CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN CỘNG ĐỒNG XÃ YÊN THẮNG
Thư viện sáng kiến
11/10/2024 16:57
Đơn vị thực hiện
-
Hạng mục
DỰ ÁN
-
Thời gian
TỪ 2023 ĐẾN NAY
-
Lĩnh vực
CHẤM DỨT ĐÓI NGHÈO
Chương trình Phát triển Cộng đồng xã Yên Thắng thuộc huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa được Quỹ Xã hội và Cộng đồng SCF phát động nhằm giúp người dân địa phương vượt qua những khó khăn và phát triển bền vững trong tương lai thông qua các hoạt động cải thiện cơ sở hạ tầng và tạo sinh kế bền vững cho người dân, từ đó giúp xã Yên Thắng sớm đạt đủ các tiêu chí thuộc Bộ tiêu chí "Xây dựng nông thôn mới" và "Xây dựng nông thôn mới nâng cao". Chương trình được phát động từ tháng 10/2023 và kết thúc khi xã Yên Thắng đạt tiêu chí "Xây dựng nông thôn mới".
Phần 1
Bối cảnh ra đời của dự án
Quỹ Xã hội và Cộng đồng SCF là một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế và phát triển cộng đồng tại Việt Nam. Khác với các dự án khác, đối tượng mà Quỹ Xã hội và Cộng đồng SCF - CTCP hướng tới là toàn bộ cộng đồng chứ không phải từng cá nhân riêng lẻ, các thành viên trong Quỹ SCF cho rằng nếu kết quả của dự án chỉ là giúp được một vài cá nhân hoặc được hưởng lợi thì đó không được coi là dự án bền vững. Vì vậy, Quỹ SCF mong muốn có thể tạo điều kiện để cả một cộng đồng có cơ hội phát triển đồng đều, từ đó mọi người trong cộng đồng có thể giúp đỡ chéo lẫn nhau để tạo nên một cộng đồng phát triển.
Năm 2023, Quỹ Xã hội và Cộng đồng SCF - CTCP đã có cơ duyên đến với thăm xã Yên Thắng là một xã thuộc huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa. Nơi đây có vị trí địa lý phức tạp, hiểm trở, gây nên rào cản lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương:
Địa hình núi cao, có độ dốc lớn, cơ sở hạ tầng và giao thông của xã chưa được hoàn thiện đồng bộ, chủ yếu tập trung tại vùng trung tâm gây khó khăn trong việc đi lại của người dân trên nhiều tuyến đường và gặp cản trở trong việc kết nối giao thông với các xã, huyện lân cận để giao thương, thúc đẩy kinh tế.
Ngoài ra, đa số thổ nhưỡng ở xã Yên Thắng là đất đá, đất đồi núi, các hộ dân trong xã lại canh tác, nuôi trồng nhỏ lẻ dẫn đến việc không đảm bảo đầu ra sản phẩm và không có sản phẩm kinh tế chủ lực. Thêm vào đó, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của xã ở mức cao, trình độ văn hóa của người dân tại địa phương còn hạn chế, dân cư phân bố thưa thớt nhưng những người trong độ tuổi lao động của xã đều đi làm xa, đa số người tại địa phương là phụ nữ, người già và trẻ em nhỏ. những hạn chế về đó khiến xã Yên Thế thiếu đi nguồn lực kinh tế, khó có thể phát triển về mọi mặt.
Bên cạnh những khó khăn tồn tại, Quỹ SCF nhận ra, xã Yên Thắng cũng sở hữu những lợi thế riêng như: khí hậu ôn hòa, đặc biệt tại bản Peo có khí hậu quanh năm mát, ẩm, thổ nhưỡng tốt, rất thích hợp trồng cây xứ ôn đới. Kết hợp với đó là đa số dân cư là dân tộc Thái - dân tộc có bản sắc văn hóa độc đáo, biên giới của xã Yên Thắng giáp với nước bạn Lào, thuận lợi trong việc giao lưu văn hóa, kinh tế, rất có tiềm năng trong việc phát triển du lịch cộng đồng.
Vì vậy, Quỹ SCF quyết định thành lập Chương trình Phát triển Cộng đồng xã Yên Thắng để giúp đỡ xã này khai thác được những lợi thế đang có, từ đó phát triển đời sống người dân. Chương trình Phát triển Cộng đồng xã Yên Thắng của Quỹ SCF đã nhận được sự đồng thuận, hợp tác của chính quyền địa phương và người dân đối với những chủ trương kinh tế mới.
Phần 2
Sáng kiến - phát kiến của dự án
Quỹ SCF quyết định hoạt động theo mô hình phát triển cộng đồng bền vững bao gồm:
- Dựa trên những hiểu biết sâu sắc về khó khăn, thế mạnh, thuận lợi của địa phương, từ đó đưa ra mục tiêu để phát triển cả địa phương: Quỹ SCF nhận thấy, tuy xã Yên Thắng gặp nhiều khó khăn về vị trí địa lý và vấn đề phát triển kinh tế của xã nhưng điều kiện thiên nhiên, khí hậu và văn hóa rất phù hợp để phát triển nông nghiệp và du lịch cộng đồng.
