Dự án hỗ trợ trẻ tự kỷ và chậm phát triển trí tuệ Thương & An
Thư viện sáng kiến
15/10/2024 16:45

Đơn vị thực hiện
-
Hạng mục
Ý TƯỞNG
-
Thời gian
TỪ NĂM 2023 ĐẾN NAY
-
Lĩnh vực
HÀNH ĐỘNG VỀ KHÍ HẬU
Theo thống kê từ Bộ Y tế, có khoảng 1% đến 2% trẻ em Việt Nam mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ, tương đương hàng chục nghìn trẻ cần được hỗ trợ. Tuy nhiên, số lượng các tổ chức và mô hình chuyên biệt để hỗ trợ các em là trẻ tự kỷ vẫn còn rất ít, đặc biệt là ở các tỉnh thành ngoài Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Điều này đặt ra một nhu cầu cấp thiết về các chương trình giáo dục, chăm sóc và hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ trên cả nước. Nắm bắt được thực trạng của vấn đề giáo dục trẻ tự kỷ tại Việt Nam đồng thời cảm thông và thấu hiểu từ những nỗi đau của phụ huynh có con mắc chứng tự kỷ, chị Từ Mỹ Khánh - CEO M Holdings Communication đã thành lập dự án hỗ trợ trẻ tự kỷ và chậm phát triển trí tuệ Thương & An.
Phần 1
Bối cảnh ra đời của dự án
Việc chăm sóc, giáo dục trẻ tự kỷ không chỉ đòi hỏi tình yêu thương vô bờ bến mà còn cần đến sự kiên nhẫn, kiến thức chuyên môn và phương pháp phù hợp. Tuy nhiên, rất nhiều phụ huynh hiện nay đang phải đối mặt với một thực tế bế tắc: Không được hướng dẫn kiến thức phù hợp với từng giai đoạn phát triển của con, không có môi trường phù hợp để con sinh hoạt, học tập, lao động theo khả năng riêng để phát triển sự tự lập, đặc biệt là với nhóm trẻ trên 10 tuổi. Phụ huynh có con em mắc chứng tự kỷ còn có rất nhiều những trăn trở, lo lắng như: sợ con cô đơn so với bạn bè đồng trang lứa, con không thể tự bảo vệ bản thân, có nguy cơ bị tấn công, lạm dụng, con không tự lập được nếu không có người thân bên cạnh…
Ngoài ra, trẻ tự kỷ trong độ tuổi từ 10 đến 18 tuổi đối diện với nhiều thách thức đặc biệt mà nếu không có những hướng dẫn đúng cách trong giai đoạn này, các em rất dễ bị căng thẳng, lo lắng. Các em không chỉ là việc thích nghi với sự thay đổi về thể chất, sinh lý và tâm lý khi bước vào giai đoạn trưởng thành mà còn phải học cách xử lý các tình huống xã hội phức tạp hơn và có thể phải đối mặt với áp lực tham gia vào các hoạt động xã hội.
Tuy nhiên, việc thiếu các dịch vụ hỗ trợ cho trẻ tự kỷ sau độ tuổi vị thành niên là một thực tế đáng buồn. Nhiều trung tâm chỉ tập trung vào việc can thiệp sớm, trong khi giai đoạn thanh thiếu niên lại là giai đoạn quan trọng để hình thành các kỹ năng sống cần thiết.
Cảm thông và thấu hiểu từ những nỗi đau của phụ huynh có con mắc chứng tự kỷ, chị Từ Mỹ Khánh - CEO M Holdings Communication đã thành lập dự án hỗ trợ trẻ tự kỷ và chậm phát triển trí tuệ Thương & An.
Dự án "Thương & An" không chỉ đơn thuần là một sáng kiến vì lợi ích chung của cộng đồng, mà còn là một nỗ lực bền bỉ và kiên định để xây dựng một tương lai tươi sáng hơn cho trẻ tự kỷ. Chị Mỹ Khánh và đội ngũ thực hiện dự án hy vọng rằng với sự chung tay của cộng đồng và sự hỗ trợ từ những người có tâm huyết, dự án Thương & An sẽ trở thành một điểm sáng trong hành trình giáo dục và chăm sóc trẻ tự kỷ, đem lại niềm hy vọng và sự bình yên cho những người làm cha, làm mẹ.
Phần 2
Sáng kiến - phát kiến của dự án
Dự án được chia làm hai chủ đề chính theo tên gọi: THƯƠNG là chìa khóa giúp ba mẹ nhận diện sớm con có mắc rối loạn phổ tự kỷ hay không để can thiệp kịp thời bằng các phương pháp khoa học hiện đại. AN là môi trường giáo dục đặc biệt dành cho trẻ từ 10 tuổi trở lên.
1. Chương trình đào tạo kỹ năng sống và nghề nghiệp cho nhóm trẻ từ 10 tuổi
"Thương & An"
Chương trình được thiết kế để trang bị cho trẻ tự kỷ từ 18 tuổi những kỹ năng sống thiết yếu như tự chăm sóc bản thân, giao tiếp, xử lý tình huống và khả năng tự định hướng hành vi trong môi trường xã hội. Qua đó giúp trẻ tự kỷ tự tin hòa nhập cộng đồng.
Thêm vào đó, chương trình Thương & An sẽ mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp đa dạng, từ các hoạt động thủ công mỹ nghệ, sáng tạo nghệ thuật đến các kỹ năng số, giúp trẻ tự kỷ phát huy tối đa khả năng của bản thân.
2. Không gian hỗ trợ chuyển tiếp từ trường học sang đời sống xã hội
Dự án sẽ cung cấp một không gian sinh hoạt chuyển tiếp cho trẻ tự kỷ từ 10-18 tuổi (và có thể trên 18 tuổi), nơi các em có thể rèn luyện kỹ năng trong một môi trường an toàn và được giám sát bởi đội ngũ giảng viên có chuyên môn và giàu tình yêu thương với trẻ.
Mô hình này sẽ giúp các em dần làm quen với các yêu cầu và áp lực của cuộc sống trưởng thành nhưng vẫn có sự hỗ trợ cần thiết từ gia đình và cộng đồng. Thông qua tổ chức các hoạt động kết nối cộng đồng, các em làm quen với việc giao tiếp xã hội, tìm hiểu về văn hóa, và học cách thích nghi với các môi trường làm việc khác nhau.
3. Kênh bán sản phẩm tự làm bởi trẻ tự kỷ
Dự án sẽ tạo ra một kênh đào tạo và bán các sản phẩm thủ công, mỹ thuật, hoặc các sản phẩm số do chính trẻ tự kỷ làm ra. Đây sẽ là nơi tạo ra nguồn thu nhập cho các em và là nơi các em được công nhận và đón nhận bởi xã hội thông qua những hoạt động của mình. Các sản phẩm sẽ được quảng bá và bán rộng rãi, với mục tiêu tạo ra nguồn thu nhập cho các em ngay cả khi không còn trực tiếp tham gia vào trường học nữa. Công việc này sẽ giúp các em cảm thấy tự hào và có giá trị trong xã hội.
Ngoài ra, để dự án sớm lan tỏa giá trị đến nhiều trẻ tự kỷ, chị Mỹ Khánh cũng đã tạo dựng kết nối, đồng hành xuyên suốt giữa Ngôi nhà Hướng nghiệp của chuyên gia Phan Thị Lan Hương tại Hà Nội, cũng như giao lưu, trao đổi cùng các Trung tâm giáo dục trẻ tự kỷ, đa dạng độ tuổi khác nhau tại Thành phố Hồ Chí Minh để có sự tương trợ nhau vì mục đích và hiệu quả chung.


