NGƯỜI DÂN KHÁNH HÒA NÓI TIẾNG ANH

Hạng Mục

Thư viện sáng kiến

Thời gian

29/10/2024 11:09

Đơn vị thực hiện

  • Hạng mục

    DỰ ÁN

  • Thời gian

    TỪ 2022 ĐẾN NAY

  • Lĩnh vực

    ĐÔ THỊ VÀ CỘNG ĐỒNG BỀN VỮNG

NGƯỜI DÂN KHÁNH HÒA NÓI TIẾNG ANH - Ảnh 2.

Dự án "Người dân Khánh Hòa nói tiếng Anh" là sáng kiến được tài trợ bởi Tập đoàn Vingroup, do Trung tâm Đổi mới Sáng tạo (AIC) thuộc Trường Đại học VinUni triển khai trực tiếp với sự đồng hành của Hệ thống Giáo dục Vinschool nhằm nâng cao khả năng giao tiếp tiếng Anh cho người dân Khánh Hòa. Dự án hướng tới tầm nhìn chiến lược phổ cập tiếng Anh cho toàn dân, biến ngôn ngữ này từ rào cản thành công cụ hữu hiệu, giúp người dân dễ dàng tiếp cận cơ hội hợp tác toàn cầu và tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế địa phương và quốc gia. Mô hình triển khai của Dự án thông qua việc thành lập các CLB Tiếng Anh cho mọi nhóm đối tượng người dân dưới sự dẫn dắt của các Tình nguyện viên chuyên môn (TNVCM), chuẩn hóa hệ thống giáo trình và tài liệu đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ TNVCM, học tập trực tiếp tại các câu lạc bộ tiếng Anh kết hợp với học tập trực tuyến trên các nền tảng online (Mobile App và Zoom), cùng với việc tổ chức các sự kiện phong trào, cuộc thi tiếng Anh tại các tụ điểm công cộng và công sở, trường học. Trong phạm vị trường học, với đối tượng học sinh phổ thông, dự án có sự đồng hành của Hệ thống Giáo dục Vinschool để tiếp cận và lan tỏa nhanh chóng đến các em học sinh phổ thông cấp 2 và cấp 3 và ngay từ năm đầu tiên đã triển khai thí điểm tại 11 trường phổ thông và thành lập 11 câu lạc bộ trường và 298 câu lạc bộ lớp.

Đến tháng 6-2024, dự án đã thành lập được 207 câu lạc bộ (không bao gồm các CLB dành cho HS phổ thông mà VSC đang trực tiếp đồng hành và hỗ trợ triển khai), thu hút gần 10.000 thành viên và hơn 103.000 người hưởng lợi, kỳ vọng tiếp cận 50% dân số Khánh Hòa sau 5 năm, góp phần tạo dựng hình ảnh mới cho tỉnh trong mắt bạn bè quốc tế và xây dựng đô thị thông minh, bền vững. 



Phần 1

Bối cảnh ra đời của dự án

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, tiếng Anh được coi là ngôn ngữ chung toàn cầu, Chính phủ Việt Nam cũng đang mạnh mẽ thúc đẩy chính sách nâng cao trình độ ngoại ngữ, với mục tiêu biến tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai. Hơn nữa, theo Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị, tỉnh Khánh Hòa được định hướng phát triển thành thành phố trực thuộc Trung ương, với khát vọng trở thành một đô thị thông minh, bền vững và có bản sắc riêng. Đến năm 2045, Khánh Hòa kỳ vọng sẽ đạt được vị thế ngang tầm với các thành phố lớn trong khu vực Châu Á.

