Vì Một Việt Nam Xanh và Phát Triển Bền Vững
Thư viện sáng kiến
01/11/2024 12:27
Đơn vị thực hiện
-
Hạng mục
DỰ ÁN
-
Thời gian
TỪ 2024 ĐẾN NAY
-
Lĩnh vực
HÀNH ĐỘNG VỀ KHÍ HẬU
Dự án "Vì một Việt Nam xanh và phát triển bền vững" hướng tới phục hồi rừng trên hành lang kết nối giữa Hòa Bình và Sơn La - một trong những lá phổi xanh quan trọng của Việt Nam. Theo kế hoạch, dự án hướng tới phục hồi 500 ha rừng ở Hòa Bình và Sơn La trước năm 2032. Sự hợp tác giữa Vietnam Airlines, MoMo và PanNature giúp dự án tối đa hóa nguồn lực của ba đơn vị uy tín. Trong đó, Vietnam Airlines là hãng hàng không quốc gia với tập khách hàng lớn; MoMo là Ví điện tử số 1 Việt Nam và PanNature với là kinh nghiệm 20 năm triển khai các dự án bảo tồn. Đến nay, dự án đã phục hồi được một diện tích rừng lớn và đặc thù vốn đã bị suy thoái nghiêm trọng, gia tăng chất lượng và trữ lượng carbon rừng, tạo sinh cảnh sống cho nhiều loài động vật hoang dã, đồng thời góp phần nâng cao sinh kế cho bà con sống dựa vào rừng.
Bối cảnh ra đời của dự án
Bảo vệ và phục hồi rừng là nhiệm vụ chung của toàn cầu được nhấn mạnh tại nhiều Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học. Liên hợp quốc kêu gọi áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên, trong đó, phục hồi rừng là một trong những biện pháp quan trọng để đạt được các mục tiêu bảo tồn trong thập kỷ phục hồi hệ sinh thái (2021-2030). Hưởng ứng lời kêu gọi này, năm 2021, Chính phủ Việt Nam phát động Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025”. Cũng từ đây, phong trào trồng cây xanh, trồng phục hồi rừng trở thành một trong những mục tiêu ưu tiên của các tổ chức bảo tồn và các doanh nghiệp phát triển bền vững.
Khu vực Tây Bắc từng sở hữu những cánh rừng giàu có về đa dạng sinh học, nhưng hiện đang bị suy thoái và phân mảnh nghiêm trọng do các hoạt động phát triển, sản xuất nông nghiệp và nạn phá rừng. Dải rừng tự nhiên trên hành lang núi đá kết nối giữa Mai Châu (Hòa Bình) và Vân Hồ (Sơn La) là một ví dụ điển hình. Dải rừng này cũng chính là đầu nguồn của dòng sông Đà và sông Hồng, những dòng sông nuôi dưỡng bao thế hệ cư dân vùng châu thổ Bắc Bộ và là quê hương của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao với các nét văn hóa gắn bó chặt chẽ với rừng.
Việc suy giảm diện tích rừng do nạn phá rừng, khai thác gỗ trái phép và chuyển đổi mục đích sử dụng đất gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với hệ sinh thái và tác động mạnh mẽ đến cuộc sống của người dân địa phương, những người có sinh kế và văn hóa gắn liền với rừng. Do đó, việc phục hồi rừng không chỉ giúp khôi phục hệ sinh thái mà còn tạo ra các hành lang kết nối sinh cảnh, nơi trú ẩn an toàn cho các loài động, thực vật; giúp bảo vệ cảnh quan, giảm thiểu xói mòn, sạt lở đất và hạn chế các hiện tượng lũ ống, lũ quét thường xuyên xảy ra tại miền núi. Những cánh rừng được phục hồi cũng giúp cộng đồng địa phương phát triển sinh kế từ mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch bảo tồn, nâng cao nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng và các lâm sản phụ từ rừng.
Công cuộc trồng phục hồi rừng trên hành lang núi đá kết nối giữa Mai Châu (Hòa Bình) và Vân Hồ (Sơn La) cũng đối mặt với rất nhiều khó khăn do đặc thù địa lý, xã hội và môi trường của khu vực. Cả hai đều là khu vực núi đá lớn và địa hình gồ ghề, địa hình dốc khiến cây trồng khó sinh trưởng và phát triển mạnh mẽ. Do đó, trồng rừng trên địa hình đồi núi cần kỹ thuật đặc biệt, chọn loại cây phù hợp để đảm bảo tỉ lệ sống của cây cao hơn và cần nhiều giải pháp bảo vệ khác. Song hành với những thách thức về địa hình và kỹ thuật, nguồn lực tài chính huy động từ cộng đồng và doanh nghiệp là yếu tố vô cùng quan trọng để phục hồi và bảo tồn rừng hiệu quả.
