THƯ VIỆN MÙA XUÂN
Thư viện sáng kiến
02/10/2024 10:56
Đơn vị thực hiện
-
Hạng mục
DỰ ÁN
-
Thời gian
TỪ 2022 ĐẾN NAY
-
Lĩnh vực
GIÁO DỤC BÌNH ĐẲNG
Với quan điểm “Đứa trẻ nào cũng là một tài năng! Và trẻ em nơi đâu cũng xứng đáng được hưởng những điều kiện phát triển tốt hơn không phân biệt vùng núi hay nông thôn, thành phố hay đồng bằng. Hãy để trẻ được chơi, đọc, trải nghiệm và nuôi dưỡng ước mơ để trở thành màu sắc mà mình muốn”, dự án cộng đồng với hình thức là một xe sách lưu động mang tên “Thư viện mùa xuân” đã trở thành cầu nối giúp các em nhỏ dân tộc thiểu số từ 3 - 11 tuổi tại các buôn làng, điểm trường vùng sâu vùng xa có cơ hội được tiếp cận với sách và được tham gia các hoạt động vui chơi, trải nghiệm như: vẽ tranh, chơi cờ, xếp hình,... Những chuyến xe của “Thư viện mùa xuân” lăn bánh vừa để đem sách tới các trường học, bản làng vừa là đem theo niềm hy vọng về tương lai tươi sáng cho các em.
Thành lập từ tháng 6/2022 tới nay, dự án “Thư viện mùa xuân” đã phục vụ 50 điểm trường vùng sâu với hơn 15,000 em nhỏ được hưởng lợi và trao tặng 12,000 đầu sách dưới hình thức “tủ sách cầu vồng” gắn tại từng lớp học.
Phần 1
Bối cảnh ra đời của dự án
Năm 2022, anh Phạm Thanh Tuấn (người sáng lập "Thư viện mùa xuân") khi tham gia dự án thiện nguyện "Thư viện về buôn" - một dự án góp sách từ thành phố về tặng các điểm trường tại các buôn làng vùng sâu khó khăn tại tỉnh Dak Lak. Tuy nhiên, rất khó để di chuyển do đường vào các điểm trường rất xấu: mùa khô thì bụi mù mịt, mùa mưa thì sình lầy ngang bánh xe.
Khi đó, anh Tuấn đã thầm nghĩ "Giá mà có một chiếc xe chở sách có thể vượt đường lầy để mang sách và quà bánh vào cho các con thì hay biết mấy". Và tháng 6/2022, chiếc xe tải màu vàng với tên gọi "Thư viện mùa xuân" với biểu tượng cầu vồng chính thức lăn bánh lần đầu tiên tới điểm trường Ea Sol, Ea Hleo, Dak Lak với 100% học sinh là người dân tộc thiểu số là Ê-đê và Ja-rai.
"Thư viện mùa xuân" từ đó cũng trở thành dự án cộng đồng nằm lan tỏa văn hóa đọc, đưa sách tới các buôn làng Tây Nguyên phục vụ các em nhỏ đồng bào thiểu số.
Phần 2
Sáng kiến - phát kiến của dự án
Trong mỗi chuyến đi, nhóm của anh Tuấn đã lựa chọn những cuốn sách, truyện nhiều hình và ít chữ bởi sau khi làm đủ lâu và đủ nhiều, anh Tuấn nhận ra: trẻ em vùng sâu khó khăn trong việc đọc chữ thì trẻ em dân tộc thiểu số lại càng bị hạn chế.
Tuy nhiên, vẫn thấy các em dửng dưng nên anh đã đưa ra câu hỏi cho các em rằng sẽ chọn gì trong 3 thứ: sách, kẹo, đồ chơi và 60% các em chọn "đồ chơi". Và đó là lý do ngoài sách ra, những chuyến xe của "Thư viện mùa xuân" cũng chở theo đầy ắp là đồ chơi, quà bánh, quà khuyến học, thậm chí là lego, cờ vua… Từ đó, các em vừa có cơ hội học tập, vừa có thêm cơ hội trải nghiệm các trò chơi mà đối với các em được coi là "thứ quà xa xỉ"
Để cách truyền tải của mình không bị nhàm chán, anh và các thành viên trong dự án "Thư viện mùa xuân" đã nghĩ ra mô hình hoạt động, đó là coi sách là chủ thể trung tâm và có 7 hoạt động trải nghiệm xung quanh sách. Mỗi hoạt động trải nghiệm sẽ được đặt tên là một màu sắc và khi hợp lại chính là 7 màu sắc của cầu vồng. Do đó chuyến xe "Thư viện mùa xuân" còn được gọi là "Trường học Cầu vồng" với những lớp học dưới tán cây, không bàn, không ghế, không có bất kỳ quy tắc nào ngoài nụ cười và niềm vui của trẻ nhỏ.
Khi học, các em sẽ được ngồi thành một vòng tròn để đọc sách, mỗi vòng tròn đều sẽ có tình nguyện viên hướng dẫn các em đọc sách, sau đó viết hoặc vẽ cảm nhận rồi ra xe "Thư viện mùa xuân" để nhận quà. Đây là cách mà anh Tuấn gọi là "khuyến đọc". Anh cũng không ép buộc tất cả các em đều làm vậy, em nào thích chơi thì sẽ ra khu vực chơi cờ vua, xếp lego, tô màu,...