Phần 3
Mục tiêu - tầm nhìn dự án
Mục tiêu
Cung cấp kiến thức và hỗ trợ gia đình: Trang bị cho phụ huynh và người chăm sóc những kiến thức cần thiết để hiểu rõ hơn về tự kỷ, từ đó có thể hỗ trợ trẻ một cách hiệu quả ngay tại gia đình.
Phát triển và tạo cơ hội nghề nghiệp cho trẻ tự kỷ: Mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp cho trẻ tự kỷ, giúp các em có thể tự tạo ra thu nhập và sống một cuộc sống ý nghĩa.
Mở rộng thị trường cho sản phẩm của trẻ tự kỷ: Mở rộng kênh thông tin và bán sản phẩm do trẻ tự kỷ sản xuất, giúp các em có cơ hội khẳng định bản thân và được xã hội công nhận.
Xây dựng cộng đồng hỗ trợ: Xây dựng một cộng đồng hiểu biết, cảm thông và hỗ trợ trẻ tự kỷ, giúp các em có cơ hội hòa nhập, phát triển tài năng và đóng góp cho xã hội.


Tầm nhìn
Dự án hy vọng có thể hỗ trợ trẻ tự kỷ trong mọi phương diện, từ việc phát hiện sớm dấu hiệu rối loạn phổ tự kỷ để có giải pháp can thiệp sớm, đồng hành quá trình phát triển của trẻ trên mọi phương diện.


