Hệ sinh thái dự án Nuôi em Mộc Châu
Thư viện sáng kiến
01/12/2023 14:34
Đơn vị thực hiện
-
Hạng mục
DỰ ÁN
-
Thời gian
TỪ 2021 ĐẾN NAY
-
Lĩnh vực
CHẤM DỨT ĐÓI NGHÈO
Dự án “Nuôi em Mộc Châu - Nối dài tương lai cho trẻ em nghèo miền núi” là hệ sinh thái gồm 10 dự án bổ trợ, lấy học sinh mầm non bản cao làm trung tâm từ đó giúp các em phát triển không chỉ về thể chất, tinh thần, học tập ngoài ra còn giúp các em giữ gìn, duy trì bản sắc dân tộc Việt Nam. Dự án góp phần tích cực vào “Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030” của Thủ tướng Chính Phủ, hướng tới một xã hội nơi trẻ em vùng cao được tiếp cận với giáo dục, đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện con người, phát triển toàn diện trẻ em về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ và hình thành yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ vùng cao nền tảng vững chắc cho tương lai.
Dự án được sáng lập và điều hành bởi Đoàn thanh niên Công an tỉnh Sơn La, do đồng chí Dương Hải Anh - Bí thư đoàn thanh niên Công an tỉnh - Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu lĩnh vực hoạt động xã hội năm 2022 điều hành. Để thực hiện tôn chỉ “Cơ hội công bằng dành cho mọi trẻ em”, hướng tới sự bảo đảm “Không có trẻ em nào bị bỏ lại phía sau”, dự án đẩy mạnh hệ sinh thái "Nuôi em Mộc Châu", hướng tới phát triển toàn diện và bền vững cho trẻ em tỉnh Sơn La. Giá trị cốt lõi của dự án là phục vụ: Trọng dân, gần dân, lúc dân cần, lúc dân khó, có Công an; Chính trực: Sự trung thực và các nguyên tắc đạo đức dẫn đường; Đam mê: Một mong muốn nhất quán thiện nguyện từ tâm; Làm việc theo nhóm: Cùng nhau đoàn kết đạt được mọi mục tiêu.
Phần 1
Bối cảnh ra đời của dự án
Sơn La là tỉnh miền núi, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng phía Tây Bắc của Tổ quốc với dân số toàn tỉnh trên 1,3 triệu người, trong đó dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao 80%. Những năm qua, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tốc độ tăng trưởng khá, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm và hoạt động đối ngoại được tăng cường, mở rộng, phục vụ có hiệu quả công cuộc phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội. Tuy nhiên, Sơn La vẫn là tỉnh khó khăn, cơ sở hạ tầng chưa phát triển so với nhiều tỉnh trong toàn quốc, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp với hình thức canh tác tự cung, tự cấp, điều kiện đời sống của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, nhiều trẻ em không được đến trường, bỏ học giữa chừng vì cuộc sống mưu sinh.
Qua các chuyến công tác tại địa bàn cơ sở, cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Mộc Châu được chứng kiến hình ảnh các em học sinh lứa tuổi mầm non ở các điểm trường trên địa bàn huyện Mộc Châu ăn uống đạm bạc, bữa trưa bán trú chỉ có cơm trắng. Nhiều em đã phải nghỉ học vì gia đình khó khăn. Với trách nhiệm và tình thương yêu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nơi vùng cao, biên giới và mong muốn góp sức cùng các điểm trường và các thầy cô giáo cải thiện bữa ăn có thêm thịt, cá, trứng, rau xanh, Đoàn Thanh niên đã phối hợp với Hội Phụ nữ, Công an huyện Mộc Châu đề xuất Đảng ủy, lãnh đạo Công an huyện Mộc Châu triển khai xây dựng Dự án “Nuôi em Mộc Châu” trên địa bàn huyện. Qua 3 năm, dự án đã lên đến quy mô tỉnh, triển khai tại 5 huyện khó khăn là Mộc Châu, Vân Hồ, Bắc Yên, Phù Yên, Thuận Châu với 8000 em nhỏ được hỗ trợ trong năm học 2023-2024, dự kiến tài trợ số tiền là 11 tỷ 600 triệu đồng.
