Nâng Bước Em Tới Trường Con Nuôi Đồn Biên Phòng
Thư viện sáng kiến
15/11/2024 23:07
Đơn vị thực hiện
-
Hạng mục
DỰ ÁN
-
Thời gian
TỪ 2016 ĐẾN NAY
-
Lĩnh vực
GIÁO DỤC BÌNH ĐẲNG
Với khẩu hiệu "Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt", Bộ đội Biên phòng (BĐBP) luôn gắn bó mật thiết với đồng bào các dân tộc vùng biên giới, hải đảo. Tận mắt chứng kiến cuộc sống còn khó khăn, thiếu thốn của đồng bào, Đảng ủy - Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong toàn lực lượng tích cực tham gia củng cố cơ sở chính trị, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội ở địa phương. Riêng trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, đã có nhiều chương trình, mô hình hay, cách làm sáng tạo giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt được cắp sách tới trường, đặc biệt là Chương trình "Nâng bước em tới trường" được triển khai thực hiện từ năm 2016 và Chương trình "Con nuôi Đồn Biên phòng" được thực hiện từ năm 2019. Đến nay, hai chương trình này đã giúp đỡ, trao cơ hội đến trường cho 30.000 em học sinh.
Phần 1
Bối cảnh ra đời của dự án
Giai đoạn 2010 - 2015, quán triệt triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Trung ương và các địa phương đã có nhiều chủ trương, chính sách quan tâm đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới, đời sống đồng bào các dân tộc từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, khu vực biên giới còn những vấn đề bất cập, yếu kém so với các địa bàn khác như: Hệ thống chính trị cơ sở còn hạn chế; cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện; các cơ sở y tế chưa đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của Nhân dân; tỷ lệ mù chữ và tái mù chữ, học sinh thiếu điều kiện hoặc bỏ học cao; nhiều phong tục, tập quán lạc hậu, một số hoạt động văn hóa truyền thống đang bị lợi dụng, mai một, biến dạng... Các thế lực thù địch, phản động lợi dụng tình hình đó của Nhân dân để đẩy mạnh chiến lược "diễn biến hòa bình". Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên các tuyến biên giới cơ bản ổn định, song vẫn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp.
Trước thực trạng đó, năm 2016, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã triển khai thực hiện Chương trình "Nâng bước em tới trường", nhằm hỗ trợ nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.
Sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình "Nâng bước em tới trường", vẫn còn nhiều em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có điều kiện theo học, có nguy cơ bỏ học, thất học... Cấp ủy, chính quyền các địa phương và nhiều gia đình mong muốn các đơn vị BĐBP tiếp tục quan tâm, chăm lo, giúp đỡ các cháu nhiều hơn. Từ thực tiễn đó, Bộ Tư lệnh BĐBP chỉ đạo triển khai Chương trình "Con nuôi đồn Biên phòng", để tiếp tục nhận nuôi các em là người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn; các em mồ côi, không nơi nương tựa; các em là con liệt sĩ, thương binh, gia đình chính sách…
Phần 2
Sáng kiến - phát kiến của dự án
Chương trình "Nâng bước em tới trường" và "Con nuôi Đồn Biên phòng" là Chương trình được thực hiện xuyên suốt từ năm này qua năm khác, liên tục chọn các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn khu vực biên giới để nhận nuôi và hỗ trợ các em đủ điều kiện được cắp sách đến trường.
Đối với các em được giúp đỡ, hỗ trợ:
- Các đồn Biên phòng cử cán bộ thường xuyên gặp gỡ, giúp đỡ về vật chất, động viên tinh thần vượt khó, trao đổi, hướng dẫn các cháu học tập, rèn luyện và hoạt động thể chất.
- Giữ mối liên hệ chặt chẽ với địa phương, gia đình và nhà trường nơi các cháu theo học để trao đổi thông tin, nắm tình hình học tập, rèn luyện, ý thức, trách nhiệm của các cháu đối với tập thể lớp, nhà trường, gia đình và cộng đồng để kịp thời động viên, khuyến khích những em có việc làm tích cực, thành tích tiêu biểu.
- Phát hiện, uốn nắn những việc làm chưa đúng, biểu hiện sai trái, lệch lạc, giúp các cháu trở thành con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ.
- Triển khai nhiều hoạt động thiết thực giúp các cháu có điều kiện học tập tốt hơn, như: Tặng xe đạp, đồ dùng học tập, quần áo, hỗ trợ lương thực, thực phẩm…
Đối với các em được nhận nuôi:
- Bố trí nơi ăn, ở, góc học tập riêng cho các em; cán bộ, chiến sĩ "coi các em như con", luôn chỉ bảo trong sinh hoạt, kèm cặp, củng cố kiến thức.
- Hướng dẫn luyện tập nâng cao thể lực đồng thời làm quen với hoạt động chăn nuôi, trồng trọt, tăng gia để hình thành ý thức tự lập.
- Tổ chức các hoạt động tập thể, bồi dưỡng kỹ năng căn cứ theo tình hình đơn vị.
- Kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của các em để động viên, chia sẻ, tăng thêm sự gắn bó, yêu thương giữa cán bộ, chiến sĩ với các em; phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, sở trường giúp các em phát triển toàn diện.
Các hoạt động này giúp tạo mối quan hệ gần gũi, thân mật giữa đồn Biên phòng với gia đình, giữa cán bộ, chiến sĩ BĐBP với các em nhỏ, nhiều đồng chí như những "người cha, người mẹ, người anh" của các em.
Phần 3
Mục tiêu - tầm nhìn dự án
Chương trình "Nâng bước em tới trường" và "Con nuôi Đồn Biên phòng" ra đời nhằm mục tiêu nhận nuôi và hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn khu vực biên giới, dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em có đủ điều kiện để được cắp sách tới trường.
