Dự án Nhà An toàn

Hạng Mục

Hạng mục dự án

Thời gian

01/12/2023 13:35

Tên dự án

Dự án Nhà An toàn

Vote
0 Vote

Dự án Nhà An toàn, thuộc Chương trình Nhà Chống Lũ, Quỹ Hỗ trợ Phát triển Cộng đồng Sống bền vững (gọi tắt là Quỹ Sống bền vững) được bắt đầu triển khai từ năm 2013, nhằm hỗ trợ kỹ thuật và kinh phí xây dựng nhà an toàn cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, chịu ảnh hưởng của thiên tai và biến đổi khí hậu. Tính đến hết tháng 06/2023, dự án đã hỗ trợ xây dựng 1203 căn nhà an toàn thuộc 03 nhóm giải pháp Nhà kê nền, Nhà có gác, Nhà phao, bao gồm 09 giải pháp và được thiết kế riêng cho từng gia đình, đảm bảo phù hợp ứng phó với đặc thù thiên tại địa phương. Dự án Nhà An toàn đã và đang triển khai tại các tỉnh: Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Khánh Hòa, Sóc Trăng, Hậu Giang, Đồng Tháp và An Giang.

  • Hạng mục

    Hạng mục dự án

  • Thời gian

Phần 1

Bối cảnh ra đời của dự án/
sáng kiến

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động từ biến đổi khí hậu, đặc biệt là các thiên tai có nguồn gốc khí tượng thủy văn như bão, lũ, lụt… thường gây thiệt hại lớn về người, tài sản, cơ sở hạ tầng và môi trường sống của người dân vùng lũ. Nhiều ngôi nhà đã sập và hư hỏng nặng vì chìm trong biển nước, khiến cho đời sống sinh kế của mọi người sau lũ, nhất là người dân nghèo gặp rất nhiều khó khăn. Chứng kiến những tổn thất đó, nhóm Dự án Nhà Chống Lũ mong muốn tìm ra một giải pháp hiệu quả giúp người dân có hoàn cảnh khó khăn sống thích ứng với tình trạng lũ lụt hàng năm và hướng đến một cuộc sống bền vững hơn.


Vào năm 2013, ý tưởng về những ngôi nhà an toàn trong mùa lũ lần đầu được nhen nhóm khi đội ngũ của Dự án nhìn thấy một căn nhà gỗ đặt trên khung bê tông có tuổi đời lên đến gần 100 tuổi ở huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh vẫn vững vàng “sống qua” bao mùa lũ. Sau khi tìm hiểu, Dự án nhận thấy mức chi phí tối thiểu mà cộng đồng có thể chung tay đóng góp để xây nền tảng cho một ngôi nhà an toàn là khoảng 25 triệu đồng, phần còn lại sẽ cần người thụ hưởng phải tự nỗ lực vì chất lượng sống của gia đình mình. Buổi gây quỹ đầu tiên đã diễn ra sau đó và nhận được 200 triệu đồng. Chi phí này đã giúp Dự án Nhà An toàn hỗ trợ xây dựng 05 căn nhà ở xã Sơn Thịnh, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Đó cũng là viên gạch đầu tiên để Dự án Nhà An Toàn (Chương trình Nhà Chống Lũ) tiếp tục mở rộng và phát triển trong suốt 10 năm qua.

Dự án Nhà An toàn- Ảnh 6.

Phần 2

Mục tiêu và động lực để thực hiện dự án

Mục tiêu

Dự án Nhà An toàn (Chương trình Nhà Chống Lũ) được thành lập với mục đích hỗ trợ kinh phí và thiết kế xây dựng nhà an toàn cho người dân có hoàn cảnh khó khăn nằm trong vùng chịu ảnh hưởng bởi thiên tai và biến đổi khí hậu, phát triển sinh kế, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng trong việc chủ động giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Mục tiêu lâu dài của dự án là tạo ra những đổi thay tích cực trong đời sống và tư duy xây dựng của hơn 1000 hộ gia đình sau khi có nhà an toàn, cụ thể: Nhằm cải thiện sự an toàn và bền vững của người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai và biến đổi khí hậu; Nhằm thay đổi tư duy của các hộ gia đình một cách tích cực hơn trong việc: chủ động trong công tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai; Nhằm thay đổi tư duy và thói quen xây dựng của địa phương.



Dự án Nhà An toàn- Ảnh 9.

Động lực

Trong suốt 10 năm qua, động lực của Dự án Nhà An toàn trên hết chính là sự an toàn của của người dân, cùng với đó là sự tin tưởng từ các nhà tài trợ và chính quyền địa phương các cấp. Ngoài ra, dự án mong muốn những nỗ lực của mình sẽ góp phần lan tỏa đến cộng đồng nhiều giá trị tốt đẹp, cùng góp sức, chung tay xây dựng nên một xã hội bền vững. Dự án Nhà An toàn đã, đang và sẽ tiếp tục nhân rộng hành trình của mình để biến những động lực nói trên thành những hành động, kết quả có ý nghĩa.

Dự án Nhà An toàn- Ảnh 12.

