Nông Nghiệp Xanh: Hành Trình Bền Vững Cùng Phúc Sinh
Thư viện sáng kiến
04/11/2024 17:07
Đơn vị thực hiện
-
Hạng mục
DỰ ÁN
-
Thời gian
TỪ 2010 ĐẾN NAY
-
Lĩnh vực
HÀNH ĐỘNG VỀ KHÍ HẬU
Dự án Phúc Sinh khởi động từ năm 2010 với mục tiêu phát triển nền nông nghiệp bền vững và cải thiện sinh kế cho nông dân. Dù gặp nhiều thất bại và tiêu tốn ngân sách, đến năm 2014, Phúc Sinh đã đạt chứng nhận bền vững theo tiêu chuẩn UTZ (nay là Rain Forest Alliance), trở thành doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam được công nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế. Dự án đã giúp nâng cao thu nhập cho nông dân trồng cà phê và hồ tiêu, đồng thời cải thiện kỹ thuật canh tác và nhận thức về bảo vệ môi trường, nhân quyền, và bình đẳng giới.
Phúc Sinh tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu từ Đắk Lắk sang Đắk Nông, Bà Rịa Vũng Tàu và Sơn La, nơi công ty đã xây dựng các vùng trồng, nâng cao năng suất và thu nhập cho nông dân. Đặc biệt, công ty áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, như nghiên cứu và sản xuất Trà Cascara từ vỏ cà phê, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường. Thương hiệu Blue Sơn La được phát triển như một minh chứng cho nguồn gốc cà phê và trà Cascara tại tỉnh Sơn La.
Hướng tới một nền nông nghiệp xanh, Phúc Sinh cam kết phát triển bền vững, giảm phát thải khí nhà kính và cải thiện sinh kế cho nông dân thông qua thực hành ESG, đầu tư cho nguồn nhân lực, từ đó tạo ra giá trị bền vững cho cộng đồng và môi trường.
Bối cảnh ra đời của dự án
Việt Nam gia nhập WTO từ năm 2007 đã tạo ra nhiều cơ hội, song cũng đối mặt với thách thức về yêu cầu khắt khe về chất lượng, an toàn thực phẩm, và cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Ngành nông nghiệp Việt Nam gặp khó khăn do công nghệ chế biến còn hạn chế, chất lượng sản phẩm chưa cao, trong khi nhu cầu thị trường ngày càng nghiêm ngặt. Thêm vào đó, biến đổi khí hậu với hạn hán, lũ lụt và thời tiết cực đoan gây ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất và sinh kế nông dân, cùng với hệ lụy từ suy giảm đa dạng sinh học và lạm dụng hóa chất trong canh tác.
Trước áp lực từ khách hàng và thị trường, Phúc Sinh đã triển khai dự án phát triển bền vững nhằm hỗ trợ nông dân, bảo vệ môi trường, và nâng cao giá trị cà phê và hồ tiêu Việt Nam trên thị trường quốc tế. Dự án không chỉ đáp ứng nhu cầu, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm mà còn giúp nông dân nâng cao nhận thức, áp dụng khoa học kỹ thuật, chú trọng nhân quyền, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái, góp phần bảo tồn tài nguyên thiên nhiên cho các thế hệ sau.
Năm 2010, Phúc Sinh bắt đầu triển khai dự án bền vững tại Đắk Lắk, đối mặt với nhiều thách thức về ngôn ngữ và sự khác biệt văn hóa khi tiếp cận nông dân địa phương. Sau thất bại ban đầu, công ty không nản chí, mà tăng cường đội ngũ địa phương và xây dựng lòng tin với cộng đồng. Năm 2014, dự án đạt chứng nhận bền vững UTZ (nay là Rainforest Alliance), giúp nông dân tăng thu nhập, cải thiện kỹ thuật canh tác và nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường. Dự án không chỉ tăng giá trị cà phê Việt Nam mà còn thu hút nhiều khách hàng quốc tế.
Phúc Sinh tiếp tục mở rộng dự án sang các tỉnh Đắk Nông, Bà Rịa-Vũng Tàu, Sơn La và mở rộng hàng năm. Mục tiêu là hỗ trợ sinh kế bền vững cho nông dân, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, và thúc đẩy canh tác hữu cơ. Công ty hướng đến phát triển nông nghiệp xanh, sạch và bền vững, góp phần vào sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp Việt Nam.
