Dự án Thiên thần
Thư viện sáng kiến
01/12/2023 17:39
Đơn vị thực hiện
-
Hạng mục
DỰ ÁN
-
Thời gian
TỪ 2018 ĐẾN NAY
-
Lĩnh vực
GIẢM THIỂU BẤT BÌNH ĐẲNG
Với mong muốn mang đến cơ hội cho những người khuyết tật có việc làm ổn định, bền vững, giúp họ khẳng định bản thân và được xã hội ghi nhận, thương hiệu TokyoLife đã phát triển dự án Thiên thần từ năm 2018. Thông qua dự án này, TokyoLife tuyển dụng những người khuyết tật có nguyện vọng được lao động vào những vị trí phù hợp trong doanh nghiệp, tạo ra môi trường thuận lợi để họ làm việc, cống hiến, mang lại những giá trị thực cho bản thân, công ty và cả xã hội. Trải qua 5 năm, TokyoLife đã và đang không ngừng nỗ lực để mở rộng quy mô dự án, mang đến nhiều cơ hội việc làm hơn nữa cho những người khuyết tật, đưa họ bước ra ánh sáng và thực sự hoà nhập với cộng đồng. Dự án Thiên thần cũng góp phần truyền cảm hứng tới những doanh nghiệp cùng xã hội có cách nhìn nhận tích cực, đúng đắn hơn với những người khuyết tật, từ đó chung tay xây dựng môi trường bình đẳng, công bằng dành cho họ.
Phần 1
Bối cảnh ra đời của dự án
Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 7% dân số - 6,2 triệu người, là người khuyết tật. Một phần trong số đó, khoảng 2,5 triệu người vẫn có khả năng lao động và mong muốn được lao động. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) nhấn mạnh, Việt Nam mất khoảng 3% GDP do không tối ưu hóa vai trò của người khuyết tật trong lực lượng lao động, điều này dẫn đến sự thiếu hụt không hề nhỏ về mặt kinh tế. Từ lý do đó, TokyoLife với trách nhiệm xã hội của một doanh nghiệp mong muốn được chung tay để thay đổi thực tế này. Năm 2018, TokyoLife phối hợp với Hội người khuyết tật TP. Hà Nội bắt đầu tuyển dụng những người khuyết tật đầu tiên vào bộ máy doanh nghiệp, tạo điều kiện cho họ làm việc tại các xưởng may của công ty. Nhờ những kết quả tích cực ban đầu, công ty tiếp tục mở rộng hoạt động tuyển dụng người khuyết tật, sắp xếp các vị trí phù hợp để tối ưu năng suất làm việc của họ. Hiện tại ở TokyoLife, nhân sự người khuyết tật đang được sắp xếp ở các bộ phận khác nhau như xưởng may, cửa hàng và văn phòng công ty. Tại TokyoLife, người khuyết tật đang làm việc tại công ty là những “thiên thần”, bởi họ hoàn toàn có khả năng làm ra những giá trị tuyệt vời không chỉ về vật chất mà còn tinh thần. Những “thiên thần” đặc biệt của TokyoLife tựa như chất keo kết dính gắn kết mọi người trong tổ chức. Chính họ cũng đã góp phần xây dựng nền văn hóa doanh nghiệp giàu tình thương yêu, tinh thần trách nhiệm, tương thân tương ái đặc trưng ở TokyoLife.
Phần 2
Sáng kiến - phát kiến của dự án
Quy trình tuyển dụng, đào tạo và hội nhập dành riêng cho người khuyết tật: Để đưa những người khuyết tật vào bộ máy hoạt động của doanh nghiệp, TokyoLife đã thiết kế nên quy trình tuyển dụng, đào tạo và hội nhập riêng dành cho nhóm nhân sự đặc biệt này. Mọi quy trình được thiết kế dựa trên những kinh nghiệm thực tế của đội ngũ TokyoLife khi tiếp xúc với người khuyết tật và liên tục được điều chỉnh dựa trên nhu cầu, mong muốn từ họ. Những người khuyết tật sau khi được tuyển dụng vào TokyoLife đều được tiếp cận với những tài liệu, chương trình đào tạo, hội nhập riêng biệt theo định kỳ.Bộ phận “Chăm sóc và Đào tạo Thiên thần”: TokyoLife thành lập nên bộ phận chuyên biệt, chịu trách nhiệm chăm sóc cho những người khuyết tật trong công ty mang tên “Chăm sóc và Đào tạo Thiên thần”. Đội ngũ của bộ phận này bao gồm những nhân sự là người khuyết tật và người không khuyết tật. Nhiệm vụ của họ là hỗ trợ quá trình tuyển dụng, thiết kế các tài liệu, đào tạo hội nhập và tiếp nhận mọi ý kiến, nguyện vọng của người khuyết tật.
