Hành trình tiên phong trung hòa carbon trong vận hành
Thư viện sáng kiến
16/11/2024 12:03
Đơn vị thực hiện
-
Hạng mục
DỰ ÁN
-
Thời gian
TỪ 2021 ĐẾN NAY
-
Lĩnh vực
NĂNG LƯỢNG SẠCH VÀ BỀN VỮNG
Từ tầm nhìn đạt mục tiêu Net Zero của tập đoàn Unilever vào năm 2039, Unilever Việt Nam đã sớm thực hiện những nỗ lực trung hòa carbon trong vận hành, xây dựng "chuỗi giá trị xanh phi phát thải". Với những bước đi tiên phong của mình, Unilever Việt Nam đã đạt mục tiêu phát thải ròng bằng "0" trong toàn bộ hoạt động vận hành nội bộ vào năm 2021, sớm 9 năm so với cam kết toàn cầu của tập đoàn.
Kết quả này có được là nhờ các sáng kiến mạnh mẽ như chuyển đổi toàn diện sang năng lượng sạch, sử dụng năng lượng tái tạo, áp dụng các giải pháp tiết kiệm điện năng, và thúc đẩy tái chế, tái sử dụng theo mô hình kinh tế tuần hoàn.
Hiện nay, Unilever Việt Nam vẫn đang tiếp tục lan tỏa và thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh này tới hệ thống hàng trăm các đối tác trong toàn bộ chuỗi giá trị, trở thành lực đẩy cho sự chuyển mình mang tính hệ thống của nền kinh tế. Điều này không chỉ góp phần vào mục tiêu chung quốc gia đưa phát thải ròng về "0", góp phần đẩy lùi nguy cơ của biến đổi khí hậu mà còn gia tăng các giá trị tích cực tổng thể đối với môi trường, xã hội và cộng đồng doanh nghiệp.
Phần 1
Bối cảnh ra đời của dự án
Hiện tại, nhiệt độ toàn cầu đã tăng hơn 1°C so với thời kỳ tiền công nghiệp, và những tác động của biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng sâu rộng đến sức khỏe, sinh kế và cuộc sống của hàng triệu người trên thế giới. Mực nước biển dâng cao, rủi ro mưa lớn, lũ lụt, sự mất môi trường sống của các loài động thực vật,... là những hậu quả rõ rệt nếu chúng ta không có hành động kịp thời.
Ngoài ra, có thể thấy, người tiêu dùng ngày nay không chỉ tìm kiếm các sản phẩm chất lượng mà còn đòi hỏi các thương hiệu phải thể hiện trách nhiệm xã hội, đặc biệt về môi trường. Các nhà đầu tư cũng ưu tiên những công ty có chiến lược phát triển bền vững, nhằm bảo vệ giá trị dài hạn cho các khoản đầu tư của họ. Đồng thời, những nhân tài hàng đầu cũng đang có xu thế tìm kiếm cơ hội làm việc tại các doanh nghiệp có cam kết vì cộng đồng và môi trường.
Trước tình hình thực tế trên, Unilever với vị thế của một tập đoàn có tầm ảnh hưởng toàn cầu đã thể hiện những cam kết mạnh mẽ theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững, trong đó nổi bật phải kể đến nỗ lực hành động chống lại biến đổi khí hậu. Từ cuối những năm 1990, Unilever đã theo dõi và báo cáo dấu chân môi trường trong hoạt động của mình, từ đó đặt ra mục tiêu giảm phát thải chuỗi giá trị đầu tiên vào năm 2010.
Vào năm 2015, Unilever đóng vai trò tích cực trong việc vận động cho Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu - một hiệp ước toàn cầu nhằm thúc đẩy các Chính phủ và doanh nghiệp hành động cụ thể để giảm thiểu biến đổi khí hậu. Kể từ đây, công ty cũng đã công bố các mục tiêu mới dựa trên khoa học cho hoạt động và chuỗi giá trị của mình. Năm 2020, trên phạm vi toàn cầu, Tập đoàn Unilever đã đặt ra các cam kết cụ thể thực hiện mục tiêu giảm phát thải, hướng tới phát thải ròng bằng "0" trong toàn bộ chuỗi giá trị vào năm 2039 nhằm góp phần giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Tại bối cảnh Việt Nam, tình hình biến đổi khí hậu cũng gây nên những ảnh hưởng tiêu cực về mặt kinh tế - xã hội cùng nhiều khó khăn cho cuộc sống của người dân. Để đối mặt với những thách thức đó, "Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050" đã đặt ra nhiều mục tiêu quan trọng trong giảm phát thải khí nhà kính để đạt phát thải ròng bằng "0", chuyển đổi mô hình tăng trưởng bền vững hơn, nâng cao sức chống chịu và tính cạnh tranh của nền kinh tế.
