IT Hòa nhập toàn diện cho Người Yếu Thế
Thư viện sáng kiến
29/10/2024 10:34
Đơn vị thực hiện
-
Hạng mục
DỰ ÁN
-
Thời gian
TỪ 2008 ĐẾN NAY
-
Lĩnh vực
GIÁO DỤC BÌNH ĐẲNG
Nghị Lực Sống - Doanh Nghiệp Xã Hội tiền thân là trung tâm Nghị Lực Sống ra đời năm 2008 do cố Hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng cùng một số người bạn và em gái là chị Nguyễn Thị Vân sáng lập. Đến tháng 10 năm 2022, chị Vân cùng các Doanh nhân Sao Đỏ, các Doanh nhân; các cá nhân, tổ chức có uy tín, có tầm ảnh hưởng xã hội và các Nhà hảo tâm cùng góp vốn thành lập Công ty cổ phần Nghị Lực Sống - doanh nghiệp xã hội. Nghị Lực Sống hỗ trợ hòa nhập toàn diện cho người khuyết tật và người yếu thế thông qua đào tạo nghề IT miễn phí, nâng cao năng lực, hướng nghiệp và tạo việc làm, giúp họ có thể sống độc lập, tự chủ, thay đổi tương lai và tạo dựng cuộc sống. Với triết lý "Lợi nhuận có được là giá trị cho đi", dự án cam kết sử dụng 100% lợi nhuận sau thuế để thực hiện tạo tác động xã hội và hỗ trợ cho người khuyết tật và và người yếu thế tại Việt Nam. Với hơn 1560 học viên được đào tạo trong đó 70% tốt nghiệp có việc làm, dự án đã không chỉ giải quyết các thách thức của người khuyết tật, mà còn đóng góp vào sự phát triển bền vững và công bằng xã hội.
Phần 1
Bối cảnh ra đời của dự án
Việt Nam có khoảng hơn 7 triệu người khuyết tật, chiếm 7.06% dân số từ 2 tuổi trở lên (UNFPA Vietnam). Người khuyết tật (NKT) tại Việt Nam thường gặp nhiều khó khăn về kinh tế, với hơn 32% hộ gia đình có thành viên là NKT được xếp vào diện nghèo (UNICEF). NKT cũng đối mặt với khó khăn lớn trong việc tìm kiếm việc làm, chỉ khoảng 15% NKT có việc làm. Có đến 75% trẻ em khuyết tật không có cơ hội tiếp cận giáo dục, dẫn đến sự bất lợi về cơ hội học tập và tương lai nghề nghiệp của họ (UNFPA Vietnam).
Mặc dù Việt Nam đã có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ NKT. Tuy nhiên, việc thực thi còn nhiều bất cập. Các dịch vụ hỗ trợ như y tế, giáo dục và việc làm chưa đáp ứng đủ nhu cầu, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, nơi sống của phần lớn NKT. Chính phủ đã có các chương trình hỗ trợ, như các sáng kiến về tiếp cận công nghệ thông tin, nhưng thực tế vẫn chưa tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho NKT. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng và dịch vụ công tại Việt Nam chưa thực sự thuận tiện với NKT. Những điều này càng làm gia tăng khó khăn trong việc tiếp cận các chương trình giáo dục và cơ hội việc làm.
Thực trạng trên trên cho thấy người khuyết tật đang bị hạn chế rất nhiều cơ hội học tập và làm việc, tạo ra một vòng luẩn quẩn của nghèo đói và thất nghiệp. Thêm vào đó, sự kỳ thị và phân biệt đối xử khiến người khuyết tật cảm thấy bị cô lập và không thể tham gia đầy đủ vào các hoạt động xã hội.
Chị Nguyễn Thị Vân và anh trai, cố Hiệp sỹ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng, là hai người khuyết tật nặng sinh ra và lớn lên tại Nghệ An, một vùng quê có cộng đồng người khuyết tật đông đảo. Chính những khó khăn, sự kỳ thị mà họ phải trải qua đã thôi thúc họ vượt lên số phận.
Năm 2001, một chiếc máy tính đã mở ra một thế giới hoàn toàn mới cho anh em họ. Nhờ sự tự học không ngừng, họ đã thành thạo công nghệ thông tin và tiếng Anh, từ đó có thể tự nuôi sống bản thân và gia đình. Thấy được những lợi ích của công nghệ mang lại cho người khuyết tật, năm 2003, họ bắt đầu chia sẻ kiến thức với những người có hoàn cảnh giống mình.