Phần 2
Sáng kiến - phát kiến của dự án
- Truyền thông “0 đồng”: Tận dụng các kênh truyền thông như website, mạng xã hội, các thông tin về dự án đã được lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng. Tại website nuoiemmocchau.vn, mọi thông tin liên quan đến việc nhận nuôi các em hay các thông tin về tài chính, truyền thông, phóng sự, khen thưởng,... liên quan dự án đều được cập nhật kịp thời, đầy đủ và minh bạch. Ngoài ra, nhờ tính nhân văn, thiết thực cùng sự minh bạch, dự án nhận được rất nhiều cá nhân, tổ chức trong cộng đồng tin tưởng, gửi gắm tài chính để các em nhỏ có bữa trưa ấm lòng.
Sự minh bạch của dự án thể hiện ở bí quyết 10+ minh bạch tài chính, gồm: Xác nhận bằng văn bản qua tin nhắn (khi nhận được một khoản Nuôi em có kèm mã NE + tên anh chị nuôi, dự án gửi phản hồi sau 24-48h thông qua tin nhắn, kèm hướng dẫn các bước tiếp theo); Công khai báo cáo tài chính; Giấy tờ đề nghị thanh toán; Chỉ 1 tài khoản duy nhất; Mỗi cháu 1 người nuôi; Gọi điện bất kỳ lúc nào; Được tổ chức thăm em thực tế; Được tổ chức giám sát từ công an chính quy.
- Công tác dân vận được triển khai đồng bộ: Do chủ trì bởi Đoàn thanh niên Công an tỉnh và được giám sát bởi các cấp chỉ huy, dự án “Nuôi em Mộc Châu” nhận được sự tin tưởng của người dân, giúp họ có nhận thức tốt hơn trong việc cho con em đến trường.
- Áp dụng các yếu tố chuyển đổi số vào triển khai hệ sinh thái dự án “Nuôi em Mộc Châu”: Hệ thống Chatbot tự động cấp mã, tự động trả mã nuôi em; Hệ thống code tự động làm ảnh thẻ hàng loạt; Dự án bổ trợ Hạnh phúc cho em ra mắt bản đồ thiện nguyện số đầu tiên trên cả nước với tương tác hai chiều (một chiều là người dân tại các vùng khó khăn có sử dụng smartphone có thể chụp ảnh, gửi thông tin về điểm trường, điểm nhà khó khăn lên bản đồ, chiều thứ hai là các mạnh thường quân ngay lập tức có thể truy cập được và tiến hành lựa chọn tài trợ với nhu cầu của mình, đồng thời có thể ước lượng thời gian đi đến điểm thiện nguyện). Trong tương lai, dự án sẽ triển khai hệ thống này như một tổng đài máy chủ, khi có ai có nhu cầu thiện nguyện sẽ phân phối tới nơi cần đến, đảm bảo minh bạch, công khai và nhanh chóng kịp thời.
- Xây dựng cộng đồng yêu thích từ thiện với hơn 65.000 người đồng hành sẵn sàng tham gia các dự án thuộc hệ sinh thái “Nuôi em Mộc Châu” triển khai.
- Lồng ghép tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân vùng cao để bà con có thể chấp hành pháp luật tốt hơn, không dễ dàng bị người xấu lôi kéo và bỏ những tập quán du canh, du cư tiềm ẩn nhiều nguy hệ luỵ.
- Dự án bổ trợ “Máy tính cho tương lai” hỗ trợ các em nhỏ vùng cao được tiếp cận với tin học, học hỏi các kỹ năng mềm cần thiết, nghiên cứu nghiên cứu cẩm nang về phòng chống tội phạm dịch ra các ngôn ngữ như Tiếng Việt - Tiếng Mông - Tiếng Mường - Tiếng Thái - Tiếng La Ha…
- Dự án bổ trợ "Rừng nuôi em" đặt mục tiêu đến năm 2025 trồng 1 triệu cây xanh: Đầu năm học, dự án yêu cầu các bố mẹ triển khai mang theo 2 cây ăn quả có bóng mát để trồng tại xung quanh khuôn viên trường. Năm nay, với 8000 em nhỏ sẽ có 16.000 cây trồng mà không hề tốn sức, không hề tốn kinh phí.
