Cùng con đi tiếp cuộc đời
Thư viện sáng kiến
04/11/2024 11:06
Đơn vị thực hiện
-
Hạng mục
DỰ ÁN
-
Thời gian
TỪ 2021 ĐẾN NAY
-
Lĩnh vực
CHẤM DỨT ĐÓI NGHÈO
Nhận thấy hậu quả do đại dịch Covid-19 để lại vô cùng nặng nề, đặc biệt với đối tượng trẻ em, Báo Thanh Niên - đơn vị trực thuộc Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Trung ương Hội LHTN Việt Nam, đã phát động dự án bảo trợ trẻ mồ côi do đại dịch Covid-19. Chương trình mang tên "Cùng con đi tiếp cuộc đời" với ý nghĩa lớn lao, mang tính kêu gọi, vận động bạn đọc trong và ngoài nước, người dân, các tổ chức, nhà hảo tâm, doanh nghiệp, các hội nhóm thanh niên…để giúp đỡ trẻ mồ côi và gia đình. Mô hình tương tác báo chí-bạn đọc ấy đã trở thành một mô hình mang tính dân vận cao và khéo léo giữa một cơ quan báo chí của Đoàn với người dân nói chung và giới trẻ nói riêng.
Sau 3 năm triển khai, đã có 454 trẻ em được bảo trợ đến năm k18 tuổi với hơn 57,8 tỉ đồng, hỗ trợ khẩn cấp trao tặng tiền, quà cho hơn 1.800 trẻ mồ côi với hơn 4,3 tỷ đồng. Tổng số tiền hỗ trợ khẩn cấp và bảo trợ cho các em mồ côi do đại dịch Covid-19, trong gần 100 sự kiện, cho đến nay là 63 tỉ đồng. Tiếp nối sứ mệnh cùng những trẻ em mất cha mẹ "đi tiếp cuộc đời", sau ảnh hưởng kinh hoàng của bão Yagi, từ ngày 4.10.2024 chương trình đã quyết định tổ chức bảo trợ cho 84 trẻ em mồ côi do bão Yagi gây ra, với tổng số tiền là 9,7 tỉ đồng.
Bối cảnh ra đời của dự án
Theo số thống kê từ Sở Giáo dục - Đào tạo TP.HCM vào ngày 14.9.2021, có đến 1.500 trẻ em mất cha mẹ trong Covid-19. Trước hoàn cảnh đáng thương của hàng nghìn trẻ em mồ côi do đại dịch gây nên, chỉ 2 ngày sau, vào ngày 16.9.2021, Báo Thanh Niên chính thức phát động dự án "Cùng con đi tiếp cuộc đời" nhằm bảo trợ và hỗ trợ lâu dài cho những trẻ em mồ côi để các con có cơ hội tiếp tục được đi học và được chăm sóc, nuôi dưỡng như bao bạn bè đồng trang lứa.
Dự án diễn ra ngay giữa lúc tình hình đại dịch vẫn đang diễn biến phức tạp. Toàn thể đội ngũ Báo Thanh Niên từ Ban Biên tập, Ban Thư ký tòa soạn đến phóng viên và biên tập viên khi ấy đều dấn thân vào các hoạt động hỗ trợ. Các nhóm phóng viên đã đến từng ngõ ngách của TP.HCM, Bình Dương, và Long An để viết bài, kêu gọi sự hỗ trợ và trực tiếp trao những khoản hỗ trợ khẩn cấp cho các em. Thách thức về nguy cơ nhiễm bệnh luôn hiện hữu, thậm chí một số phóng viên đã nhiễm Covid-19 khi đang thực hiện nhiệm vụ.
Sau khi đại dịch lắng xuống, kinh tế gặp nhiều khó khăn kéo dài, khiến nguồn tài chính cho dự án cũng gặp nhiều trở ngại. Tuy nhiên, Báo Thanh Niên vẫn nỗ lực, tiếp tục vận động để duy trì và mở rộng chương trình. Mỗi trẻ em được bảo trợ đều là những trường hợp đặc biệt khó khăn, có nguy cơ bỏ học cao. Nhờ nguồn hỗ trợ từ chương trình mà các em tiếp tục con đường đi học của mình để viết tiếp ước mơ còn dang dở.