Năm 2008, Trung tâm Nghị Lực Sống ra đời, trở thành ngôi nhà chung của nhiều người khuyết tật và trở thành Doanh nghiệp xã hội vào năm 2022 với tên gọi Công ty Cổ phần Nghị Lực Sống - Doanh Nghiệp Xã Hội. Tại đây, họ được đào tạo nghề IT miễn phí và tìm được việc làm ổn định. Những thành công của các học viên đã là động lực vô cùng tuyệt vời giúp đội ngũ vận hành luôn có niềm tin vào sự phát triển và thành công.
Phần 2
Sáng kiến - phát kiến của dự án
Nghị Lực Sống đã tạo ra một mô hình đào tạo nghề độc đáo và hiệu quả cho người khuyết tật và các nhóm yếu thế. Phương pháp tổ chức giảng dạy và quy trình đào tạo của Nghị Lực Sống được thiết kế linh hoạt, kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành, tập trung vào các ngành nghề phù hợp với khả năng của người khuyết tật, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin - lĩnh vực được đánh giá là phù hợp nhất với người khuyết tật và người yếu thế hiện nay bởi ít yêu cầu về di chuyển và dễ dàng thích ứng với các khả năng cá nhân của người khuyết tật, giúp họ thành công và phát triển sự nghiệp bền vững.
Điều đặc biệt của dự án là phương pháp đào tạo được xây dựng dựa trên nhu cầu tuyển dụng thực tế của doanh nghiệp. Nhờ đó, học viên không chỉ được trang bị kiến thức chuyên môn mà còn có cơ hội thực tập tại các công ty đối tác, tăng khả năng tìm việc làm sau khi tốt nghiệp. Đồng thời, quá trình đào tạo tại Nghị Lực Sống được đảm bảo chất lượng nhờ đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm thực tiễn. Họ không chỉ truyền đạt kiến thức lý thuyết mà còn chia sẻ những kinh nghiệm làm việc thực tế, giúp học viên nhanh chóng thích ứng với môi trường làm việc.
Chính nhờ phương pháp đào tạo đặc biệt đó, Nghị Lực Sống không chỉ là một trung tâm đào tạo nghề mà còn đóng vai trò là một cầu nối giữa người khuyết tật và doanh nghiệp. Các học viên tại Nghị Lực Sống luôn là một nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng được các nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp và yêu cầu thực tế của thị trường lao động.
Mặt khác, Nghị Lực Sống cũng là mô hình doanh nghiệp xã hội tiên phong trong việc huy động được nguồn lực lớn cổ đông đầu tư là các Doanh nhân Sao Đỏ, các Doanh nhân; các cá nhân, tổ chức có uy tín, có tầm ảnh hưởng xã hội và các Nhà hảo tâm cùng ký cam kết sử dụng 100% lợi nhuận sau thuế để thực hiện mục tiêu tạo tác động xã hội cho cộng đồng người khuyết tật và người yếu thế ở Việt Nam. Lợi nhuận của Nghị Lực Sống sẽ được tính trên số lượng học viên có việc làm và số lượng nhân sự cung cấp cho thị trường.
Hiện nay Nghị Lực Sống đang đào tạo nhóm ngành nghề về chỉnh sửa hình ảnh, chỉnh sửa video cho lĩnh vực bất động sản của nước ngoài, gắn nhãn dữ liệu cho công nghệ Ai và thương mại điện tử. Đến tháng 11/2024, Nghị Lực Sống sẽ tiếp tục mở rộng lĩnh vực đào tạo thông qua việc kết hợp với công ty JoyE và nền tảng TikTok thành lập MCN Bigheart là một mạng quản lý đa kênh, mục tiêu phát triển kết hợp uy tín chất lượng, văn hóa kinh doanh và trách nhiệm cộng đồng. Cụ thể, Bigheart và Nghị Lực Sống sẽ hỗ trợ các dịch vụ cho các chủ sở hữu kênh trong mạng lưới người khuyết tật và người yếu thế bao gồm: tăng lượng người xem, xây dựng chương trình nội dung, cộng tác với người sáng tạo, quản lý quyền kỹ thuật số, kiếm tiền và/hoặc bán hàng. MCN Bigheart sẽ giúp những "Nhà sáng tạo nội dung" và các "Doanh nghiệp", "Nhãn hàng" có thể giới thiệu và cung cấp sản phẩm, dịch vụ của mình tới khách hàng mục tiêu thông qua nền tảng đa phương tiện. Và đặc biệt chúng tôi cùng với đối tác sẽ cùng nhau trích lợi nhuận của mình đóng góp cho các tổ chức, dự án xã hội, vì cộng đồng.
