Dự án Hạnh Phúc cho em
Thư viện sáng kiến
08/11/2024 17:32
Đơn vị thực hiện
-
Hạng mục
DỰ ÁN
-
Thời gian
TỪ 2021 ĐẾN NAY
-
Lĩnh vực
GIÁO DỤC BÌNH ĐẲNG
Dự án Hạnh phúc cho em bắt đầu triển khai từ tháng 12/2021 đến nay, tập trung hỗ trợ công tác xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Sơn La với các mục cụ thể như xây dựng trường học kiên cố thay cho các điểm trường vách gỗ, tranh, nứa lá; xây dựng nhà nội trú cho học sinh dân tộc thiểu số; xây dựng nhà vệ sinh; xây dựng nhà cho học sinh mồ côi; xây dựng cầu phục vụ đi học cho các em học sinh.
Dự án mang lại những sáng kiến hữu hiệu bao gổm: tạo kho dữ liệu thiện nguyện trên không gian mạng để ngay lập tức đáp ứng các nhu cầu tài trợ của MTQ, tạo thành tài sản số lưu online trên nền tảng bản đồ thiện nguyện tạo nên sự minh bạch tránh trùng lặp nguồn lực và đơn giản hóa việc cung cấp thông tin thiện nguyện thông qua việc chỉ cần có smartphone là nhân dân có thể gửi các thông tin nơi cần thiện nguyện lên Bản đồ thiện nguyện số.
Tính đến nay, dự án đã tài trợ 13,8 tỷ cho giáo dục (45 điểm trường,4 nhà nội trú, 8 phòng máy tính, 8 nhà hạnh phúc, 3 cầu đi học).
Phần 1
Bối cảnh ra đời của dự án
Sơn La là tỉnh miền núi chiến lược gồm 11 huyện và 1 thành phố, với hơn 1,2 triệu dân, trong đó trên 80% là dân tộc thiểu số. Thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đã lãnh đạo hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, củng cố hệ thống chính trị, thúc đẩy kinh tế phát triển tích cực, bảo đảm an ninh trật tự, và mở rộng hoạt động đối ngoại, góp phần vào sự phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội.
Tuy nhiên, Sơn La vẫn là tỉnh khó khăn; cơ sở hạ tầng chưa phát triển so với nhiều tỉnh trong toàn quốc; điều kiện đời sống của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều công trình phục vụ giáo dục trên địa bàn đã xuống cấp nghiêm trọng, với các lớp học tạm bợ được dựng bằng gỗ tạp, tôn mỏng và bạt che, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn của giáo viên và học sinh trong quá trình dạy và học. Mặc dù được Trung ương, tỉnh, huyện và các cấp, ngành quan tâm đầu tư kinh phí cho tu sửa và xây dựng, nhưng cơ sở vật chất phục vụ giáo dục vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đặc biệt tại những vùng sâu, vùng xa, biên giới và vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh. Nhiều học sinh có ý chí vươn lên trong học tập nhưng lại sống trong những ngôi nhà lụp xụp, tạm bợ; ước mơ có một "mái nhà" kiên cố để sinh hoạt dường như vẫn là điều xa vời đối với các em.
Hiểu rõ những khó khăn về cơ sở vật chất trong giáo dục tại tỉnh và mong muốn tạo ra một "điểm tựa vững chắc" để các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn yên tâm học tập, vượt qua thử thách và biến ước mơ thành hiện thực, Ban thanh niên Công an tỉnh đã báo cáo Cấp ủy, Lãnh đạo Phòng Công tác đảng và Công tác chính trị và Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh triển khai thành lập Dự án "Hạnh phúc cho em" với phương châm "Xây cho em hạnh phúc, xây cho em tương lai".
Thông qua việc triển khai dự án đầy tính thiết thực này, ý thức trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ (CBCS) đối với cộng đồng đã được khơi dậy, phát huy truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, cùng với tinh thần phục vụ nhân dân của lực lượng Công an tỉnh Sơn La và toàn lực lượng Công an Nhân dân.
Phần 2
Sáng kiến - phát kiến của dự án
Dự án bao gồm hai hạng mục chính: "Nhà hạnh phúc" và "Trường đẹp cho em" nhằm hướng tới các em học sinh nghèo vượt khó và các điểm trường chất lượng kém. Dự án được phát triển theo 2 sáng kiến sau đây:
1. Xây dựng webiste mang tên hanhphucchoem.vn để điều hành và quản lý Dự án. Đây được xem là công trình "Bản đồ thiện nguyện số trên nền tảng website" đầu tiên trên cả nước tính đến thời điểm hiện (tháng 6/2024) với các tính năng ưu Việt như:
- Ứng dụng công nghệ dẫn đường: Cung cấp chỉ dẫn đường từ vị trí của MTQ đến nơi cần tiếp nhận, giúp tối ưu hóa được tuyến đường sẽ di chuyển đến nơi triển khai công trình thiện nguyện.