Phần 3

Hoạt động và phạm vi
thực hiện

Dự án Nhà An toàn hiện đã có mặt tại 11 tỉnh thành trên cả ba miền cả nước: Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Khánh Hòa, Sóc Trăng, Hậu Giang, Đồng Tháp và An Giang.

Dự án đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể như:
- Cùng chính quyền địa phương các cấp lên kế hoạch và tiến hành khảo sát chuyên sâu các khu vực, vùng dân cư chịu ảnh hưởng bởi bão lũ
- Họp nhóm hộ dân, có sự tham gia của chính quyền địa phương để phổ biến về phương pháp thực hiện, nguyên tắc và tiêu chí triển khai Dự án
- Khảo sát chi tiết từng hộ dân tham gia dự án, cùng hộ dân lên phương án xây dựng nhà cho riêng mình, dựa trên số lượng nhân khẩu, nhu cầu, đối ứng và hoàn cảnh gia đình của từng hộ
- Làm việc với các nhà tài trợ để tài trợ tiền mặt và các trang thiết bị phục vụ cho quá trình xây nhà của các hộ dân
- Thăm lại hộ dân sau khi hoàn thiện nhà để có những phương án hỗ trợ bảo trì căn nhà cho người dân.

Năm 2020 và 2021, dù đối mặt với vô vàn khó khăn do đại dịch Covid-19, Dự án Nhà An toàn vẫn xây dựng hoàn thiện 184 căn nhà trên 07 tỉnh thành, thực hiện đúng cam kết hỗ trợ với người dân và chính quyền địa phương. Để làm được điều này, Dự án Nhà An toàn đã đưa ra nhiều kịch bản khác nhau, nhằm thích ứng với chính sách phòng chống dịch khác nhau ở mỗi địa phương. Các phương án di chuyển đến địa bàn xa khi phương tiện giao thông công cộng tạm dừng, cách thức làm việc, huy động sự giúp sức của chính quyền địa phương trong kết nối thông tin liên lạc với hộ dân, khảo sát thông tin hộ, giám sát tiến độ thi công, giải ngân đều được Dự án cân nhắc và áp dụng hiệu quả trong giai đoạn này.

Dự án Nhà An toàn- Ảnh 15.

Phần 4

Sáng kiến/ phát kiến
của dự án

- Phát triển bộ 07 tiêu chí chọn hộ dân tham gia Dự án:
+ Hộ dân nằm trong khu chịu ảnh hưởng bởi thiên tai và biến đổi khí hậu
+ Hộ dân có nhu cầu và động lực xây nhà an toàn
+ Hộ dân thuộc đối tượng nghèo, cận nghèo hoặc có hoàn cảnh khó khăn
+ Hộ dân có đông thành viên và có nhân khẩu trẻ (Không hỗ trợ các hộ gia đình neo đơn hoặc chỉ có người già sinh sống)
+ Phần đất xây dựng là đất ở, có bằng chứng sở hữu hợp pháp, không có tranh chấp, không thuộc diện quy hoạch hoặc di dời
+ Hỗ trợ thiết kế xây dựng. Hộ dân cần tham gia trong suốt quá trình thiết kế để phương án xây dựng phù hợp với hoàn cảnh và nhu cầu của hộ
+ Hỗ trợ kinh phí từ 20-35 triệu đồng đối với nhà cải tạo và từ 35-50 triệu đồng đối với nhà xây mới. Hộ dân cần đối ứng phần kinh phí còn lại để hoàn thiện căn nhà

- Đưa ra 09 mô hình nhà an toàn thuộc 03 nhóm giải pháp, gồm: Nhà kê nền thấp; Nhà kê nền cao; Nhà kê nền linh hoạt; Nhà hai gác chỉ người ở; Nhà hai gác có chỗ cho gia súc; Nhà ba gian có gác xép; Nhà ống có gác xép; Nhà phao biệt lập; Nhà phao gắn liền nhà xây

- Cụ thể hóa sự CHUNG TAY trong Dự án thông qua phương pháp ĐỒNG THIẾT KẾ (CO-DESIGN), tăng cường sự hợp tác bình đẳng giữa Dự án và Người thụ hưởng

- Dự án có kiến trúc sư và cán bộ Dự án sâu sát với từng hộ gia đình trong suốt quá trình xây dựng, kịp thời định hướng và cung cấp các công cụ hỗ trợ

- Xây dựng quy trình làm việc chặt chẽ, kêu gọi sự chung tay từ nhiều bên: Chính quyền địa phương; Chuyên gia, kiến trúc sư; Các tình nguyện viên, nghệ sĩ; Các cá nhân và doanh nghiệp gây quỹ, tài trợ cho dự án

Dự án Nhà An toàn- Ảnh 19.

