KOTO - BIẾT MỘT, DẠY MỘT
Thư viện sáng kiến
07/11/2024 22:56
Implementing agencies
-
Hạng mục
DỰ ÁN
-
Thời gian
TỪ 2001 ĐẾN NAY
-
Lĩnh vực
CHẤM DỨT ĐÓI NGHÈO
KOTO là dự án dành riêng cho thanh thiếu niên yếu thế từ 18-24 tuổi do ông Jimmy Phạm - Việt kiều mang trong mình hai dòng máu Hàn Quốc - Việt Nam thành lập. Các thanh niên được hỗ trợ là các em đến từ các dân tộc thiểu số, hoàn cảnh cấp bách khắp Việt Nam, đang là nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn tảo hôn, bóc lột lao động, tệ nạn xã hội... KOTO tạo cơ hội thay đổi cuộc đời hoàn toàn cho các em thông qua học bổng dạy nghề toàn diện ngành khách sạn & nhà hàng. Những điều đặc biệt chỉ có tại KOTO bao gồm: cung cấp chứng chỉ quốc tế, cung cấp miễn phí 100% chỗ ở, sinh hoạt và giáo dục kĩ năng toàn diện. Cho đến nay, KOTO đã đào tạo được 1500 học viên với tỷ lệ có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp là 100%
Bối cảnh ra đời của dự án
Năm 1996, giữa một Việt Nam còn nhiều khó khăn và đói nghèo, ngay cả ở những thành phố lớn như Hồ Chí Minh, hình ảnh những đứa trẻ đường phố lang thang vẫn là một hiện thực đau lòng. Trong một chuyến công tác về nước, ông Jimmy Phạm - một người Việt kiều mang trong mình hai dòng máu Hàn Quốc và Việt Nam - đã vô cùng xúc động trước cảnh tượng này. Sau khi gặp gỡ và trò chuyện với những em nhỏ nghèo, ông Jimmy trăn trở rất nhiều về số phận của những hoàn cảnh bất hạnh ông đã gặp và những câu chuyện kém may mắn ông đã nghe.
Vì thế, khi trở lại Việt Nam lần tiếp theo, ông quyết định đặt mục tiêu rất rõ ràng là giúp những trẻ lang thang như thế. Cứ như vậy suốt 3 năm trời, ông Jimmy đi tìm những trẻ em khó khăn để cho tiền, thuê nhà ở và dạy cho các em học tiếng Anh.
Nhưng chỉ không lâu sau đó, ông nhận ra rằng việc cho tiền chỉ là giải pháp tạm thời vì không có sự thay đổi tích cực nào xảy ra với cuộc đời những đứa trẻ mà ông giúp đỡ. Với quyết tâm thay đổi cuộc đời của các em, ông muốn trao cơ hội đổi đời và xây dựng giấc mơ bằng cách trao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp để các em có được một sự nghiệp bền vững và lâu dài.
Tháng 6 năm 1999, tiệm bánh sandwich đầu tiên đã chính thức ra đời tại Quốc Tử Giám, với 9 đứa trẻ đường phố là những nhân viên đầu tiên. Đây là bước khởi đầu đầy ý nghĩa cho một hành trình dài.
Sau khi mở tiệm bánh sandwich, cũng chỉ một thời gian ngắn, ông nhận ra các thanh niên trẻ đó cần phải được đào tạo nhiều kỹ năng hơn nữa. Năm 2001, Trung tâm đào tạo KOTO (viết tắt của Know One, Teach One - Biết một, Dạy một) chính thức được thành lập.
Sáng kiến - phát kiến của dự án
Mô hình nuôi dưỡng và đào tạo nghề Khách sạn, nhà hàng toàn diện cho thanh thiếu niên khó khăn trong vòng 2 năm.
Trong thời gian này, học viện không chỉ được trang bị kiến thức nghề nghiệp mà còn phát triển kỹ năng cần thiết khác để tự tin bước vào đời. Chương trình bao gồm:
- Kỹ năng nghề: Học viên sẽ được đào tạo chuyên sâu về các lĩnh vực như phục vụ bàn, bar, và bếp, tạo nền tảng vững chắc cho nghề nghiệp trong ngành nhà hàng, khách sạn.
