Dự án Traphaco GreenPlan - Mở rộng những miền xanh

Hạng Mục

Thư viện sáng kiến

Thời gian

31/10/2024 16:43

Đơn vị thực hiện

  • Hạng mục

    DỰ ÁN

  • Thời gian

    TỪ 2010 ĐẾN NAY

  • Lĩnh vực

    CÔNG VIỆC TỐT VÀ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ

Dự án Traphaco GreenPlan - Mở rộng những miền xanh- Ảnh 2.

"GreenPlan - Mở rộng những miền xanh" là dự án Nghiên cứu, phát triển bền vững nguồn dược liệu Traphaco, được triển khai từ năm 2010 nhằm phát triển vùng trồng dược liệu quý của Việt Nam. Dự án này đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn nguồn gen cây thuốc, bảo vệ quỹ đất và đa dạng sinh học.

Bên cạnh đó, dự án còn tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho bà con nông dân, thay đổi bộ mặt kinh tế nhiều địa phương, đóng góp tích cực cho môi trường và cộng đồng. Sau 14 năm, đến nay, GreenPlan đã xây dựng được vùng nguyên liệu trên 36.300 ha trải dài trên 24 tỉnh thành từ Bắc vào Nam, trong đó có 10 dược liệu có vùng trồng/thu hái đạt chuẩn quốc tế GACP-WHO (Actiso, Rau đắng đất, Bìm bìm, Đinh lăng, Chè dây, Cỏ ngọt, Cúc hoa vàng, Ngải cứu, Trạch tả, Dừa cạn).


Bối cảnh ra đời của dự án

a. Tiềm năng phát triển dược liệu Việt Nam

Dược liệu nói chung và cây thuốc nói riêng có vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe và góp phần đáng kể trong phát triển kinh tế. Cây thuốc đã, đang và sẽ tiếp tục được sử dụng rộng rãi trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe con người (bao gồm phòng bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng cơ thể, kéo dài tuổi thọ, v.v…).

Thị trường dược liệu và thuốc có nguồn gốc từ dược liệu đang đem lại nguồn thu lớn cho các quốc gia. Thêm vào đó, mỹ phẩm dùng nguyên liệu từ thiên nhiên thay thế nguyên liệu tổng hợp đã chiếm 90% tổng số mỹ phẩm được sản xuất.

Sản phẩm "Thực phẩm chức năng", "Các chất bổ sung dinh dưỡng" hay "Thuốc thay thế hoặc bổ sung", được sản xuất chủ yếu từ thảo dược hoặc có nguồn gốc thảo dược, đang phát triển với một tốc độ đáng kinh ngạc và đang được các chuyên gia đánh giá là một xu thế dinh dưỡng của thế kỷ 21.

Việt Nam có tiềm năng cây thuốc rất lớn với mức độ đa dạng sinh học cao; thành phần loài cây thuốc phong phú; nguồn dược liệu đa dạng, hàng nghìn bài thuốc cổ truyền hiệu quả.

b. Tình hình sản xuất dược liệu tại Việt Nam

Tình hình sản xuất dược liệu của quốc gia chưa tương xứng với tiềm năng. Nguồn tài nguyên cây thuốc Việt Nam đang bị suy giảm nhiều và bị sử dụng lãng phí. Việc trồng, sử dụng, phát triển dược liệu và sản phẩm từ dược liệu phải đối mặt với nhiều thách thức.

• Dược liệu sản xuất trong nước:

Trước tháng 10/2013, Việt Nam chưa có quy hoạch vùng trồng cây thuốc nói riêng và sản xuất dược liệu nói chung. Trong nhiều năm, việc khai thác dược liệu tự nhiên của Việt Nam vẫn còn trong tình trạng chưa có tổ chức, không có kế hoạch, không có hướng dẫn khai thác gắn với bảo tồn, phát triển bền vững, dẫn đến một số loài cây thuốc bị khai thác ồ ạt, thiếu kiểm soát, có nguy cơ cạn kiệt hoặc tuyệt chủng.

Bên cạnh đó, chất lượng dược liệu chưa được kiểm soát chặt chẽ, dược liệu sản xuất trong nước không cạnh tranh được với dược lập nhập ngoại cả về giá và chủng loại.

• Dược liệu nhập khẩu:

- Hệ thống cung ứng dược liệu nhỏ lẻ, tự phát và thiếu định hướng. 

- Chủ yếu dược liệu được nhập không chính thức từ Trung Quốc qua con đường tiểu ngạch, nguồn gốc không rõ ràng, vẫn có các thuốc đông dược - dược liệu không đạt chất lượng lưu hành trên thị trường. 

• Tình hình phát triển sản phẩm từ dược liệu ở TRAPHACO 

Traphaco là doanh nghiệp dược hàng đầu phát triển sản phẩm từ dược liệu Việt Nam.

