Doanh nghiệp Xã hội Kỹ Năng Sinh Tồn SSVN

Hạng Mục

Thư viện sáng kiến

Thời gian

08/11/2024 11:31

  • Hạng mục

    DỰ ÁN

  • Thời gian

    TỪ 2014 ĐẾN NAY

  • Lĩnh vực

    GIÁO DỤC BÌNH ĐẲNG

Doanh nghiệp Xã hội Kỹ Năng Sinh Tồn SSVN- Ảnh 2.

Với sứ mệnh giảm thương vong có thể phòng tránh được tại Việt Nam thông qua giáo dục sơ cấp cứu chuẩn quốc tế, Doanh nghiệp Xã hội Kỹ Năng Sinh Tồn SSVN với các hoạt động giáo dục sơ cấp cứu cộng đồng thường xuyên và liên tục số hóa nhằm giúp hơn 150.000 lượt người Việt Nam tiếp cận được kiến thức và kỹ năng sơ cấp cứu đúng để có thể giúp được nhiều người cần trợ giúp đúng cách và kịp thời, giúp giảm thiểu những tổn thương và mất mát không đáng có cho cá nhân, gia đình, hệ thống y tế, lực lượng lao động và toàn xã hội. Survival Skills Vietnam khởi đầu là một dự án phi lợi nhuận giáo dục học đường vào năm 2014, đã chuyển mình thành Doanh nghiệp Xã hội Kỹ Năng Sinh Tồn SSVN để nhân rộng mô hình và giúp kỹ năng sống còn này có thể tiếp cận đến nhiều người hơn.


Phần 1

Bối cảnh ra đời của dự án

Tại các nước phát triển, kỹ năng Sơ cấp cứu và Thoát hiểm được đào tạo rộng rãi trong chương trình học, tại các trường học, công ty, cộng đồng và được tập huấn nhắc lại hằng năm. Tuy nhiên, tại Việt Nam, hầu hết người dân chưa được trang bị các kiến thức và kỹ năng mang tính sống còn này. Hiện tại các kiến thức chỉ được dạy bắt buộc tại một số công ty lớn và hoạt động trong lĩnh vực có rủi ro sức khỏe cao. Một số trường học bắt đầu triển khai dạy kiến thức này nhưng còn sơ lược và rời rạc.

Cho đến nay có rất nhiều rào cản khiến kỹ năng sơ cấp cứu chưa đến được với số đông của người dân do nhiều nguyên nhân như: Chưa có định nghĩa chung về 'sơ cấp cứu"; Các giáo trình thiếu thân thiện với người dân; Niềm tin vào các kinh nghiệm dân gian chưa được kiểm chứng hay Khó tiếp cận cộng đồng. Điều này dẫn đến hậu quả là phần lớn các nạn nhân không được sơ cứu hoặc sơ cứu không đúng cách trước khi đưa đến bệnh viện, dẫn đến tỷ lệ tử vong cao gây nên những nỗi đau, mất mát lớn và gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Doanh nghiệp Xã hội Kỹ Năng Sinh Tồn SSVN- Ảnh 3.

Trước thực trạng đau lòng đó, Survival Skills Vietnam (SSVN) đã được thành lập vào năm 2014 bởi chuyên gia Tony Coffey và chị Trang Jena Nguyễn. Trong đó, chuyên gia cấp cứu ngoại viện Tony Coffey - người từng có con gái bị ngưng tim, đã cứu sống cô bé nhờ việc học theo phương pháp ép tim qua một chương trình truyền hình. Do đó, ông càng trăn trở với số liệu trẻ em chết đuối ở Việt Nam rất cao do sự thiếu hụt những kỹ năng cấp cứu cơ bản. Còn với chị Trang Jena, người cũng đã nhiều năm làm công tác phi lợi nhuận liên quan đến sức khỏe càng đau đáu với vấn đề này.

Khởi điểm là một dự án phi lợi nhuận, cả hai đã tự bỏ tiền túi và sắp xếp thời gian để tổ chức các khóa học sơ cứu tại các trường học. Năm 2016, ứng dụng sơ cứu đầu tiên bằng tiếng Việt ra đời, nhờ sự hỗ trợ của anh Hồ Thái Bình và được Lãnh sự quán Úc tài trợ. Đến năm 2018, SSVN chuyển đổi thành doanh nghiệp xã hội để giải quyết khó khăn tài chính bằng cách cung cấp các khóa học cho doanh nghiệp nhằm tài trợ cho các chương trình phi lợi nhuận. Năm 2019, SSVN đã gặt hái thành công với các chương trình đào tạo chuẩn quốc tế, mở rộng đối tác truyền thông và giành nhiều giải thưởng lớn. Mặc dù gặp khó khăn trong đại dịch COVID-19, SSVN đã chuyển đổi số thành công thông qua việc phát triển hệ thống e-learning, giúp tăng số lượng người học sơ cứu so với trước đại dịch.