- Tiếng Anh: Ngoài đào tạo nghề, KOTO cũng chú trọng tới việc dạy cho học viên tiếng Anh bởi kỹ năng ngôn ngữ này sẽ mở ra nhiều cơ hội giao tiếp, nâng cao thu nhập, phát triển sự nghiệp, làm việc trong môi trường quốc tế.
- Kỹ năng sống: Những kỹ năng mềm như quản lý cảm xúc, cách ứng xử trong môi trường làm việc, giáo dục giới tính… sẽ giúp học viên nhanh thích nghi và tự tin hơn trong cuộc sống.
- Kỹ năng tin học cơ bản: Kỹ năng này giúp các em làm quen với công nghệ và ứng dụng công nghệ trong công việc về sau.
KOTO sẽ hỗ trợ sinh hoạt phí và chỗ ở cho các học viên trong suốt 2 năm đào tạo thông qua các nguồn tài trợ. Ngoài ra, học viên sẽ được chăm sóc sức khỏe định kỳ và tham gia các hoạt động ngoại khóa như thể thao, dã ngoại, hoạt động cộng đồng… Sau khi kết thúc khóa học, học viên sẽ được nhận chứng chỉ nghề của Úc và được KOTO hỗ trợ tìm việc làm sau tốt nghiệp.
Chương trình 6 tháng - thiết kế riêng cho đối tượng là phụ nữ yếu thế
Đây là chương trình được thiết kế riêng cho các nhóm phụ nữ yếu thế, mẹ đơn thân hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa không đủ điều kiện đi học tiếp. Học viên của Chương trình này sẽ được đào tạo 1 trong 4 nghề: nấu ăn, làm bánh, phục vụ, pha chế.
Giống với chương trình 24 tháng, ngoài kỹ năng nghề, các em học viên sẽ được học tiếng Anh cũng như các kỹ năng mềm và nhận được sự hỗ trợ tâm lý, định hướng nghề nghiệp và chăm lo đời sống trong 6 tháng học.
Xây dựng mạng lưới đối tác trong ngành nhà hàng, khách sạn
KOTO hợp tác với nhiều nhà hàng, khách sạn uy tín trong và ngoài nước để tạo cơ hội thực tập tốt nhất cho học viên cũng như tăng cơ hội việc làm cho các em.
Duy trì cộng đồng cựu học viên gắn kết, cùng chia sẻ và nhân rộng giá trị mà KOTO theo đuổi
KOTO cũng duy trì cộng đồng cựu học viên ngay cả khi đã kết thúc đào tạo. Hầu hết các cựu học viên của KOTO đều quay trở lại và hỗ trợ dự án. Qua đó khẳng định và nhân rộng giá trị sứ mệnh Biết Một Dạy Một.
Mục tiêu - tầm nhìn dự án
Mục tiêu:
Là doanh nghiệp xã hội đầu tiên tại Việt Nam, KOTO hoạt động với mục tiêu hỗ trợ cộng đồng dễ bị tổn thương và khó khăn về kinh tế bằng cách cung cấp cả nền tảng và lộ trình chuyển đổi.
Đồng thời, thông qua các hoạt động, KOTO cũng muốn lan tỏa thông điệp "được giúp đỡ rồi, hãy giúp đỡ những người khác". Từ đó tạo nên một cộng đồng phát triển bền vững.
Tầm nhìn:
Tầm nhìn dài hạn của KOTO là giúp thanh thiếu nhiên có nguy cơ và hoàn cảnh khó khăn có thể thay đổi tích cực lâu dài thông qua sức mạnh của doanh nghiệp xã hội.
KOTO hướng tới một thế giới dung hợp, trong đó không ai bị bỏ lại phía sau, nơi mọi cá nhân, dù xuất phát điểm thế nào, đều có cơ hội phát triển và truyền cảm hứng thông qua hành trình đổi đời và trao quyền dài lâu.