Nhiều sản phẩm thuốc từ dược liệu của Traphaco đã thành công lớn trên thị trường, các sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia (Vietnam Value) như Hoạt huyết dưỡng não Traphaco, Thuốc bổ não Cebraton, Thuốc bổ gan Boganic; Sản phẩm đạt Dang hiệu Ngôi sao thuốc Việt như Ampelop.

Công ty có nhu cầu ngày càng cao về dược liệu chất lượng cao và sự ổn định sản lượng dược liệu. Dược liệu được sử dụng với khối lượng lớn chủ yếu là dược liệu trong nước với tỉ trọng dược liệu trong nước sử dụng hàng năm đều trên 80%.

• Chính sách và chương trình liên quan đến phát triển dược liệu của Việt Nam và Tổ chức Y tế thế giới:

Nhà nước đầu tư, hỗ trợ, tạo điều kiện:

- Đầu tư ngân sách và huy động các nguồn lực khác cho phát triển công nghiệp sản xuất vắc xin, sinh phẩm, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, thuốc sắp hết hạn bằng sáng chế hoặc độc quyền có liên quan; nuôi trồng, sản xuất dược liệu; phát hiện, bảo tồn và ứng dụng khoa học, công nghệ trong nghiên cứu, phát triển nguồn gen dược liệu quý, hiếm. 

- Hỗ trợ, tạo điều kiện kiểm thử, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có liên quan, đăng ký lưu hành và kế thừa đối với thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu có đề tài khoa học và công nghệ cấp quốc gia, cấp bộ hoặc cấp tỉnh đã được nghiệm thu; tìm kiếm, khai thác, sử dụng dược liệu mới...

Chiến lược toàn cầu và kế hoạch hành động vì sức khỏe cộng đồng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề cao vai trò của thuốc cổ truyền:

- WHO công nhận thuốc cổ truyền là một trong những nguồn cung cấp phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu và góp phần cải thiện sức khỏe người dân, đồng thời coi thuốc cổ truyền nằm trong số các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.

Từ thực trạng trên, Traphaco quyết định lên kế hoạch, triển khai dự án GreenPlan - Mở rộng những miền xanh không chỉ để đóng góp nhiều sản phẩm đông dược hỗ trợ sức khỏe người Việt mà còn để bảo tồn những giống cây dược liệu quý của đất nước, bên cạnh đó, cũng góp phần gia tăng kinh tế địa phương, quốc gia. 

Dự án Traphaco GreenPlan - Mở rộng những miền xanh- Ảnh 3.

Sáng kiến - phát kiến của dự án

a. Đào tạo thực hành tốt cho những thành viên triển khai

Một dự án cấp công ty do Traphaco khởi xướng đã mở được lớp đào tạo về GACP-WHO lần đầu tiên ở Việt Nam, và cũng là duy nhất nơi mà những học viên chính là các thành viên của cơ quan quản lý Nhà nước.

Từ năm 2013 đến nay, công ty đã tổ chức và phối hợp tổ chức các đợt đào tạo, tập huấn quy trình trồng trọt, thu hái, sơ chế dược liệu theo GACP-WHO và nhận thức về GACP-WHO trong thời kỳ mới cho cán bộ phụ trách vùng và các hộ dân, cơ sở sản xuất dược liệu.

Dự án Traphaco GreenPlan - Mở rộng những miền xanh- Ảnh 4.
Dự án Traphaco GreenPlan - Mở rộng những miền xanh- Ảnh 5.

b. Các ý niệm về chuỗi giá trị xanh của công ty từ dự án GreenPlan

Dự án GreenPlan triển khai xuyên suốt chuỗi cung ứng sản phẩm từ dược liệu của Traphaco. Từ đó, các khái niệm ban đầu về chuỗi giá trị xanh gắn với hoạt động của dự án GreenPlan cũng được Traphaco định nghĩa, đó là: Nguyên liệu xanh – Công nghệ xanh – Sản phẩm xanh – Dịch vụ xanh.

• Tạo nguồn Nguyên liệu xanh:

- Từ các hoạt động khảo sát vùng dược liệu, phát triển vùng trồng và khai thác dược liệu, phối hợp thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ về phát triển dược liệu.

- Traphaco là đơn vị đầu tiên đăng ký công bố sản xuất dược liệu theo GACP-WHO và được Bộ Y tế Việt Nam tiếp nhận công bố sản xuất đạt GACP-WHO.

• Áp dụng Công nghệ xanh

- Triển khai các quy trình trồng/thu hái theo hướng thân thiện với môi trường, bao gồm: sử dụng chế phẩm sinh học, canh tác luân canh, lựa chọn vùng trồng có nguồn đất, nước và điều kiện tưới tiêu tốt.

