Trường Học Hạnh Phúc
Thư viện sáng kiến
15/11/2024 17:08

Dự án Trường học Hạnh phúc (THHP) được thực hiện bởi Eurasia Learning Institute (ELI), là sự tiếp nối và phát triển công việc của Hiệp Hội Eurasia trong các lĩnh vực giáo dục & giáo dục đặc biệt. Trường học Hạnh phúc được ra đời trước thực trạng sức khỏe tinh thần của học sinh tại nhiều quốc gia đang bị suy giảm, mặc dù thành tích học tập rất cao nhưng sự an lạc, hạnh phúc của học sinh lại trở nên thấp hơn.
Dự án dựa trên những khuyến nghị và mô hình do UNESCO đề xuất, những nghiên cứu khoa học mới nhất và những kinh nghiệm thực hành tốt nhất đã được kiểm chứng trên thế giới. Từ đó hướng tới mục tiêu nâng cao hạnh phúc và sự an lạc của cộng đồng trong trường học, bao gồm: học sinh, giáo viên, phụ huynh và các nhà quản lý. Trong đó, dự án đã phát triển chương trình đào tạo dựa trên ba học phần cơ bản với hệ thống lý thuyết nền tảng sâu sắc và dễ hiểu, bao gồm: Tự nhận thức dựa trên sự chú tâm, Học tập Cảm xúc - Xã hội (SEL) và Tái kết nối với Thiên Nhiên. Chương trình này có khả năng thích ứng với những bối cảnh khác nhau, cộng hưởng các năng lực nội tại cá nhân, giữa các cá nhân và hệ thống. Từ đó, giúp cải thiện sức khỏe tinh thần của học sinh.
Trong giai đoạn đầu tiên, từ năm 2018 – 2022 dự án đã được thí điểm thành công với 9 điểm trường công lập tại Huế và tiếp tục triển khai giai đoạn hai từ năm 2022- 2025 thí điểm với 6 điểm trường tại Hà Nội.
Phần 1
Bối cảnh ra đời của dự án
Dự án Trường học Hạnh phúc khởi đầu từ việc nhận thấy sự khác biệt rõ ràng giữa thành tích học tập và hạnh phúc của học sinh. UNESCO tại Bangkok đã thực hiện một nghiên cứu ở nhiều quốc gia có thành tích học tập cao nhất theo khung đánh giá PISA, như Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan và Hồng Kông. Kết quả chỉ ra rằng mặc dù thành tích học tập của học sinh ở những quốc gia này rất cao, vượt mức trung bình của OECD, nhưng sức khỏe tinh thần của họ lại khá thấp. Điều này làm dấy lên câu hỏi về mối liên hệ giữa thành tích học tập và sự an lạc của học sinh, bao gồm sức khỏe tinh thần, mức độ căng thẳng, và thậm chí tỷ lệ tự tử. Từ đây, UNESCO đã công bố báo cáo mang tên "Trường học Hạnh phúc" để giải quyết vấn đề này.
Vào thời điểm đó, tiến sĩ Hà Vĩnh Thọ - Người sáng lập Hiệp hội Eurasia và Học viện Eurasia (ELI), đang đồng thời đảm nhiệm vị trí Giám đốc chương trình của Trung tâm Tổng Hạnh phúc Quốc gia Bhutan, phát triển chương trình "Tổng Hạnh phúc Quốc gia trong Giáo dục" với mục tiêu cải thiện sức khỏe tinh thần và thay đổi cơ cấu giáo dục dựa trên triết lý Tổng Hạnh phúc Quốc gia, tập trung vào hạnh phúc và an lạc của tất cả các dạng sống.
Lấy cảm hứng từ báo cáo của UNESCO tại Bangkok, Eurasia đã hợp tác cùng Sở Giáo Dục và Đào Tạo Tỉnh Thừa Thiên Huế, Đại Học Sư Phạm - Đại Học Huế phát triển chương trình đầu tiên mang tên "Giáo dục sự quan tâm" (Call to Care), kết hợp minh triết truyền thống và dữ liệu nghiên cứu khoa học, với sự tài trợ từ Viện Tâm thức & Đời sống ở Hoa Kỳ. Chương trình thí điểm được triển khai trong năm 2015 - 2016 tại hai trường Tiểu học trên địa bàn Thành phố Huế.
Nhận thấy những thách thức về biến đổi khí hậu trong thời đại ngày nay, Tiến sĩ Hà Vĩnh Thọ tiếp tục hoàn thiện giáo trình "Trường học Hạnh phúc" nêu rõ về tầm quan trọng của việc giáo dục học sinh về ba quan tâm: Quan tâm đến chính mình, Quan tâm đến người khác và Quan tâm đến môi trường và hành tinh.