Mô hình “Ngôi nhà Thiên thần”: “Ngôi nhà Thiên thần” là việc tạo ra những cửa hàng đặc biệt là không gian để người khuyết tật trực tiếp điều hành. Tuỳ theo tình hình thực tế của từng cửa hàng, mô hình được TokyoLife áp dụng linh hoạt với tỷ lệ giữa nhân viên là người khuyết tật và người không khuyết tật là 50:50 hoặc 70:30. “Ngôi nhà Thiên thần” được thiết kế với các công cụ giao tiếp công nghệ số, trang thiết bị, ấn phẩm hướng dẫn nhằm tạo điều kiện tối ưu cho khách hàng và nhân viên.
Phần 3
Mục tiêu - tầm nhìn dự án
Mục tiêu
Đồng hành với cộng đồng người khuyết tật từ năm 2018 cùng dự án Thiên thần, Tokyolife đề ra 2 mục tiêu chính:
Đối với bản thân doanh nghiệp: Tối ưu quy trình tuyển dụng, đào tạo cùng môi trường làm việc để đem đến cơ hội việc làm cho nhiều người khuyết tật hơn nữa. TokyoLife mong muốn tạo nên một nơi mà những người khuyết tật sống một cuộc đời thực sự ý nghĩa, được khẳng định giá trị của bản thân qua công việc ổn định, bền vững và được xã hội công nhận.
Đối với cộng đồng và xã hội: TokyoLife đặt kỳ vọng những nỗ lực từ dự án Thiên thần sẽ góp phần thay đổi nhận thức của cộng đồng dành cho người khuyết tật. TokyoLife cũng hy vọng mô hình hỗ trợ người khuyết tật của mình sẽ được nhân rộng, phát triển, tạo cảm hứng cho nhiều doanh nghiệp, tổ chức khác có thêm nhiều dự án, hoạt động ý nghĩa giúp cho những người khuyết tật có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Tầm nhìn
Trên thực tế, không phải người khuyết tật nào cũng mất khả năng lao động, nếu chúng ta tạo cơ hội và trao quyền để họ được hòa nhập, làm việc một cách bình đẳng. Rất nhiều người trong số đó hoàn toàn có khả năng đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội. Nhưng phần lớn những người khuyết tật hiện nay vẫn còn ở trong “bóng tối”.
Do mặc cảm và những định kiến nhất định từ xã hội, không phải người khuyết tật nào cũng đủ tự tin để thể hiện bản thân trong một tập thể rộng lớn. Nhận thấy thực tế đó, đội ngũ của TokyoLife được thôi thúc cần đưa những người khuyết tật bước ra ánh sáng để cộng đồng có thể thực sự nhìn thấy họ. TokyoLife tin rằng bản chất của con người là tốt đẹp và mỗi chúng ta luôn có mưu cầu giúp đỡ người khác. Nhiệm vụ của chúng ta là đưa những người khuyết tật đến những vị trí phù hợp, chắc chắn xã hội sẽ cùng chung tay giúp đỡ để họ được hoà nhập và có cuộc sống bình thường như bao người.
Phần 4
Quá trình triển khai - Phạm vi - Chi phí của dự án
Quá trình triển khai - Phạm vi thực hiện
Năm 2018, TokyoLife kết nối với Bộ Lao động và Hội người khuyết tật TP. Hà Nội tuyển dụng nhóm 50 người khuyết tật đầu tiên, chủ yếu là những người khuyết tật vận động vào làm việc ở xưởng may của công ty tại Hà Nội. Để tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho nhiều nhóm người khuyết tật, bên cạnh xưởng sản xuất, TokyoLife liên tục thử nghiệm đưa những người khuyết tật đến các vị trí, bộ phận khác nhau trong doanh nghiệp.
Chẳng hạn, thấu hiểu tâm tư và nguyện vọng được giao tiếp của những nhân sự người Điếc, công ty đã đưa họ đến các cửa hàng trong hệ thống của TokyoLife làm việc ở những vị trí như nhân viên chăm sóc hàng hóa, thu ngân,... Ngoài ra, các nhân sự người khuyết tật khác tùy vào mong muốn, khả năng cũng được TokyoLife sắp xếp vào các vị trí phù hợp tại khối văn phòng như bộ phận đào tạo, tuyển dụng,... Tháng 2/2021, TokyoLife ra mắt mô hình “Ngôi nhà Thiên thần”.