Trong bối cảnh đó, Dự án "Vì một Việt Nam xanh và phát triển bền vững" ra đời với mục tiêu tạo ra một giải pháp đột phá bằng cách kết hợp sức mạnh của doanh nghiệp lớn, công nghệ hiện đại để huy động nguồn lực từ cộng đồng. Sự hợp tác giữa Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam, Siêu ứng dụng MoMo với PanNature đã mở ra một hướng đi mới trong việc tạo động lực và thu hút sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động bảo vệ rừng.
"Vì một Việt Nam xanh và phát triển bền vững" có thể xem là một sáng kiến mang tính đột phá, không chỉ giúp giải quyết vấn đề tài chính mà còn nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường và những điều tốt đẹp cho xã hội.
Sáng kiến - phát kiến của dự án
Dự án "Vì một Việt Nam xanh và phát triển bền vững" là sáng kiến đầu tiên kết hợp ba đơn vị uy tín: Vietnam Airlines, MoMo và PanNature. Dự án này tận dụng tập khách hàng hiện có của Vietnam Airlines, nền tảng tài chính - công nghệ tối ưu từ MoMo, và kinh nghiệm của PanNature trong triển khai các dự án bảo tồn và phục hồi rừng. Cụ thể:
Vietnam Airlines và MoMo cùng trích doanh thu 5.000 đồng - tương đương 1 chiếc “Lá” - từ mỗi giao dịch mua vé máy bay Vietnam Airlines trị giá trên 2 triệu đồng, góp vào Dự án triển khai chương trình phục hồi rừng trong năm 2024. Sự hợp tác này không chỉ đóng góp thiết thực cho việc phục hồi rừng mà còn thu hút sự quan tâm của hàng triệu khách hàng từ hai đối tác, khơi dậy phong trào “làm việc tốt” trực tuyến một cách thuận tiện.
Hơn 30 triệu người dùng MoMo trên toàn quốc có thể tham gia "Vì một Việt Nam xanh và phát triển bền vững" bằng cách mua vé Vietnam Airlines trên MoMo; hoặc thanh toán vé máy bay bằng MoMo trên website/ ứng dụng Vietnam Airlines, tạo nên sự gắn kết và thể hiện trách nhiệm xã hội của cả doanh nghiệp và khách hàng.
PanNature với chuyên môn và kinh nghiệm làm việc với chính quyền cùng cộng đồng địa phương sẽ tổ chức thiết kế và triển khai hoạt động phục hồi rừng. PanNature lựa chọn phương pháp tiếp cận từ dưới lên nhằm đảm bảo sự tham gia của cộng đồng và tính bền vững của dự án. Ngay từ khi bắt đầu, PanNature đã tham vấn ý kiến từ cộng đồng và chính quyền địa phương để lựa chọn diện tích trồng và loại cây lâm nghiệp bản địa phù hợp. Sự tham gia của chính quyền địa phương và người dân từ khâu ra quyết định đến việc trực tiếp thực hiện các hoạt động trồng rừng giúp tạo động lực để họ tiếp tục chăm sóc và bảo vệ rừng sau này.
Dự án cũng minh chứng sự hợp tác đa bên có thể tạo ra một mô hình huy động mới thay vì chỉ phụ thuộc vào các nguồn tài trợ truyền thống cho các dự án cộng đồng.
Mục tiêu - tầm nhìn dự án
Mục tiêu ngắn hạn
Phục hồi 50 ha rừng trong năm 2024 với hơn 30.000 cây bản địa là bước đầu tiên quan trọng nhằm khôi phục diện tích rừng bị suy thoái và phục hồi sinh cảnh cho khu vực hành lang rừng tự nhiên giáp ranh giữa Mai Châu và Vân Hồ. Đây là hệ sinh thái rừng tự nhiên quan trọng, giúp kết nối sinh cảnh sống của loài Vượn đen má trắng nguy cấp quý hiếm và nhiều loài động vật hoang dã khác.