Dựa trên kinh nghiệm từ lĩnh vực giáo dục đặc biệt và chương trình "Giáo dục sự Quan tâm", ELI bắt đầu phát triển chương trình Trường học Hạnh phúc, với mục tiêu nâng cao hạnh phúc và an lạc của học sinh, trước hết là thông qua việc nâng cao hạnh phúc và an lạc của giáo viên.
Đến năm 2018, Sở Giáo dục và Đào tạo của tỉnh Thừa Thiên Huế, đã chính thức ký kết biên bản hợp tác về chương trình tập huấn cho giáo viên và hỗ trợ ứng dụng chương trình "Trường học Hạnh phúc" cho hệ thống trường công lập.
Phần 2
Sáng kiến - phát kiến của dự án
Sáng kiến chủ đạo của Dự án Trường học Hạnh phúc ở Việt Nam là một chương trình đào tạo gồm bốn giai đoạn:
Giai đoạn 1: Phỏng vấn & xác định các giải pháp phù hợp với trường học tại Việt Nam
Tổ chức phỏng vấn nhóm với học sinh, giáo viên, ban giám hiệu và cán bộ giáo dục để xác định các thách thức mà trường học ở Việt Nam đang đối mặt và hình dung các giải pháp thực tế.
Giai đoạn 2: Lựa chọn & đào tạo chuyên viên
Lựa chọn và đào tạo chuyên viên huấn luyện có nền tảng vững chắc trong lĩnh vực giáo dục và/hoặc dạy học cho người lớn. Chương trình đào tạo này bao gồm 3 học phần được thực hiện trong vòng 1 năm.
Giai đoạn 3: Tổ chức tập huấn cho giáo viên
Chuyên viên huấn luyện sẽ tổ chức tập huấn cho giáo viên để chuyển giao kiến thức, kỹ năng và thái độ giúp giáo viên triển khai chương trình Trường học Hạnh phúc trong các lớp học của họ
Giai đoạn 4: Triển khai chương trình ở trường và các lớp học
Với sự hỗ trợ, cố vấn của chuyên viên huấn luyện, giáo viên sẽ triển khai chương trình Trường học Hạnh phúc ở trường và lớp học của họ, cùng với các đồng nghiệp. Mục tiêu là tích hợp Giáo Dục Cảm Xúc vào chương trình giáo dục hiện hành, chứ không xây dựng thành một môn học độc lập.
Đặc biệt, Dự án Trường học Hạnh phúc ở Việt Nam được thực hiện dựa trên một khung lý thuyết tích hợp từ nhiều thành tố:
- Tổ chức Eurasia có hơn 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt, đã thử nghiệm thành công nhiều phương pháp học tập và thực hành hiệu quả lấy cảm hứng bởi phong trào giáo dục Waldorf và Camphill.
- Giáo dục sự Quan tâm (Call to Care): Một chương trình thí điểm được tiến hành ở Thành phố Huế với 454 học sinh tiểu học, 37 học sinh tiểu học và 19 trẻ vị thành niên có nhu cầu đặc biệt, cùng sự tham gia của 26 giáo viên và hiệu trưởng các trường.
- Các kiến nghị về giáo dục trong một số báo cáo của UNESCO
- Các nghiên cứu mới nhất về khoa học thần kinh và hạnh phúc được ứng dụng trong giáo dục.
- Các phương pháp thực hành tốt nhất đã được kiểm chứng quốc tế để tạo dựng hạnh phúc và an lạc cho cộng đồng tại trường học.
Dự án cũng xác định các yếu tố quyết định cho sự thành công của dự án, cũng có thể được coi là các sản phẩm chính yếu của dự án:
1. Nhóm giáo viên nòng cốt: Dự án tập trung vào việc trao quyền cho các giáo viên giáo dục phổ thông trở thành điều phối viên / người hỗ trợ dự án, xây dựng năng lực của họ thông qua đào tạo trực tiếp và hỗ trợ / tư vấn tại chỗ trong suốt quá trình thực hiện tại trường học và lớp học.
2. Bộ công cụ thực hành: Bao gồm một sách giáo trình (sách Happy Schools, đã được phát hành bởi Thái Hà Books) và một sách bài tập được xây dựng với các thực hành phù hợp với từng nhóm tuổi khác nhau và những giáo án mẫu thực tế được điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh trường học Việt Nam, sách được biên soạn trong sự cộng tác với nhóm giáo viên nòng cốt.