Đây là những cửa hàng đặc biệt trong hệ thống của TokyoLife với các nhân viên hầu hết là người điếc, đảm nhận những công việc từ đơn giản như đón khách, chăm sóc hàng hóa, đến phức tạp hơn như tư vấn bán hàng và thu ngân. Hiện tại, TokyoLife đang có 4 “Ngôi nhà Thiên thần” gồm 3 cửa hàng tại Hà Nội và 1 cửa hàng tại Đà Nẵng. Đây là mô hình tiên phong, thử nghiệm, với kỳ vọng 10% cửa hàng trong toàn hệ thống TokyoLife sẽ được chuyển đổi thành không gian do người khuyết tật vận hành, đạt mục tiêu nâng tổng số người khuyết tật trong công ty lên khoảng 300 người.
Chi phí
Để thực hiện dự án Thiên thần, TokyoLife đã gặp phải không ít thách thức. Tuy nhiên với trách nhiệm cùng tinh thần yêu thương, TokyoLife luôn nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, kiên định với sứ mệnh giúp đỡ người khuyết tật. Trong quá trình tuyển dụng, không phải người khuyết tật nào và gia đình của họ cũng sẵn lòng với cơ hội việc làm mà doanh nghiệp đem đến.
Đội ngũ của TokyoLife cùng sự hỗ trợ từ Hội người khuyết tật TP.Hà Nội sẵn sàng đến tận địa phương, gặp gỡ trực tiếp trao đổi, thuyết phục, đưa ra những cam kết minh bạch nhất để tạo dựng lòng tin nơi người khuyết tật và gia đình. TokyoLife cũng đảm bảo người khuyết tật được làm việc trong môi trường an toàn, thuận tiện nhất. Công ty đã nâng cấp cơ sở vật chất và điều chỉnh quy trình làm việc phù hợp với thể trạng của người khuyết tật, đồng thời hỗ trợ thuê nhà ở cho họ.
TokyoLife cho rằng để tạo ra môi trường làm việc thuận lợi cho người khuyết tật cần phải có sự hoà nhập hai chiều. Vì vậy, nhân sự ở TokyoLife thường xuyên được tham gia các chương trình đào tạo, cung cấp kiến thức về người khuyết tật từ đó giúp họ hiểu về tâm tư, nguyện vọng của những người khuyết tật, tìm ra cách giao tiếp phù hợp, tránh tình trạng phân biệt đối xử, hay phát sinh mâu thuẫn. Ban lãnh đạo và cả đội ngũ quản lý của TokyoLife cũng rất tích cực tham gia vào quá trình hòa nhập này. Chẳng hạn, TokyoLife đã tổ chức cho đội ngũ nhân sự từ cấp quản lý đến nhân viên tham gia các khóa học "Ngôn ngữ ký hiệu" để có thể giao tiếp với nhóm người điếc trong công ty.
Phần 5
Kết quả đạt được
Phần 6
Tiềm năng nhân rộng mô hình
Dẫu còn phải đối diện với nhiều khó khăn và thách thức, tính đến nay dự án Thiên thần đã được hoạt động được 5 năm. Số lượng người khuyết tật đang làm việc tại TokyoLife suốt 5 năm qua đã lên tới hơn 100 người, trong đó rất nhiều người khuyết tật đã gắn bó rất lâu năm với Tokyo Life. Những con số ý nghĩa này đã phần nào chứng minh tính hiệu quả và thiết thực trong mô hình vận hành của “Dự án Thiên Thần”.
Từ đó, “Dự án Thiên Thần” đã cho thấy rằng việc đưa người khuyết tật vào bộ máy nhân sự của các doanh nghiệp hoàn toàn là một điều khả thi. Điều này không chỉ mang đến những cơ hội cho người khuyết tật, mà mang lại những giá trị ý nghĩa cho chính bản thân doanh nghiệp và truyền cảm hứng nhân văn tới cộng đồng.
Trên thực tế, TokyoLife đã hỗ trợ cho một số doanh nghiệp tại Hà Nội, Đà Nẵng ứng dụng mô hình của mình và tuyển dụng thành công những người khuyết tật. Nhờ đó, mô hình này đã và đang được TokyoLife nỗ lực truyền cảm hứng, lan tỏa và mở rộng đến nhiều doanh nghiệp, tổ chức khác trên cả nước.
TokyoLife tin rằng với sự chung tay của các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, cơ quan nhà nước và cộng đồng, những mô hình sử dụng nguồn lao động là người khuyết tật hoàn toàn có khả năng nhân rộng. Từ đó cùng hướng đến mục tiêu tạo công ăn việc làm bền vững cho 2,5 triệu người khuyết tật ở Việt Nam.
Bản quyền và tính hợp pháp của các hình ảnh, video, thông tin, dữ liệu về dự án được đăng tải trên landing page (trang thông tin dự án) này do cá nhân/ tổ chức đăng ký tham gia giải thưởng cung cấp và chịu trách nhiệm.