Sáng kiến - phát kiến của dự án
- Thực hiện song song việc tiếp nhận thông tin và xác minh hoàn cảnh các trường hợp cần hỗ trợ:
Sau ngày phát động chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời, một bộ phận được giao tiếp nhận thông tin phản hồi trở lại từ bạn đọc, một bộ phận khác triển khai xác minh hoàn cảnh các gia đình bị thiệt hại nặng nề nhất do dịch Covid-19 để kịp thời gửi đến các nhà hảo tâm lựa chọn và hỗ trợ lập tức, đồng thời phản ánh trên các ấn phẩm Thanh Niên. Các hoạt động song song này đã tạo nên một nhịp cầu nối hiệu quả. Bắt đầu là các quận huyện bị đại dịch hoành hành nặng nề nhất như Q.8 (khu vực đường Phạm Thế Hiển, các khu nhà người lao động dọc hai bờ Kênh Tẻ…), Quận Bình Tân (khu vực các hẻm đường Tên Lửa), huyện Bình Chánh (các ấp có gia đình người nhập cư nhiều), Quận Gò Vấp (khu vực đường Nguyễn Văn Công, phường 3-là nơi phát xuất ổ dịch đầu tiên), Quận 12 (khu vực phường Tân Thới Hiệp)…Cùng lúc, Báo Thanh Niên đã kết nối với các quận, huyện đoàn hoặc Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam các quận huyện nói trên, để đến tận nơi khẩn cấp hỗ trợ gia đình trẻ mồ côi.
- Tạo bộ tiêu chí về kêu gọi tài trợ:
Trong một diễn biến khác, chương trình lập tức hình thành bộ tiêu chí và công bố trên mặt báo để kêu gọi bảo trợ lâu dài cho các em. Trong khoảng 3 tháng (kể từ giữa tháng 9.2021), các hoạt động nói trên diễn ra song song và liên tục. Nhờ vậy, các gia đình trẻ có cha (hoặc mẹ) hoặc cả cha lẫn mẹ mất do đại dịch Covid-19 đã được động viên, hỗ trợ, bảo trợ kịp thời. Khoảng 150 trẻ được bảo trợ và 1.800 trẻ được hỗ trợ khẩn cấp trong giai đoạn này, làm tiền đề cho các giai đoạn kéo dài 3 năm sau đó.
- Trao quà tận tay, hỗ trợ kịp thời ngay giữa lúc đại dịch diễn biến căng thẳng:
Các sáng kiến kịp thời như phối hợp đến tận nơi, trao tận tay tiền và quà trong lúc đại dịch còn hoành hành và tổ chức các sự kiện mỗi ngày một chuyên nghiệp hơn (do địa bàn rộng, đối tượng là trẻ em, bối cảnh đang dịch bệnh, phương tiện đi lại khó khăn…) là một điểm sáng của chương trình.
+ Hỗ trợ khẩn cấp: Đi đến tận nơi, thăm và trao tiền, quà, học bổng trong các tháng 9,10,11 và 12/2021 với tổng trị giá 4,3 tỷ đồng, giữa lúc đại dịch đang diễn ra.
+ Bảo trợ lâu dài: Ký kết Thỏa thuận bảo trợ theo hình thức chu cấp tiền hằng tháng cho các em, thông qua gia đình. Đối tượng thụ hưởng là các em mồ côi cha hoặc mẹ (hoặc cả cha lẫn mẹ), có hoàn cảnh quá khó khăn do đại dịch Covid-19 hoặc do bão số 3 (Yagi) tháng 9/2024. Các cam kết và thời hạn bảo trợ thể hiện trong Bản thỏa thuận bảo trợ. Các bản thỏa thuận bảo trợ này được ký kết công khai ở các sự kiện Ký kết bảo trợ do Báo Thanh Niên tổ chức
Ban đầu, tiêu chí của chương trình là bảo trợ cho các em đến năm 18 tuổi. Tuy nhiên, do hoàn cảnh khó khăn của một số nhà bảo trợ hậu đại dịch, thời gian bảo trợ của các em có lúc bị rút ngắn xuống còn 1-3 năm. Để duy trì sự hỗ trợ liên tục cho các em, Báo Thanh Niên đã nỗ lực kêu gọi các nguồn bảo trợ thay thế, bảo đảm không để việc bảo trợ bị gián đoạn và giúp các em ổn định cuộc sống. Dự án "Cùng con đi tiếp cuộc đời" đã thực sự trở thành một điểm tựa quý báu, đồng hành cùng các em trong hành trình vượt qua nỗi mất mát và khó khăn hậu đại dịch
- Xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống danh sách trẻ mồ côi nhận bảo trợ:
Báo Thanh Niên cũng xây dựng được cơ sở dữ liệu của bộ khung chương trình, và hệ thống danh sách trẻ mồ côi được bảo trợ; tổng hợp hồ sơ bảo trợ của từng em; tư liệu hằng tháng, hằng năm và các diễn tiến đều được cập nhật liên tục. Đồng thời Báo Thanh Niên cũng sắp xếp tuyển lại tất cả các bài viết và tư liệu để in thành ấn phẩm sách riêng của chương trình sau 3 năm, và sẽ phát hành trong năm 2024. Trong đó, có các thông tin như địa chỉ liên lạc, số điện thoại, lứa tuổi, bậc học, giới tính và tình hình học tập…cũng như tất cả các diễn biến đời sống của các em sẽ được lưu lại đầy đủ để kịp thời hỗ trợ động viên ngay cả trong những trường hợp các em gặp biến cố về gia đình hay sức khỏe.