Phần 4
Quá trình triển khai - Phạm vi - Chi phí của dự án
Quá trình triển khai
Chị Từ Mỹ Khánh, người sáng lập dự án, đã tìm thấy nguồn cảm hứng lớn để trải khai dự án Thương & An từ các nghiên cứu khoa học về tự kỷ, đặc biệt là những chia sẻ của TS- Dr. Oleg Levashov về thế giới nội tâm phong phú của trẻ tự kỷ. Tiến sĩ Levashov đã khơi gợi trong chị niềm tin rằng mỗi trẻ tự kỷ đều có một thế giới riêng biệt và cần được tôn trọng. Từ đó, chị nhận ra nhu cầu cấp thiết của việc tạo ra một môi trường học tập và sinh hoạt phù hợp cho trẻ tự kỷ, đặc biệt là ở giai đoạn thanh thiếu niên. Với sự đồng hành của chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ, chị Phan Thị Lan Hương, dự án Thương & An đã được xây dựng trên nền tảng kiến thức chuyên môn vững chắc. Kinh nghiệm làm việc với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn cũng đã trang bị cho chị Khánh những kỹ năng cần thiết để thực hiện dự án này.
Trong quá trình xây dựng và phát triển dự án "Thương & An", đội ngũ thực hiện đã gặp phải nhiều khó khăn nhưng luôn không ngừng tìm ra giải pháp và cải thiện vấn đề:
Khó khăn đầu tiên dự án gặp phải là việc huy động nhân lực. Việc tìm kiếm những người đồng hành tâm huyết, sẵn sàng chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm để cùng xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho trẻ tự kỷ là một hành trình đầy thử thách nhưng cũng rất ý nghĩa.
Thách thức tiếp theo dự án gặp phải là phải tạo được một mô hình hướng nghiệp thực sự có hiệu quả và phù hợp với nhóm trẻ tự kỷ. Để đáp ứng nhu cầu học tập đặc biệt của trẻ tự kỷ, dự án đã không ngừng tìm kiếm và phát triển những phương pháp giáo dục sáng tạo, phù hợp với từng cá nhân. Việc chăm sóc và giáo dục trẻ tự kỷ ở độ tuổi dậy thì đòi hỏi sự kiên nhẫn, thấu hiểu và những kỹ năng đặc biệt, để giúp các em vượt qua những khó khăn trong giai đoạn phát triển này.
Việc truyền thông đến các gia đình có trẻ tự kỷ gặp nhiều khó khăn do sự đa dạng về hoàn cảnh và tâm lý của mỗi gia đình. Đội ngũ dự án đã chủ động tiếp cận nhiều doanh nghiệp xã hội, hội nhóm và cộng đồng trực tuyến để tiếp cận các phụ huynh có nhu cầu chăm sóc cho các bé tự kỷ. Đồng thời đầu tư truyền thông trên diện rộng với mức chi phí cao để giới thiệu dự án và giải pháp tới đại chúng, với hy vọng một số lượng nhỏ những người đang có con em chứng tự kỷ ở độ tuổi trên 10 có thể biết đến và chủ động liên lạc với dự án.
Giống như các dự án xã hội khác, việc duy trì nguồn lực tài chính phục vụ cho vận hành dự án cũng là một thách thức không hề nhỏ trong quá trình triển khai. Dự án đã tìm kiếm những giải pháp sáng tạo để tự chủ về tài chính, kết hợp hoạt động kinh doanh với các hoạt động xã hội như: tài trợ cho dự án truyền thông về trẻ VIP - Bước lên cùng nhau, tổ chức đêm nhạc Thanh âm của Hoa & Suối Lụa giới thiệu dự án Thương & An, tổ chức buổi nhạc kịch Thương Đủ An Đầy, ra mắt dự án Thương & An, khai giảng câu lạc bộ Hướng nghiệp An.


Phạm vi thực hiện
Cụm kênh truyên thông An bao gồm 1 kênh Youtube và 1 fanpage Facebook hướng tới độc giả trên toàn quốc, những người có sự quan tâm đối với trẻ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ.
Dự án đã thành công mở cơ sở câu lạc bộ hướng nghiệp An đầu tiên với mục đích nhận chăm sóc và hướng nghiệp cho các trẻ tử kỷ ở độ tuổi trên 10 đang sinh sống tại địa bàn quận 11 và các quận huyện lân cận tại thành phố Hồ Chí Minh.