Qua đó, chương trình mong muốn có thể góp phần nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Phần 4
Quá trình triển khai - Phạm vi - Chi phí của dự án
Quá trình triển khai
Chương trình "Nâng bước em tới trường"
Để triển khai thực hiện Chương trình, Bộ Tư lệnh BĐBP đã ban hành Kế hoạch số 204/KH-BTL ngày 18/01/2016 về việc tổ chức thực hiện Chương trình "Nâng bước em tới trường", gắn với các phong trào, chương trình, mô hình giúp dân phát triển kinh tế - xã hội đang được triển khai ở khu vực biên giới.
Chương trình "Con nuôi đồn Biên phòng"
Từ những kết quả đạt được của Chương trình "Nâng bước em tới trường", Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo và phê duyệt Kế hoạch số 1670/KH-CCT ngày 27/7/2019 của Cục Chính trị về thực hiện Mô hình "Con nuôi đồn Biên phòng" trong BĐBP, với các nội dung, chỉ tiêu, hình thức triển khai thực hiện cụ thể, thiết thực để nhận các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nuôi dưỡng tại các đồn Biên phòng.
Phạm vi
Chương trình được triển khai trên 44 tỉnh thành có biên giới của Việt Nam, cả biên giới đất liền và biên giới biển (Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Nông, Đắk Lắk, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang).
Chi phí
Tổng ngân sách hỗ trợ đến thời điểm hiện tại khoảng 200 tỷ đồng cho hai chương trình:
- Đối với Chương trình "Nâng bước em tới trường": Hỗ trợ 500.000 đồng/em/tháng (đến khi học hết lớp 12). Tổng số tiền đã tài trợ cho chương trình này là 135 tỷ đồng.
- Đối với Chương trình "Con nuôi đồn Biên phòng", các đơn vị BĐBP hỗ trợ mỗi cháu khoảng 3 triệu đồng/em/tháng. Tổng số tiền hỗ trợ cho các cháu trong chương trình này là 65 tỷ đồng. Chi phí này bao gồm các hoạt động:
+ Chi phí chăm lo, nuôi dưỡng cho các em trong quá trình sinh hoạt tại đồn biên phòng
+ Chi phí sách vở, trang phục, phương tiện đến trường cho các em
+ Tặng quà cho các em trong dịp Lễ, Tết
Để đảm bảo nguồn kinh phí hỗ trợ và nuôi dưỡng các cháu, các cơ quan, đơn vị trong BĐBP đã vận động các cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức, người lao động trong lực lượng trên tinh thần trách nhiệm, tình cảm, sự chia sẻ với đồng bào nơi biên giới tự nguyện ủng hộ kinh phí thực hiện Chương trình.
Đồng thời kết hợp tuyên truyền, huy động các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân hảo tâm chung tay, góp sức cùng BĐBP nhận hỗ trợ, nuôi dưỡng các cháu. Với tinh thần "tương thân, tương ái", "lá lành đùm lá rách", các đơn vị BĐBP đã nhận được nhiều sự giúp đỡ thiết thực để hỗ trợ, nuôi dưỡng các cháu.
Phần 5
Kết quả đạt được
Các cháu được Bộ đội Biên phòng đỡ đầu đã thường xuyên tới trường, bám lớp, tiến bộ về học tập, rèn luyện; nhiều con em đồng bào dân tộc thiểu số ban đầu còn tự ti về hoàn cảnh gia đình nay đã mạnh dạn, hòa nhập và tự tin hơn. Thành tích học tập, rèn luyện của các em được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ học sinh Khá, Giỏi năm sau đều cao hơn năm trước, nhiều em đạt giải trong các kỳ thi các cấp; được các thầy cô, nhà trường khen ngợi, biểu dương. Cụ thể:
- 03 em đạt giải các kỳ thi quốc gia; 42 em đạt giải các kỳ thi cấp tỉnh; 63 em đạt giải các kỳ thi cấp huyện.
- 621 em tốt nghiệp phổ thông trung học; 215 em đỗ các trường đại học, cao đẳng. Gần 6.000 lượt em đạt danh hiệu học sinh Giỏi cấp trường.
Kết quả trên đã khẳng định tính hiệu quả của Chương trình, là điều kiện thuận lợi để các em tiếp tục phát huy, vươn lên trong học tập; góp phần cổ vũ, động viên phong trào học tập, tạo nguồn nhân lực, tri thức trong tương lai cho địa phương. Chương trình từng bước cùng các cấp, ngành nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng sâu, vùng xa khu vực biên giới, hải đảo.
Đồng thời, thông qua việc đỡ đầu, sự phối hợp giữa các đồn Biên phòng với cấp ủy, chính quyền địa phương, nhà trường và gia đình các cháu càng thêm gắn bó chặt chẽ; tạo cơ sở tăng cường tình đoàn kết máu thịt quân dân; tăng cường mối quan hệ giữa BĐBP với lực lượng bảo vệ biên giới và tình cảm hữu nghị giữa chính quyền, nhân dân khu vực biên giới nước ta với nước bạn Lào, Campuchia.
Phần 6
Tiềm năng nhân rộng mô hình
Chương trình được thực hiện xuyên suốt từ năm này qua năm khác trên phạm vi cả nước với sự chung tay của các các cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức, người lao động tại các đồn biên phòng cùng các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân hảo tâm.
Về chúng tôi
Truy cập trang web của chúng tôiBản quyền và tính hợp pháp của các hình ảnh, video, thông tin, dữ liệu về dự án được đăng tải trên landing page (trang thông tin dự án) này do cá nhân/ tổ chức đăng ký tham gia giải thưởng cung cấp và chịu trách nhiệm.