Phần 3
Mục tiêu - tầm nhìn dự án
Mục tiêu
Mục tiêu cụ thể của hệ sinh thái dự án “Nuôi em Mộc Châu” đó là:
- Kêu gọi các mạnh thường quân cùng chung tay giúp đỡ những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Sơn La sau đó mở rộng ra các tỉnh thành khác.
- Hỗ trợ dinh dưỡng: Cung cấp bữa cơm trưa miễn phí cho các em học sinh, giúp các em có đủ năng lượng để học tập và phát triển, tăng chuyên cần vào buổi chiều từ 40% lên 100%.
- Nâng cao nhận thức: Tăng cường nhận thức cho cộng đồng và những người quan tâm về tình hình thiếu dinh dưỡng, khó khăn trong việc tiếp cận giáo dục của trẻ em ở vùng cao.
- Áp dụng việc Truyền thông 0 đồng, phát huy lợi thế của mạng xã hội để lan tỏa dự án đến với tất cả mọi người.
- Hợp tác và liên kết: Tìm kiếm sự hợp tác từ các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân có cùng mục tiêu và quan tâm để mở rộng quy mô và hiệu quả của dự án.
- Phát triển giáo dục vùng cao bằng công nghệ thuộc hệ sinh thái “Nuôi em Mộc Châu” thông qua dự án “Máy tính cho tương lai”.
- Phấn đấu đến năm 2025 có 15.000 em nhỏ được hỗ trợ cơm trưa.
- Lồng ghép việc từ thiện, tuyên truyền pháp luật tại vùng cao biên giới, nhất là đối với đồng bào dân tộc.
- Thông qua triển khai các chương trình mang tính nhân văn, tổ chức xây dựng một cộng đồng yêu thích từ thiện, sẵn sàng ủng hộ các công tác xã hội tình nghĩa.
- Tạo lập được mặt trận thanh niên, tìm kiếm những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền thông, công nghệ để hỗ trợ, giúp đỡ lực lượng đoàn viên thanh niên Công an thực hiện các công tác thiện nguyện, tuyên truyền.
- Minh bạch các thông tin liên quan đến xã hội tình nghĩa, đảm bảo đúng quy định của pháp luật là cốt lõi.
- Xóa toàn bộ các điểm trường, nhà nội trú bằng tranh, nứa, lá trên địa bàn toàn tỉnh, sau đó mở rộng phạm vi ra cả nước.
Tầm nhìn
Động lực mạnh mẽ nhất thôi thúc các thành viên thực hiện bắt tay thực hiện và duy trì dự án:
- Tình yêu thương và trách nhiệm xã hội: Các thành viên tham gia vào dự án xuất phát từ tình yêu thương với trẻ em và mong muốn chia sẻ khó khăn với cộng đồng. Họ cảm thấy trách nhiệm lớn trong việc giúp đỡ những em nhỏ vùng cao có một môi trường sống và học tập tốt hơn.
- Ý thức công bằng và bình đẳng: Nhận thấy những bất cập trong việc tiếp cận giáo dục và nguồn lực tại địa bàn vùng cao, các thành viên dự án mong muốn tạo ra một môi trường nơi mọi cơ hội được san sẻ cho tất cả mọi người, đặc biệt là trẻ em.
- Nguyện vọng góp phần phát triển cộng đồng: Các thành viên dự án muốn thấy sự thay đổi tích cực trong cộng đồng và xã hội. Sự thay đổi này không chỉ mang lại lợi ích cho nhóm người được hỗ trợ mà còn góp phần tạo động lực vào sự phát triển chung của cả xã hội.
- Sự hỗ trợ, động viên từ cộng đồng, gia đình và bạn bè: Động lực mạnh mẽ cho các thành viên thực hiện dự án tiếp tục cống hiến và nỗ lực.
- Mong muốn tìm kiếm ý nghĩa và giá trị sống: Các thành viên tham gia dự án cảm thấy hạnh phúc và thỏa mãn khi giúp đỡ người khác và góp phần vào những mục tiêu lớn hơn.
- Cơ hội tham gia vào các hoạt động ý nghĩa: Thực hiện những chuyến thăm thực tế, trao quà cho các em nhỏ, tham gia các khóa học về nâng cao kỹ năng quản lý thời gian, truyền thông,...