Với trách nhiệm của một doanh nghiệp đã hoạt động tại Việt Nam suốt 2 thập kỷ, hướng đến tầm nhìn đạt mục tiêu Net Zero của Unilever toàn cầu, Unilever Việt Nam đã sớm có những phương pháp tiếp cận toàn diện và phù hợp với bối cảnh kinh doanh trong nước, bao gồm kiểm soát các hoạt động trong chuỗi vận hành, từ đó tiến đến tối ưu phát thải trên toàn bộ chuỗi giá trị, nhằm dẫn đầu xu thế chuyển đổi xanh tại Việt Nam.
Phần 2
Sáng kiến - phát kiến của dự án
Phạm vi 1:
Phạm vi 1 của Unilever Việt Nam bao gồm các hoạt động trực tiếp trong sản xuất và vận hành của công ty. Để giảm lượng khí thải trong phạm vi này, Unilever đã triển khai nhiều sáng kiến xanh nhằm loại bỏ khí thải carbon từ các nguồn nhiên liệu hóa thạch như dầu diesel. Một trong những bước tiến quan trọng là việc sử dụng nhiên liệu sinh khối (biomass) tái chế từ các nguyên liệu như gỗ vụn, pallet hỏng, và trấu, giúp thay thế hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch trong các lò hơi. Điều này đã giúp công ty giảm đáng kể lượng khí thải CO₂, tương đương loại bỏ gần 10.000 tấn CO₂ mỗi năm kể từ năm 2007.
Phạm vi 2:
Phạm vi 2 của Unilever Việt Nam tập trung vào việc giảm phát thải gián tiếp từ việc tiêu thụ điện. Để giảm phát thải gián tiếp từ tiêu thụ điện năng, hướng tới mục tiêu sử dụng 100% năng lượng tái tạo, vào năm 2021, Unilever Việt Nam đã bổ sung chứng chỉ năng lượng tái tạo IREC đối với nguồn điện đang sử dụng tại tất cả các nhà máy, văn phòng và trung tâm phân phối thuộc tập đoàn.
Chứng chỉ này chứng nhận rằng nguồn điện mà công ty đang tiêu thụ là từ các nguồn năng lượng tái tạo, góp phần quan trọng trong việc giảm phát thải carbon từ việc tiêu thụ điện, đồng thời giúp Unilever tiến gần hơn tới mục tiêu phát thải ròng bằng "0" trên toàn chuỗi giá trị.
Phạm vi 3
Phạm vi 3 của Unilever liên quan đến việc thúc đẩy toàn chuỗi giá trị chung tay cùng hướng tới mục tiêu toàn bộ chuỗi giá trị đạt lượng phát thải ròng carbon bằng "0". Phần lớn lượng khí thải carbon của Unilever xuất phát trong toàn bộ chuỗi giá trị: từ nguyên liệu thô đầu vào, vận chuyển nguyên liệu, đến các hoạt động sản xuất của nhà máy, sau đó là quá trình đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Vì vậy, Unilever Việt Nam không thể thực hiện mục tiêu toàn bộ chuỗi giá trị đạt lượng phát thải bằng "0" một mình, mà cần đến sự hợp tác, chung tay của tất cả các đối tác, nhà cung cấp trong toàn chuỗi giá trị để cùng phát triển và thực hiện các giải pháp cắt giảm khí nhà kính.
Vào tháng 5/2022, Unilever đã tổ chức Hội nghị "Chuỗi giá trị không phát thải khí nhà kính," với sự tham gia của hơn 200 nhà cung cấp và đối tác chiến lược, nhằm kêu gọi các doanh nghiệp cùng tham gia vào hành trình chống biến đổi khí hậu và giảm phát thải.