Sáng kiến - phát kiến của dự án
Sáng kiến của dự án Phúc Sinh bao gồm:
- Xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất cà phê tại Sơn La: Tận dụng vỏ cà phê Arabica thay vì bỏ đi, Phúc Sinh đã sản xuất ra sản phẩm trà Cascara. Điều này không chỉ giúp giảm ô nhiễm môi trường mà còn tạo ra một sản phẩm giá trị cao, có lợi nhuận, và giữ cho chu trình sản xuất cà phê khép kín, không phát sinh chất thải.quả cà phê chín.
- Triển khai mô hình trồng Hồ Tiêu kiểu mẫu theo hướng hữu cơ tại Tây Nguyên: Tại Đắk Nông và Đắk Lắk, Phúc Sinh đã hỗ trợ chi phí phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học cho nông dân, đồng thời cung cấp đội ngũ chuyên gia đồng hành sát sao. Dự án tổ chức đào tạo thực địa cho nông dân về kỹ thuật canh tác hữu cơ, quản lý rủi ro sâu bệnh, và bảo vệ môi trường, từ đó giúp nông dân nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm một cách bền vững.
- Thúc đẩy lan tỏa kiến thức và kỹ thuật canh tác hữu cơ: Phúc Sinh không chỉ làm việc với nông dân trong dự án mà còn mời cả nông dân chưa tham gia đến học hỏi và nâng cao kỹ thuật. Điều này mở rộng ảnh hưởng của mô hình đến cộng đồng xung quanh, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường và phát triển nông nghiệp bền vững.
- Hợp tác và kết nối: Phúc Sinh đã tạo dựng mối quan hệ gắn kết với nông dân và khách hàng quốc tế, giúp người nông dân hiểu về giá trị của canh tác hữu cơ và đưa sản phẩm cà phê Việt Nam ra thị trường quốc tế, đồng thời xây dựng hình ảnh Việt Nam là một nơi sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường.
Sáng kiến xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quá trình sản xuất cà phê của Phúc Sinh tại Sơn La và các mô trình trồng Hồ Tiêu kiểu mẫu theo hướng canh tác hữu cơ ở Tây Nguyên của Phúc Sinh không chỉ nhằm nâng cao năng suất và chất lượng cà phê và hồ tiêu mà còn góp phần xây dựng một hệ sinh thái nông nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường và nâng cao đời sống của nông dân, tăng thu nhập, nâng cao nhận thức, bảo vệ môi trường,…. Xây dựng hướng phát triển kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng chuỗi sản phẩm thân thiện với môi trường. Qua đó, Phúc Sinh mong đợi hướng tới một tương lai phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp Việt Nam.
Mục tiêu - tầm nhìn dự án
- Mục tiêu ngắn hạn 2030: Phúc sinh xây dựng được 20 hecta trồng cà phê Đat tiêu chuẩn Organic ở Tây Nguyên để lan tỏa đến người nông dân.
- Từ 2025-2030: Phúc Sinh mỗi năm sẽ triển khai ít nhất 5 mô hình trồng cà phê kiểu mẫu ở Tây Nguyên để truyền tải và lan tỏa các hoạt động nông nghiệp bền vững cho nông dân chưa tham gia trương trình với Phúc Sinh; hỗ trợ người nông dân về cây gỗ quí (cây giống) bản địa có giá trị kinh tế cao để nông dân trồng tăng độ phủ của thực vật trên vườn và tính đa dạng sinh học, cũng như chống xói mòn, duy trì dinh dưỡng của đất,….
Mục tiêu chung:
+ Xây dựng một mô hình nông nghiệp bền vững kiểu mẫu. Khẳng định vị thế, tên tuổi của cà phê và hồ tiêu Việt Nam trên Thế Giới.
+ Phát triển và đạt các mục tiêu về: Con người, môi trường, xã hội và xây dựng thương hiệu thân thiện với môi trường.
+ Cải thiện sinh kế cho người nông dân: Tăng thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống cho nông dân thông qua việc hỗ trợ, hướng dẫn và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bảo vệ sức khỏe và an toàn trong quá trình canh tác nông nghiệp.
+ Bảo vệ Môi Trường: Áp dụng các phương pháp canh tác bền vững nhằm bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao nhận thức của nông dân về bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước.