Doanh nghiệp Xã hội Kỹ Năng Sinh Tồn SSVN- Ảnh 4.
Doanh nghiệp Xã hội Kỹ Năng Sinh Tồn SSVN- Ảnh 5.
Doanh nghiệp Xã hội Kỹ Năng Sinh Tồn SSVN- Ảnh 6.

Phần 2

Sáng kiến - phát kiến của dự án

Để giúp cho người dân Việt Nam tiếp cận kiến thức sơ cấp cứu mọi lúc, mọi nơi và hoàn toàn miễn phí, SSVN đã đưa ra nhiều giải pháp sáng tạo để thực hiện dự án hiệu quả:

- Giáo trình chuẩn quốc tế và được cập nhật hằng năm bởi các chuyên gia là thành viên của ILCOR (Ủy ban Liên lạc Quốc tế về Hồi Sức), ANZACOR (Ủy ban Liên lạc Úc - New Zealand về Hồi Sức), tham khảo các nguồn từ Hội Chữ Thập Đỏ Hoa Kỳ, Châu Á , Việt Nam và được bản địa hóa để phù hợp với điều kiện ở Việt Nam. Các giáo trình này được thiết kế lấy người dân làm trọng tâm với các thao tác được nghiên cứu chứng minh hiệu quả nhất mà mọi người đều có thể làm được. Đồng thời khác với các bên đưa trực tiếp các giáo trình quốc tế về, thường không có chuyên môn sư phạm về sơ cấp cứu hoặc cấp cứu ngoại viện (do Việt Nam chưa có các chương trình đào tạo này) nên thường copy chính xác và thiếu kinh nghiệm để chỉnh sửa phù hợp với Việt Nam.

- Cách tiếp cận toàn diện: phần lớn các dự án hiện thời tại Việt Nam cũng như thế giới thường chỉ dừng ở vấn đề đào tạo. SSVN đầu tư từ nhận thức cộng đồng qua các hội thảo miễn phí cho trường học, các chương trình hợp tác với truyền hình, báo chí để giáo dục nhận thức đúng về sơ cứu, cho đến các công cụ hỗ trợ người dân thực hiện được sơ cấp cứu khi tai nạn xảy ra.

- Công nghệ hiện đại: nhận thấy rằng phương pháp đào tạo truyền thống khó có thể tiếp cận đến đông đảo người dân, đặc biệt là người dân tại ngoài các thành phố lớn. SSVN đã đầu tư một hệ sinh thái công nghệ số toàn diện bao gồm các app và hệ thống học trực tuyến để người dân có thể tiếp cận các kiến thức sơ cấp cứu mọi lúc mọi nơi với chất lượng cao nhất. Hệ sinh thái này giúp người dân Việt Nam được tiếp cận mọi công nghệ mới nhất hiện tại trong lĩnh vực đào tạo sơ cấp cứu hiện có trên thế giới, tương đương với những hệ thống mà các tổ chức rất lớn trên thế giới mới có được.

- Đảm bảo quyền tiếp cận thông tin cho người khuyết tật: người khuyết tật chịu nhiều rủi ro tai nạn thương tích cao hơn đồng thời khó kêu gọi sự trợ giúp hơn khi có tai nạn xảy ra, tuy nhiên đây là vấn đề ít được quan tâm trên thế giới. SSVN cũng là đơn vị tiên phong tại ASEAN phát triển toàn diện các công nghệ và tư liệu ở định dạng thân thiện với người khuyết tật, đang được sử dụng trong cộng đồng người khuyết tật tại Việt Nam cũng như một số nước trong khu vực. Đây cũng là nỗ lực của SSVN trong việc đảm bảo quyền được tiếp cận kiến thức sơ cấp cứu của mọi người Việt Nam kể cả các cộng đồng yếu thế, thiểu số.