- Kết hợp với công nghệ xanh trong chiết xuất bào chế nhằm giảm thiểu tác hại tới môi trường. Từ năm 2010, việc ứng dụng công nghệ sấy chân không viba đối với cao dược liệu đã giúp công ty giảm tiêu thụ điện năng 18 lần so với công nghệ sấy thông thường.

• Tạo ra Sản phẩm xanh

Với định hướng chiến lược giữ vững vị thế dẫn đầu trong nghiên cứu và phát triển thuốc và các sản phẩm chăm sóc sức khoẻ từ dược liệu, Traphaco đã chú trọng nghiên cứu và phát triển các sản phẩm từ dược liệu, lấy khoa học và công nghệ là nền tảng sáng tạo Sản phẩm xanh.

• Cung cấp dịch vụ xanh

Công tác triển khai sản phẩm ra thị trường cũng được Traphaco thực hiện xuyên suốt theo định hướng của công ty và là một phần của mục tiêu cung cấp Dịch vụ xanh.

c. Đi đầu về ứng dụng công nghệ thông tin trong truy xuất nguồn gốc dược liệu

- Traphaco điều phối chuỗi cung ứng Nguyên liệu xanh, ổn định và duy trì sản xuất, đảm bảo không ảnh hưởng đến mắt xích Nguyên liệu xanh trên chuỗi giá trị Xanh bền vững.

- Đào tạo trực tuyến, ứng dụng phần mềm kiểm soát sản xuất và truy xuất nguồn gốc dược liệu GACP-WHO trên nền tảng web (http://www.traphacoxanh.com).

d. Những sản phẩm và đề xuất đầy sáng tạo từ những chương trình hợp tác đặc biệt

Lần đầu tiên tại Việt Nam,

- Có bộ nhận diện cây thuốc và vị thuốc đầy đủ từ đặc điểm hình thái, đặc điểm hóa học đến đặc điểm sinh học phân tử. Đó là sản phẩm kết quả từ một dự án thành phần của dự án GreenPlan "Xây dựng bộ nhận diện cây thuốc Củ mài và vị thuốc Hoài sơn" trong khuôn khổ Chương trình Ngày sáng tạo Việt Nam năm 2011 (VID 2011) - Phụ lục 4.

- Sổ tay các hướng dẫn về trồng trọt và thu hái cây thuốc (Actiso, Đinh lăng, Chè dây,...) là kết quả của dự án Thương mại sinh học – Biotrade do tổ chức Helvetas chủ trì với sự tham gia của các thành viên dự án GreenPlan của Traphaco - Phụ lục 5.

Bên cạnh đó, dự án còn ghi nhận sáng kiến tạo nguồn vốn xoay vòng hỗ trợ cho người dân tham gia sản xuất dược liệu tại vùng cao đã được thực thi trong Dự án "Phát triển trồng và chế biến Dược liệu tại một số địa phương miền núi Tây Bắc góp phần tạo việc làm và gia tăng thu nhập cho người thu nhập thấp".

e. Đăng ký bảo hộ giống cây thuốc

Từ những kết quả nghiên cứu khoa học và hoạt động của dự án GreenPlan, Traphaco là công ty Dược đầu tiên thực hiện đăng k‎ý bảo hộ giống cây thuốc. Hiện công ty có 3 giống cây thuốc Bìm bìm đã được cấp bằng bảo hộ giống tại Việt Nam (Phụ lục 6)‎‎‎.

f. Đề cao - Kiến tạo môi trường Bình đẳng giới:

Tại khu vực Sapa, Traphaco (thông qua công ty con Traphaco Sapa) hợp tác với các hộ dân người H'Mông, Dao, xây dựng cộng đồng sản xuất Actiso và một số dược liệu khác, trong đó trên 80% chủ thể tham gia liên kết là nữ giới. Tỉ lệ phụ nữ đặt bút ký/điểm trên các hợp đồng là 92,5% (185 phụ nữ/200 hộ gia đình).

Quá trình liên kết không chỉ tạo việc làm cho các hộ gia đình mà còn góp phần thay đổi mối quan hệ trong gia đình họ một cách tích cực và bền vững, giúp cho họ có cuộc sống bình đẳng, có sự sẻ chia và từ đó cũng làm cho sự liên kết của Công ty bền vững hơn.

Các hành động chính đã được thực hiện và bài học kinh nghiệm

- Xây dựng mô hình liên kết góp phần nâng cao vai trò của người phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới:

   + Do phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số làm chủ,

   + Nữ nông hộ được quyết định các nội dung công việc,

   + Gia tăng giá trị sản xuất, quảng bá bản sắc văn hoá dân tộc vùng cao;

   + Nữ nông dân được trang bị kỹ năng kinh doanh, kỹ năng marketing, kỹ năng chăm sóc khách hàng, kỹ năng quản lý tài chính, kiểm soát doanh thu; …

Các công việc của người phụ nữ trong cộng đồng được ghi nhận; người phụ nữ tự chủ được tài chính, được trực tiếp quản lý tài chính và được quyền quyết định trong việc sử dụng tài chính và các công việc của gia đình.