+ Xã hội: Tạo ra cơ hội việc làm và nâng cao trình độ cho cộng đồng địa phương thông qua các chương trình đào tạo và hỗ trợ, tạo sự gắn kết giữa doanh nghiệp và nông dân. Lan tỏa các mô hình canh tác bền vững kiểu mẫu để nông dân dễ dàng tiếp cận và áp dụng.
+ Xây dựng Thương Hiệu: Thiết lập và phát triển thương hiệu cà phê Arabica Blue Sơn La, Trà Cascara Blue Sơn La, góp phần vào sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp Việt Nam và tên tuổi của các sản phẩm Nông Nghiệp Việt Nam trên thị trường Thế giới.
Tầm Nhìn Của Dự Án:
Phúc Sinh trở thành mô hình nông nghiệp bền vững kiểu mẫu cho nền nông nghiệp Việt Nam kèm theo các hoạt động nông nghiệp kinh tế tuần hoàn. Xây dựng một hệ sinh thái nông nghiệp mà trong đó nông dân làm trọng điểm, phát triển nông nghiệp - môi trường một cách hài hòa, đảm bảo sự phát triển lâu dài và bền vững cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Hướng tới bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.
Cà phê Arabica Blue Son La, Trà Cascara Blue Son La trở thành sản phẩm có tên tuổi trên thị trường quốc tế, góp phần khẳng định vị thế cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê toàn cầu. Khẳng định tên tuổi và chất lượng cà phê của tỉnh Sơn La.
Quá trình triển khai - Phạm vi - Chi phí của dự án
Quá trình triển khai dự án:
Phúc sinh đã bắt đầu triển khai từ 2010, và mục tiêu đến 2040 toàn bộ chuỗi cung ứng của Phúc Sinh đều đạt Tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững, hoặc các tiêu chuẩn tương đương như Organic
a. Cuối năm 2018:
- Bắt đầu nghiên cứu sản xuất trà Cascara từ vỏ cà phê Arabica nhằm xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn, tận dụng phế phẩm từ sản xuất cà phê để giảm ô nhiễm môi trường và tăng giá trị kinh tế.
b. Năm 2020:
- Khởi động mô hình trồng Hồ Tiêu kiểu mẫu theo hướng canh tác hữu cơ tại Đắk Nông. Phúc Sinh chia sẻ (tài trợ) chi phí với nông dân về vật tư nông nghiệp ví dụ như: phân hữu cơ, thuốc vệ thực vật sinh học, … và cử đội ngũ chuyên gia nông nghiệp thường xuyên có mặt gần như đồng hành canh tác cùng bà con nông dân (hoàn toàn miễn phí cho bà con) tại vườn.
- Mời thêm nông dân sinh sống gần khu vực để truyền đạt kỹ thuật canh tác: nhận diện sâu bệnh, quản lý rủi ro sâu bệnh, xử lý sâu bệnh, kỹ thuật bón phân. Đội ngũ chuyên gia đào tạo thực địa ngay trên vườn và hướng dẫn kỹ thuật tại từng vườn cho bà con nông dân áp dụng. Phúc Sinh cũng tuyên truyền các giải pháp về bảo vệ môi trường, duy trì thảm thực vật và đa dạng sinh học trên vườn.
c. Cuối mỗi vụ tiêu tại Đắk Nông (2020-2023):
- Tổ chức phân tích về khối lượng thu hoạch được, chất lượng và chi phí sản xuất cho bà con để bà con thấy được lợi ích khi áp dụng canh tác hữu cơ so với hướng canh tác trước đây.
d. Năm 2023:
- Đầu tư dây chuyền sản xuất trà Cascara với công nghệ hiện đại tại nhà máy Phúc Sinh tại Sơn La, khép kín quy trình từ trồng, thu hoạch, chế biến cà phê cho đến sản xuất trà Cascara, củng cố mô hình kinh tế tuần hoàn.
- Hiện tại Phúc Sinh đã thực hiện xong mô hình kinh tế tuần hoàn ở Sơn La. Dự án sẽ quảng bá để tan tỏa mô hình này trong nước và quốc tế để giới thiệu về Việt Nam về thương hiệu cà phê & Trà Cascara của Việt Nam của khu vực Tây Bắc – Tỉnh Sơn La.