- Thể hiện đầy đủ hình ảnh, quá trình, thời gian khởi công, khánh thành, chủ thể tài trợ thông qua mục "Dự án đã triển khai" (https://hanhphucchoem.vn/du-an-da-trien-khai).
- Sử dụng biểu tượng trái tim trên bản đồ thiện nguyện số: Đây là "Tài sản số" lưu lại vĩnh viễn trên bản đồ website, tạo dấu ấn tượng trưng cho mỗi công trình đã hoàn thành, giúp bảo lưu các giá trị đóng góp lâu dài.
- Chức năng gửi thông tin thiện nguyện trực tuyến: Cho phép người dân dễ dàng gửi thông tin về các hoàn cảnh khó khăn qua điện thoại thông minh, giúp nhanh chóng cập nhật và cung cấp dữ liệu cho mạnh thường quân.
2. Dự án đã áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ để điều hành minh bạch, bền vững và đáp ứng kịp thời nhu cầu thiện nguyện.
- Dự án đã tạo kho dữ liệu thiện nguyện trên website, cung cấp đầy đủ hình ảnh, thông tin liên hệ, câu chuyện và nhiều lựa chọn tài trợ, giúp mạnh thường quân dễ dàng chọn đối tượng hỗ trợ.
- Ứng dụng AI trong truyền thông: Trí tuệ nhân tạo hỗ trợ viết bài và lan tỏa thông tin trên mạng xã hội, giúp tăng tính tự động hóa và thu hút được nhiều sự đồng hành từ cộng đồng mạnh thường quân.
- Xây dựng được cộng đồng với hơn 117 nghìn thành viên yêu thích lực lượng Công an và sẵn sàng đồng hành cùng Công an Sơn La trong tham gia các chương trình thiện nguyện.
- Dự án phụ "Hành trình thứ 2 của bạt": Tái sử dụng các tấm bạt từ các sự kiện thiện nguyện để làm vật liệu khác, thể hiện tinh thần tiết kiệm và bảo vệ môi trường.
- Ứng dụng thơ ca, văn vần trong dân vận: Sáng kiến này tạo hiệu ứng mềm mại, thân thiện khi truyền đạt các thông điệp về lực lượng Công an trong cộng đồng, góp phần xây dựng hình ảnh gần gũi.
- Khái niệm "Tài sản thiện nguyện số": Đây là một trong những phát kiến sáng tạo, cho phép lưu giữ và hiện hữu thông tin về các công trình thiện nguyện dưới dạng kỹ thuật số vĩnh viễn, giúp mạnh thường quân dễ dàng truy cập.
Phần 3
Mục tiêu - tầm nhìn dự án
1. Mục tiêu của dự án:
- Xây dựng cơ sở vật chất hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em có điều kiện sinh sống, học tập và phát triển tốt hơn trong môi trường yêu thương và an toàn.
- Tạo điểm tựa vững chắc cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em phấn đấu trở thành chủ nhân tương lai của đất nước.
- Xây dựng hình ảnh thân thiện, gần gũi của lực lượng Công an tỉnh Sơn La. Ngoài những con số "hạnh phúc" mà Dự án mang lại, tầm ảnh hưởng cũng như hình ảnh của lực lượng Công an tỉnh Sơn La mỗi khi được nhắc đến cùng tên Dự án đã trở thành một thương hiệu và luôn hiện hữu trong chính những cái tên rất đỗi yêu thương mà người dân đặt cho như "trường hạnh phúc Công an"; "Nhà hạnh phúc Công an".
- Góp phần vào việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và 6 Điều Bác Hồ dạy Công an Nhân dân, thể hiện qua các hoạt động thiện nguyện và hỗ trợ cộng đồng.
- Tăng cường sự gắn kết giữa lực lượng Công an và cộng đồng, tạo dựng thương hiệu thiện nguyện cho lực lượng Công an tỉnh Sơn La.
- Nâng cao nhận thức pháp luật cho học sinh, phụ huynh, và giáo viên, góp phần xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
- Ứng dụng công nghệ để tối ưu hóa hiệu quả và sự minh bạch của Dự án, tạo ra nền tảng kết nối mạnh thường quân, cộng đồng và lực lượng Công an thông qua website và các tính năng hiện đại.