Tại sự kiện, Unilever cùng các đối tác chiến lược như VinFast, Linfox Logistics, và Green Yellow đã ký Biên Bản Ghi Nhớ, khẳng định cam kết đạt mục tiêu phát thải ròng bằng "0" trong toàn bộ chuỗi giá trị vào năm 2039. Điều này không chỉ thúc đẩy các hành động bảo vệ môi trường mà còn truyền cảm hứng và tạo động lực cho nhiều doanh nghiệp khác trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, Unilever Việt Nam cũng tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch nước về việc tích cực tham gia bảo vệ môi trường sống xanh, sạch, đẹp; thực hiện thành công chương trình trồng 1 tỷ cây xanh đến năm 2025. Công ty ký kết hợp tác cùng Bộ Tài Nguyên và Môi Trường cam kết hoàn thành mục tiêu trồng 1 triệu cây "Vì một Việt Nam Xanh" trong giai đoạn đến năm 2025 tập trung tại rừng phòng hộ, rừng quốc gia, trường học, đô thị. Chương trình này không chỉ nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường, giảm phát thải carbon mà còn tăng cường nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và phát triển bền vững.
Phần 3
Mục tiêu - tầm nhìn dự án
Tầm nhìn:
Unilever hướng tới việc đạt phát thải ròng bằng "0" trong toàn bộ các hoạt động sản xuất và chuỗi giá trị vào năm 2039. Công ty cam kết không chỉ bảo vệ môi trường, đóng góp vào mục tiêu toàn cầu về chống biến đổi khí hậu mà còn tạo ra sự thay đổi tích cực cho xã hội thông qua các sáng kiến về năng lượng tái tạo, sử dụng nhiên liệu sinh khối, và cải thiện hiệu quả sản xuất.
Ngoài ra, Unilever đặt mục tiêu xây dựng một mô hình kinh doanh bền vững, nơi mọi sản phẩm và hoạt động của họ đóng góp vào sự phát triển của một tương lai xanh, sạch, và an toàn cho các thế hệ tiếp theo.
Mục tiêu cụ thể:
Hoạt động của chúng tôi (Phạm vi 1 & 2)
• Giảm 100% lượng khí thải hoạt động (Phạm vi 1 & 2) theo giá trị tuyệt đối vào năm 2030, so với mức cơ sở năm 2015 (SBTi được xác nhận là phù hợp với 1,5°C).
• Giảm 70% lượng khí thải hoạt động (Phạm vi 1 & 2) theo giá trị tuyệt đối vào năm 2025, so với mức cơ sở năm 2015.
Chuỗi giá trị của chúng tôi (Phạm vi 3)
• Giảm 42% lượng khí thải GHG công nghiệp và năng lượng theo Phạm vi 3 tuyệt đối từ hàng hóa và dịch vụ đã mua (liên quan đến thành phần, bao bì), vận chuyển và phân phối thượng nguồn, các hoạt động liên quan đến năng lượng và nhiên liệu, lượng khí thải trực tiếp từ việc sử dụng các sản phẩm đã bán (liên quan đến chất đẩy HFC), xử lý cuối vòng đời của các sản phẩm đã bán và tài sản cho thuê hạ nguồn (liên quan đến tủ bán kem) theo giá trị cơ sở năm 2021 (đã nộp cho SBTi để xác nhận là phù hợp với 1,5°C vào tháng 11 năm 2023).
• Giảm 30,3% lượng khí thải GHG tuyệt đối của Phạm vi 3 rừng, đất và nông nghiệp (FLAG) từ hàng hóa và dịch vụ đã mua (liên quan đến thành phần) vào năm 2030, so với mức cơ sở năm 20212 (đã nộp cho SBTi để xác nhận là phù hợp với 1,5°C vào tháng 11 năm 2023). Chúng tôi đã chuyển từ mục tiêu giảm GHG cường độ sang mục tiêu giảm GHG tuyệt đối. Đồng thời, chúng tôi đã chọn tăng tốc độ của các mục tiêu này để phù hợp với mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức 1,5°C. Các mục tiêu này đã được chia tách để tách riêng lượng khí thải GHG giữa lượng khí thải từ rừng, đất và nông nghiệp (FLAG) và lượng khí thải từ năng lượng và công nghiệp.