- Tiếp tục triển khai mô hình trồng tiêu kiểu mẫu tại tỉnh Đắk Lắk, mở rộng các hoạt động đồng hành và hỗ trợ kỹ thuật canh tác hữu cơ cho nông dân địa phương.
e. Kế hoạch năm 2025:
- Dự kiến tiếp tục mở rộng mô hình trồng cà phê kiểu mẫu tại Sơn La, tập trung vào quy trình đạt chứng nhận hữu cơ. Mục tiêu đến năm 2030, sẽ xây dựng một lượng lớn vườn cà phê kiểu mẫu đạt chứng nhận Organic, để lan tỏa kỹ thuật và kinh nghiệm canh tác bền vững đến nhiều nông dân hơn.
Phạm vi của dự án:
- Đối tượng và khu vực triển khai: Nông dân trồng cà phê & hồ tiêu ở các tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông, Sơn La,…
- Tác động: Các dự án của Phúc Sinh đã mang lại thu nhập cao hơn cho người nông dân trồng cà phê và hồ tiêu, đồng thời nâng cao nhận thức của họ về bảo vệ sức khỏe, môi trường, và duy trì đa dạng sinh học trên vườn cây. Việc này giúp bảo vệ dinh dưỡng đất, giảm xói mòn và phát thải khí nhà kính. Bên cạnh đó, người dân sống xung quanh khu vực triển khai dự án cũng được hưởng lợi, khi có cơ hội tiếp cận với khoa học kỹ thuật và quan sát trực tiếp hiệu quả của quy trình canh tác bền vững thông qua các mô hình kiểu mẫu. Dự án còn giúp Phúc Sinh sản xuất ra các sản phẩm chất lượng cao, nổi bật trên thị trường quốc tế và đạt chỉ dẫn địa lý với hai sản phẩm: Cà phê Arabica Blue Sơn La và Trà Cascara Blue Sơn La.
Chi phí của dự án:
- Ngân sách về dự án phát triển bền vững mỗi năm được đầu tư khoảng 3 tỷ đồng cho các hoạt động với nông dân và duy trì các hoạt động bền vững.
- Môi mô hình kiểu mẫu, dự án hỗ trợ nông dân từ 80-100 triệu đồng tùy vào khu vực.
- Giống cây gỗ quý (cây giống) bản địa dự định ngân sách khoảng 1 tỷ đồng.
Kết quả đạt được
Kết quả định tính
Nâng cao kiến thức cho người nông dân về kỹ thuật, áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác bền vững, giúp họ nắm vững kiến thức về nông nghiệp hữu cơ, từ đó cải thiện quy trình sản xuất, tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất, tăng cường sự đa dạng sinh học trên vườn cây. Giúp nông dân xây dựng ý thức bả vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và lan tỏa tinh thần canh tác nông nghiệp bền vững và thích nghi trước biến đổi khí hậu.
Cải thiện sinh kế cho người nông dân: Người nông dân tăng thêm thu nhập nhờ canh tác bền vững, cải thiện mức sống, tiếp cận được kiến thức khoa học kỹ thuật và áp dụng vào canh tác. Bên cạnh đó sự đa dạng sinh học và các cây gỗ quí trồng xen trên vườn cây sẽ tăng độ phủ (che bóng) cho vườn cây, giảm phát thải khí nhà kính và tương lai sẽ có giá trị kinh tế cao cho người nông dân.
Xây dựng tinh thần cộng đồng: Dự án khuyến khích sự hợp tác và kết nối giữa các nông dân, tạo ra một cộng đồng mạnh mẽ hơn, cùng nhau hỗ trợ và phát triển cùng nhau xây dựng một hệ thống nông nghiệp canh tác theo hướng bền vững, hữu cơ, giảm sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật thông qua các hoạt động tuyên truyền và giáo dục, dự án nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của phát triển bền vững, từ đó thay đổi thói quen và hành vi của cộng đồng. Vì tiếng nói và sự lan tỏa từ người nông dân với nhau có tính kết nối dễ dàng hơn đối với tiếng nói từ doanh nghiệp.
Đó là giá trị và kinh nghiệm mà Phúc Sinh đã nhận ra suốt hơn 14 năm đồng hành cùng người nông dân. Dự án là cầu nối để nông dân lan tỏa mạnh mẽ tinh thần Nông Nghiệp Bền Vững, Xanh, Sạch.
Tiềm năng nhân rộng mô hình
Mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững mà Phúc Sinh đang thực hiện với tính khả thi cao và việc nhân rộng rất dễ dàng.