Tuy nhiên, thực trạng tiếng Anh tại Khánh Hòa đang đối mặt với nhiều thách thức đáng kể. Trước hết, tỷ lệ người dân nói tiếng Anh ở đây chỉ đạt khoảng 15% - 20%, một con số thấp hơn nhiều so với các thành phố du lịch lớn trong khu vực như Bangkok (30-40%) hay Kuala Lumpur (50-60%). Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là sự hoài nghi của người dân về tính cần thiết của việc học tiếng Anh. Mặc dù đón hàng chục triệu du khách quốc tế mỗi năm, tỷ lệ du khách nói tiếng Anh bản ngữ tại Khánh Hòa chỉ là 1%, và khoảng 6% có thể giao tiếp bằng tiếng Anh (theo thống kê 2023). Do đó, người dân địa phương vẫn chưa thấy rõ tầm quan trọng của tiếng Anh trong cuộc sống và công việc hàng ngày. Sự thiếu hụt nhận thức về các giá trị dài hạn của Tiếng Anh như việc tiếp cận với nguồn tri thức toàn cầu, cơ hội phát triển bản thân và thăng tiến trong sự nghiệp hay nâng cao chất lượng cuộc sống càng khiến sự thay đổi trở nên khó khăn hơn.

Ngoài ra, sự thiếu tự tin về khả năng học tập và giao tiếp tiếng Anh của bản thân cũng là một rào cản không nhỏ. Người dân lo ngại sẽ mắc lỗi ngữ pháp, phát âm không chuẩn, hoặc bị đánh giá bởi người khác. Những lo ngại này càng nặng nề hơn ở nhóm tiểu thương và người lớn tuổi, khi họ cảm thấy giới hạn về trình độ và tuổi tác là những rào cản lớn trong việc học ngôn ngữ mới. Việc thiếu môi trường giao tiếp thực tế cũng khiến người dân gặp nhiều khó khăn, dù có nền tảng từ vựng, họ vẫn gặp trở ngại khi phản xạ và giao tiếp trực tiếp với người nước ngoài.

Hiểu rõ được tầm quan trọng của tiếng Anh đem lại cho người dân, Tập đoàn Vingroup đã cho ra đời dự án "Người dân Khánh Hòa nói tiếng Anh", nhằm nâng cao khả năng giao tiếp tiếng Anh cho người dân Khánh Hòa trên phạm vi toàn tỉnh với mong muốn người dân Khánh Hòa có thể xóa bỏ rào cản ngôn ngữ với người nước ngoài, tạo cầu nối giao tiếp thuận tiện giữa người Việt nam và bạn bè quốc tế, giúp du khách cảm thấy được chào đón và trân trọng, từ đó thúc đẩy du lịch phát triển mạnh mẽ, khẳng định hình ảnh một Việt Nam năng động, hội nhập và thân thiện, thu hút nhiều nhà đầu tư và du khách đến với đất nước. Đồng thời thúc đẩy giao thương, đầu tư và hợp tác quốc tế, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước. 

NGƯỜI DÂN KHÁNH HÒA NÓI TIẾNG ANH - Ảnh 3.
NGƯỜI DÂN KHÁNH HÒA NÓI TIẾNG ANH - Ảnh 4.

Phần 2

Sáng kiến - phát kiến của dự án

NGƯỜI DÂN KHÁNH HÒA NÓI TIẾNG ANH - Ảnh 5.

Trong quá trình triển khai Dự án phổ cập tiếng Anh giao tiếp tại Khánh Hòa, yếu tố cốt lõi và cũng là thách thức lớn nhất chính là thay đổi nhận thức của người dân về tầm quan trọng của ngôn ngữ này. Đội ngũ thực hiện dự án xác định, việc vượt qua rào cản về nhận thức là bước đệm quan trọng nhất, bởi chỉ khi người dân thực sự hiểu và tin vào giá trị của tiếng Anh, dự án mới có thể tạo ra sự khác biệt sâu sắc và bền vững. Vì vậy, để nhận được sự tham gia tự nguyên của người dân, giá trị cốt lõi của các sáng kiến xoay quanh dự án này là phải tạo được bầu không khí vui tươi, thoải mái để hình thành nên phong trào học tiếng Anh trên diện rộng của người dân, sau đó việc học sẽ trở thành thói quen và cuối cùng là trở thành văn hóa học tiếng Anh của người dân Khánh Hòa.