Phần 4
Quá trình triển khai - Phạm vi - Chi phí của dự án
Quá trình triển khai
Hệ sinh thái dự án Nuôi em Mộc Châu gồm 10 dự án bổ trợ kèm theo như: Nuôi cơm trưa, Áo ấm đồng phục, Chăn ấm ngủ trưa, Nước sạch cho em, Máy tính cho tương lai,... lấy học sinh vùng cao làm trung tâm từ đó thúc đẩy giáo dục, giúp các em nhỏ thay đổi cuộc đời.
Dự án “Nuôi em Mộc Châu” chính thức khởi động ngày 16/1/2021. Để thực hiện các hoạt động nuôi em, các thành viên của dự án phối hợp với giáo viên bám bản, Ban Giám hiệu, Phòng Giáo dục,... tiến hành thu thập thông tin trẻ tại địa bàn (theo bản, xã), cập nhật thông tin cá nhân của trẻ (ảnh chân dung trẻ, độ tuổi, chiều cao, cân nặng, số điện thoại của bố/mẹ, cô giáo), đặt mã định danh cho từng trẻ. Đặc biệt, trước khi triển khai tại bất cứ điểm trường nào, dự án đều phải thông qua Phòng Giáo dục và cấp uỷ Đảng, chính quyền sở tại. Để duy trì hoạt động lâu dài, dự án cũng nỗ lực huy động sự góp sức từ các nhà hảo tâm. Ban Chủ nhiệm lên lịch công việc cụ thể cho các Ban theo dây truyền, cụ thể:
- Ban Tiền trạm sẽ có những chuyến đi thực tế để ghi lại tư liệu về những khó khăn, vất vả của các em học sinh nơi dự án dự kiến tài trợ.
- Ban Truyền thông đăng tải trên website của dự án nuoiemmocchau.vn và các hội, nhóm trên trang mạng xã hội những thông tin, hình ảnh thực tế về cuộc sống khó khăn của các em nhỏ để kêu gọi sự giúp đỡ của những mạnh thường quân và nhà hảo tâm. Bên cạnh đó, các thành viên cũng thiết kế thẻ tên, ảnh và gắn mã nhận nuôi của các em.
- Khi các mạnh thường quân, nhà hảo tâm đồng ý nhận nuôi các em nhỏ, Ban kết nối - Đối ngoại sẽ tư vấn, hướng dẫn cụ thể cách thức, phương thức để nhận nuôi các bé trọn vẹn trong một năm học, cùng cách chuyển tiền để thực hiện việc nhận nuôi vào tài khoản dự án.
- Ban Tài chính sẽ lưu thông tin và đánh dấu mã bé đã được nuôi.
- Khi đã nhận đủ kinh phí để nhận nuôi các em học sinh tại nơi dự án triển khai, Ban Pháp chế sẽ hoàn thiện thủ tục hồ sơ, pháp lý, làm việc với Phòng Giáo dục huyện và thầy cô giáo tại các điểm trường bằng văn bản và có các cam kết đi kèm để chuyển tiền tài trợ cho nhà trường để tổ chức nấu ăn cho các em học sinh.
Định kỳ hàng tháng, Ban Chủ nhiệm báo cáo kết quả triển khai thực hiện kèm theo hình ảnh, video của các bé đến các nhà hảo tâm. Trong năm học, dự án sẽ tổ chức các chuyến đi đến thăm trực tiếp các em nhỏ được nhận nuôi để gắn kết tình cảm, tạo niềm tin cho các nhà hảo tâm và mạnh thường quân. Kinh phí hỗ trợ nuôi em đều được Ban Chủ nhiệm thông báo công khai tới mỗi tháng một lần trên hệ thống đã được số hóa.
Phạm vi thực hiện
Dự án đã mở rộng tới 5 huyện, trong năm học 2023-2024 là Mộc Châu, Vân Hồ, Bắc Yên, Phù Yên, Thuận Châu với 8000 em nhỏ được hỗ trợ trong năm học 2023-2024, dự kiến tài trợ số tiền là 11 tỷ 600 triệu đồng/ 1 năm học. Thời gian tới, dự án sẽ mở rộng trên toàn bộ 12 huyện, thành phố của tỉnh, nơi có các em nhỏ không được ăn cơm trưa đầy đủ và ảnh hưởng tới chuyên cần đi học. Ngoài ra, với hạng mục dự án bổ trợ “Hạnh phúc cho em” đã xây dựng được 22 điểm trường, nhà nội trú, 8 nhà hạnh phúc thuộc các huyện: Phù Yên, Mường La, Quỳnh Nhai, Mộc Châu, Sông Mã, Vân Hồ với tổng giá trị 6 tỷ 200 triệu. Trong năm 2025, dự kiến khi xây dựng xoá toàn bộ các điểm trường nhà tranh vách lá trên địa bàn sẽ tiến hành mở rộng phạm vi hoạt động ra các tỉnh lân cận.