Chi phí
Tổng chi phí đầu tư cho dự án tính tới tháng 11/2024 là hơn 1 tỷ đồng. Trong đó:
- 800 triệu đồng ngân sách chi trả cho việc xây dựng câu lạc bộ hướng nghiệp An - cơ sở quận 11, thành phố Hồ Chí Minh.
- 200 triệu đồng ngân sách chi trả cho việc tổ chức truyền thông và sự kiện quảng bá/sự kiện gây quỹ của dự án.
- 100 triệu đồng ngân sách chi trả cho việc tài trợ các chương trình và dự án truyền thông có liên quan tới trẻ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ.
- 300 triệu đồng ngân sách chi trả cho đội ngũ vận hành sản xuất nội dung cho cụm kênh truyền thông Thương và câu lạc bộ hướng nghiệp An.
Phần 5
Kết quả đạt được
THƯƠNG:
- Truyền thông rộng rãi đến người người quan tâm đến trẻ tự kỷ tại Việt Nam.
- Cung cấp thông tin đúng giúp phụ huynh nhận diện dấu hiệu tự kỷ sớm nhất có thể ở trẻ em, giúp hành trình phát triển và hòa nhập của trẻ dễ dàng hơn.
AN:
- Tạo được môi trường sinh hoạt, học văn hóa, học kỹ năng và học nghề lành mạnh, uy tín cho trẻ trên 10 tuổi tại Thành phố Hồ Chí Minh.
- Nơi diễn ra các workshop năng khiếu đặc biệt, trưng bày và bán các sản phẩm thủ công do chính tay trẻ tự kỷ tại Câu lạc bộ thực hiện, nhằm tạo thu nhập chủ động cho các em.
Phần 6
Tiềm năng nhân rộng mô hình
Dự án "Thương & An" với mục tiêu hỗ trợ trẻ tự kỷ từ 10 tuổi trở lên không chỉ dừng lại ở việc cung cấp kiến thức và môi trường phát triển cho trẻ và gia đình, mà còn hướng đến việc mở rộng quy mô, tạo ra những tác động tích cực lâu dài cho cộng đồng. Tiềm năng nhân rộng mô hình của dự án là rất lớn, bởi những nhu cầu mà dự án đang giải quyết là cấp thiết và phổ biến, trong khi các nguồn lực hỗ trợ hiện tại vẫn còn hạn chế.
Không chỉ cung cấp thông tin, dự án còn tạo ra một môi trường học tập và phát triển an toàn, nơi trẻ tự kỷ được tôn trọng và hỗ trợ. Việc phát triển chương trình chăm sóc và hướng nghiệp đặc thù cho trẻ tự kỷ ở lứa tuổi trưởng thành sẽ giúp các em không chỉ sống khỏe mạnh mà còn có khả năng tự lập, đóng góp cho xã hội. Đây là nhu cầu có ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, mở ra tiềm năng nhân rộng mô hình này.
Một trong những yếu tố quan trọng giúp dự án "Thương & An" có thể nhân rộng là tính linh hoạt của mô hình giáo dục và hướng nghiệp. Thay vì xây dựng một hệ thống trường học phức tạp, dự án có thể tập trung vào việc phát triển chương trình học tập và dạy nghề phù hợp với trẻ tự kỷ và từng địa phương. Các chương trình này có thể được tùy chỉnh dựa trên nhu cầu của từng khu vực, đặc điểm văn hóa và nguồn lực sẵn có. Việc kết hợp giữa giáo dục kiến thức và đào tạo nghề nghiệp sẽ giúp các em không chỉ được học tập mà còn có thể tham gia vào các hoạt động sản xuất, tự tạo ra thu nhập cho bản thân.
Việc kinh doanh các sản phẩm do chính các em làm ra không chỉ tạo ra giá trị kinh tế mà còn góp phần thúc đẩy sự tự tin và độc lập của trẻ. Việc chuyển giao kiến thức và kỹ năng là yếu tố cốt lõi để nhân rộng mô hình, đảm bảo chất lượng và tính bền vững của dự án.
Để nhân rộng mô hình "Thương & An" ra các địa phương khác, một kế hoạch chuyển giao kiến thức và mô hình hoạt động là cần thiết. Dự án có thể xây dựng các tài liệu hướng dẫn, khóa đào tạo cho những tổ chức, cá nhân muốn tham gia vào việc mở rộng mô hình. Ngoài ra, "Thương & An" có thể tổ chức các hội thảo, hội nghị để chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức với các bên liên quan.
Việc đào tạo nguồn nhân lực tại địa phương, đặc biệt là giáo viên, chuyên gia về tâm lý và các nhà quản lý, sẽ giúp đảm bảo tính liên tục và ổn định cho các chi nhánh của dự án. Điều này sẽ tạo ra một mạng lưới hoạt động rộng khắp, đảm bảo rằng mô hình "Thương & An" có thể phát triển bền vững và lan tỏa tới nhiều khu vực khác nhau.





Bản quyền và tính hợp pháp của các hình ảnh, video, thông tin, dữ liệu về dự án được đăng tải trên landing page (trang thông tin dự án) này do cá nhân/ tổ chức đăng ký tham gia giải thưởng cung cấp và chịu trách nhiệm.