Phần 3
Mục tiêu - tầm nhìn dự án
Mục tiêu của dự án này là xây dựng một khuôn khổ đào và phương pháp thực hành rõ ràng, bao gồm chương trình đào tạo giáo viên, từ lớp 1 đến lớp 12. Từ đó, nâng cao nhận thức rằng Hạnh phúc đích thực có thể đạt được nếu học sinh có cơ hội học tập và thực hành 3 khía cạnh của sự Quan tâm:
- Tự quan tâm: Học cách phát triển toàn diện tiềm năng của bản thân: kiến thức, năng lực, kỹ năng, tài năng và óc sáng tạo.
- Quan tâm đến người khác và xã hội: Học cách sống hòa hợp với người khác, tạo ra các mối quan hệ có ý nghĩa, trở thành công dân có trách nhiệm và đóng góp cho một xã hội hạnh phúc.
- Quan tâm đến môi trường và hành tinh: Học cách tôn trọng và bảo vệ môi trường thiên nhiên quanh ta và sống hòa hợp với Thiên nhiên.
Phần 4
Quá trình triển khai - Phạm vi - Chi phí của dự án
Quá trình triển khai - Phạm vi thực hiện
Giai đoạn 1 (Từ 2018 – 2022): Thí điểm tại Huế
Trong giai đoạn này, dự án đã bắt đầu với 9 trường tại Thừa Thiên Huế, bao gồm 3 trường tiểu học, 3 trường trung học cơ sở, và 3 trường trung học phổ thông, để có cái nhìn toàn diện về hệ thống trường học. Các trường này đại diện cho các nhóm dân cư có hoàn cảnh kinh tế xã hội khác nhau. Hơn 240 giáo viên đã tham gia vào các đợt tập huấn trong suốt quá trình của dự án.
Trong suốt ba năm, chương trình đã được triển khai và ELI tiếp tục hỗ trợ giáo viên trong việc ứng dụng các kiến thức và kỹ năng vào lớp học. Toàn bộ quá trình này được Đại học Huế theo dõi và đánh giá, xác nhận những tác động tích cực của dự án.
Ngoài ra, vào tháng 04/2023 ELI cùng Đại học Sư Phạm Huế và Sở GD&ĐT Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã tổ chức thành công Hội nghị chuyên đề Quốc tế về “Trường học Hạnh phúc” với chủ đề "Có thể học được kỹ năng kiến tạo Hạnh phúc không?".
Tổng ngân sách dự án cho giai đoạn này là: 3,429,300,000 VND
Giai đoạn 2 (Từ 2022 – 2025): Thí điểm tại Hà Nội
Dự án Trường học Hạnh phúc tiếp tục được thí điểm tại 6 trường công lập tại quận Ba Đình, Hà Nội. Trong đó, dự án đã hợp tác với Sở GD&ĐT Quận Ba Đình, vừa kết thúc năm thứ hai, chuẩn bị bước vào năm thứ ba của dự án. Tính đến hiện nay, dự án đã triển khai 6 đợt tập huấn tập trung. Tham gia trực tiếp có 38 giáo viên nòng cốt trong năm đầu tiên và 42 giáo viên năm thứ hai, cùng sự hưởng lợi của hơn 3,200 học sinh từ 7 trường tại quận Ba Đình.
Tổng ngân sách dự án cho giai đoạn này: 2,145,475,771 VND.
Phần 5
Kết quả đạt được
#1. Kết quả định tính
- Học sinh tham gia dự án có các kỹ năng cảm xúc xã hội tốt hơn: Những học sinh thực hành các hoạt động dựa trên hạnh phúc (trong cả ba hình thức quan tâm: tự quan tâm, quan tâm đến người khác và quan tâm đến thiên nhiên) có xu hướng có các kỹ năng cảm xúc xã hội tốt hơn, đồng thời trải nghiệm mức độ hài lòng trong cuộc sống cao hơn và mức độ đau khổ tâm lý thấp hơn.
- Các hoạt động được triển khai đa dạng: Kết quả từ dữ liệu định tính cho thấy các trường triển khai đa dạng các hoạt động dựa trên hạnh phúc ở cả ba khía cạnh của sự quan tâm, trong đó hoạt động tự quan tâm được chú trọng nhất. Những người tham gia cũng thấy mình được cải thiện cả về kỹ năng cảm xúc xã hội, đặc biệt là khả năng tự quản lý hạnh phúc thể chất và tinh thần thông qua các thực hành đơn giản nhưng đều đặn.