Phần 4
Quá trình triển khai - Phạm vi - Chi phí của dự án
Phát thải từ hệ thống vận hành nội bộ của Unilever nằm trong tầm kiểm soát trực tiếp, được đo lường và đánh giá dựa trên các tiêu chí toàn cầu mà tập đoàn áp dụng nhất quán. Tập đoàn đặt mục tiêu giảm toàn bộ phát thải từ tiêu thụ điện, nhiệt và chất làm lạnh xuống 0% vào năm 2030. Tại Việt Nam, Unilever đã đạt mục tiêu giảm phát thải 100% so với năm 2015, hoàn thành các mục tiêu ngắn hạn về giảm phát thải khí nhà kính (GHG) trong giai đoạn 1 và 2, sớm hơn 9 năm so với kế hoạch. Kết quả này có được nhờ việc chuyển đổi sang sử dụng điện tái tạo và triển khai các chương trình tối ưu hóa hiệu quả năng lượng.
Các hành động chính trong hành trình này bao gồm:
- Khử cacbon từ nguồn năng lượng nhiệt và điện: Tích cực giảm thiểu phát thải thông qua các biện pháp sử dụng năng lượng sạch và giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch.
- Tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo: Sử dụng nguồn cung cấp năng lượng được chứng nhận bởi Chứng chỉ Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IREC), đảm bảo sự bền vững và an toàn về môi trường.
- Giảm thiểu phát thải từ hệ thống làm lạnh: Tối ưu hóa và đổi mới công nghệ làm lạnh nhằm giảm lượng khí nhà kính phát sinh trong quá trình vận hành.
Năm 2009: Unilever đã bắt đầu sử dụng năng lượng mặt trời để cung cấp nước cho các hoạt động sản xuất và sinh hoạt. Đây là bước đầu tiên trong hành trình sử dụng năng lượng tái tạo tại Việt Nam, giúp giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch và góp phần giảm phát thải carbon. Việc ứng dụng năng lượng mặt trời không chỉ giúp giảm chi phí năng lượng mà còn giảm lượng khí nhà kính từ các hoạt động sản xuất, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững của công ty.
Năm 2010: Unilever đã tiến hành nghiên cứu và thử nghiệm sử dụng viên nén gỗ (biomass) thay thế dầu diesel trong hoạt động của lò hơi. Viên nén biomass là nguồn năng lượng tái tạo được tạo ra từ các vật liệu gỗ thừa như pallet hỏng và trấu, giúp giảm thiểu khí thải CO₂ từ quá trình đốt cháy dầu diesel, đồng thời giảm thiểu phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch không tái tạo.
Năm 2011-2012: Sau khi nghiên cứu và thử nghiệm thành công, Unilever đã thay thế hoàn toàn dầu diesel bằng viên nén gỗ biomass tại các nhà máy của mình. Việc này không chỉ loại bỏ hoàn toàn phát thải CO₂ từ việc sử dụng dầu diesel mà còn đảm bảo lò hơi hoạt động hiệu quả với nguồn nhiên liệu sạch và tái tạo. Đây là một trong những bước tiến quan trọng trong chiến lược sử dụng năng lượng tái tạo của Unilever Việt Nam.
Năm 2016: Unilever đặt mục tiêu không phát thải CO₂ (Zero CO2) trong phạm vi 1 tại nhà máy Củ Chi. Để đạt được mục tiêu này, Unilever đã triển khai các công nghệ tiên tiến, tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng và chuyển hoàn toàn sang sử dụng nhiên liệu sinh khối. Nhờ vậy, lượng khí thải CO₂ phát sinh trong quá trình sản xuất đã được giảm thiểu tối đa, giúp nhà máy Củ Chi đạt được mục tiêu không phát thải carbon. Đây cũng là cơ sở đầu tiên của Unilever tại Việt Nam đạt được cột mốc quan trọng này, khẳng định cam kết phát triển bền vững của công ty.