Phần 5

Triển khai thực hiện
và chi phí

1. Cách tiếp cận, quy trình thực hiện:
- Liên hệ với Chính quyền địa phương, lựa chọn địa bàn thực hiện Dự án theo các tiêu chí chọn địa bàn
- Họp nhóm hộ dân và khảo sát thông tin sơ bộ các hộ dân theo đề xuất của địa phương, căn cứ vào tiêu chí chọn hộ hưởng lợi của Dự án
- Gặp gỡ hộ dân, đánh giá hiện trạng căn nhà, điều kiện tự nhiên của khu vực và hoàn cảnh gia đình từng hộ
- Khảo sát và thiết kế sơ bộ dựa trên nhu cầu thực tế, nguồn cung ứng và giá vật liệu xây dựng, giá thành thi công tại địa phương
- Lên thiết kế chi tiết và dự toán kinh phí xây dựng
- Thảo luận và thống nhất với hộ dân về thiết kế và dự toán (hộ dân phải có đối ứng ít nhất 50% kinh phí xây dựng);
- Ký Cam kết hỗ trợ giữa 03 bên: Chủ hộ, Dự án và Đại diện Chính quyền địa phương
- Theo dõi, giám sát quá trình thi công nhà, giải ngân kinh phí hỗ trợ lần 01
- Nghiệm thu, giải ngân kinh phí lần 02, bàn giao nhà và đưa vào sử dụng
(Lưu ý: Từ bước gặp gỡ hộ dân đến bước ký Cam kết hỗ trợ và tiến hành khởi công, Dự án sẽ mất từ 1-2 tháng và ít nhất 2-3 lần làm việc với từng hộ dân
Thời gian triển khai trung bình cho một căn nhà là từ 2-4 tháng, phụ thuộc vào thời tiết và nhân công do hầu hết các địa bàn triển khai Dự án nằm ở xa trung tâm)


2. Mức hỗ trợ:
Giai đoạn 2013-2019:
- Đối với nhà cải tạo: 20,000,000 - 35,000,000VNĐ/ hộ (tùy từng hộ)
- Đối với nhà xây mới: 30,000,000 - 45,000,000VNĐ/hộ (tùy từng hộ)
Giai đoạn 2020-nay:
- Đối với nhà cải tạo: 20,000,000 - 35,000,000VNĐ/ hộ (tùy từng hộ)
- Đối với nhà xây mới: 35,000,000 - 50,000,000VNĐ/hộ (tùy từng hộ)

Dự án Nhà An toàn- Ảnh 22.

Phần 6

Kết quả đạt được

11

tỉnh thành Dự án có mặt

1203

căn nhà được xây dựng

0

thiệt hại về người

66.09%

số hộ giảm thiệt hại về nhà cửa

80.99%

số hộ giảm thiệt hại về tài sản

57.14%

số hộ "không cần làm gì" khi thiên tai tới

90%

số hộ không còn lo lắng trong mùa mưa bão

96.27%

số hộ tự tin hơn

85.09%

số hộ có thêm động lực phát triển kinh tế

85.09%

số hộ hài lòng hơn về cuộc sống

Phần 7

Tiềm năng nhân rộng
mô hình


Nhận thấy mô hình triển khai và hoạt động của Dự án Nhà An toàn có thể lan tỏa và áp dụng được trong cộng đồng, Quỹ Sống đã tiến hành xuất bản sổ tay Nhà An toàn với đầy đủ các nội dung về nguyên tắc Dự án, tiêu chí chọn hộ hưởng lợi, phương pháp thực hiện Dự án và đặc biệt là những mô tả, diễn giải chi tiết đối với từng mô hình nhà trong 03 nhóm giải pháp mà Dự án đã xây dựng.

Với mục tiêu dần chuyển đổi mô hình Quỹ Sống từ “Quỹ hành động vì cộng đồng” sang “Quỹ của cộng đồng hành động”, Dự án Nhà An toàn đã bước đầu tìm kiếm những cơ hội hợp tác với các nhóm Đối tác tại địa phương (với các nhân sự có kinh nghiệm và chuyên môn trong lĩnh vực kiến trúc và công tác xã hội) nhằm chuyển giao phương pháp và trực tiếp triển khai Dự án tại các địa phương. Trong quá trình các nhóm Đối tác triển khai công việc, Dự án Nhà An toàn luôn có những hỗ trợ về kinh nghiệm, bài học khi làm việc với các hộ dân và chính quyền địa phương, hỗ trợ kỹ thuật trong khâu thiết kế nhà. Cán bộ Dự án cũng thường xuyên tham gia giám sát thực địa cùng với các nhóm Đối tác để có những hỗ trợ thực tế và kịp thời.

Bên cạnh đó, Dự án cũng tổ chức các buổi họp báo cáo công việc hàng tuần, cập nhật tiến độ Dự án, chia sẻ những kinh nghiệm hoặc khó khăn trong quá trình làm việc, tổ chức các buổi họp Kiến trúc sư để trao đổi chuyên môn về mặt kỹ thuật, phê duyệt bản vẽ và hồ sơ hộ hưởng lợi theo đúng quy trình Dự án đã đưa ra.

Dự án Nhà An toàn- Ảnh 23.

Về chúng tôi

Truy cập trang web của chúng tôi

Các hình ảnh, video, thông tin, dữ liệu về dự án được đăng tải trên landing page (trang thông tin dự án) này
do cá nhân/ tổ chức đăng ký tham gia giải thưởng cung cấp và chịu trách nhiệm về bản quyền và tính hợp pháp theo quy định pháp luật.

null