Quá trình lựa chọn nhà cung ứng Traphaco có thông qua tham vấn từ chính quyền địa phương và đánh giá trực tiếp năng lực của nữ nông dân, nông hộ trong cộng đồng.

- Ưu tiên lựa chọn đối tác là nữ nông dân và đồng bào dân tộc thiểu số

- Quan tâm đến chỉ tiêu xóa đói giảm nghèo và làm giàu bền vững

- Luôn có sự đan xen giữa đối tác là nông hộ có trình độ kỹ thuật tốt và các hộ còn lại để tạo thành cộng đồng sản xuất ngày càng tiến bộ đồng thời giảm thiểu rủi ro trong quá trình canh tác.

- Traphaco đã không chỉ thuyết phục và động viên nữ nông hộ đi tham gia tập huấn để họ nắm được chuyên môn kỹ thuật; mà đây còn là cơ hội cho những người phụ nữ ra ngoài giao tiếp trong cộng đồng/xã hội, mở mang mối quan hệ và phát triển bản thân.

- Tinh tế và thấu hiểu trong việc bố trí người đi mời tập huấn, đào tạo về kỹ thuật, bình đẳng giới là phụ nữ để gia đình tin tưởng; mời giảng viên tập huấn là nam giới để truyền đạt cuốn hút và hiệu quả hơn.

Dự án Traphaco GreenPlan - Mở rộng những miền xanh- Ảnh 6.
Dự án Traphaco GreenPlan - Mở rộng những miền xanh- Ảnh 7.

Mục tiêu - tầm nhìn dự án

Thế giới đang phải đối mặt với 5 vấn đề lớn: dân số, năng lượng, lương thực, tài nguyên và sinh thái và Kinh tế Xanh sẽ là lựa chọn thông minh để vượt qua khủng hoảng và là yếu tố chủ chốt của cuộc cách mạng xanh của thế kỷ.

Theo UNEP (Chương trình môi trường Liên Hợp Quốc), Kinh tế Xanh là nền kinh tế vừa mang lại hạnh phúc cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các rủi ro về môi trường và khủng hoảng sinh thái.

Nền Kinh tế Xanh có 4 nội dung về kinh tế bao gồm nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và tri thức dựa trên các nền tảng về nguyên liệu xanh, công nghệ xanh, dịch vụ xanh và rất nhiều các yếu tố khác với đặc điểm có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả tài nguyên và hướng tới công bằng xã hội. Phát triển Kinh tế Xanh là một cách thức thực hiện phát triển bền vững.

- Mục đích của Kinh tế Xanh: Tạo ra việc làm, bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững và ngăn chặn ô nhiễm và suy thoái môi trường, nóng lên toàn cầu, cạn kiệt nguồn tài nguyên.

- Công nghiệp Dược phẩm Việt Nam đang đứng trước sự lựa chọn giữa nền công nghiệp Dược từ các hoạt chất hóa dược tổng hợp hay phát triển ngành công nghiệp Dược dựa trên nền tảng phát triển thuốc từ dược liệu.

   + Với lịch sử Y dược cổ truyền hàng nghìn năm, Y dược học cổ truyền Việt Nam là tài sản văn hóa không thể thay thế trong đó cây con làm thuốc, bài thuốc là tài sản văn hóa vật thể, tri thức sử dụng cây thuốc và bài thuốc là tài sản văn hóa phi vật thể.

   + Công nghiệp Dược Việt Nam còn lợi thế về đa dạng sinh học với hơn 4000 loài thực vật và nấm lớn có công dụng làm thuốc, nhiều cây đặc hữu có kỳ vọng trong phát triển thuốc mới và xu thế "trở về với thiên nhiên" của thế giới.

Đứng trước những thử thách và cơ hội cho công nghiệp Dược Việt Nam nói chung và Công ty cổ phần Traphaco nói riêng, sứ mạng và trách nhiệm với cộng đồng đã tạo nên động lực để Traphaco lựa chọn con đường mới của mình với chiến lược "Con đường Sức khỏe Xanh" bao gồm 4 mục tiêu chiến lược: Nguyên liệu Xanh; Công nghệ Xanh; Sản phẩm Xanh và Dịch vụ Xanh.

Để đạt được mục tiêu chiến lược Nguyên liệu Xanh, Traphaco đã đặt nền móng những viên gạch nền tảng đầu tiên bằng việc triển khai Dự án GreenPlan với mục tiêu trước hết "Phát triển bền vững nguồn dược liệu Traphaco".