Lợi thế của chương trình là lòng nhiệt thành của quý độc giả; cảm xúc xót thương đối với trẻ mồ côi do đại dịch; sự tin tưởng của các nhà hảo tâm đối với tờ báo đã thực hiện nhiều chương trình từ thiện minh bạch và hiệu quả trước đó…Nhờ vậy, chương trình "Cùng con đi tiếp cuộc đời" đã nhận được sự tin cậy, đồng hành của bạn đọc, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước trong những năm qua.
Mục tiêu - tầm nhìn dự án
Mục tiêu:
Mục tiêu của chương trình là sẽ tiếp tục vận động kêu gọi bạn đọc, các nhà hảo tâm thông qua Báo Thanh Niên bảo trợ cho các em mồ côi do đại dịch Covid-19, đặc biệt mới đây nhất là cho các em mồ côi do ảnh hưởng của bão Yagi. Có thể nói, với gần một trăm sự kiện lớn nhỏ được chương trình tổ chức trong 03 năm qua và nhiều chuyến thăm viếng, trao tiền hỗ trợ đã phần nào xoa dịu bớt nỗi đau và động viên tinh thần để các em mồ côi do đại dịch Covid-19 được sưởi ấm bằng tình thương yêu của tờ báo và cộng đồng. Báo Thanh Niên mong muốn nối dài hành trình đó thêm xa hơn nữa, để hỗ trợ và giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn.
Tầm nhìn:
Trong quá trình thực hiện chương trình, nhiều số liệu phản ánh thực trạng trẻ mồ côi tăng lên đến 2.200 trẻ trong giai đoạn 2021-2022. Bên cạnh đó, số hồ sơ đăng ký các bậc phụ huynh gửi về để con em mình được bảo trợ trong chương trình "Cùng con đi tiếp cuộc đời" vẫn còn nhiều. Trong khi đó, dù có nhiều doanh nghiệp, đoàn thể, tổ chức và các hội nhóm trẻ thiện nguyện chung tay, song việc hỗ trợ các em cũng mang tính chất ngắn hạn, trong khi thực tế có rất nhiều em và các bậc phụ huynh phải chống đỡ với thiếu thốn, có nguy cơ ảnh hưởng đến con đường học vấn của trẻ, mà hoàn cảnh của các bậc phụ huynh cũng không đủ sức nâng đỡ các em tiếp bước.
Với quá trình thực hiện một chương trình nhân ái có ý nghĩa lớn lao và đặc thù, chương trình "Cùng con đi tiếp cuộc đời" nhận thấy tiềm năng của cộng đồng vẫn còn rất lớn. Hoạt động mang tính phi lợi nhuận của chương trình là bước đi nhất thiết và thích hợp nhưng đôi khi vẫn phải cân nhắc, thận trọng với một đối tượng hỗ trợ rất dễ bị tổn thương. Vì vậy, trong thời gian tới, Báo Thanh Niên sẽ tiếp tục kêu gọi cộng đồng chung tay góp sức để hỗ trợ, giúp đỡ các em.
Bên cạnh đó, Báo Thanh Niên sẽ kêu gọi, liên kết với các tổ chức đơn vị trường học, để tiếp tục miễn giảm học phí hoặc nâng đỡ các em trong các bậc cao đẳng, đại học để các em có thể học tập, ra trường có công ăn việc làm ổn định.