Ngoài ra, với mỗi một điểm trường mà chuyến xe "Thư viện mùa xuân" dừng chân, anh Tuấn và nhóm của mình sẽ dành tặng cho trường học 1 tủ sách với tên gọi "Tủ sách cầu vồng" gồm 100-150 đầu sách.
Phần 3
Mục tiêu - tầm nhìn dự án
Mục tiêu
Đến năm 2025: Dự án sẽ cung cấp và trang bị 150 tủ sách cầu vồng và thực hiện 200 hoạt động trải nghiệm xoay quanh sách cho 100 điểm trường vùng sâu khó khăn tại Tây Nguyên.
Đến năm 2026: Trở thành doanh nghiệp tiên phong tạo tác động cho xã hội trong lĩnh vực giáo dục tại Tây Nguyên.
Mục tiêu dài hạn là giải quyết mục tiêu số 4 trong 17 mục của Mục tiêu Phát triển bền vững tại Việt Nam của Liên Hợp Quốc đó là "Giáo dục có chất lượng".
Tầm nhìn
Thông qua các tủ sách cầu vồng và các chương trình hoạt động trải nghiệm xoay quanh sách, cùng với đó là phương pháp học mà chơi, Thư viện mùa xuân mong muốn nâng cao chất lượng giáo dục và trở thành một dự án giáo dục toàn cầu với triết lý "Hãy để trẻ được trở thành màu sắc mà mình muốn"
Phần 4
Quá trình triển khai - Phạm vi - Chi phí của dự án
Quá trình triển khai - Phạm vi thực hiện
Từ tháng 6/2024 cho đến nay, triển khai mô hình chuyến xe "Thư viện mùa xuân", từ đó giúp các em nhỏ:
Học qua sách: trang bị cho các điểm trường "tủ sách cầu vồng". Mỗi tủ sách gồm 100-150 đầu sách, truyện thiếu nhi
Học qua trải nghiệm: tạo ra các chương trình hoạt động trải nghiệm xoay quanh sách: Đọc sách viết cảm nhận, chơi cờ vua, tô màu/vẽ tranh "ước mơ của em", chơi lego, workshop/handmade: tái chế chai nhựa, làm thẻ đọc sách, vòng tay..., chiếu phim lưu động: các bộ phim hoạt hình truyền cảm hứng (Dự kiến sắp tới: in 3D, tìm hiểu hệ mặt trời, kính vạn hoa, sáng tác truyện tranh...)
Phạm vi: Trẻ em từ 3-11 tuổi tại các buôn bản, điểm trường vùng sâu thuộc khu vực Tây Nguyên
Chi phí
10 triệu đồng/điểm trường/100 em/ năm, bao gồm
3-5 triệu đồng cho 1 tủ sách cầu vồng gồm 150 cuốn
2-3 triệu đồng cho 1 set vật dụng cơ bản (màu vẽ, cọ vẽ, lego, cờ vua, kéo, bút,..)
3 triệu đồng cho chi phí vận hành 1 chương trình cho 100 em học sinh (mua quà tặng, hỗ trợ tình nguyện viên, chi phí di chuyển)
Phần 5
Kết quả đạt được
"Thư viện niềm vui" đã gieo hạt giống ước mơ tuổi thơ tới những trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em vùng sâu vùng xa để tương lai những hạt giống ấy sẽ nảy mầm. Các em nhỏ từ buôn làng tự tin bước ra thế giới rộng lớn thay vì lấy vợ, lấy chồng ở tuổi 13,14 và mãi sống trong cảnh đói nghèo.
Phần 6
Tiềm năng nhân rộng mô hình
Tiềm năng chính của mô hình xe lưu động "Thư viện mùa xuân" chính là trẻ em, các em sẽ là người lựa chọn cách thức và nội dung mình muốn trải nghiệm. Với tủ sách cầu vồng, các chương trình hoạt động xoay quanh sách và phương pháp học mà chơi, trẻ sẽ không bị đóng khung trong 4 bức tường mà lớp học có thể diễn ra ở bất cứ nơi đâu mà em muốn và có thể tự do làm những điều mình thích: đọc sách, vẽ, vui chơi,.. Và mọi sự đầu tư của dự án sẽ dành để phục vụ mục đích trải nghiệm của các em nhỏ.
Bên cạnh đó, để giúp dự án được lan rộng và phát triển người hướng dẫn, sách và vật dụng cùng 3 nguồn lực quan trọng hỗ trợ cho trải nghiệm của các em và duy trì dự án cho nhiều điểm trường, bản khác:
Người hướng dẫn trẻ phải là người yêu trẻ, thích đọc sách và có khả năng truyền cảm hứng cũng như hướng dẫn trẻ trong việc đọc sách và các hoạt động xoay quanh sách. Những người này có thể là những tình nguyện viên của các đoàn thể tại địa phương.
Sách được đặt tại tủ sách cầu vồng và phải là những quyển nhiều hình, ít chữ nhằm thu hút các em nhỏ.
Vật dụng hỗ trợ các em ngoài màu vẽ, đồ thủ công còn có các đồ vật có thể tận dụng tại địa phương như vỏ chai nhựa, lốp xe hỏng, lá cây, đá dưới suối,..
Bản quyền và tính hợp pháp của các hình ảnh, video, thông tin, dữ liệu về dự án được đăng tải trên landing page (trang thông tin dự án) này do cá nhân/ tổ chức đăng ký tham gia giải thưởng cung cấp và chịu trách nhiệm.