Chi phí
- Dự án “Nuôi em Mộc Châu” là một dự án mang tính chiến lược lâu dài, cụ thể hóa việc thực hiện đề án “Tuổi trẻ Công an nhân dân nâng bước em đến trường” của Đoàn thanh niên Bộ Công an (nay là Ban Thanh niên Công an nhân dân). Nhờ tính thiết thực, dự án có sức lan tỏa lớn, thu hút đông đảo cán bộ, chiến sỹ, đoàn viên thanh niên trong và ngoài lực lượng CAND tích cực tham gia, đồng thời nhận được sự quan tâm ủng hộ, giúp đỡ, đồng hành của các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm, mạnh thường quân trên khắp mọi miền của Tổ quốc.
Sau khi triển khai thực hiện Dự án “Nuôi em Mộc Châu” tại các điểm trường, tình trạng các em học sinh bỏ học giữa chừng không còn, các em đến lớp để học tập chăm chỉ và đầy đủ hơn, tỷ lệ suy dinh dưỡng, thể trạng thấp còi giảm xuống đáng kể, sức khỏe của các em học sinh được nâng lên và nhất là tinh thần tự giác tham gia học tập của các em. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng giúp bố mẹ, gia đình các em yên tâm lao động, sản xuất khi các em được nhà trường chăm sóc chu đáo.
Với những kết quả và hiệu ứng dư luận xã hội tích cực mang lại, dự án “Nuôi em Mộc Châu” đã vinh dự được Ủy ban Trung ương Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong hoạt động tình nguyện năm 2022, được Bộ Công an chứng nhận là công trình thanh niên tiêu biểu của Tuổi trẻ Công an nhân dân, nhiệm kỳ 2017 - 2022 cùng nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp, các ngành. Ngày 19/5/2023, Ban Chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” tỉnh Sơn La đã quyết định công nhận mô hình Dự án “Nuôi em Mộc Châu”của Đoàn Thanh niên Công an tỉnh là mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu của Công an tỉnh Sơn La.
- Các chi phí được tài trợ hoàn toàn bởi các mạnh thường quân, dự án Nuôi em Mộc Châu kêu gọi 100% sự hỗ trợ từ phía cộng đồng, và là dự án phi lợi nhuận.
Phần 5
Kết quả đạt được
Phần 6
Tiềm năng nhân rộng mô hình
Mô hình hệ sinh thái dự án “Nuôi em Mộc Châu” có thể triển khai mở rộng, nhân rộng trên toàn quốc một cách dễ dàng thông qua hệ thống Đoàn thanh niên Công an các đơn vị địa phương. Trên thực tế, Bộ Công an đã có thông báo số về việc nhân rộng mô hình dân vận khéo dự án “Nuôi em Mộc Châu” trên toàn lực lượng. nhờ thông báo đó, đã có từ 3-5 địa phương bắt đầu triển khai mô hình.
Đối với quốc tế, dự án “Nuôi em Mộc Châu” có thể được vận dụng linh hoạt để hỗ trợ các bữa cơm trưa cho các em nhỏ tại các vùng khó khăn như Châu Phi. Với việc huy động sức mạnh cộng đồng, đồng thời việc ủng hộ nuôi cơm với kinh phí vừa phải, dễ dàng có thể triển khai lan tỏa tới mỗi người trong xã hội. Dự án “Nuôi em Mộc Châu” đã quy trình hóa từng công việc của tình nguyện viên.
Bản quyền và tính hợp pháp của các hình ảnh, video, thông tin, dữ liệu về dự án được đăng tải trên landing page (trang thông tin dự án) này do cá nhân/ tổ chức đăng ký tham gia giải thưởng cung cấp và chịu trách nhiệm.