Quá trình triển khai - Phạm vi - Chi phí của dự án
Quá trình triển khai
Ngoài các hoạt động hỗ trợ khẩn cấp, bảo trợ lâu dài, hỗ trợ học bổng, kết nối để các em có thể tiếp tục học cao đẳng, đại học, chương trình còn tổ chức các hoạt động thăm hỏi tặng quà dịp lễ tết như tổ chức các Chuyến xe yêu thương vào dịp Tết nguyên đán; phối hợp tổ chức 3 mùa trung thu từ rằm tháng tám năm 2022 đến nay cho 1.500 lượt em được vui chơi sinh hoạt tập thể; tổ chức ngày hội Quốc tế thiếu nhi, tổ chức khám sức khỏe, tổ chức tour du lịch dã ngoại…từ đầu năm 2022 đến nay.
Hiện tại, các bộ tiêu chí, quy tắc đồng hành hợp tác của chương trình hết sức chặt chẽ, đồng thời liên kết với một công ty Luật để kiểm soát, giám sát mọi hoạt động của chương trình, kể cả hoạt động thu-chi tiền quà và theo dõi nguồn tiền bảo trợ từ người nhận bảo trợ đến người được nhận bảo trợ; từ đơn vị tài trợ đến người được nhận tài trợ…Mọi bảng biểu đồng hành trước khi ký kết với các đơn vị đều được công ty Luật xem xét từ nhiều khía cạnh pháp lý.
Chương trình đã ký kết Biên bản hợp tác đồng hành với Công ty Luật Hợp Danh Sài Gòn do Luật sư Nguyễn Minh Thuận đại diện để soạn thảo các Bản thỏa thuận giữa nhà bảo trợ, Báo Thanh Niên và gia đình trẻ; Trợ giúp pháp lý và giám sát cũng như soạn thảo bản quy chế đồng hành chặt chẽ trước khi ký các hoạt động đồng hành với các đối tác. Việc liên kết đồng hành này diễn ra liên tục để khi có sự cố pháp lý xảy ra, công ty luật sẽ phân tích các tình huống và đưa ra hướng giải quyết. Trong 3 năm qua, do hoạt động chặt chẽ của chương trình nên chưa hề xảy ra sự cố nào.
Mỗi em nhỏ được bảo trợ sẽ có Biên bản thỏa thuận bảo trợ được ký kết 3 bên: Báo Thanh Niên (là chủ chương trình), nhà bảo trợ, gia đình trẻ. Bản thỏa thuận này mỗi lần ký 3 bản, mỗi bên giữ 01 bản (kèm theo bản chụp mẫu 1 trường hợp bảo trợ).
Với trường hợp 84 trẻ mồ côi bị ảnh hưởng do trận siêu bão số 3 (Yagi) tháng 9.2024 thuộc địa bàn 5 tỉnh Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang, đang nhận được sự bảo trợ của chương trình, vẫn chỉ đang ở mức được bảo trợ ngắn hạn (5 năm) do kinh phí của chương trình có hạn. Báo Thanh Niên sẽ tiếp tục vận động để sau thời hạn ấy, các em được tiếp tục bảo trợ, ít nhất là cho đến năm 18 tuổi. Trước mắt, để hỗ trợ kịp thời, ngày 4.10.2024, Ban biên tập Báo Thanh Niên đã quyết định ký kết biên bản bảo trợ cho 50 em mồ côi do bão lũ ở địa bàn tỉnh Lào Cai, là địa phương thiệt hại nặng nề nhất, với mức bảo trợ 2 triệu đồng/ tháng/em. Sau đó, sẽ nhân rộng ra các tỉnh Tuyên Quang, Yên Bái, Cao Bằng…trong năm 2024.
Quá trình kiểm tra, rà soát các trường hợp nhận trợ cấp hỗ trợ được diễn ra đúng quy trình:
- Ban Công tác bạn đọc của Báo Thanh Niên là chủ công chương trình, song toàn bộ nhân lực của Báo đều có thể được điều động theo yêu cầu của mỗi sự kiện, được sự đồng ý của Ban biên tập.
- Danh sách được lấy từ các địa phương, có đối chiếu so sánh với Phiếu đăng ký bảo trợ do phụ huynh nộp đến tòa soạn, có xác nhận hoàn cảnh của chính quyền địa phương, kèm với Giấy khai tử, Giấy hôn thú, Giấy khai sinh, Giấy chứng minh thư…Phối hợp với các tổ chức Đoàn, Hội và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở các phường, xã, Quận, huyện.