- Năm 2010: Thành lập Ban dự án GreenPlan với mô hình "Tổ chức quản lý dự án theo ma trận". Đây là dự án hợp tác toàn diện giữa 4 Nhà (Nhà nông – Nhà nước – Nhà khoa học – Doanh nghiệp) xuyên suốt chuỗi giá trị Xanh của Traphaco.

- Năm 2011: 10 mục tiêu liên quan đến khảo sát vùng sản xuất dược liệu, nghiên cứu sản phẩm mới và xây dựng các quy trình trồng trọt, khai thác dược liệu. (Chi tiết theo Phụ lục 1).

- Giai đoạn 2011-2015: các mục tiêu cụ thể hơn về lựa chọn các dược liệu đăng k‎ý GACP-WHO. Trong đó có hoạt động tạo vùng sản xuất một số dược liệu theo GACP-WHO và đăng ký sản xuất 4 dược liệu Actiso, Bìm bìm, Rau đắng, Đinh lăng đạt GACP-WHO vào năm 2013. (Chi tiết mục tiêu theo Phụ lục 2).

- Từ năm 2016 đến nay, Dự án GreenPlan triển khai theo các kế hoạch và mục tiêu cụ thể hàng năm căn cứ vào kế hoạch sản xuất, kinh doanh mỗi năm của Traphaco. Trong đó, tập trung vào duy trì và phát triển các vùng sản xuất 5 dược liệu Actiso, Rau đắng đất, Bìm bìm, Đinh lăng, Chè dây đạt GACP-WHO. (Ảnh chụp trang mục tiêu dự án GreenPlan các năm 2016, 2020 và 2023 theo Phụ lục 3).

Dự án Traphaco GreenPlan - Mở rộng những miền xanh- Ảnh 8.
Dự án Traphaco GreenPlan - Mở rộng những miền xanh- Ảnh 9.
Dự án Traphaco GreenPlan - Mở rộng những miền xanh- Ảnh 10.

Quá trình triển khai - Phạm vi - Chi phí của dự án

a. Giai đoạn khởi động

Dự án GreenPlan đã triển khai các hoạt động chính: khảo cứu tài liệu, khảo sát dược liệu và vùng trồng, khai thác dược liệu; thực hiện trồng thử nghiệm một số dược liệu và các nội dung khác liên quan; tham gia các Đề tài, dự án liên quan đến phát triển dược liệu ở cấp Nhà nước, cấp Bộ.

• Khảo cứu tài liệu, khảo sát dược liệu và vùng trồng, khai thác dược liệu

Giai đoạn khảo sát kéo dài từ 08/2009 đến 08/2011, thực hiện 33 chuyến khảo sát trên 20 tỉnh bao gồm:

- Khu vực Đông Bắc Bộ (7 tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn, Phú Thọ, Bắc Giang, Hà Giang, Quảng Ninh, Thái Nguyên),

- Tây Bắc Bộ (4 tỉnh: Hoà Bình, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La), đồng bằng Bắc Bộ (5 tỉnh thành: Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Bắc Ninh, Ninh Bình),

- Miền Trung và Tây nguyên (4 tỉnh: Phú Yên, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Tây Ninh).

Các nội dung hoạt động bao gồm:

- Thu thập những thông tin về địa bàn trồng, phát triển dược liệu trong danh mục nghiên cứu của dự án, thông tin về các cây dược liệu đã di thực vào Việt Nam và các quy trình trồng trọt, chế biến của nhiều dược liệu do Viện dược liệu – Bộ Y tế và Học viện Nông nghiệp Việt Nam nghiên cứu;

- Cập nhật thông tin trồng, khai thác, thu mua dược liệu, sơ bộ lập bản đồ vùng trồng, khai thác 26 dược liệu chủ yếu;

- Đặt các mối quan hệ hợp tác tốt với các công ty, các viện, trung tâm nghiên cứu, các bệnh viện và các tổ chức chính quyền, hội tại các địa phương khảo sát;

- Ký kết các hợp đồng, biên bản ghi nhớ, làm cầu nối giữa công ty con (Traphaco CNC) với các cơ sở sản xuất dược liệu có chất lượng phục vụ nhu cầu sản xuất của công ty.

- Tham gia các hội thảo, hội nghị khoa học, vừa tuyên truyền được thế mạnh của công ty vừa nắm được tình phát triển chung của dược liệu Việt Nam và có cơ hội tham mưu, góp ý cho các nhiệm vụ chung của quốc gia.

• Thực hiện trồng thử nghiệm một số dược liệu và các nội dung khác liên quan

- Thử nghiệm trồng Actiso tại xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu (Yên Bái);

- Hợp đồng trồng thu dược liệu và giống Actiso tại Sa Pa (Lào Cai);

- Nghiên cứu sử dụng đất hiếm trong trồng Actiso tại Sa Pa (Lào Cai);

- Hợp tác mở rộng vùng trồng Actiso tại huyện Ngọc Chiến (Sơn La), huyện Bắc Hà (Lào Cai) và huyện Sìn Hồ (Lai Châu).