Năm 2019: Unilever Việt Nam đã đạt được bước tiến quan trọng trong hành trình hướng tới mục tiêu không phát thải CO₂ trong phạm vi 2 bằng cách chuyển sang sử dụng hoàn toàn nguồn điện xanh, được chứng nhận bởi Chứng chỉ Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IREC). Sự chuyển đổi này được áp dụng trên tất cả các cơ sở của Unilever Việt Nam, bao gồm hai nhà máy, văn phòng chính và trung tâm phân phối sản phẩm. Nhờ vậy, toàn bộ lượng điện tiêu thụ tại các nhà máy và văn phòng của Unilever Việt Nam đều đến từ các nguồn năng lượng tái tạo, giúp giảm đáng kể lượng phát thải CO₂ gián tiếp từ việc sử dụng điện. Thông qua sáng kiến này, Unilever Việt Nam đã giảm được 10.415 tấn CO₂ mỗi năm, góp phần quan trọng vào cam kết phát triển bền vững của tập đoàn.
Tháng 4/2021: Sau khi đã hoàn thành mục tiêu Zero CO₂ trong phạm vi 2 tại tất cả các đơn vị thuộc Unilever Việt Nam và Zero CO₂ trong phạm vi 1 tại nhà máy Củ Chi, Unilever tiếp tục đặt mục tiêu đạt Zero CO₂ phạm vi 1 tại nhà máy Bắc Ninh, nhằm tiến tới mục tiêu không phát thải CO₂ trong cả phạm vi 1 và 2 cho toàn bộ hoạt động của mình. Tận dụng kinh nghiệm và công nghệ đã triển khai thành công tại nhà máy Củ Chi, nhà máy Bắc Ninh đã đạt được mục tiêu không phát thải carbon sau 4 năm hoạt động, nhờ vào việc đưa vào vận hành lò hơi sử dụng viên nén gỗ sinh khối (biomass). Sự chuyển đổi này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong nỗ lực loại bỏ nhiên liệu hóa thạch tại các nhà máy của Unilever, tiếp tục củng cố cam kết của công ty trong hành trình trung hòa carbon và phát triển bền vững.
Phần 5
Kết quả đạt được
Phạm vi 1 & 2:
9.684 tấn CO2 được loại bỏ mỗi năm từ năm 2007 đến năm 2022, thuộc phạm vi 1
10.415 tấn CO2 được loại bỏ mỗi năm từ năm 2019, thuộc phạm vi 2
Riêng sáng kiến sử dụng nhiên liệu Biomass đã đưa Unilever Việt Nam trở thành đơn vị tiên phong thực hiện chuyển đổi từ sử dụng dầu diesel sang nhiên liệu sinh khối có khả năng tái tạo, góp phần giảm 276 tấn khí thải CO2 và 511kg khí SOx mỗi năm.
Các công trình lớn của Unilever như trụ sở chính, trung tâm phân phối, và nhà máy Bắc Ninh đều đã đạt chứng chỉ Công trình xanh LEED, một tiêu chuẩn quốc tế công nhận các công trình xây dựng thân thiện với môi trường và tiết kiệm năng lượng. Điều này khẳng định cam kết của Unilever trong việc phát triển bền vững và xây dựng môi trường làm việc xanh.
Phạm vi 3:
- Giảm 100% phát thải CO2 và giảm 100% rác thải là bìa carton cho hoạt động vận chuyển bao bì từ Dynaplast
- Chuyển đổi sang sử dụng 100% xe nâng điện, góp phần giảm 1.999 tấn CO2 phát thải tại toàn bộ trung tâm phân phối vào cuối năm 2022 so với năm 2020
- Triển khai và hiện thực hóa mô hình kinh tế tuần hoàn trong việc quản lý rác thải nhựa, pallet hỏng, thùng carton...; biến rác thải trở thành nguồn năng lượng và phân bón lành mạnh, trở lại phục vụ cho hoạt động sản xuất.