- Tổ chức hỗ trợ khẩn cấp hoặc ký kết bảo trợ lâu dài tại tòa soạn hoặc tại trụ sở các địa phương, nơi các em và gia đình cư trú.
Chi phí dự án
Do đây là chương trình phi lợi nhuận, hoạt động vì cộng đồng nên tất cả số tiền các bạn đọc và nhà hảo tâm hỗ trợ đều dành hết cho các em. Các khoản chi phí của chương trình như đi lại, ăn ở, tổ chức gần 100 sự kiện…Báo Thanh Niên đều lấy từ nguồn tiền của báo, trích từ lợi nhuận trong quá trình hoạt động của đơn vị để làm từ thiện, trên cơ sở tiêu chí hoạt động vì cộng đồng. Đặc biệt, do đây cũng là hoạt động vì cộng đồng nêu cao tôn chỉ, mục đích của Báo Thanh Niên, nên tất cả từ cán bộ, PV làm việc với tình cảm và trách nhiệm tự tâm, hoàn toàn không nhận bất cứ khoản thù lao nào. Báo Thanh Niên cũng không nhận bất cứ nguồn tài trợ nào riêng cho các hoạt động chi phí dự án.
Kết quả đạt được
Kết quả định tính
Giá trị vận động và hỗ trợ hơn 63 tỷ đồng trong 3 năm qua cho trẻ mồ côi đã giúp cho gần 300 gia đình vơi bớt nỗi lo ăn học cho con cái, đặc biệt là các gia đình vốn đã mất đi trụ cột, người làm thu nhập chính trước khi dịch Covid-19 xảy ra).
- Hỗ trợ khẩn cấp đã giúp các em và gia đình vượt qua giai đoạn trong dịch cũng như giai đoạn hậu đại dịch trong các tháng từ 9 đến 12/2021. Rất nhiều em khi vừa xong giai đoạn hỗ trợ, đã được ký kết nhận bảo trợ lâu dài.
- Bảo trợ dài hạn giúp các em được đi học, cuộc sống sinh hoạt ổn định suốt 3 năm qua cho đến nay
Cuộc sống của các em khi cha mẹ mất đi thiếu thốn cả về cái ăn cái mặc lẫn về tinh thần. Từ sau khi nhận được sự bảo trợ từ chương trình, các em tiếp tục được đến trường, được sinh hoạt với các bạn đồng cảnh ngộ ở các sự kiện do Thanh Niên tổ chức, được các cô chú ở tòa soạn và các nhà bảo trợ chăm lo nên tinh thần không còn sa sút như lúc vừa mất người thân. Đã có hơn 30 em vào các trường Đại học, Cao đẳng; 5 em học nội trú ở trường Hy Vọng; một số các em lúc dịch xảy ra đang học nghề ở các trường Cao đẳng được chương trình tiếp sức nên 1,2 năm sau đã ra trường đi làm có thu nhập phụ giúp gia đình. Số các em còn lại vẫn đang học ở các bậc học từ tiểu học đến THPT.
Điều chính yếu, là khi các em ổn định, được chương trình bảo trợ việc ăn học (thông qua số tiền chu cấp hằng tháng), các bậc phụ huynh còn lại (như cha hoặc mẹ) của các em có thể toàn tâm toàn ý với công việc, giúp gia đình dần ổn định hơn (thể hiện trong rất nhiều bài báo, các ấn phẩm của Thanh Niên kể về các gia đình có trẻ mồ côi sau một thời gian được bảo trợ và lời tâm sự của các bậc phụ huynh hoặc trong các lá thư mà các em gửi về chương trình qua chuyên mục Lá thư tâm sự).
Nhiều người thực hiện chương trình ở Báo Thanh Niên đã được các em xem như là cha mẹ, cô dì, chú bác trong một đại gia đình lớn dưới mái nhà Thanh Niên. Mỗi gia đình đều xem những cán bộ, PV của Báo Thanh Niên là người thân. Đây cũng là một trong những ý nghĩa lớn lao của chương trình, khi sưởi ấm trái tim các em và gia đình bị thiệt hại nặng nề do đại dịch, do bão lũ bằng việc làm nhân ái, thiết thực.