Với sự chỉ đạo từ UBND tỉnh Khánh Hòa, Ban chỉ đạo Chương trình Người dân Khánh hòa nói Tiếng Anh của Tỉnh đã được thành lập để điều phối dự án và Tỉnh Đoàn Khánh Hòa được giao vai trò là cơ quan thường trực triển khai tại địa phương. Trường Đại học VinUni đảm nhận vai trò chính trong lĩnh vực chuyên môn học thuật, bao gồm việc xây dựng bộ giáo trình giảng dạy và nền tảng học tiếng Anh online đồng thời phát triển năng lực và kết nối triển khai chương trình. Các hoạt động trong khuôn khổ dự án bao gồm

- Hoạt động trọng tâm: thành lập mô hình Câu lạc bộ (CLB) tiếng Anh dành cho tất cả các nhóm đối tượng người dân tỉnh Khánh Hòa trong đó chú trọng tới những người dân tiếp xúc trực tiếp với người nước ngoài và khách du lịch. Tại các Câu lạc bộ, người dân được trực tiếp học tiếng Anh thông qua các trò chơi, hoạt động tương tác, đóng vai thực hành giao tiếp tiếng Anh mà không bị áp lực, e ngại về những quy củ của những lớp học bình thường.

- Dự án huy động các tình nguyện viên là những giảng viên, giáo viên, sinh viên Tiếng Anh tại các trường ĐH, CĐ, phổ thông, hoặc những cá nhân có nền tảng tiếng anh, có kinh nghiệm giảng dạy và có nhiệt huyết cống hiến cho dự án tại tỉnh Khánh Hòa để tham gia hướng dẫn và giảng dạy tại các Câu lạc bộ. Ban quản lý dự án và lực lượng tình nguyện viên sẽ là người trực tiếp đến từng ngõ, gõ từng nhà để thuyết phục từng cá nhân tham gia.

- Dự án huy động sự hỗ trợ của Hệ thống giáo dục Vinschool để làm việc trực tiếp với các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông tại địa bàn tỉnh Khánh Hòa từ đó nhanh chóng tiếp cận tệp học sinh trên diện rộng với phương thức đã được chuẩn hóa và chuyên biệt cho học sinh.

- Việc học tiếng Anh tại CLB sẽ được thực hiện dưới dạng trò chơi, hoạt động tương tác tuy nhiên vẫn phải đảm bảo người dân có thể áp dụng được những kiến thức tiếng Anh đã học vào việc giao tiếp trong đời sống hàng ngày sau mỗi buổi học. Lấy nhận thức làm kim chỉ nam, dự án đặt người dân làm trọng tâm, hướng tới kỹ năng nghe nói – yếu tố quan trọng nhất trong việc giao tiếp hàng ngày. Yêu cầu dành cho các hoạt động này là phải tạo được niềm vui, sự hứng thú cho người tham gia và chạm được đến cảm xúc của họ vì đây là cách ghi nhớ tốt nhất. Từ đó, gián tiếp động viên, khuyến khích người dân tham gia CLB.

- Tổ chức các sự kiện, phong trào, cuộc thi nói tiếng Anh tại các tụ điểm công cộng như: quảng trường, công viên, bãi biển và tại các trường học, công sở…với đa dạng hình thức tổ chức và dành cho đa dạng các đối tượng như: học sinh sinh viên, công chức, doanh nghiệp, tiểu thương, hội phụ nữ, bộ đội, hải quân, công an và cộng đồng… với mục đích không chỉ dừng lại ở việc thay đổi nhận thức cá nhân mà còn lan tỏa mạnh mẽ về tầm quan trọng và ý nghĩa của Tiếng Anh ra cộng đồng. Những người tham gia sự kiện, cuộc thi này cũng được nhận những phần quà, giải thưởng lớn như các chuyến du lịch trong và ngoài nước từ ban tổ chức nhằm khuyến khích động viên người dân tích cực tham gia dự án.

- Xây dựng ứng dụng học tiếng Anh EZ English bao gồm các bài học e-learning đã được số hóa, các video, quiz, test, bài tập trực tuyến được xây dựng dựa trên các tình huống giao tiếp thực tế hàng ngày trong cuộc sống và công việc. Các tư liệu bài giảng này sẽ được chia thành các cấp độ để người dân có thể học những kiến thức phù hợp với trình độ của mình.