Nhằm giúp nghìn người Việt Nam tiếp cận được kiến thức và kỹ năng sơ cấp cứu đúng nhờ đó giúp được nhiều nạn nhân khỏi thương vong không đáng có, SSVN phổ cập giáo dục sơ cấp cứu chuẩn quốc tế tại Việt Nam thông qua 2 nhóm hoạt động:

#1 Hoạt động phi lợi nhuận:

Xuất phát điểm là một dự án phi lợi nhuận, SSVN chú trọng vào lợi ích hướng đến toàn xã hội. SSVN tổ chức thường xuyên các hội thảo, hoạt động nâng cao nhận thức và hướng dẫn sơ cấp cứu đúng dành cho cộng đồng, trường học,... trong đó có cộng đồng người khuyết tật, người đồng bào thiểu số và các tổ chức phi lợi nhuận khác trong và ngoài nước.

Các dự án điển hình có thể kể đến như:

- Lớp đào tạo sơ cấp cứu miễn phí cho các đơn vị: cơ sở tôn giáo, trường học, cơ quan nhà nước, các tổ chức phi lợi nhuận trong và ngoài nước… SSVN ưu tiên các trường công lập, tổ chức bảo trợ người yếu thế, đặc biệt ở các địa bàn có hoàn cảnh khó khăn và có cam kết thực hiện nghiêm túc việc học nội dung này.

- Chương trình dành riêng cho người khiếm thị: sách chữ nổi, sách nói, chương trình học sơ cấp cứu thông qua ngôn ngữ ký hiệu,...

- SSVN liên tục thực hiện các dự án xã hội qua các học bổng thực hành chuyên sâu sơ cấp cứu dành cho đối tượng yếu thế, người chăm sóc đối tượng yếu thế và các đội hỗ trợ cấp cứu thiện nguyện. Ngoài ra, SSVN tài trợ 100% chương trình học thương mại trực tuyến cho toàn bộ các tổ chức chăm sóc người yếu thế có cam kết hoàn thành khóa học.

- Nguồn tư liệu giáo dục cộng đồng dồi dào độc quyền và được kiểm duyệt chặt chẽ: sổ tay sơ cấp cứu, tranh ảnh tuyên truyền, ứng dụng di động, khóa học trực tuyến E-learning, thẻ thông tin y tế khẩn cấp thông minh, chương trình truyền hình, kênh Youtube

Doanh nghiệp Xã hội Kỹ Năng Sinh Tồn SSVN- Ảnh 7.

#2 Hoạt động thương mại:

SSVN thường xuyên tổ chức các lớp Đào tạo thực hành sơ cấp cứu dành cho doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân. Chương trình được biên soạn bởi chuyên gia quốc tế có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực cứu hộ cứu nạn và được cập nhật mỗi năm để bảo đảm kiến thức vững chắc cho quá trình giảng dạy. Giáo trình của SSVN được cập nhật theo các khuyến nghị mới nhất của Ủy ban Liên lạc Quốc tế về Hồi sức cấp cứu (ILCOR) và các tổ chức chuyên môn quốc tế khác.

Tại phần lớn các quốc gia trên thế giới, các hoạt động phổ cập giáo dục sơ cấp cứu cộng đồng có trách nhiệm thuộc về nhà nước hoặc các tổ chức phi lợi nhuận được tài trợ bởi ngân sách hoặc tài trợ từ các quỹ từ thiện, nhà hảo tâm. Tại Việt Nam, nguồn lực của đất nước còn hạn chế, và vấn đề này chưa nhận được sự quan tâm của xã hội nói chung, SSVN đã ứng dụng thành công mô hình kinh doanh nghiệp xã hội để tự chủ nguồn thu cho 95% kinh phí hoạt động phục vụ cộng đồng với quy mô ngày càng mở rộng. Nhờ đó mô hình kinh doanh độc đáo của SSVN trở thành ví dụ điển hình trong chương trình giảng dạy về kinh doanh của một số đại học và tập huấn về doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam cũng như quốc tế.

#3 Phát triển khoa học công nghệ:

Nhận thấy rằng không thể phổ cập kiến thức sơ cấp cứu nói riêng và các kiến thức về sức khỏe nói chung tới người dân một cách nhanh chóng và hiệu quả theo các phương pháp truyền thống, SSVN đã đầu tư vào chuyển đổi số nhằm giúp hơn 70 triệu người sử dụng internet tại Việt Nam có thể tiếp cận nguồn kiến thức sơ cấp cứu uy tín một cách miễn phí, hiệu quả, mọi lúc, mọi nơi.