Mục tiêu dài hạn
- Dự án "Vì một Việt Nam xanh và phát triển bền vững" hướng tới phục hồi 500 ha rừng ở Hòa Bình và Sơn La trước năm 2032, trong đó, doanh nghiệp, khách hàng sẽ là những người đóng góp tài chính, PanNature là đơn vị phụ trách kỹ thuật, triển khai và giám sát; chính quyền và cộng đồng địa phương sẽ là đơn vị trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng.
- Một trong những mục tiêu chính của dự án là gia tăng diện tích cho những cánh rừng Tây Bắc thông qua các hoạt động khôi phục, trồng lại những diện tích rừng đã mất nhằm phục hồi lại cảnh quan và hệ sinh thái rừng vốn đã bị suy thoái nghiêm trọng. Sinh khối và đa dạng sinh học của khu vực được cải thiện đáng kể sau 5, 10 năm thực hiện Dự án, quần thể các loài hoang dã trong đó có loài Vượn đen má trắng sẽ gia tăng.
- Dự án cũng đặt ra mục tiêu quan trọng là nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò thiết yếu của việc bảo vệ môi trường và tầm quan trọng của các các hệ sinh thái rừng thông qua khuyến khích đóng góp từ khách hàng và sự tham gia của cộng đồng địa phương trong việc trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng.
- Dự án cũng hy vọng có thể tạo ra những thay đổi tích cực, nâng cao sinh kế cho các cộng đồng sống gần rừng thông qua thúc đẩy các hoạt động du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm thiên nhiên và văn hóa địa phương.
Tầm nhìn
- "Vì một Việt Nam xanh và phát triển bền vững" được xây dựng nhằm hồi phục, chăm sóc và bảo tồn hiệu quả những diện tích rừng tự nhiên bị suy thoái, giúp giảm thiểu tình trạng phá rừng, đồng thời góp phần nâng cao sinh kế cho bà con sống dựa vào rừng.
- Dự án cũng kỳ vọng có thể đánh giá sự thay đổi hiện trạng rừng và sinh khối, trữ lượng carbon đáng kể của khu vực để trở thành mô hình thực hành tốt tại nhiều khu vực rừng tự nhiên khác trong cả nước
- Dự kiến trong 10 năm tới, những khoảng rừng được ươm trồng sẽ sinh sôi, tạo thành một hệ sinh thái hoàn chỉnh, từ đó các loài động thực vật sẽ trở lại hồi sinh quần thể sống động. Trong đó kỳ vọng sự trở lại ngoạn mục của các loài nguy cấp quý hiếm như Vượn đen má trắng.
- Dự án mong muốn có thể phát triển các mô hình sinh kế bền vững, giúp người dân địa phương có thể duy trì sinh kế gắn với rừng như khai thác lâm sản ngoài gỗ, cung cấp các dịch vụ du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. Những cánh rừng được hồi sinh sẽ mở ra những cung đường trekking tuyệt đẹp, những khung cảnh săn mây hùng vĩ, và các bản làng văn hóa đậm tính dân tộc vùng cao,... Tất cả sẽ là kho báu tự nhiên để người dân khu vực phát triển sinh kế, thoát nghèo, nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần.
- Hành lang rừng Mai Châu - Vân Hồ cũng được kỳ vọng sẽ trở thành tấm chắn thiên nhiên bảo vệ vùng đất khỏi thiên tai, lũ quét, sạt lở, bảo đảm an toàn - gắn liền với nâng cao nhận thức bảo vệ rừng cho các thế hệ sau.
Quá trình triển khai - Phạm vi - Chi phí của dự án
Dự án "Vì một Việt Nam xanh và phát triển bền vững" được triển khai qua các giai đoạn:
Giai đoạn 1: Khởi động và gây quỹ
Dự án tập trung vào việc huy động nguồn lực từ cộng đồng thông qua việc khuyến khích khách hàng mua vé Vietnam Airlines trên MoMo hoặc thanh toán vé máy bay bằng MoMo trên website/ ứng dụng Vietnam Airlines theo sáng kiến Góp lá vá rừng.