- Xây dựng quy trình trồng Cúc hoa vàng làm dược liệu và làm giống tại Nghĩa Trai, Tân Quang, huyện Văn Lâm (Hưng Yên);

- Thử nghiệm trồng Cúc hoa vàng tại xã Minh Đức, huyện Việt Yên (Bắc Giang).

- Hợp tác với Trung tâm nghiên cứu dược liệu Sa Pa – Viện dược liệu và Công ty TNHH MTV Traphaco Sapa thử nghiệm trồng Ô đầu tại Sa Pa (Lào Cai), Hoài sơn và Hà thủ ô đỏ ở Chi Nê (Hòa Bình).

• Tham gia các Đề tài, dự án liên quan đến phát triển dược liệu ở cấp Nhà nước, cấp Bộ

- Hoàn thiện công trình giành giải nhất giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam năm 2010 (VIFOTEC) do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam và Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành với đề tài "Nghiên cứu sản xuất thuốc Bổ gan giải độc Boganic từ dược liệu Việt Nam".

- Đăng ký thành công đề tài "Phát triển nguồn gen Hoài sơn, Ý dĩ" thuộc Nhiệm vụ khoa học năm 2011 của Bộ KHCN đề ra. Trong đó Công ty cổ phần Traphaco làm chủ nhiệm đề tài, Trường ĐH Dược Hà Nội là đơn vị phối hợp.

- Tham gia thuyết minh và thắng giải trong Chương trình VID 2011 (Chương trình Ngày sáng tạo Việt Nam 2011, do Ngân hàng thế giới và Cục phát triển doanh nghiệp – Bộ Kế hoạch đầu tư phối hợp tổ chức) với đề án "Xây dựng bộ nhận diện cây thuốc Củ mài và vị thuốc Hoài sơn".

- Phối hợp cùng Viện cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch đăng ký thành công đề tài "Nghiên cứu công nghệ sơ chế, bảo quản dược liệu sau thu hoạch ở quy mô công nghiệp" thuộc nhiệm vụ KHCN năm 2012.

b. Giai đoạn hành động theo mục tiêu

- Ngoài các thành viên từ các bộ phận thuộc các công ty thành viên Traphaco hỗ trợ hoạt động liên quan, nhóm chuyên trách có nhiệm vụ triển khai các hoạt động chính theo các mục tiêu ngắn hạn từng năm và mục tiêu dài hạn trong một giai đoạn.

- Tập trung vào mục tiêu duy trì và phát triển các vùng sản xuất 5 dược liệu Actiso, Rau đắng đất, Bìm bìm, Đinh lăng, Chè dây theo GACP-WHO, đến năm 2024 số lượng vùng trồng tăng thêm 5 vùng là Trạch tả, Cúc hoa vàng, Ngải cứu, Cỏ ngọt, Dừa cạn với 10 hoạt động chính:

   + Đánh giá điều kiện kinh tế, xã hội, môi trường các vùng sản xuất mục tiêu.

   + Kiểm tra chất lượng đất, nước của vùng sản xuất mục tiêu.

   + Ký kết hợp đồng hợp tác sản xuất dược liệu GACP-WHO với các hộ trồng trọt, thu hái và các cơ sở sơ chế dược liệu.

   + Thực hiện đào tạo, tập huấn cho người tham gia sản xuất dược liệu về quy trình trồng trọt, thu hái, chế biến dược liệu theo hướng dẫn GACP-WHO.

   + Xây dựng mạng lưới kiểm soát nội bộ, thực hiện đánh giá nội bộ hàng năm về sản xuất dược liệu GACP-WHO.

   + Ký kết các hợp đồng thu mua dược liệu đạt Tiêu chuẩn kỹ thuật và các cam kết chính sách kiểm soát sản xuất dược liệu theo GACP.

   + Công bố, đăng ký chứng nhận vùng sản xuất dược liệu đạt GACP. Ngoài các hoạt động chính nêu trên, dự án GreenPlan đã triển khai các hoạt động sau theo nhu cầu của xã hội và Nhà nước.

   + Báo cáo tham luận các hội nghị, hội thảo về phát triển dược liệu Việt Nam.

   + Góp ý cho các dự thảo văn bản pháp luật liên quan đến phát triển dược liệu.