2. Tầm nhìn của dự án:
- Giai đoạn 2021-2024: xóa toàn bộ các điểm trường nhà tranh, vách lá, nhà tôn, nhà tạm trên địa bàn tỉnh Sơn La (Đã thực hiện 95% theo thống kê của Sở giáo dục và đào tạo tỉnh Sơn La)
- Giai đoạn 2024-2027: xóa toàn bộ các điểm Nhà nội trú tạm trên địa bàn, xây dựng các nhà nội trú và phòng học còn thiếu, hỗ trợ xây dựng các cây cầu cho học sinh đi qua, nhân rộng mô hình quy mô toàn Quốc.
Phần 4
Quá trình triển khai - Phạm vi - Chi phí của dự án
Quá trình triển khai:
Quá trình triển khai Dự án "Hạnh phúc cho em" bao gồm nhiều bước chi tiết nhằm đảm bảo tính minh bạch, sự phối hợp và tính nhân văn trong mỗi hoạt động thiện nguyện:
1. Thành lập Ban Chủ nhiệm Dự án: Ban Chủ nhiệm gồm 1 Chủ nhiệm, 2 Phó chủ nhiệm, và các thành viên, tình nguyện viên được phân công công việc cụ thể phù hợp với năng lực. Ban cũng áp dụng chế độ khen thưởng, kỷ luật để động viên tinh thần từng thành viên.
2. Xây dựng website hanhphucchoem.vn: Website được xem như "Bản đồ thiện nguyện số," với các tính năng ưu việt:
- Chỉ dẫn đường từ vị trí của mạnh thường quân đến nơi cần tiếp nhận.
- Hiển thị hình ảnh, quá trình, thời gian của các dự án đã triển khai.
- Cung cấp biểu tượng trái tim trên bản đồ như một "Tài sản số."
- Cung cấp mục gửi thông tin thiện nguyện trực tuyến giúp người dân dễ dàng cung cấp thông tin về các hoàn cảnh cần giúp đỡ.
3. Thu thập thông tin về các đối tượng cần hỗ trợ: Ban thanh niên Công an tỉnh nhận thông tin từ các nguồn như Công an xã, các tổ chức xã hội, hoặc các trường học về các hoàn cảnh khó khăn, các điểm trường xuống cấp. Thông tin được thu thập và nhập vào cơ sở dữ liệu thiện nguyện theo các tiêu chí như:
- Nhà hạnh phúc: Học sinh dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có quỹ đất hợp pháp để xây dựng nhà.
- Trường đẹp cho em: Các điểm trường tạm, xuống cấp, không đủ an toàn và diện tích cần thiết để giảng dạy.
4. Số hóa dữ liệu thiện nguyện: Thông tin đã thu thập được số hóa trên website của dự án tại mục "Dự án đang gây quỹ." Mạnh thường quân có thể lựa chọn tài trợ cho từng hạng mục như nhà hạnh phúc, trường đẹp cho em, hoặc nhà nội trú với mức kinh phí cụ thể.
5. Liên hệ và xác minh tài trợ: Ban thanh niên Công an tỉnh xác minh các nguồn tài trợ để đảm bảo chúng không vi phạm pháp luật và chỉ nhằm mục đích thiện nguyện.
6. Xin chủ trương từ lãnh đạo Công an tỉnh: Sau khi tiếp nhận nguồn tài trợ, Ban thanh niên báo cáo với Đảng ủy, Ban giám đốc Công an tỉnh và liên hệ các huyện ủy, thành ủy nơi triển khai công trình. Công an tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan để giám sát, thi công, và đảm bảo chất lượng công trình.
7. Ký kết thỏa thuận hợp tác: Ban thanh niên Công an tỉnh, nhà tài trợ, và đơn vị tiếp nhận tài trợ ký kết "Thỏa thuận hợp tác" 3 bên. Ban thanh niên chỉ đứng vai trò cầu nối và giám sát việc thực hiện các cam kết.
8. Tổ chức khởi công và khánh thành: Ban thanh niên Công an tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức Lễ khởi công và khánh thành công trình, với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các cấp, nhà tài trợ, và các đơn vị truyền thông để lan tỏa hình ảnh nhân văn của lực lượng Công an nhân dân.
Phạm vi của dự án "Hạnh phúc cho em" bao gồm:
1. Đối tượng hỗ trợ:
- Đối với mục "Nhà hạnh phúc": Đối tượng là học sinh dân tộc thiểu số; thuộc hộ gia đình đặc biệt khó khăn; là học sinh mồ côi cha hoặc mẹ, hoặc mồ côi cả cha lẫn mẹ; có khả năng, ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống và trong học tập; có quỹ đất hợp pháp do gia đình tặng hoặc xã trao tặng có đầy đủ pháp lý chứng nhận quyền sử dụng đất và đảm bảo an toàn về mặt bằng để triển khai xây dựng, thi công.