Phần 3
Mục tiêu - tầm nhìn dự án
Mục tiêu
Mục tiêu của Nghị Lực Sống là phát triển các mô hình đào tạo nghề phù hợp với đặc thù của NKT và người yếu thế bao gồm mở rộng các ngành nghề trong lĩnh vực công nghệ thông tin, thiết kế đồ họa, và thương mại điện tử, giúp người học không chỉ có kỹ năng nghề nghiệp mà còn có khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động.
Đồng thời, dự án hướng tới việc đào tạo và hướng nghiệp dựa trên nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, đảm bảo người học có thể dễ dàng tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp.
Kế hoạch trong 5 năm tới sẽ Nghị Lực Sống sẽ mở rộng mô hình ra các tỉnh như Hồ Chí Minh, các thành phố lớn nơi có nhu cầu cao về nguồn nhân lực công nghệ thông và dễ dàng mở rộng đa lĩnh vực ngành nghề
Tầm nhìn
Tầm nhìn và mục tiêu dài hạn của Nghị Lực Sống là trở thành một doanh nghiệp xã hội điển hình, tập trung vào việc hỗ trợ nâng cao năng lực, hướng nghiệp, đào tạo nghề và tạo việc làm cho người yếu thế, đặc biệt là người khuyết tật (NKT), để họ có thể sống độc lập, tự chủ, và hưởng thụ đầy đủ các quyền con người một cách bình đẳng. Đây không chỉ là một tầm nhìn mà còn là cam kết của dự án trong việc thúc đẩy một xã hội công bằng và bao trùm, nơi mọi cá nhân, dù ở hoàn cảnh nào, đều có cơ hội để phát triển và cống hiến.
Trong tương lai, Nghị Lực Sống không chỉ mong muốn tiếp tục hỗ trợ hàng nghìn người yếu thế trong cộng đồng mà còn mở rộng mô hình ra các khu vực khác, thậm chí quốc tế, tạo ra một hệ sinh thái phát triển bền vững và bao trùm cho tất cả mọi người.
Phần 4
Quá trình triển khai - Phạm vi - Chi phí của dự án
Quá trình triển khai - Phạm vi thực hiện
Năm 2001, anh Nguyễn Công Hùng - một người khuyết nặng sống tại Nghệ An, lần đầu tiên được tiếp cận với chiếc máy vi tính, điều này đã mở ra cho anh một thế giới mới. Dù là một người khuyết tật nặng (NKT) và chỉ dùng được duy nhất một ngón tay trỏ mỗi khi sử dụng máy tính, nhưng anh đã không ngừng học hỏi kiến thức về công nghệ thông tin và tiếng Anh.
Sau khi tiếp xúc với lĩnh vực này, anh Hùng nhận ra công nghệ thông tin là một công việc rất phù hợp với những NKT như anh, giúp họ tạo ra nguồn thu nhập và ổn định cuộc sống. Mặc dù đối với một người khuyết tật như anh, việc nuôi sống bản thân mình đã khó, giúp đỡ những người khác lại càng khó khăn hơn, anh vẫn mạnh dạn tập hợp những người khuyết tật và tạo thành một nhóm nhỏ chưa đến 10 thành viên, lấy tên là "Nối vòng tay lớn" năm 2003, dạy cho NKT những kiến thức về công nghệ thông tin và ngoại ngữ. Không chỉ dạy họ về kiến thức, anh đã nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin vào thực tiễn, tạo việc làm cho các thành viên bằng việc thiết kế website, cung cấp tên miền, hosting cho các doanh nghiệp.