- Tổ chức các lớp học online hàng tuần miễn phí trên các nền tảng trực tuyến như zoom, webinar, google meet…dành cho mọi người dân. Chỉ cần điền vào bản đăng ký do dự án cung cấp, người dân sẽ được tham gia học tiếng Anh online mà không mất bất cứ chi phí nào. 

NGƯỜI DÂN KHÁNH HÒA NÓI TIẾNG ANH - Ảnh 6.
NGƯỜI DÂN KHÁNH HÒA NÓI TIẾNG ANH - Ảnh 7.

Phần 3

Mục tiêu - tầm nhìn dự án

NGƯỜI DÂN KHÁNH HÒA NÓI TIẾNG ANH - Ảnh 8.

Mục tiêu

Mục tiêu đối với từng cá nhân:

- Giúp người dân chủ động trong giao tiếp: Khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh giúp người dân mở rộng mối quan hệ, kết nối với du khách quốc tế và tiếp cận nhiều cơ hội việc làm mới.

- Gia tăng giá trị lao động: Người sử dụng tiếng Anh thường có mức lương cao hơn khoảng 40% so với những người không có kỹ năng này, đồng thời dễ dàng có nhiều cơ hội thăng tiến trong công việc.

- Tạo cơ hội cho người dân tiếp cận kiến thức toàn cầu: Tiếng Anh mở ra cánh cửa tiếp cận nguồn tri thức khổng lồ của thế giới, từ khoa học, kỹ thuật đến những phát minh hiện đại nhất. Điều này đặc biệt quan trọng trong kỷ nguyên 4.0, nơi kiến thức trở thành sức mạnh cạnh tranh.

- Tăng sự tự tin trong cuộc sống: Người dân có thể tự tin du lịch và sinh sống ở bất kỳ quốc gia nào mà không gặp rào cản ngôn ngữ, từ đó tận hưởng những trải nghiệm phong phú và mở rộng tầm nhìn quốc tế.

Mục tiêu đối với cộng đồng:

- Khánh Hòa trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn: Với sự phổ biến của tiếng Anh, Khánh Hòa sẽ trở thành một điểm đến thân thiện và dễ tiếp cận hơn đối với du khách quốc tế. Người dân có khả năng giao tiếp với du khách hàng ngày, tạo ra môi trường du lịch thoải mái và thuận tiện, thu hút khách quốc tế quay lại.

- Xây dựng đô thị thông minh và bền vững: Dự án hướng tới mục tiêu biến Khánh Hòa thành một thành phố thông minh, nơi du khách cảm thấy như đang ở ngôi nhà thứ hai của mình. Tiếng Anh sẽ là phương tiện kết nối Khánh Hòa với thế giới, tạo nền tảng cho sự phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn như du lịch, khoa học, công nghệ và giáo dục. 

NGƯỜI DÂN KHÁNH HÒA NÓI TIẾNG ANH - Ảnh 9.
NGƯỜI DÂN KHÁNH HÒA NÓI TIẾNG ANH - Ảnh 10.

Tầm nhìn

Với định hướng phổ cập tiếng Anh toàn dân trên phạm vi toàn quốc, chương trình mong muốn biến tiếng Anh từ "rào cản" thành "trợ thủ" đắc lực, giúp người dân địa phương dễ dàng hội nhập quốc tế. Mục tiêu này không chỉ tạo ra cơ hội cho từng cá nhân mà còn xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế của cả địa phương và quốc gia. 

NGƯỜI DÂN KHÁNH HÒA NÓI TIẾNG ANH - Ảnh 11.
NGƯỜI DÂN KHÁNH HÒA NÓI TIẾNG ANH - Ảnh 12.

Phần 4

Quá trình triển khai - Phạm vi - Chi phí của dự án

NGƯỜI DÂN KHÁNH HÒA NÓI TIẾNG ANH - Ảnh 13.