Phần 6
Tiềm năng nhân rộng mô hình
Unilever Việt Nam nhận thức rõ rằng việc đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 trên toàn bộ chuỗi giá trị không thể hoàn thành chỉ với nỗ lực của riêng mình. Thay vào đó, công ty cần sự hợp tác, chung tay của tất cả các đối tác và nhà cung cấp trong chuỗi giá trị. Chính vì thế, Unilever đã và đang không ngừng nỗ lực nhân rộng các sáng kiến, giải pháp của mình bằng cách:
- Chia sẻ và nhân rộng: Unilever Việt Nam hướng đến việc kết nối cộng đồng doanh nghiệp, nhằm chia sẻ và nhân rộng các giải pháp quản lý, kỹ thuật và tài chính đã được thực hiện thành công trong nội bộ Unilever cũng như một số đối tác.
Một ví dụ tiêu biểu về hợp tác này là tại nhà máy Bắc Ninh, Unilever đã cùng đối tác cung cấp bao bì, Công ty Dynaplast Việt Nam, thực hiện các dự án sau:
+ Dự án "Hole in the Wall": Hệ thống ống chuyển trực tiếp chai bao bì từ nhà máy Dynaplast sang Unilever giúp giảm 4 tấn CO₂/năm, loại bỏ khoảng 3.000 chuyến xe tải và giảm phát thải 120.000 thùng carton mỗi năm, đạt mục tiêu không phát thải rác thải.
+ Dự án "Cấp hơi biomass boiler": Nhà máy Unilever Bắc Ninh cung cấp hơi từ lò hơi sinh khối cho Dynaplast, giúp Dynaplast loại bỏ hoàn toàn dầu trong lò hơi và đạt mục tiêu Zero CO₂ trong phạm vi 1.
Ngoài ra, Unilever còn hỗ trợ và thúc đẩy đơn vị kho vận đạt các mục tiêu bền vững, bao gồm:
+ Zero CO₂ phạm vi 1 và 2 cho hoạt động kho nhờ sử dụng điện xanh chứng nhận IREC và chuyển đổi toàn bộ xe nâng dầu sang xe điện.
+ Giảm thiểu phát thải CO₂ hàng năm bằng cách tối ưu không gian chứa hàng trên xe trung chuyển từ nhà máy đến các trung tâm phân phối.
- Tiếp cận cơ chế năng lượng xanh: Unilever đang hợp tác với các đối tác trong chuỗi giá trị để nghiên cứu và áp dụng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Công ty mong muốn nhận được sự ủng hộ và định hướng từ chính phủ để dễ dàng tiếp cận các nguồn năng lượng xanh, góp phần vào mục tiêu "không phát thải carbon". Điều này không chỉ giúp công ty tiếp tục theo đuổi mục tiêu bền vững mà còn truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp khác thực hiện hành động tương tự, tạo ra tác động tích cực cho toàn xã hội. Sự hỗ trợ từ chính phủ sẽ là động lực lớn để tăng cường nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường, đồng thời kêu gọi sự hành động từ người tiêu dùng.
- Kết nối kinh tế tuần hoàn: Unilever đang đóng vai trò là cầu nối giúp các đối tác trong chuỗi cung ứng nhận thấy cơ hội hợp tác trong nền kinh tế tuần hoàn. Các doanh nghiệp cùng xây dựng chuỗi giá trị bền vững, vừa bảo vệ môi trường, vừa tối ưu hiệu quả kinh tế.
Một trong những ví dụ tiêu biểu cho nỗ lực này của Unilever có thể kể đến việc chuyển các pallet hỏng và thùng carton bị loại trong quá trình sản xuất đến đối tác cung cấp viên nén sinh khối (biomass). Những vật liệu này được tái chế thành năng lượng sạch và phân bón tự nhiên, sau đó quay trở lại phục vụ hoạt động sản xuất. Đây là một minh chứng cụ thể cho cam kết của Unilever trong việc biến rác thải thành tài nguyên, góp phần xây dựng một nền kinh tế bền vững.
Về chúng tôi
Truy cập trang web của chúng tôiBản quyền và tính hợp pháp của các hình ảnh, video, thông tin, dữ liệu về dự án được đăng tải trên landing page (trang thông tin dự án) này do cá nhân/ tổ chức đăng ký tham gia giải thưởng cung cấp và chịu trách nhiệm.