Quá trình triển khai - Phạm vi - Chi phí của dự án
Quá trình triển khai, phạm vi dự án
Đối với Chương trình đào tạo 24 tháng, KOTO sẽ tuyển sinh các học viên tuổi từ 18-24 tuổi đang ở trong hoàn cảnh khó khăn như mồ côi bố hoặc mẹ, các em là trẻ đường phố, thanh niên nghèo được chứng nhận sổ hộ nghèo, các thanh niên thuộc nhóm dân tộc thiểu số hoặc các em đang gặp các vấn đề như bị bạo lực, bị xâm hại…
Đối với Chương trình đào tạo 6 tháng, chương trình này sẽ dành riêng cho phụ nữ là mẹ đơn thân hoặc hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa không đủ điều kiện đi học tiếp không đủ điều kiện đi học tiếp.
Tiêu chí để lựa chọn học viên bao gồm:
- Hoàn cảnh, mức độ khó khăn của học viên (chiếm 50%).
- Thái độ và động lực của các em đối với bản thân và tương lai của mình (chiếm 30%).
- Có tinh thần "biết một, học một" (Know One, Teach One) và xem xét học lực (chiếm 20%)
Ông Jimmy cũng như các thành viên tại KOTO xác định rằng, việc dạy nghề không phải mục chính của KOTO mà là dạy các em học viên trở thành người tử tế, giúp ích cho xã hội, thay đổi số phận của những mảnh đời khó khăn.
Các khóa đào tạo của KOTO đào tạo trung bình 150 học viên/năm và cam kết 100% các em sẽ có việc làm sau khi kết thúc khóa học tại KOTO.
Đồng thời, dự án cũng hợp tác với các nhà hàng, khách sạn trong và ngoài nước để tạo cơ hội thực hành tốt nhất cho học viên cũng như tăng cơ hội việc làm cho các em.
KOTO cũng duy trì cộng đồng cựu học viên ngay cả khi đã kết thúc đào tạo. Hầu hết các cựu học viên của KOTO đều quay trở lại và hỗ trợ dự án. Qua đó khẳng định giá trị sứ mệnh Biết Một Dạy Một.
Nỗ lực vượt qua những thách thức để duy trì bền bỉ:
Trong 25 năm thành lập và triển khai, dự án vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn như:
- Việc giáo dục và đào tạo chất lượng cao yêu cầu mức chi phí cao/mỗi học viên trong khi điều kiện cơ sở vật chất, diện tích trường học hạn chế.
- Đối tượng tham gia chương trình đến từ những địa phương xa xôi và hạn chế kiến thức và ngại ra khỏi vùng an toàn nên cán bộ tuyển dụng KOTO phải tốn nhiều thời gian, chi phí đi lại và xây dựng mối quan hệ, lòng tin với cộng đồng địa phương để các em tin tưởng vào mô hình và mục đích hoạt động nhân đạo của tổ chức.
- Sau thời gian trải nghiệm 1 tháng tại trung tâm đào tạo, có những học viên không đủ kiên trì và động lực để tham gia chương trình một cách nghiêm túc, có trách nhiệm và kỉ luật, nên sẽ không tiếp tục theo đào tạo.
- Các bạn có hoàn cảnh đặc biệt, nền tảng kiến thức thấp, nên trong quá trình tiếp cận, đồng hành, giảng dạy cũng phải quan tâm và nỗ lực rất nhiều từ phía nhà trường.
- Các tiêu chí đào tạo của KOTO toàn diện nhiều kĩ năng nên chi phí vận hành và giáo dục của tổ chức phải liên tục và đầu tư đáng kể.
- Khi đại dịch Covid-19 diễn ra, KOTO phải đóng cửa do giãn cách xã hội đồng thời cũng phải di dời đến nhiều địa điểm khác nhau do không ai cho thuê mặt bằng trong thời điểm đó. Trong khi đó KOTO vẫn nhận giúp đỡ cho hơn 150 em học viên.
Tuy nhiên, vượt trên tất cả những thách thức đất tiếp tục hành trình kiên cường của mình, với sự đồng hành của một đội ngũ tận tâm, nhiệt huyết và các đối tác sẵn sàng đồng hành.