Với nghị lực của mình, năm 2005, anh Nguyễn Công Hùng là người khuyết tật đầu tiên được vinh danh là Hiệp sĩ công nghệ thông tin. Năm 2008, sau khi anh Hùng ra Hà Nội, anh đã mở rộng nhóm nhỏ của mình trở thành Trung tâm Nghị Lực Sống. Nghị Lực Sống được thành lập chỉ nhờ bằng số tiền của anh cùng em gái là chị Nguyễn Thị Vân và một vài người bạn góp lại để mua một cái tên miền website và mọi hoạt động chủ yếu của Nghị Lực Sống lúc bấy giờ đều diễn ra trên website đó.
Tuy nhiên, điều đáng buồn đã xảy ra, anh Nguyễn Công Hùng đã qua đời trong chuyến công tác ở Miền Tây vào năm 2012. Sau khi anh qua đời, Nghị Lực Sống được trao lại cho chị Nguyễn Thị Vân - em gái anh và chị Ngô Thị Huyền Minh - hiện đang là CEO của Nghị Lực Sống - Doanh Nghiệp Xã Hội. Đây cũng là khoảng thời gian vô cùng khó khăn. Nhưng chị Nguyễn Thị Vân vẫn nỗ lực cố gắng để vận hành Trung tâm. Đến năm 2016, Nghị Lực Sống mới có cơ duyên trở thành một tổ chức phi chính phủ (NGO) do chị Vân là Chủ tịch hội đồng sáng lập và chị Minh trở thành Giám đốc trung tâm. Đến năm 2022, với sự đồng hành của các doanh nhân Sao đỏ và các doanh nhân uy tín chị Vân đã cùng các cổ đông sáng lập phát triển Nghị Lực Sống trở thành một doanh nghiệp xã hội.
Đối tượng mà Nghị Lực Sống hướng tới không chỉ có người khuyết tật, những người có hạn chế về vận động mà còn có các nhóm người yếu thế khác bao gồm phụ nữ yếu thế, nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn nhân buôn bán người, trẻ mồ côi, mẹ đơn thân, con em diện chính sách, người thân của người khuyết tật, thanh niên không có điều kiện tiếp cận giáo dục, việc làm… Bên cạnh đó, đối tượng gián tiếp của dự án là gia đình của người khuyết tật và người yếu thế, các nhà tuyển dụng, doanh nghiệp.
Quá trình triển khai dự án Nghị Lực Sống (NLS) là một quá trình liên tục với nhiều giai đoạn thực hiện. Do các chương trình đào tạo nghề truyền thống thường chỉ tập trung vào giảng dạy mà không nghiên cứu kỹ nhu cầu thị trường, dẫn đến khó khăn trong việc tìm việc làm sau khi đào tạo, cũng như thiếu nguồn lực vận hành vì vậy dự án Nghị Lực Sống đã triển khai một mô hình đào tạo mới. Các hoạt động cụ thể bao gồm:
- Nghiên cứu nhu cầu cụ thể của doanh nghiệp trước
- Sau khi biết được nhu cầu của doanh nghiệp, NLS sẽ thiết kế chương trình học để đáp ứng đúng nhu cầu tuyển dụng. Điều này giúp đảm bảo người học không chỉ có kỹ năng nghề mà còn phù hợp với tiêu chuẩn của doanh nghiệp. Sử dụng phương pháp đào tạo thực tiễn, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, giúp học viên áp dụng kiến thức ngay trong quá trình học.
- Huy động hợp tác với các doanh nghiệp để tạo cơ hội thực tập và việc làm sau đào tạo. Đồng thời, các doanh nhân và doanh nghiệp tham gia đóng góp vào mô hình này thông qua các hoạt động đầu tư và kinh doanh, đồng thời cam kết sử dụng 100% lợi nhuận sau thuế để tái đầu tư vào các chương trình hỗ trợ người khuyết tật và người yếu thế.
- Kế hoạch dự án được lập theo từng năm và được hội đồng quản trị phê duyệt và huy động nguồn lực triển khai thực hiện.
Dự án có kế hoạch hoạt động dài hạn, không có thời gian kết thúc cụ thể do định hướng phát triển bền vững và mở rộng.