Đến nay, SSVN đã giúp hơn 45.000 lượt người Việt Nam tiếp cận kiến thức sơ cấp cứu thông qua các kênh trực tuyến và trở thành một trong những đơn vị tiên phong tại Đông Nam Á trong việc phát triển các giải pháp kỹ thuật số thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững.

SSVN phát triển Hệ sinh thái giáo dục và hỗ trợ thực hành sơ cấp cứu trực tuyến giúp người dân tham gia các chương trình học sơ cấp cứu, có thể tự trang bị kiến thức, ôn tập, bằng nhiều hình thức cũng như ứng dụng SCC khi có tai nạn xảy ra. Từ đó, giúp người sử dụng tra cứu nhanh các thao tác sơ cứu để ứng dụng khi gặp tình huống khẩn cấp thực tế. Bên cạnh đó, SSVN cũng kết hợp với Bảng hướng dẫn Sơ cứu tích hợp mã QR, giúp người dân tại hiện trường TNGT có thể tra cứu nhanh cách sử dụng túi sơ cứu và các thao tác sơ cứu trong vài giây.. Đặc biệt, bài học chuyên sâu về từng chủ đề, giúp học viên tự chủ thời gian học lý thuyết trước khóa học offline, ôn tập sau khóa học. Đồng thời, SSVN cũng triển khai học, ôn tập, thi đua sau chương trình đào tạo.

Doanh nghiệp Xã hội Kỹ Năng Sinh Tồn SSVN- Ảnh 8.
Doanh nghiệp Xã hội Kỹ Năng Sinh Tồn SSVN- Ảnh 9.

Phần 3

Mục tiêu - tầm nhìn dự án

Mục tiêu: Giảm thương vong có thể phòng tránh được tại Việt Nam thông qua giáo dục sơ cấp cứu chuẩn quốc tế và giáo dục sức khỏe cộng đồng.

Tầm nhìn

- Mỗi gia đình Việt Nam có ít nhất một người biết sơ cứu đúng cách để giảm tỷ lệ thương vong có thể phòng tránh được tại Việt Nam.

- SSVN trở thành nền tảng cung cấp kiến thức sức khỏe cộng đồng phổ biến và đáng tin cậy, giúp người dân Việt Nam chủ động chăm sóc và nâng cao sức khỏe của bản thân.

- SSVN trở thành doanh nghiệp xã hội về giáo dục sức khỏe Việt Nam đầu tiên vươn ra khu vực ASEAN nhằm đưa các kinh nghiệm công nghệ do người Việt Nam phát triển hỗ trợ các cộng đồng yếu thế nói riêng và người dân trong khu vực trong việc giảm thiểu thương vong có thể phòng tránh được nói riêng và giáo dục sức khỏe cộng đồng nói chung.

Động lực từ nhà sáng lập

#1 Chuyên gia cấp cứu ngoại viện Tony Coffey: Ông đã có trên 30 năm kinh nghiệm cấp cứu ngoại viện, cứu hộ và giảng dạy các kỹ năng này. Đồng thời là tác giả của các sổ tay hướng dẫn sơ cấp cứu phổ biến thứ 2 tại Úc và New Zealand. Trước khi làm cấp cứu ngoại viện, ông là một doanh nhân, vì một lần con gái bị ngưng tim đột ngột, ông đã nhớ lại cách ép tim mình được học qua truyền hình và thực hiện ngay, do đó con gái ông may mắn qua khỏi. Vì không muốn những bậc phụ huynh khác trải qua tình huống kinh khủng đó, nên ông đã học để trở thành người làm cấp cứu ngoại viện chuyên nghiệp và dạy lại những kỹ năng này cho người Úc. 10 năm trước, tình cờ khi tới Việt Nam du lịch, ông rất đau lòng khi biết được rất nhiều trẻ em chết đuối tại Việt Nam do phụ huynh và người lớn không biết cách sơ cấp cứu nên ông đã quyết tâm mỗi năm bay qua Việt Nam 6 lần để xây dựng dự án Survival Skills Vietnam.