   + Khảo sát, đặt hàng xây dựng phần mềm chạy trên nền tảng web "Traphacoxanh.com" nhằm truy xuất nguồn gốc dược liệu và kiểm soát sản xuất dược liệu GACP-WHO.

c. Cách tiếp cận của dự án

Triển khai dự án dựa trên nguyên tắc hợp tác 4 Nhà (Nhà nước, Nhà nông, Nhà khoa học, Doanh nghiệp) và đề cao vai trò của Doanh nghiệp theo cách tiếp cận hệ thống đa chiều:

- Theo chiều dọc với các cấp quản l‎ý Nhà nước (từ cấp trung ương tới cấp địa phương, từ cấp bộ đến cấp sở, cấp phòng);

- Theo chiều ngang với Doanh nghiệp (công ty, cơ sở sản xuất, tổ chức tư vấn), Nhà nông, Nhà khoa học; theo chiều sâu giữa Doanh nghiệp với từng nhà (Doanh nghiệp, Nhà nước, Nhà khoa học, Nhà nông)...

   + Năm 2011, sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam vẫn còn lạc hậu. Khi Nhà nông hợp tác với doanh nghiệp họ sẽ chấm dứt được tình trạng sản xuất manh mún và tự phát, được đảm bảo về đầu ra của sản phẩm, thu được lợi nhuận, tiếp tục tái sản xuất.

   + Để "Hợp tác tạo ra sức mạnh vượt trội", các doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông cần phải liên kết với nhau thành mạng lưới, trở thành đối tác của nhau trong tất cả các hoạt động của 4 khâu Nghiên cứu sản phẩm – Phát triển sản phẩm – Sản xuất sản phẩm – Phân phối sản phẩm trên thị trường.

Vì vậy, triển khai dự án GreenPlan có sự chung tay, góp sức của cả 4 nhà: Nhà nước – Nhà nông – Nhà khoa học – Nhà doanh nghiệp. Trong đó, Nhà doanh nghiệp - đơn vị có khả năng ứng đối linh hoạt, nhạy bén nhất với thị trường, sẵn sàng hiện thực hóa các kết quả nghiên cứu trong thực tiễn cuộc sống - đóng vai trò trung tâm, là người liên kết với mỗi nhà, tổ chức hoạt động chung và gắn kết các Nhà với nhau trong một hệ thống gồm những mối quan hệ phát triển.

d. Công nghệ triển khai Dự án

GreenPlan là một dự án phát triển dược liệu mang tính tổng thể. Các công nghệ được ứng dụng triển khai thông qua các đề tài và dự án thành phần của dự án GreenPlan.

Kết quả

Kết quả định tính: Giá trị và ý nghĩa mà dự án mang lại cho đối tượng thụ hưởng

Lợi ích mang tính bao trùm:

- Tạo việc làm và ổn định cuộc sống của hộ gia đình các thành viên trong chuỗi phát triển dược liệu, tăng thu nhập và sinh kế làm giàu cho hàng trăm hộ dân và cơ sở sản xuất dược liệu tham gia vào chuỗi giá trị xanh của Traphaco.

- Góp phần vào ổn định kinh tế hộ gia đình tại địa phương, đóng góp vào ngân sách Nhà nước và giúp hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế, chính trị và xã hội tại các địa phương hợp tác.

Traphaco duy trì ổn định và tiếp tục phát triển chuỗi giá trị xanh bằng tự lực tự cường và ứng dụng khoa học công nghệ.

- Từ một Tổ sản xuất thuốc thuộc Ty y tế Đường Sắt, thành lập ngày 28/11/1972, với 15 cán bộ công nhân viên nhiệm vụ chủ yếu pha chế thuốc theo đơn, giờ đây đã phát triển thành Công ty Dược hàng đầu Việt Nam có vốn điều lệ hơn 414,5 tỉ đồng.

- Công ty ổn định cuộc sống cho hơn 1434 lao động thuộc các công ty con (TraphacoSaPa, TraphacoCNC, Traphaco Hưng Yên, Bamepharm) với thu nhập bình quân người lao động luôn tăng trưởng 5-10%/năm và các đơn vị hợp tác khác (Công ty TNHH SX-TM Hồng Đài Việt, Công ty TNHH MTV Mỹ Hưng Xanh Ecoland,...); đem lại sinh kế và làm giàu cho hàng nghìn hộ nông dân ở các vùng sản xuất dược liệu.

Ở các vùng trồng, Actiso và Đinh lăng là cây làm giàu của địa phương.

- Mỗi hecta Actiso trong 1 vụ trồng có thể thu lãi trên dưới 100 triệu đồng nguyên phần lá, nếu tận thu thân củ, hoa 1ha có thể thu lãi đến 200 triệu đồng.

- Mỗi ha Đinh lăng cho thu nhập 250-300 triệu đồng/năm, riêng phần rễ cho thu nhập 150-200 triệu đồng/năm.

- Mỗi ha Bìm bìm cho thu nhập 80-160 triệu đồng/năm.

- Mỗi vụ thu hái Rau đắng đất trung bình người dân có thêm thu nhập 2-3 triệu/tháng.

Kết quả định lượng: Lượng hóa các kết quả của dự án dưới dạng số liệu

Dự án Traphaco GreenPlan - Mở rộng những miền xanh- Ảnh 11.