Cơ sở hiện tại của Nghị Lực Sống là ở Hà Nội với quy mô 600m2 được trang bị đầy đủ trang thiết bị hiện đại và đảm bảo tiếp cận đầy đủ nhất cho người khuyết tật. Các khóa đào tạo tại Nghị Lực Sống luôn miễn phí và đào tạo từ 70 học viên/khóa học trong đó 80% học viên là người khuyết tật và 20% là những người yếu thế với hơn 70% học viên tốt nghiệp có việc làm. Học viên được dự án tuyển sinh quanh năm và được hỗ trợ sắp xếp chỗ ở và điều kiện thuận lợi để tiếp cận cơ hội việc làm.
Chi phí
Chi phí vận hành cho các hoạt động tại Nghị Lực Sống phần lớn đến từ các doanh nghiệp, đối tác đóng vai trò là cổ đông của Nghị Lực, phần còn lại là đến từ các hoạt động tài trợ dự án và các hoạt động kinh doanh khác.
Phần 5
Kết quả đạt được
Đối với người thụ hưởng:
- Nâng cao tự tin và khả năng hòa nhập cộng đồng: Thông qua các khóa đào tạo và hỗ trợ, NKT có thể tự tin hơn trong giao tiếp, độc lập về tài chính, và sống tích cực hơn. Điều này giúp họ hòa nhập xã hội một cách dễ dàng hơn và thoát khỏi sự cô lập mà họ thường gặp phải do những định kiến xã hội.
- Tạo cơ hội việc làm và ổn định cuộc sống: Với tỷ lệ hơn 70% học viên tìm được việc làm sau khi hoàn thành khóa học, Nghị Lực Sống đã giúp nhiều người khuyết tật cải thiện cuộc sống của mình. Không chỉ tạo ra thu nhập, các học viên còn cảm nhận được giá trị đóng góp của họ cho xã hội, điều này thúc đẩy sự tự hào và niềm tin vào bản thân. Ngoài ra, việc làm còn giúp họ giảm bớt gánh nặng cho gia đình và trở thành những thành viên tích cực trong cộng đồng.
- Tăng cường sự tham gia của nữ giới khuyết tật: Dự án đặc biệt tập trung vào việc hỗ trợ phụ nữ khuyết tật, giúp họ vượt qua những rào cản xã hội kép về giới tính và khuyết tật. Bằng cách cung cấp các khóa học về công nghệ thông tin, thiết kế đồ họa và bán vé máy bay, phụ nữ khuyết tật không chỉ nâng cao kỹ năng nghề nghiệp mà còn tăng cường vị thế của mình trong gia đình và xã hội. Điều này giúp họ tự tin hơn trong việc đưa ra quyết định và tham gia vào các hoạt động xã hội.
Đối với xã hội
- Giá trị lan tỏa xã hội: Nghị Lực Sống đã thành công trong việc thay đổi quan niệm xã hội về NKT, từ việc coi họ là những người thụ động sang những người có khả năng đóng góp. Những kết quả đạt được không chỉ tác động đến bản thân người thụ hưởng mà còn thay đổi cách nhìn nhận của gia đình, bạn bè, và cộng đồng về người khuyết tật. Điều này giúp tạo ra một môi trường xã hội thân thiện và cởi mở hơn cho NKT.
- Đóng góp vào nền kinh tế số: Việc đào tạo và giới thiệu NKT vào các ngành nghề liên quan đến công nghệ thông tin và dịch vụ như bán vé máy bay không chỉ giúp họ dễ dàng tìm kiếm việc làm mà còn góp phần vào chiến lược phát triển nguồn nhân lực công nghệ của quốc gia. Dự án đã đóng góp tích cực vào việc đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về công nghệ thông tin theo mục tiêu của Chính phủ.
Đối với doanh nghiệp
Không chỉ giới hạn ở việc hỗ trợ và nâng cao cuộc sống của người khuyết tật (NKT), mà còn mở ra một hệ sinh thái kinh doanh tích hợp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, doanh nhân thực hiện trách nhiệm xã hội (CSR) một cách hiệu quả và bền vững. Dưới đây là những giá trị mà hệ sinh thái này mang lại:
- Tạo ra một mạng lưới liên kết trách nhiệm xã hội: Hệ sinh thái này thúc đẩy sự kết nối và hợp tác giữa các doanh nghiệp và doanh nhân có tâm huyết với trách nhiệm xã hội. Các Doanh nhân Sao Đỏ và các nhà hảo tâm khác đã tham gia đầu tư vào Nghị Lực Sống không chỉ để tạo ra lợi nhuận mà còn để thực hiện trách nhiệm xã hội của mình một cách thiết thực.