#2 Anh Hồ Thái Bình: đã cùng chuyên gia Tony Coffey và chị Trang Jena Nguyễn đến TP. Vũng Tàu tổ chức các buổi tập huấn miễn phí. Khi tham gia khóa học, anh nhận thấy mình đã từng bị rất nhiều tai nạn nghiêm trọng từ thuở nhỏ, nhưng may mắn được mẹ anh là một y sĩ sơ cứu kịp thời nên rất nhiều lần thoát chết. Qua lớp học, anh thấy rất nhiều gia đình không được may mắn như vậy, do đó anh đã rời bỏ công việc anh đang làm tại thời điểm đó, nhờ vào kiến thức kinh doanh, tài chính và đổi mới sáng tạo, chuyển Survival Skills Vietnam thành doanh nghiệp xã hội và phát triển khoa học công nghệ để mở rộng mô hình giúp nhiều trẻ em Việt Nam hơn có được may mắn như anh.

#3 Chị Trang Jena Nguyễn: đã làm việc cho các tổ chức phi lợi nhuận nhiều năm tại Thụy Sĩ. Khi trở về Việt Nam, chị Trang và chuyên gia Tony từ Úc đã tổ chức các chương trình giáo dục sơ cấp cứu dành cho trường học. Cả 2 đã làm việc ngoài giờ để có thêm ngày phép và bỏ tiền túi để có thể đến Việt Nam mỗi năm 6 lần trong suốt nhiều năm để thuyết phục từng trường học triển khai chương trình tập huấn sơ cấp cứu cho các em học sinh miễn phí. Từ 2020, khi COVID-19 xảy ra, chị đã quay lại hoàn toàn ở Việt Nam để giúp nhiều người nhất có thể tiếp cận giáo dục sơ cấp cứu.

Doanh nghiệp Xã hội Kỹ Năng Sinh Tồn SSVN- Ảnh 10.
Doanh nghiệp Xã hội Kỹ Năng Sinh Tồn SSVN- Ảnh 11.

Phần 4

Quá trình triển khai - Phạm vi - Chi phí của dự án

Phạm vi:

Tất cả các tỉnh thành ở Việt Nam (các tỉnh đã triển khai: TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Thá, Đak Lak, Đà Lạt, Đà Nẵng, Hải Phòng) và các nước trong khu vực ASEAN (Thái Lan, Myanmar, Indonesia) trong thời gian gần đây

Quá trình triển khai

2014-2017: Survival Skills Vietnam (SSVN) được thành lập và hoạt động như một dự án giáo dục sơ cấp cứu phi lợi nhuận dành cho học sinh các trường phổ thông vận hành hoàn toàn nhờ vào đóng góp cá nhân của các nhà sáng lập là chị Trang Jena Nguyễn và chuyên gia Tony Coffey. Ở thời điểm đó, SSVN gặp khó khăn về tài chính khi ít kêu gọi được sự hỗ trợ và tài trợ từ các tổ chức khác. Mặc dù bị nhiều thách thức bủa vây, các nhà sáng lập của SSVN vẫn kiên trì thực hiện các chương trình tập huấn cộng đồng với niềm tin rằng chỉ cần 1 mạng người được cứu là đã xứng đáng với mọi công sức và tiền bạc bỏ ra.

2017: Phát hành app Sơ Cấp Cứu SSVN phiên bản đầu tiên, đây là ứng dụng di động hướng dẫn thao tác sơ cấp cứu miễn phí đầu tiên bằng tiếng Việt với mục tiêu giúp mọi người dân Việt Nam có thể tiếp cận kiến thức sơ cấp cứu mọi lúc mọi nơi. Đây cũng đánh dấu hành trình số hóa tri thức sơ cấp cứu của SSVN. Sự ra đời của app Sơ Cấp Cứu SSVN được một số báo chí quốc tế đưa tin, do đó thu hút được sự tài trợ của lãnh sự một số nước, các nhà hảo tâm. Tuy nhiên, các hỗ trợ này chỉ đóng góp 1 phần nhỏ trong nỗ lực của SSVN.

2018 -2019: khả năng đóng góp của các nhà sáng lập không thể đáp ứng kịp nhu cầu cần được hỗ trợ của các trường học và cộng đồng trong khi nguồn tài trợ dành cho vấn đề sơ cấp cứu tại Việt Nam rất hiếm hoi. Anh Hồ Thái Bình đã dùng chuyên môn về kinh doanh của mình tham gia đội ngũ đồng sáng lập SSVN, chuyển đổi mô hình thành Doanh nghiệp xã hội để gây quỹ từ việc bán các khóa học sơ cấp cứu chuẩn quốc tế tới các doanh nghiệp. Sau đó tái đầu tư vào các hoạt động phi lợi nhuận giáo dục cộng đồng. Mô hình mới này đã đạt được thành công bước đầu khi thu hút được sự quan tâm của các tập đoàn đa quốc gia cần các chương trình được xây dựng đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe. Nhờ đó huy động được nhiều nguồn lực từ khu vực tư để số lượng người Việt Nam tiếp cận kiến thức sơ cấp cứu đã tăng gấp 5 lần chỉ sau 1 năm đầu hoạt động.