Kết quả định lượng
Tổng số tiền hỗ trợ khẩn cấp, trao học bổng và bảo trợ theo 2 khung thời gian (từ 1- 5 năm) và bảo trợ dài hạn (cho đến 18 tuổi và hết bậc đại học, cao đẳng) cho các em mồ côi do đại dịch Covid-19, là 63 tỉ đồng. Trong đó:
- Bảo trợ ngắn hạn (Từ 1 đến 5 năm) cho 208 trẻ với số tiền 8.059.105.000 đồng (Tám tỷ không trăm năm chín triệu, một trăm lẻ năm ngàn đồng). Trong đó:
+ Trẻ mầm non và tiểu học là: 42 trẻ
+ THCS là: 36 em
+ THPT là: 88 em
+ CĐ và ĐH là 41 em.
+ Số trẻ em Nữ là: 81 em
+ Số trẻ em Nam là: 122 em
- Bảo trợ dài hạn (Bảo trợ trẻ tới năm 18 tuổi và đại học) cho 246 trẻ với số tiền 49.613.142.000 đồng (Bốn chín tỷ sáu trăm mười ba triệu, một trăm bốn mươi hai ngàn đồng). Trong đó:
+ Trẻ mầm non và tiểu học là: 72 trẻ
+ THCS là: 90 em
+ THPT là: 70 em
+ CĐ và ĐH là 14 em.
+ Số trẻ em Nữ là: 120 em
+ Số trẻ em Nam là: 125 em
Tính đến ngày 5/10/2024, chương trình đã kêu gọi được tổng cộng 72,7 tỷ đồng. Trong đó:
- Hơn 57,2 tỷ đồng bảo trợ lâu dài (đến năm 18 tuổi) bằng hình thức chu cấp hằng tháng cho 434 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn
- Hơn 4,3 tỷ đồng trao tặng tiền, quà cho 1800 trẻ mồ côi trên địa bàn TP.HCM, Bình Dương, Long An
- Hơn 2,1 tỷ đồng học bổng chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời cho đối tượng các em sinh viên, học sinh
- 9,7 tỷ đồng bảo trợ 84 trẻ mồ côi ở 5 tỉnh phía Bắc bị ảnh hưởng do bão số 3 (Yagi)
Bên cạnh đó, Báo Thanh niên cũng đã tổ chức 2 tour du lịch : Biệt động Sài Gòn, tham quan TP.HCM cho các em tham gia chương trình; tổ chức khám sức khỏe tổng quát cho gần 500 trẻ, tổ chức 3 lần trong 3 năm liên tiếp Ngày hội trung thu cho 500 em tại công viên văn hoá Đầm Sen. Những con số "biết nói" trên là thành quả cho một hành trình nỗ lực của Báo Thanh niên với sự chung tay góp sức từ quý bạn đọc và các nhà hảo tâm để viết tiếp cuộc đời tươi sáng hơn cho các trẻ em trong chương trình.
Tiềm năng nhân rộng mô hình
Từ một địa bàn là TP.HCM và một số tỉnh Nam bộ, chương trình “Cùng con đi tiếp cuộc đời” đã bảo trợ trẻ mồ côi do dịch bệnh Covid-19, sau đó đã nhân rộng mô hình bằng việc nối tiếp ra các tỉnh phía Bắc bảo trợ cho trẻ mồ côi bị ảnh hưởng do thiên tai (bão số 3 - Yagi). Do vậy, mô hình dự án này hoàn toàn có tiềm năng nhân rộng và hoạt động dài hạn để hoạt động từ thiện cộng đồng sẽ luôn được nối tiếp, không ngừng nghỉ với đối tượng dễ bị tổn thương và yếu thế.
Hiện tại, “Cùng con đi tiếp cuộc đời” vẫn đang là chương trình riêng của Báo Thanh Niên và mang tính đặc thù nên chưa có sự tham gia của các tổ chức xã hội nào. Nhưng trong tương lai, khi mô hình này nhận được sự quan tâm và đồng hành, báo Thanh Niên sẽ xem xét và sẵn lòng chia sẻ với các đơn vị phù hợp để nhiều trẻ em mồ côi hơn nữa có cơ hội nhận được sự hỗ trợ kịp thời, và được “đi tiếp cuộc đời” như đúng cái tên của dự án.
Về chúng tôi
Truy cập trang web của chúng tôiBản quyền và tính hợp pháp của các hình ảnh, video, thông tin, dữ liệu về dự án được đăng tải trên landing page (trang thông tin dự án) này do cá nhân/ tổ chức đăng ký tham gia giải thưởng cung cấp và chịu trách nhiệm.