- Mô hình trồng Hồ Tiêu theo kiểu mẫu (canh tác theo hướng hữu cơ): Phúc Sinh đã thực hiện liên tục mỗi năm 05 mô hình kiểu mẫu và thực hiện từ năm 2020 tại Đăk Nông, các mô hình được triển khai và duy trì liên tục đến hết năm 2023. Công ty giao lại để nông nhân thực hiện và các chuyên gia sẽ tiếp tục theo dõi và giám sát. Trong quá trình thực hiện, Phúc Sinh thường xuyên mời nông dân sống xung quanh tham gia các buổi đào tạo trên vườn để học hỏi và áp dụng kỹ thuật. Sau 03 năm triển khai và ổn định, công ty chuyển giao và tiếp tục thực hiện các mô hình trồng hồ tiêu kiểu mẫu ở Tỉnh Dăk Lăk vào đầu năm 2023.
- Mô hình chia sẻ kiến thức và kỹ thuật bền vững từ nhóm nông dân tham gia dự án đến cộng đồng nông dân xung quanh. Bằng cách tạo các vườn cà phê mẫu, Phúc Sinh giúp nông dân có cơ hội học hỏi, nhân rộng lên và lan tỏa. Công ty chia sẻ cho 1 nhóm nông dân và nhóm nông dân này chia sẻ và lan tỏa kỹ thuật, kinh nghiệm trồng, chăm sóc theo nông nghiệp bền vững (theo hướng hữu cơ), sử dụng chuyển đổi dần dần sang hướng hữu cơ để tiết kiệm chi phí tăng năng suất, tăng chất lượng sản phẩm. Công ty còn mời cả nông dân không có trong dự án đến tham gia để học hỏi thêm kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm,…
Các doanh nghiệp khác hoàn toàn có thể áp dụng mô hình này, nhưng cần cam kết đồng hành lâu dài cùng nông dân, từ việc thuyết phục, đầu tư tài chính đến hỗ trợ nhân lực thực tế. Phúc Sinh đã chọn sử dụng nguồn lực và lợi nhuận của mình để biến điều đó thành hiện thực.
- Mô hình trồng cà phê kiểu mẫu sẽ được dự án triển khai trong năm tới (2025) với mục tiêu vào năm 2030 sẽ có một lượng vườn cà phê kiểu mẫu đạt chứng nhận Organic. Công ty sẽ dùng những vườn mô hình này để hướng dẫn kỹ thuật và lan tỏa đến nhiều, thật nhiều nông dân thực hiện theo.
Để thực hiện được điều này, dự án đã đầu tư thuê các chuyên gia có trình độ chuyên môn cao, thiết lập đội ngũ chuyên gia nội bộ bám sát tại vườn, xây dựng các chương trình đào tạo, kỹ thuật bám sát với điều kiện thực tế của địa phương, ngôn từ dễ hiểu và phù hợp với ngôn ngữ của người nông dân để họ dễ dàng tiếp thu và áp dụng.
- Cải Thiện Sinh Kế: Mô hình phát triển bền vững của Phúc Sinh đã cải thiện sinh kế cho nông dân, không chỉ tăng thu nhập mà còn cải thiện điều kiện sống, bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và điều này sẽ tạo động lực cho những nông dân khác trong khu vực hoặc các khu vực khác muốn tham gia và áp dụng vào mô hình phát triển bền vững.
- Mô hình phát triển bền vững cà phê bền vững kết hợp kinh tế tuần hoàn mà Phúc Sinh thực hiện tại Phúc Sinh Sơn La cũng là mô hình kiểu mẫu để các đơn vị nhận diện việc tái sử dụng các thứ phẩm trong quá trình sản xuất nông nghiệp biến nó từ sản phẩm giá trị thấp thành sản phẩm có giá trị kinh tế cao, thân thiện với môi trường. Các doanh nghiệp cũng có thể sáng tạo và cải thiện từ các thứ phẩm, phế phẩm của mình để biến chúng thành những sản phẩm có giá trị cao và thân thiện với môi trường.
Về chúng tôi
Truy cập trang web của chúng tôiBản quyền và tính hợp pháp của các hình ảnh, video, thông tin, dữ liệu về dự án được đăng tải trên landing page (trang thông tin dự án) này do cá nhân/ tổ chức đăng ký tham gia giải thưởng cung cấp và chịu trách nhiệm.