2020 - 2021: COVID-19 diễn ra, toàn bộ hoạt động tạo ra doanh thu và phần lớn hoạt động phi lợi nhuận tại thời điểm đó của SSVN đều đã bị dừng hoàn toàn. Do chỉ mới thành lập hơn 1 năm chưa có nhiều tích lũy nên SSVN ở trên bờ vực phá sản. Thay vì đóng cửa, dừng hoạt động và thoái vốn, SSVN dồn toàn bộ nguồn lực hiện có để thực hiện chuyển đổi số hoàn toàn hoạt động dạy học và xây dựng hệ thống học trực tuyến SSVN E-learning nhằm đảm bảo rằng các kiến thức, tư liệu, kinh nghiệm đã được tích lũy và xây dựng đều được cộng đồng tiếp tục hưởng lợi kể cả khi SSVN không còn nữa. May mắn thay, các khóa học này sớm có được sự quan tâm của các doanh nghiệp trong điều kiện giãn cách để có nguồn doanh thu duy trì được mô hình kinh doanh.

2022 đến nay: Ngoài duy trì các chương trình đào tạo sơ cấp cứu truyền thống, SSVN đã thử nghiệm và triển khai nhiều mô hình mới nhằm phục vụ được nhiều đối tượng hơn tại Việt Nam cũng như trong khu vực như:

- Đa dạng hóa các nội dung sơ cấp cứu phù hợp với nhiều đối tượng hơn bao gồm: sơ cứu chấn thương do thiên tai, sơ cấp cứu tai nạn ở trẻ em, người cao tuổi, phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, phòng chống đuối nước.

- Đào tạo và phát triển tài nguyên học sơ cấp cứu cho người khuyết tật bao gồm: video giáo dục bằng ngôn ngữ ký hiệu dành cho người khiếm thính, sách chữ nổi Braille, sách nói dành cho người khiếm thị.

- Các chương trình đào tạo và hỗ trợ cho các tổ chức ở tại các quốc gia trong khu vực.

- Mở rộng hệ thống học trực tuyến SSVN E-learning để hỗ trợ các mục tiêu khác của ngành y tế.

Doanh nghiệp Xã hội Kỹ Năng Sinh Tồn SSVN- Ảnh 12.
Doanh nghiệp Xã hội Kỹ Năng Sinh Tồn SSVN- Ảnh 13.
Doanh nghiệp Xã hội Kỹ Năng Sinh Tồn SSVN- Ảnh 14.

Phần 5

Kết quả đạt được

Kết quả định tính

#1. Giải thưởng

- Top 10, Giải thưởng doanh nhân cộng đồng quốc tế Blue Venture, 2018

- Chương trình Tăng tốc khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Speedup, Sở Khoa học – Công nghệ TP. Hồ Chí Minh, 2021

- Giải thưởng cựu sinh trẻ nổi bật, Giải thưởng cựu sinh Úc, Chính phủ Úc, 2023

- ISEE COVID, Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc và Cục phát triển doanh nghiệp Việt Nam, 2023

- ASEAN SEDP 2.0, ASEAN Foundation, 2023

#2. Số lượng học viên

- Từ năm 2014, SSVN đã giúp hơn 150.000 lượt người Việt Nam tiếp cận giáo dục sơ cấp cứu thông qua các kênh thương mại và phi lợi nhuận, qua đó hàng nghìn nạn nhân đã được các học viên hỗ trợ sơ cấp cứu hằng năm.

- 200+ Doanh nghiệp trang bị kỹ năng sơ cứu cho nhân viên, khách hàng và đối tác.

- 50+ tổ chức và trường học được hỗ trợ thông qua những chương trình mang tính tác động gồm nâng cao nhận thức về an toàn cho trẻ em, tập huấn chăm sóc trẻ em cho người lớn, elearning, sách hướng dẫn, v.v.

- 15 kênh truyền thông đã chung tay truyền tải hơn 50 câu chuyện và chương trình giáo dục nổi bật để nâng cao nhận thức về an toàn và sơ cấp cứu tại VN.