Chi phí
Các hoạt động của dự án không chỉ dựa trên nguồn hỗ trợ bị động mà Nhà hàng KOTO sẽ chủ động tài chính 1 phần cho chi phí vận hành.
Chi phí trung bình cho mỗi học viên, bao gồm toàn bộ chương trình đào tạo, sinh hoạt, các hoạt động thực tập, ngoại khóa... khoảng 350,000 VND/ ngày.
Tương đương, khoảng 255,500,000 VND/ khóa đào tạo 24 tháng/ mỗi học viên.
Kết quả đạt được
Trải qua 25 năm hoạt động, doanh nghiệp xã hội KOTO đã đào tạo gần cho 1500 học viên và 100% các em đều có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Có những em từ những đứa trẻ lang thang cơ nhỡ, có hoàn cảnh khó khăn nay đã trở thành nhân viên, quản lý tại các nhà hàng, khách sạn nổi tiếng trong nước và quốc tế. Không chỉ vậy, cũng có những em cựu học viên của KOTO hiện đang điều hành công ty riêng, và nhiều người trong số đó còn tiếp nhận và tuyển dụng học viên của KOTO về làm việc.
KOTO đã thành công trong việc thực hiện mục tiêu của mình, các học viên của KOTO sau khi được giúp đỡ đã quay trở lại giúp đỡ cho cộng đồng của mình, lan tỏa và chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm mà mình nhận được. Như thời điểm đại dịch Covid-19, những hoạt động đào tạo cũng như chăm sóc đời sống học viên của KOTO vẫn được duy trì là do sự hỗ trợ, đóng góp của các cựu học viên.
Tiềm năng nhân rộng mô hình
Từ một quán bánh mì nhỏ, KOTO đã rất thành công khi có thể trở thành một doanh nghiệp xã hội như ngày nay. Đồng thời, đây cũng là minh chứng rõ ràng cho khả năng nhân rộng của mô hình.
Tầm nhìn nhân rộng của mô hình đã được thể hiện sẵn trong mục tiêu khi KOTO thành lập Know One, Teach One
Với mục tiêu tạo ra một cộng đồng phát triển bền vững với tinh thần nhân văn "được giúp đỡ rồi, hãy giúp đỡ những người khác" và luôn duy trì sự gắn bó lâu dài với cựu học viên, KOTO đã xây dựng được một cộng đồng học viên ngày càng lớn mạnh và gắn kết. Mỗi cựu học viên trở thành cánh tay nối dài của mô hình, trở thành người giúp đỡ những hoàn cảnh kém may mắn khác được nhận những cơ hội như mình đã từng.
Cam kết mục tiêu về số lượng học viên được trao học bổng mỗi năm
Mỗi năm học KOTO đều đặt mục tiêu tăng số lượng học viên được trao cơ hội nhận học bổng đào tạo. Trong năm 2025, KOTO đặt mục tiêu tăng số lượng học viên từ 150 em lên 300 em. Ngoài ra, KOTO cũng định hướng mở rộng lứa tuổi, ngành nghề để giúp đỡ được nhiều đối tượng hơn.
Trong quá trình hoạt động, dự án vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, khiến việc mở rộng mô hình gặp nhiều thử thách. Tuy nhiên phía KOTO luôn nỗ lực làm mới mình, tìm kiếm thêm các nguồn lực hỗ trợ chương trình về tài chính và hiện vật để tăng chất lượng giảng dạy, sinh hoạt cho mỗi học viên, đồng thời tăng số lượng học viên cho chương trình. Càng nhiều học viên nhận cơ hội thì càng nhiều cuộc đời được đổi thay. Đó là động lực để KOTO không ngừng nghỉ trong suốt những năm qua.
Về chúng tôi
Truy cập trang web của chúng tôiBản quyền và tính hợp pháp của các hình ảnh, video, thông tin, dữ liệu về dự án được đăng tải trên landing page (trang thông tin dự án) này do cá nhân/ tổ chức đăng ký tham gia giải thưởng cung cấp và chịu trách nhiệm.