- Đối với mục "Trường đẹp cho em": Ưu tiên là các điểm trường tạm được dựng bằng tranh, vách lá, bằng gỗ, tôn, quây tạm bằng bạt hoặc các điểm trường bị xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn để phục vụ công tác giảng dạy; điểm trường đang thiếu phòng học, không đủ chỗ cho học sinh học, phải học nhờ nhà văn hóa của bản, của xã hoặc nhà người dân; phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đảm bảo đủ diện tích mặt bằng để xây dựng trường theo quy chuẩn của Bộ Giáo dục và đào tạo đề ra.
2. Các hạng mục hỗ trợ:
- Nhà hạnh phúc: Xây dựng nhà ở cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, với điều kiện gia đình có quỹ đất hợp pháp.
- Trường đẹp cho em: Xây dựng, cải tạo các điểm trường tạm hoặc xuống cấp nhằm tạo môi trường học tập an toàn cho các em học sinh.
- Nhà nội trú: Xây dựng khu nhà nội trú cho học sinh cần nơi ở ổn định, đảm bảo sinh hoạt và học tập.
3. Đối tượng tài trợ: Kêu gọi các mạnh thường quân, cá nhân, doanh nghiệp trên cả nước tham gia đóng góp, hỗ trợ xây dựng các công trình theo từng hạng mục với mức kinh phí quy định để đảm bảo công trình được hoàn thiện và duy trì lâu dài.
4. Phạm vi truyền thông: Dự án có chiến lược truyền thông rộng rãi qua website hanhphucchoem.vn, các trang báo chí, truyền hình và các phương tiện truyền thông khác để lan tỏa ý nghĩa nhân văn của dự án, kêu gọi sự quan tâm, ủng hộ của cộng đồng.
Về tài chính của dự án:
Đối với các điểm trường góp lẻ dự án sử dụng tài khoản thiện nguyện minh bạch 4 số của Ngân hàng Quân đội, trong đó có đầy đủ thông tin chiến dịch, hình ảnh các công trình thực tế kêu gọi, xem sao kê trực tuyến theo thời gian thực trên ứng dụng Thiện Nguyện hoặc tại đường link của dự án: (https://hanhphucchoem.vn/tai-chinh).
Các hạng mục công trình và chia làm nhiều lựa chọn tài trợ:
- Hạng mục nhà hạnh phúc là 80 triệu đồng chẵn/trường hợp/ngôi nhà
- Hạng mục trường đẹp cho em từ 200 triệu đồng đến 800 triệu đồng/điểm trường
- Hạng mục nhà nội trú từ 150 triệu đồng đến 300 triệu đồng/nhà nội trú
Từ khi triển khai dự án "Hạnh Phúc cho em" đã thu hút được nguồn lực hỗ trợ cho giáo dục tỉnh Sơn La tổng cộng 13.802.368.000 VND (Bằng chữ: Mười ba tỷ tám trăm lẻ hai triệu ba trăm sáu mươi tám nghìn đồng chẵn). Dự án "Hạnh phúc cho em" không phải là đơn vị chủ đầu tư nên sẽ chỉ có công tác giải ngân cho các Chủ đầu tư mà huyện chỉ định (là Phòng giáo dục hoặc Huyện đoàn) sau khi các bên có giấy đề nghị thanh toán và biên nhận.
Phần 5
Kết quả đạt được
Kết quả định tính
Dự án "Hạnh Phúc cho em" không chỉ mang lại niềm vui, cơ hội học tập và phát triển cho các em học sinh, mà còn xây dựng hình ảnh tích cực và đáng quý về lực lượng Công an tỉnh Sơn La trong lòng người dân. Khi nhắc đến Dự án, người dân trìu mến gọi là "trường hạnh phúc Công an" hay "Nhà hạnh phúc Công an," một thương hiệu thân thuộc và gắn bó.