- 50.000 người hưởng lợi thông quan chương trình giáo dục Sơ Cấp cứu cho trường học, cộng đồng, người khuyết tật, trẻ em,... qua các chương trình: Đào tạo cá nhân phi lợi nhuận, hội thảo trường học, hội thảo cho tổ chức phi chính phủ, hội thảo cộng đồng (offline), hội thảo cộng đồng (online), tài khoản e-learning

#3. Các học viên tiêu biểu có nhiều thành tích trong hoạt động sơ cấp cứu

- Anh Phạm Quốc Việt: Anh đã tham gia chương trình đào tạo của SSVN vào năm 2019. Sau đó anh lập ra đội hỗ trợ sơ cứu thiên thần FAS Angel. Đội đã giúp hỗ trợ sơ cấp cứu khoảng 2000 vụ Tai nạn giao thông mỗi năm tại Hà Nội. Đến nay đội đã có hơn 100 tình nguyện viên và 4 xe cứu thương tình nguyện, đạt hàng loạt giải thưởng vì cộng đồng như: Human Act Prize 2023, Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia 2023, Huân chương Dũng cảm từ Chủ tịch nước

- Thầy Mai Văn Chuyền: Theo số liệu thống kê, có khoảng 420 em nhỏ chết đuối mỗi năm tại tỉnh Đắk Lắk. Thầy Mai Văn Chuyền đã tham gia khóa học Sơ cấp cứu của SSVN vào năm 2019 và vận động các mạnh thường quân hỗ trợ chi phí, trang thiết bị để phổ cập kỹ năng sơ cấp cứu, phòng chống đuối nước cho 150.000 em nhỏ. SSVN thường xuyên hỗ trợ chuyên môn thầy và CLB để củng cố năng lực phòng chống đuối nước ở trẻ em tại địa phương này. Thầy được trao tặng Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia 2023

- Anh Nghĩa Phạm: Vào năm 2023, một xe container bị nổ lốp đã tông vào một loạt xe máy. Rất may, anh Nghĩa Phạm, một học viên của SSVN, đã có mặt đã sơ cứu các nạn nhân nằm dưới gầm xe trong khi chờ xe cứu thương tới. Sau một năm, các nạn nhân đã bình phục hoàn toàn. Sau đó anh tiếp tục hỗ trợ sơ cấp cứu cho nhiều nạn nhân tai nạn giao thông khác và tích cực kết nối cách hoạt động cộng đồng của SSVN đến với nhiều trường học, tổ chức hơn.

Kết quả định lượng

Doanh nghiệp Xã hội Kỹ Năng Sinh Tồn SSVN- Ảnh 15.

Phần 6

Tiềm năng nhân rộng mô hình

SSVN đã chứng minh được các tiềm năng nhân rộng mô hình qua các dự án và ngày càng được các tổ chức trong và ngoài nước.

- Nhân rộng tại Việt Nam:

   + Khởi đầu chỉ gồm 2 giáo viên dạy theo hình thức truyền thống mỗi năm dạy được cho 400 em học sinh. Nhờ mở rộng mô hình hoạt động và chuyển đổi số, SSVN hiện đang hỗ trợ 20.000 - 30.000 người Việt Nam ở mọi độ tuổi tiếp cận kiến thức sơ cấp cứu mỗi năm.

   + Các chương trình của SSVN đã được đóng gói và chuyển giao cho các nhóm tuyên truyền cộng đồng và trường học tại một số địa phương

   + SSVN liên tục cải tiến để mở rộng phạm vi tiếp cận kiến thức phòng chống tai nạn thương tích cho người khuyết tật như Chương trình đào tạo riêng biệt dành cho người khuyết tật, người chăm sóc, tài liệu học dành cho người khuyết tật

- Nhân rộng ra thế giới:

   + Bộ video hướng dẫn sơ cứu trong thiên tai cho Myanmar phục vụ khẩn cấp công tác cứu hộ cứu trợ tại vùng lũ.

   + Chương trình đào tạo cho người khiếm thị và người chăm sóc người khiếm thị tại Thái Lan,

   + Chương trình đào tạo cho người chăm sóc người khuyết tật tại Malaysia,

   + Chương trình đào tạo cho người Việt trước khi xuất khẩu lao động đi Úc.