Quá trình triển khai - Phạm vi thực hiện

Dự án phổ cập tiếng Anh "Người dân Khánh Hòa nói Tiếng Anh" ra đời nhằm giải quyết thách thức giao tiếp bằng tiếng Anh cho người dân tại Khánh Hòa, trang bị cho họ những kỹ năng cần thiết để tự tin giao tiếp, qua đó mở ra cơ hội phát triển cho ngành du lịch. Dự án chính thức khởi động vào năm 2022, với những hoạt động thí điểm đầu tiên tại hai địa phương Nha Trang và Cam Lâm.

Quá trình triển khai của dự án từ năm 2022 đến nay đã đi được qua 2 giai đoạn và đang bắt đầu giai đoạn 3:

Giai đoạn 1 - Thay đổi nhận thức từng cá nhân thông qua việc tới từng nhà, từng cơ quan công sở và trường học để truyền thông, truyền miệng kết hợp truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội, hệ thống đài phát thanh và truyền hình địa phương, báo chí, loa phường xã. Mô hình CLB tiếng Anh hình thành và triển khai thí điểm tại thành phố Nha Trang & huyện Cam Lâm cho các nhóm đối tượng: học sinh, sinh viên, công chức, doanh nghiệp, tiểu thương, cộng đồng.

Giai đoạn 2 - Lan tỏa, mở rộng quy mô: dự án mở rộng thêm tại 04 địa phương mới gồm Cam Ranh, Diên Khánh, Vạn Ninh & Ninh Hòa, nâng tổng số địa phương được triển khai lên 6/8 Huyện/Thành. Số CLB tiếng Anh được thành lập lên tới 207 CLB với khoảng 150 TNVCM nòng cốt dẫn dắt các CLB - Tất cả các TNVCM này đều được đào tạo bài bản bởi đội ngũ nhân sự từ Trường Đại học VinUni để đảm bảo sở hữu năng lực ngoại ngữ và kỹ năng sư phạm cần thiết để giảng dạy cho người dân Khánh Hòa. Các CLB được thành lập tại nhiều địa điểm, bao gồm chợ, nhà thờ, bến xe, nhằm tạo ra môi trường học tập thân thiện và hiệu quả cho người dân. Nội dung, hoạt động tại các nhóm CLB được thiết kế riêng biệt để phù hợp với nhu cầu và đặc thù của từng đối tượng, giúp người học dễ dàng tiếp cận kiến thức, thực hành thực tế. Bên cạnh đó, các lớp học online và ứng dụng EZ English được phát triển như một công cụ học tiếng Anh miễn phí, cho phép người dân học mọi lúc, mọi nơi.

Với đối tượng học sinh, dự án đã thành công triển khai tại 11 trường gồm: 06 trường THCS và 05 trường THPT của Nha Trang và Cam Lâm, tương đương 11 CLB trường và 298 CLB lớp, với 13.060 học sinh tham gia Dự án. Nội dung dạy và học CLB tiếng Anh được đưa vào Thời khóa biểu chính khóa với 100% học sinh tham gia.

Giai đoạn 3 - Chất lượng & hiệu quả: giai đoạn 3 hướng tới hoàn thiện và nâng cao chất lượng giao tiếp tiếng Anh cho thành viên CLB, tổ chức các sự kiện, cuộc thi với quy mô lớn, với nhiều format mới hấp dẫn, chuyên sâu hướng tới việc đánh giá được khả năng giao tiếp tiếng Anh của người dân nói chung và thành viên CLB nói riêng. Trong giai đoạn 3 tiếp tục mở rộng thêm tại 02 địa phương mới là Khánh Sơn & Khánh Vĩnh để Dự án có thể lan tỏa và bao trùm lên tất cả các địa phương trên toàn tỉnh Khánh Hòa. 

NGƯỜI DÂN KHÁNH HÒA NÓI TIẾNG ANH - Ảnh 14.
NGƯỜI DÂN KHÁNH HÒA NÓI TIẾNG ANH - Ảnh 15.

Chi phí

Tổng số tiền đã tài trợ để triển khai dự án trong 3 năm đầu lên tới 49 tỷ VNĐ, ngân sách tập trung hỗ trợ phần thưởng cho CLB, thành viên CLB xuất sắc và người dân tham gia các sự kiện, cuộc thi thuộc Dự án cùng với việc triển khai các hoạt động truyền thông, tổ chức các sự kiện, cuộc thi tại các địa phương, liên tục tạo sự lan tỏa, hướng tới hiệu quả trong mỗi hoạt động của Dự án.  