Giai đoạn 2: Chuẩn bị diện tích và cây giống
- PanNature phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, Hạt Kiểm lâm và Khu Bảo tồn để tiến hành rà soát và đánh giá hiện trạng các diện tích đất rừng trống. Trên cơ sở đánh giá thực tế từng vị trí đất rừng, PanNature và lực lượng kiểm lâm sẽ lập danh sách các loài cây bản địa phù hợp để phục hồi rừng, đồng thời lấy ý kiến đóng góp từ UBND xã cũng như cộng đồng địa phương để lựa chọn loại cây phù hợp.
- Những loài cây được chọn để trồng rừng phải đáp ứng ba tiêu chí quan trọng: là cây bản địa, có khả năng cung cấp nguồn thu phụ từ lâm sản ngoài gỗ, và được cộng đồng đồng thuận lựa chọn. Dựa trên danh sách các loài cây đã được lựa chọn, cùng với điều kiện thực tế của từng vị trí trồng, PanNature và lực lượng kiểm lâm sẽ thiết kế kế hoạch trồng rừng cho các diện tích đất rừng trống.
- PanNature lập danh sách, lựa chọn các đơn vị cung cấp giống cây lâm nghiệp đảm bảo chất lượng, yêu cầu kỹ thuật và được Nhà nước cấp phép để tiến hành đặt mua. Những giống cây được chọn chủ yếu là các loài bản địa như. dổi, trám, dâu da,... Đây là các loài cây này được chọn dựa trên cấu trúc tầng tán của rừng và tốc độ phát triển đan xen, nhằm đảm bảo rừng sẽ sớm đạt được độ che phủ tự nhiên.
- Chính quyền địa phương và lực lượng kiểm lâm sẽ tuyên truyền, huy động sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động trồng rừng. Sự tham gia này sẽ tập trung vào các chủ rừng, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, và lực lượng công chức, viên chức của xã. Đồng thời, chính quyền và cộng đồng địa phương cũng sẽ chịu trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ rừng sau khi trồng.
Giai đoạn 3: Triển khai trồng rừng
Người dân địa phương sẽ tham gia tích cực vào quá trình trồng rừng, chăm sóc cây, theo dõi tỷ lệ sống của cây, và thực hiện trồng dặm rừng trong ba năm đầu sau khi trồng để đảm bảo rằng diện tích rừng đã trồng được phục hồi hoàn toàn. Sự tham gia của cộng đồng không chỉ đảm bảo sự thành công của chương trình phục hồi rừng mà còn thể hiện cam kết mạnh mẽ của họ trong việc duy trì và phát triển các nguồn tài nguyên rừng quý giá.
Bên cạnh đó, cộng đồng sẽ được hưởng lợi từ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, tiền quản lý bảo vệ rừng, cũng như các nguồn lâm sản phụ khác trên diện tích rừng mà họ đã tham gia trồng và quản lý.
Giai đoạn 4: Theo dõi và chăm sóc
- PanNature, với văn phòng hiện trường tại Vân Hồ, tỉnh Sơn La, sẽ đảm nhiệm vai trò giám sát và thúc đẩy các hoạt động bảo vệ và chăm sóc rừng. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật chuyên môn của PanNature sẽ làm việc chặt chẽ với lực lượng kiểm lâm và cộng đồng địa phương để đảm bảo các diện tích rừng được trồng mới được quản lý hiệu quả và phát triển bền vững.
- Ngay sau khi trồng rừng, PanNature sẽ tiến hành kiểm tra tỷ lệ sống của cây sau ba tháng đầu tiên để đánh giá chính xác tình trạng của các cây mới trồng và kịp thời thực hiện các biện pháp trồng dặm những cây không sống được. Đây là một bước quan trọng để đảm bảo sự thành công của hoạt động trồng rừng, giúp giảm thiểu những tổn thất có thể xảy ra trong giai đoạn đầu tiên sau khi cây được trồng xuống đất.
- Để đảm bảo sự phát triển liên tục và bền vững của các diện tích rừng trồng, PanNature sẽ sử dụng các công cụ giám sát và tổ chức các cuộc tuần tra, giám sát định kỳ mỗi 6 tháng. Trong các đợt tuần tra này, cán bộ của PanNature cùng với kiểm lâm và cộng đồng sẽ kiểm tra tình trạng phát triển của rừng, phát hiện kịp thời các vấn đề như sâu bệnh hay tình trạng xâm lấn đất rừng. Từ đó, các biện pháp khắc phục sẽ được đưa ra kịp thời để đảm bảo rừng tiếp tục phát triển tốt.
