền vững quốc tế (ISSB). Việc tích hợp được thông tin khí hậu vào báo cáo tài chính không chỉ đơn giản là bài toán kỹ thuật mà là một bước chuyển mình lớn về tư duy quản trị rủi ro và chiến lược phát triển cho doanh nghiệp.

Nguồn: “Infographic explaining IFRS SI, S2 standards.” Lythouse, Apr 30. 2024
Bộ chuẩn mực nhấn mạnh bốn yếu tố: quản trị, chiến lược, quản lý rủi ro, số liệu mục tiêu. Sự ra đời của các chuẩn mực này thách thức các doanh nghiệp rằng thay vì chỉ nêu bật được những thành tựu đã đạt được hay cơ hội có được từ chuyển đổi xanh, mà giờ đây doanh nghiệp cũng phải đảm bảo được tính minh bạch về rủi ro, những việc chưa làm được cũng như các tác động chưa tích cực của doanh nghiệp tới môi trường và xã hội.
Tương lai không còn chỗ cho sự bị động

Nguồn: Peshcova. Getty Images
Đối mặt với việc biến đổi khí hậu ngày càng hiện diện rõ nét hơn trong báo cáo tài chính, giờ đây doanh nghiệp chỉ có hai sự lựa chọn: hoặc bứt phá để thích nghi, hoặc dần dần bị đào thải.
Những rủi ro khí hậu không chỉ đơn giản là rủi ro vật lý như thiên tai, hạn hán gây ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng của doanh nghiệp,.. Mà còn là rủi ro tài chính ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp ví dụ như rủi ro về mặt chính sách như hạn mức phát thải, việc áp đặt thuế carbon từ chính phủ khắt khe hơn,.. Đây đều là các thông tin cần phải được phản ảnh trong báo cáo. Chúng không chỉ ảnh hưởng lên hiệu quả tài chính của doanh nghiệp mà còn trực tiếp ảnh hưởng tới chiến lược kinh doanh trong tương lai của doanh nghiệp.
Đối với những doanh nghiệp biết cách chủ động tích hợp rủi ro khí hậu vào chiến lược phát triển và minh bạch thông tin sẽ nâng cao được năng lực cạnh tranh, hay bên cạnh đó sẽ là một bước tiến giúp cho nhà đầu tư và khách hàng của doanh nghiệp lựa chọn việc đặt niềm tin vào doanh nghiệp đó. Còn ngược lại, đối với những doanh nghiệp cứ tiếp tục trì hoãn, lẩn tránh vấn đề thì đây sẽ trở thành rủi ro lớn nhất cho doanh nghiệp đó. Điều này có thể sẽ dẫn tới sự diệt vong của doanh nghiệp trong một tương lai không xa.
Nguồn: TheLEADER