Tiềm năng nhân rộng mô hình

Dự án GreenPlan là dự án phức hợp, triển khai mô hình quản lý dự án theo kiểu ma trận. Dự án đã và đang tiếp tục được phát triển với quy mô ngày càng rộng và có xu hướng tách thành các dự án nhỏ được quản lý độc lập bởi các đơn vị hợp tác với sự hỗ trợ về kỹ thuật của các thành viên chuyên trách nhóm GreenPlan và nguồn tài chính đầu tư đến từ Traphaco hoặc từ các nguồn khác.

Từ năm 2013, qua giao lưu và hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước, dự án GreenPlan đã trở thành mô hình dự án kiểu mẫu, được nhiều đơn vị học hỏi, cùng triển khai hoặc triển khai độc lập các dự án về phát triển dược liệu, xây dựng chuỗi cung ứng dược liệu đạt GACP-WHO. Trong đó tổ chức quốc tế HELVETAS Swiss Intercooperation Việt Nam là một đơn vị đã hỗ trợ và thúc đẩy được rất nhiều doanh nghiệp ngoài Traphaco tham gia vào các dự án phát triển các vùng sản xuất dược liệu theo GACP-WHO hoặc theo tiêu chuẩn hữu cơ cho Việt Nam như: Công ty TNHH SX&TM Hồng Đài Việt; Công ty cổ phần Nam Dược; Công ty cổ phần Dược Hậu Giang; Công ty cổ phần OPC Bắc Giang,...

Mô hình dự án đã được nhân rộng tại Công ty TNHH MTV TraphacoSapa (TraphacoSapa) với việc triển khai dự án "Phát triển trồng và chế biến Dược liệu tại một số địa phương miền núi Tây Bắc góp phần tạo việc làm và gia tăng thu nhập cho người thu nhập thấp". Công ty con - Traphacosapa đã dành được tài trợ của Phòng phát triển quốc tế của Anh (DFID) thông qua quỹ Thách thức doanh nghiệp Việt Nam (BVCF), thực hiện từ tháng 9/2013 đến tháng 8/2015. Năm 2021, Traphacosapa cũng đã được Bộ Khoa học và Công nghệ nghiệm thu dự án cấp Nhà nước "Hoàn thiện quy trình sản xuất một số sản phẩm bảo vệ sức khỏe từ nấm Đông trùng hạ thảo (Cordyceps militaris) tại huyện Sa Pa - tỉnh Lào Cai" sau 2 năm triển khai.

Hiện tại mô hình dự án đang được triển khai nhân rộng tại Công ty cổ phần công nghệ cao Traphaco (Traphaco CNC) với việc hình thành dự án trồng Cúc hoa vàng đạt GACP tại huyện Văn Lâm, Hưng Yên. Theo đó, các thành viên chuyên trách Ban dự án GreenPlan có trách nhiệm hỗ trợ về hồ sơ, tài liệu và tư vấn cách thức triển khai dự án cho Traphaco CNC (Phụ lục 6). Mô hình dự án GreenPlan hoàn toàn có thể triển khai ở các địa phương của Việt Nam cũng như ở một số quốc gia tương tự ở Châu Á hoặc Châu Mỹ, Châu Phi với nhiều quy mô hợp tác và trình độ khác nhau.

Phát triển Đông dược cao cấp – Hành trình gìn giữ tài nguyên quốc gia

Từ nền tảng các sản phẩm uy tín như Boganic hay Hoạt huyết dưỡng não, Traphaco đột phá công thức, tạo ra các sản phẩm Đông dược cao cấp với những hoạt chất mới được kết hợp, tận dụng tối đa giá trị dược liệu thiên nhiên của Việt Nam. Với Đông dược cao cấp, đội ngũ Traphaco không ngừng tìm tòi, nghiên cứu để tạo ra một cuộc "nâng tầm" với dòng sản phẩm Premium - dòng Đông dược cao cấp đặc trưng riêng của Traphaco với 3 đặc tính: Tinh hoa (công thức kết hợp Đông – Tây, nguồn dược liệu tiêu chuẩn hóa), Hiện đại (công nghệ, nghiên cứu lâm sàng, bao bì), Bền vững (bảo vệ môi trường và đóng góp cho cộng đồng).

Dự án Traphaco GreenPlan - Mở rộng những miền xanh- Ảnh 12.
Dự án Traphaco GreenPlan - Mở rộng những miền xanh- Ảnh 13.
Dự án Traphaco GreenPlan - Mở rộng những miền xanh- Ảnh 14.

Bản quyền và tính hợp pháp của các hình ảnh, video, thông tin, dữ liệu về dự án được đăng tải trên landing page (trang thông tin dự án) này do cá nhân/ tổ chức đăng ký tham gia giải thưởng cung cấp và chịu trách nhiệm.

null