- Để tăng cường trách nhiệm của các chủ rừng, PanNature yêu cầu mỗi chủ rừng phải ký cam kết trước khi tham gia trồng rừng, có xác nhận của chính quyền địa phương. Cam kết này bao gồm các điều khoản về việc chăm sóc, bảo vệ diện tích rừng mà họ quản lý, đồng thời đặt ra các tiêu chí và quy định rõ ràng về việc duy trì rừng sau khi trồng. Đây không chỉ là một bước thủ tục, mà còn là một hành động thể hiện sự cam kết và trách nhiệm của các chủ rừng đối với việc bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng trong khu vực. PanNature sẽ theo dõi sát sao việc thực hiện các cam kết này, nhằm đảm bảo rằng mỗi diện tích rừng được chăm sóc và bảo vệ đúng theo tiêu chuẩn đã đặt ra.
Kết quả đạt được
Tiềm năng nhân rộng mô hình
- "Vì một Việt Nam xanh và phát triển bền vững" có tiềm năng nhân rộng nhờ vào mô hình hợp tác hiệu quả giữa các doanh nghiệp tiên phong, tổ chức bảo tồn uy tín và cộng đồng địa phương. Sự kết hợp giữa công nghệ hiện đại và sự tham gia tích cực của cộng đồng cùng doanh nghiệp đã tạo ra một phương thức mới trong việc huy động nguồn lực, đồng thời nâng cao nhận thức xã hội về bảo vệ môi trường. Đây có thể là kinh nghiệm quý giá để các doanh nghiệp có thể dễ dàng học hỏi và áp dụng. Nhờ vậy, tác động tích cực của dự án sẽ được nhân rộng, góp phần vào sự phát triển bền vững của Việt Nam.
- Khi doanh nghiệp tích hợp trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường vào hoạt động kinh doanh, họ không chỉ đảm bảo tính bền vững cho các sáng kiến bảo vệ môi trường mà còn tạo ra nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài. Chiến lược này không chỉ giúp doanh nghiệp xây dựng giá trị kinh tế bền vững mà còn càng gia tăng sự tin tưởng từ cộng đồng, khách hàng, và đối tác, giúp doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm xã hội, củng cố hình ảnh và uy tín thương hiệu cũng như thích ứng tốt hơn với những biến động của thị trường và môi trường.
- Sự thành công của dự án là huy động được nguồn ngân sách và triển khai phục hồi rừng trong khoảng thời gian ngắn - bằng chứng rõ ràng cho thấy rằng sự hợp tác đa phương, khi được thực hiện một cách hiệu quả, có thể tạo ra những thay đổi sâu rộng và lâu dài cho môi trường và xã hội, góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững chung của Việt Nam và toàn cầu.
- Vietnam Airlines đã đưa dự án Góp lá vá rừng vào cuộc thi Thử thách hàng không The Aviation Challenge, do liên minh hàng không SkyTeam khởi xướng, nhằm thúc đẩy các giải pháp bền vững toàn cầu. Tính đến ngày 7/10/2024, chiến dịch đã trồng được 35.000 cây xanh, tương đương 53 hecta rừng, vượt xa mục tiêu ban đầu là 30.000 cây và 50 hecta trong năm 2024. Đây là một bước tiến quan trọng, chứng tỏ sự hiệu quả và quy mô phát triển của sáng kiến này không chỉ tại Việt Nam mà còn mở ra tiềm năng áp dụng trên toàn cầu. Chiến dịch Góp lá vá rừng còn được SkyTeam ghi nhận bằng cách đưa vào thư viện sự kiện của liên minh này. Với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các đối tác, sáng kiến đã thu hút sự quan tâm rộng rãi khi được đăng tải trên 38 trang tin và báo chí, tiếp cận tới 1,84 triệu lượt người, tạo ra một làn sóng tích cực lan tỏa thông điệp về bảo vệ môi trường. Việc sáng kiến được đưa vào thư viện sự kiện của SkyTeam không chỉ góp phần nâng tầm uy tín của Vietnam Airlines, mà còn khẳng định vị thế tiên phong của hãng trong các nỗ lực bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Bản quyền và tính hợp pháp của các hình ảnh, video, thông tin, dữ liệu về dự án được đăng tải trên landing page (trang thông tin dự án) này do cá nhân/ tổ chức đăng ký tham gia giải thưởng cung cấp và chịu trách nhiệm.