- Sự thay đổi tích cực về các kỹ năng cảm xúc của giáo viên & học sinh: Họ cũng ghi nhận những thay đổi tích cực đáng kể của giáo viên về kỹ năng cảm xúc xã hội cũng như kỹ năng hạnh phúc. Đặc biệt, các em đã tiến bộ hơn rất nhiều trong kỹ năng tự quản lý và tràn đầy năng lượng. Học sinh được hưởng lợi rất nhiều từ những thay đổi này, điều này giúp mối quan hệ giữa học sinh và giáo viên tốt hơn cũng như tạo ra một môi trường hỗ trợ và quan tâm.
- Ngoài ra, dự án cũng đã hợp tác với Thaihabooks xuất bản cuốn sách "Happy Schools - Mỗi ngày đến trường là một ngày vui".
#2. Kết quả định lượng
Phần 6
Tiềm năng nhân rộng mô hình
Tại Việt Nam, đặc biệt là Huế và Hà Nội, dự án Trường Học Hạnh Phúc đã tạo ra một chương trình giúp các giáo viên thực hành kĩ năng hạnh phúc để chuyển hóa nội tâm, từ đó tạo điều kiện cho những thay đổi ở cấp lớp học và cấp trường.
- Sự ủng hộ từ các cơ quan, tổ chức: Ở cấp độ hệ thống, dự án đã nhận được sự quan tâm và hỗ trợ của Sở Giáo dục cấp tỉnh, và quý Sở đã bày tỏ mong muốn nhân rộng mô hình HS đến mọi trường công lập trên địa bàn tỉnh. Dự án cũng nhận được rất nhiều yêu cầu từ nhiều tỉnh thành khác, từ các trường công lập và lẫn tư thục.
- Các hình thức hợp tác đa dạng được hình thành: Sau Hội nghị Quốc tế về Trường học Hạnh phúc, rất nhiều hình thức hợp tác nảy nở chính là cơ hội để phát triển giáo trình và quá trình triển khai, dựa trên nghiên cứu khoa học mới nhất và các phương pháp tốt nhất đã được kiểm nghiệm quốc tế. Nhằm nâng cao Hạnh phúc và an lạc của toàn bộ cộng đồng trường học: học sinh, giáo viên, phụ huynh và những nhà quản lý.
- Mở rộng phạm vi với chương trình trực tuyến: Hiện tại, dự án được phát triển thành chương trình trực tuyến tại Việt Nam và Quốc tế, nhằm mục tiêu mở rộng đối tượng và số lượng giáo viên được đào tạo. Đồng thời, thúc đẩy một cộng đồng học tập toàn cầu để giáo viên kết nối, trao đổi và học hỏi lẫn nhau.
Tại Việt Nam, dự kiến thực hiện dự án thí điểm trong 3 năm, từ tháng 11 năm 2024 – tháng 7 năm 2027. Quy mô dự án sẽ là 200 người tham gia trong năm đầu tiên, sau đó mở rộng với tối đa số lượng người tham gia trong hai năm tiếp theo. Một khoá Trường học Hạnh phúc Trực tuyến sẽ bao gồm các bài học chính được đăng tải trên trang web chính của khoá học: happyschools.vn, cùng với các hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ đi kèm như hội thảo trực tuyến, diễn đàn thảo luận và các nhóm học tập.
Với sự phát triển của chương trình Trường học Hạnh phúc Trực tuyến, tiềm năng nhân rộng mô hình này không chỉ dừng lại ở cấp độ quốc gia mà còn có thể lan tỏa ra quốc tế. Việc xây dựng một hệ sinh thái giáo dục dựa trên hạnh phúc, kết hợp giữa tri thức địa phương và khoa học quốc tế, sẽ giúp chương trình trở thành một mô hình tiên phong trong việc thúc đẩy hạnh phúc học đường. Nhờ sự hỗ trợ của các đối tác và cộng đồng giáo dục, dự án có tiềm năng tạo ra sự thay đổi sâu sắc và bền vững trong hệ thống giáo dục, từ đó góp phần xây dựng một thế hệ học sinh và giáo viên hạnh phúc, có năng lực ứng phó với những thách thức của thế kỷ 21.
Bản quyền và tính hợp pháp của các hình ảnh, video, thông tin, dữ liệu về dự án được đăng tải trên landing page (trang thông tin dự án) này do cá nhân/ tổ chức đăng ký tham gia giải thưởng cung cấp và chịu trách nhiệm.