- Áp dụng qua các lĩnh vực khác:

   + Triển khai khẩn cấp các chương trình phục vụ nhu cầu cấp thiết như Tập huấn sơ cứu chấn thương do lũ lụt cho người đi cứu trợ trong khu vực chịu ảnh hưởng bởi lũ Yagi.

   + Tập huấn phòng chống đuối nước cộng đồng tập trung vào các mảng còn chưa được quan tâm nhiều nhưng có tiềm năng nhân rộng nhanh như: nhận diện người đuối nước, cứu hộ an toàn, sơ cấp cứu đuối nước.

   + Chương trình học trực tuyến Dinh dưỡng và Nuôi dưỡng trẻ nhỏ được thực hiện cùng Viện Dinh Dưỡng Trẻ Nhỏ đã thu hút hơn 1000 cán bộ y tế từ 63 tỉnh thành tham gia trong 3 tuần, nhờ đó nhiều bà mẹ được tư vấn dinh dưỡng tốt hơn.

Doanh nghiệp Xã hội Kỹ Năng Sinh Tồn SSVN- Ảnh 16.
Doanh nghiệp Xã hội Kỹ Năng Sinh Tồn SSVN- Ảnh 17.

Trong tương lai, SSVN kỳ vọng các môn học về kỹ năng sinh tồn sẽ:

- Trở thành môn học bắt buộc cho giáo dục nghề, cao đẳng đại học: Rất nhiều ngành nghề liên quan đến sự an toàn của cộng đồng cần được trang bị kỹ năng sơ cấp cứu. SSVN đang triển khai thí điểm tại Trường Cao Đẳng Du Lịch Đà Nẵng để từng bước đảm bảo các hướng dẫn viên du lịch tương lai cần đáp được chuẩn kỹ năng sơ cấp cứu theo các tiêu chuẩn nghề nghiệp tiên tiến của thế giới, mô hình tương tự cũng đang được giới thiệu tại Trường Đại Học Sư Phạm TP. HCM.

- Sự chung tay của truyền thông: từ ngày đầu thành lập SSVN đã phối hợp chặt chẽ với các kênh truyền hình, bá chí để làm các chương trình, bài viết nâng cao nhận thức đúng của cộng đồng về sơ cấp cứu. Đây là hoạt động mang ý nghĩa nhân văn cao nên được truyền thông rất quan tâm. Nhận thấy nhiều bài truyền thông mặc dù mang mục đích cao đẹp nhưng cách diễn đạt dễ làm người dân hiểu nhầm và củng cố thêm các kinh nghiệm dân gian chưa được kiểm chứng. Từ năm 2019, SSVN đã tổ chức các hoạt động đào tạo, học bổng dành cho nhà báo giúp họ nắm chắc các kiến thức sơ cấp cứu để nhận biết và tuyên truyền chính xác hơn các nội dung liên quan đến sơ cấp cứu. Từ 2020 đến nay, SSVN là đơn vị tin cậy được nhiều nhà báo phía Nam tham vấn ý kiến trước khi viết các bài liên quan đến tai nạn, cháy nhà, thảm họa v.v. nhờ đó giúp nâng cao chất lượng của các bài viết.

- Trở thành môn học bắt buộc trong nhà trường cho học sinh: Hiện tại Bộ Giáo Dục - Đào tạo đã những hướng dẫn để triển khai trong trường phổ thông, tuy nhiên việc triển khai còn nhiều bất cập do việc đào tạo giáo viên tốn nhiều thời gian, tốn nhiều kinh phí để triển khai trong khi nhân lực và tài lực tại các trường công đều rất hạn chế. SSVN đến nay vẫn hỗ trợ các trường dưới hình thức tài trợ, tuy nhiên đang huy động các nguồn lực để thực hiện chương trình đào tạo giáo viên cũng như kết hợp với các nội dung số để triển khai hiệu quả với chi phí thấp hơn hoặc hoàn toàn miễn phí.

Doanh nghiệp Xã hội Kỹ Năng Sinh Tồn SSVN- Ảnh 18.
Doanh nghiệp Xã hội Kỹ Năng Sinh Tồn SSVN- Ảnh 19.
Doanh nghiệp Xã hội Kỹ Năng Sinh Tồn SSVN- Ảnh 20.

Bản quyền và tính hợp pháp của các hình ảnh, video, thông tin, dữ liệu về dự án được đăng tải trên landing page (trang thông tin dự án) này do cá nhân/ tổ chức đăng ký tham gia giải thưởng cung cấp và chịu trách nhiệm.

null