NGƯỜI DÂN KHÁNH HÒA NÓI TIẾNG ANH - Ảnh 16.
NGƯỜI DÂN KHÁNH HÒA NÓI TIẾNG ANH - Ảnh 17.

Phần 5

Kết quả đạt được

Với nguồn tài chính ổn định từ Tập đoàn Vingroup, nguồn nhân lực chất lượng cao từ Trường Đại học VinUni và các cá nhân ưu tú trong tỉnh kết hợp với sự quan tâm ủng hộ của chính quyền các cấp tại địa phương, Dự án đã đạt được những kết quả khả quan, vượt chỉ tiêu đề ra sau 02 giai đoạn đầu. Quan trọng nhất là quy mô và tính tác động của Dự án đã mang lại cho người dân nhiều quyền lợi từ Dự án.

Các CLB tiếng Anh hoạt động sôi nổi hàng tuần, chất lượng ngày càng được cải thiện, hiệu quả với nhiều thành viên CLB xuất sắc đạt giải thưởng tại các cuộc thi.

Người dân tham gia tích cực tại các hoạt động, sự kiện, cuộc thi cộng đồng, tạo nên sự lan tỏa lớn mạnh của Dự án.

Mức độ lan tỏa trên mạng xã hội rất lớn, tạo được sự quan tâm của cộng đồng với trên 100k follow fanpage Dự án

Đội ngũ lãnh đạo các cấp thuộc Tỉnh, địa phương và người dân đánh giá rất cao về ý nghĩa, giá trị nhân văn và hiệu quả của Dự án sau mỗi giai đoạn triển khai.

Một số kết quả nổi bật: 

NGƯỜI DÂN KHÁNH HÒA NÓI TIẾNG ANH - Ảnh 18.

 

Phần 6

Tiềm năng nhân rộng mô hình

NGƯỜI DÂN KHÁNH HÒA NÓI TIẾNG ANH - Ảnh 19.

Dự án "Người dân Khánh Hòa nói tiếng Anh" đã xây dựng một mô hình cộng đồng có khả năng nhân rộng cao, với việc thay đổi nhận thức được xem là "trái tim" của dự án. Điều này tạo ra một vòng tuần hoàn tri thức, từ từng cá nhân đến toàn thể cộng đồng.

Đi từ cá nhân đến tập thể và tỉnh: mỗi cá nhân được nhận thức rõ sự cần thiết của việc học giao tiếp tiếng Anh, từ đó tích cực tham gia vào các hoạt động học tập, góp phần lan tỏa tinh thần này đến từng gia đình, tổ dân phố, phường/xã và cộng đồng.

Đi từ tỉnh đến các tỉnh khác và toàn quốc: với những kết quả đã đạt được trong suốt quá trình triển khai Dự án đã chứng minh được sự phù hợp và hiệu quả về mô hình, cách thức triển khai. Qua đó, mô hình của Dự án có thể được đóng gói, chuyển giao, triển khai, áp dụng cho các tỉnh/thành/địa phương khác trên toàn quốc. Với những nền tảng đã có sẽ là cơ sở để điều chỉnh phù hợp theo nhu cầu, quy mô của mỗi tỉnh/thành/địa phương và điều này sẽ thực chất góp phần vào công cuộc phổ cập tiếng Anh toàn dân trên toàn quốc. 

NGƯỜI DÂN KHÁNH HÒA NÓI TIẾNG ANH - Ảnh 20.
NGƯỜI DÂN KHÁNH HÒA NÓI TIẾNG ANH - Ảnh 21.
NGƯỜI DÂN KHÁNH HÒA NÓI TIẾNG ANH - Ảnh 22.

Bản quyền và tính hợp pháp của các hình ảnh, video, thông tin, dữ liệu về dự án được đăng tải trên landing page (trang thông tin dự án) này do cá nhân/ tổ chức đăng ký tham gia giải thưởng cung cấp và chịu trách nhiệm.

null