Dự án đã cụ thể hóa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cùng 6 Điều Bác Hồ dạy Công an Nhân dân, góp phần xây dựng cộng đồng đoàn kết và hỗ trợ lẫn nhau. Nhờ có Dự án, các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại Sơn La đã có cơ hội sống, học tập và phát triển trong tình yêu thương của cộng đồng, vững bước trên con đường tương lai, trở thành những người con ngoan, trò giỏi, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bên cạnh đó, Dự án cũng đã tạo nên nền tảng thiện nguyện minh bạch và thuận tiện nhờ ứng dụng khoa học công nghệ, giúp các mạnh thường quân dễ dàng tiếp cận và chọn lựa tài trợ. Kho dữ liệu trực tuyến với thông tin chi tiết về các đối tượng cần giúp đỡ và việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong triển khai viết bài truyền thông đã thúc đẩy sự lan tỏa, thu hút đông đảo sự quan tâm từ cộng đồng. Hơn nữa, cộng đồng gồm hơn 117 nghìn người ủng hộ Dự án là minh chứng cho sức ảnh hưởng sâu rộng và lòng tin của người dân dành cho lực lượng Công an. Sự sáng tạo trong quá trình triển khai cũng được ghi nhận qua các sáng kiến bổ trợ, như tái sử dụng vật liệu sự kiện, truyền tải thông điệp ngắn gọn về hình ảnh lực lượng Công an thông qua thơ ca và tiên phong về "Tài sản thiện nguyện số," giúp mọi người dễ dàng truy cập và đóng góp.
Kết quả định lượng
Phần 6
Tiềm năng nhân rộng mô hình
Để tiếp tục phát huy hiệu quả, nhân rộng mô hình của Dự án, Ban thanh niên Công an tỉnh đưa ra các giải pháp, cụ thể như sau:
1. Tính bền vững:
- Cần phải thay đổi phương pháp làm và tiếp cận của thanh niên trong nhận thức về tình nguyện bền vững: Đó là việc lựa chọn đối tượng thụ hưởng phải mang tính chiến lược, phục vụ được cộng đồng lâu dài (đối tượng lựa chọn thường là các công trình nằm trong chương trình, mục tiêu Quốc gia về nông thôn mới, đặc biệt là công trình phục vụ công tác giáo dục, các công trình an sinh, xã hội);
- Việc lựa chọn các công trình bền vững (thay vì lựa chọn các chương trình mang tính tặng quà, bánh kẹo thì nên lựa chọn các công trình có giá trị sử dụng lâu dài trên 20 năm như trường, nhà, công trình vệ sinh...);
- Tái sử dụng hiệu quả các vật phẩm được sử dụng trong Dự án (các market, pano, áp phích sử dụng xong cần được sử dụng lại vào những mục đích thích hợp, không để trở thành rác thải trên núi).
2. Tính liên kết các lực lượng trong triển khai thực hiện Dự án:
Khi triển khai thực hiện các công trình, xác định và liên kết rõ các lực lượng liên quan để triển khai các công trình đạt tiêu chuẩn "3 cứng" (nền, tường, mái) và đảm bảo chất lượng.
Sự phối hợp này giúp dự án lan tỏa tích cực trên toàn tỉnh và sang các tỉnh khác, đồng thời huy động nguồn nhân lực hỗ trợ các công đoạn xây dựng như giải phóng mặt bằng, đào móng, và vận chuyển vật liệu để tối ưu chi phí xây dựng, đảm bảo chất lượng với mức đầu tư thấp, dễ thu hút mạnh thường quân tài trợ.
3. Ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào quá trình điều hành dự án:
Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong triển khai, điều hành Dự án làm cho việc điều hành trở nên minh bạch, lâu dài và đáp ứng kịp thời của yêu cầu thiện nguyện.
4. Tính sáng tạo:
Quá trình triển khai thực hiện Dự án, phải có sự lắng nghe phản hồi ý kiến của nhân dân, của các đơn vị phối hợp và có sự sáng tạo để tạo ra lợi ích cho nhân dân.
5. Tính nghiệp vụ:
Ban Thanh niên Công an tỉnh Sơn La lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại các địa điểm triển khai dự án, giúp người dân tiếp thu kiến thức pháp luật hiệu quả hơn.
Hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng VNeID và hòm thư tố giác tội phạm tại nhà văn hóa, thu nhận hàng trăm tin báo giá trị.
Các học sinh và người dân được hỗ trợ có tình cảm gắn bó với lực lượng Công an, sẵn sàng cung cấp thông tin về an ninh trật tự. Từ đó, góp phần xây dựng phong trào toàn dân tham gia bảo vệ An ninh Tổ quốc tại trường học và khu dân cư.
Bản quyền và tính hợp pháp của các hình ảnh, video, thông tin, dữ liệu về dự án được đăng tải trên landing page (trang thông tin dự án) này do cá nhân/ tổ chức đăng ký tham gia giải thưởng cung cấp và chịu trách nhiệm.