- Đóng góp vào sự phát triển bền vững: Không chỉ là cung cấp các khóa đào tạo, dự án còn tạo ra cơ hội kinh doanh, hợp tác với các đối tác và doanh nghiệp, mở rộng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ do NKT cung cấp. Đồng thời, việc các doanh nhân và doanh nghiệp khi hợp tác sẽ phải cam kết sử dụng 100% lợi nhuận sau thuế để tái đầu tư vào các chương trình hỗ trợ người khuyết tật và người yếu thế và tạo điều kiện cho NKT có việc làm và tự lập, hệ sinh thái này đã đóng góp một phần quan trọng vào phát triển bền vững.
- Thúc đẩy doanh nghiệp tham gia CSR lâu dài: Nghị Lực Sống đã giúp doanh nghiệp không chỉ hoàn thành trách nhiệm xã hội mà còn tạo ra những giá trị thực tiễn trong hoạt động kinh doanh. Các doanh nghiệp có thể thấy rõ lợi ích của việc tham gia vào hệ sinh thái này khi họ không chỉ đóng góp vào xã hội mà còn được hưởng lợi từ việc kết nối với một cộng đồng mạnh mẽ và có mục tiêu rõ ràng.
Phần 6
Tiềm năng nhân rộng mô hình
Tính linh hoạt: Một trong những điểm mạnh của mô hình NLS là khả năng thích ứng với các điều kiện và nhu cầu cụ thể của từng địa phương và từng đối tượng. Cách tiếp cận dựa trên nhu cầu nhà tuyển dụng có thể dễ dàng được triển khai tại các tỉnh thành khác ở Việt Nam cũng như các quốc gia đang phát triển khác có kiện kinh tế và thị trường lao động tương tự. Quy trình nghiên cứu trước nhu cầu doanh nghiệp để xây dựng chương trình đào tạo giúp mô hình này có khả năng tùy chỉnh linh hoạt, đáp ứng được các yêu cầu khác nhau của từng doanh nghiệp.
Việc huy động nguồn lực từ các doanh nhân và tổ chức có tầm ảnh hưởng giúp Nghị Lực Sống có tiềm năng mở rộng cũng như nhân rộng quy mô và mở ra tiềm năng hợp tác quốc . Đây là một điểm sáng tạo trong mô hình hoạt động, bởi thay vì chỉ dựa vào các nguồn tài trợ truyền thống hoặc ngân sách nhà nước, dự án tận dụng sự hợp tác của các doanh nhân và nhà đầu tư xã hội. Những doanh nhân này không chỉ đóng vai trò là nhà tài trợ mà còn là các đối tác chiến lược, giúp Nghị Lực Sống kết nối với nhiều doanh nghiệp khác ở trong và ngoài nước. Từ đó, Nghị Lực Sống không chỉ là một doanh nghiệp xã hội tiêu biểu tại Việt Nam, mà còn là một mô hình có thể truyền cảm hứng và lan tỏa những giá trị tích cực trên toàn thế giới, khi các doanh nghiệp xã hội khác có thể học hỏi từ cách thức huy động nguồn lực và quản lý tài chính bền vững.
Cam kết sử dụng 100% lợi nhuận sau thuế cho các hoạt động xã hội của NLS cũng là một minh chứng cho sự bền vững và khả năng tự nhân rộng của mô hình. Điều này không chỉ giúp duy trì các chương trình đào tạo, mà còn hỗ trợ việc mở rộng các hoạt động mới, giúp NKT tiếp cận nhiều cơ hội hơn trong các ngành nghề phù hợp, đặc biệt là trong lĩnh vực CNTT và thương mại điện tử – những lĩnh vực ít đòi hỏi về khả năng di chuyển và thích hợp với điều kiện của NKT.
Về chúng tôi
Truy cập trang web của chúng tôiBản quyền và tính hợp pháp của các hình ảnh, video, thông tin, dữ liệu về dự án được đăng tải trên landing page (trang thông tin dự án) này do cá nhân/ tổ chức đăng ký tham gia giải thưởng cung cấp và chịu trách nhiệm.