- Khảo sát thực địa: Phối hợp cùng chính quyền địa phương, người dân để thực hiện quá trình khảo sát và đánh giá thấu đáo.
- Cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông và hạ tầng giáo dục địa phương: Quỹ đã kêu gọi nguồn lực và phối hợp với địa phương để cải tạo đường bê tông dân sinh và lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng giao thông. Việc hoàn thiện phát triển cơ sở hạ tầng giúp cho việc di chuyển của người dân được thuận lợi, đảm bảo an toàn cho các hoạt động sinh hoạt, cải thiện điều kiện sống trong khu vực. Đồng thời, hệ thống đường mới và hệ thống đèn chiếu sáng giúp kết nối các khu vực, giảm thiểu thời gian di chuyển, thúc đẩy giao thương và khuyến khích các hoạt động cộng đồng và thương mại được diễn ra liên tục. Bên cạnh đó, quỹ cũng hỗ trợ cải tạo lại cơ sở hạ tầng tại trường học của xã, nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương.
- Nghiên cứu để tìm ra nguồn sinh kế bền vững cho cả cộng đồng: Sau khi khảo sát điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng, Quỹ SCF nhận thấy điều kiện xã Yên Thắng rất phù hợp để trồng giống cây mận hậu. Quỹ đã phát triển một khu chuyên canh thí điểm rộng 1ha, nơi trồng hàng trăm giống cây mới. Đồng thời cung cấp cho bà con nông dân bộ tài liệu về trồng và chăm sóc cây trồng, giúp họ nâng cao kiến thức và kỹ năng. Việc xây dựng khu chuyên canh thí điểm không những giúp cải thiện năng suất cây trồng mà còn tạo cho người dân nguồn thu nhập ổn định.
- Ngoài ra, Bản Peo thuộc xã Yên Thắng có một khí hậu độc đáo 1 ngày 4 mùa, cảnh sắc hữu tình, hoang sơ, kết hợp với những lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa của người Thái diễn ra thường xuyên, rất có tiềm năng khai thác du lịch.Tận dụng điều đó, Quỹ SCF cũng tổ chức các khóa đào tạo về kỹ năng phục vụ khách du lịch, hướng dẫn viên du lịch cho người dân địa phương.
Phần 3
Mục tiêu - tầm nhìn dự án
Mục tiêu
Chương trình Phát triển Cộng đồng xã Yên Thế đặt mục tiêu xây dựng một cộng đồng tự chủ, tự lực trong phát triển kinh tế cộng đồng. Dự án hướng tới:
- Hỗ trợ xã Yên Thắng sớm đạt đủ các tiêu chí thuộc Bộ tiêu chí "Xây dựng nông thôn mới" và "Xây dựng nông thôn mới nâng cao"
- Hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho địa phương là mục tiêu cốt lõi của dự án. Thông qua việc tận dụng tối đa các nguồn lực, mục tiêu đến 2026, thông qua dự án sẽ hoàn thiện 500 bóng đèn còn thiếu trên các trục đường chính phục vụ chiếu sáng cho người dân.
- Tao sinh kế bền vững cho người dân:
+ Giúp xã phát triển mô hình nông nghiệp thành mô hình chuyên canh quy mô lớn, bền vững với giống cây mận hậu để đến năm 2025 có thể đem đi lượng giá và chuyển giao cho bà con nông dân quản lý, nhân rộng mô hình canh tác.
+ Thúc đẩy du lịch cộng đồng thông qua mô hình homestay. Định hướng đến năm 2026 có thể phát triển mô hình homestay tại xã Yên Thắng, người dân tự có thể vận hành homestay của mình.
Tầm nhìn
Thông qua chương trình, xã Yên Thắng có thể xây dựng mô hình du lịch cộng đồng kiểu mẫu, trở thành hình mẫu tiên phong không chỉ ở huyện Lang Chánh mà còn ở toàn tỉnh Thanh Hóa, khẳng định vai trò của địa phương trong việc phát triển bền vững dựa trên tự lực.
Ngoài ra, Quỹ SCF mong muốn Chương trình Phát triển Cộng đồng xã Yên Thắng trở thành dự án điển hình cho các dự án hướng tới đối tượng là các xã thuộc Chương trình 135 (chương trình giảm nghèo lớn và quan trọng nhất của Đảng và Nhà nước dành cho những xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn).
Phần 4
Quá trình triển khai - Phạm vi - Chi phí của dự án
Quá trình triển khai - Phạm vi thực hiện
Tháng 10/2023: Ký kết Biên bản ghi nhớ với chính quyền địa phương xã Yên Thắng trong việc định hướng thực hiện Chương trình Phát triển Cộng đồng xã Yên Thắng.
Sau khi ký kết hợp hợp tác, đội ngũ dự án tiến hành nghiên cứu khảo sát nhằm nắm bắt vấn đề mà xã đang gặp phải đồng khảo sát thực tế đời sống người dân, hiểu rõ mong muốn, nhu cầu và những khó khăn của họ để xây dựng chương trình phù hợp với chính người dân địa phương.
- Nghiên cứu số liệu, kế hoạch, định hướng đang được triển khai tại địa phương do chính quyền địa phương cung cấp. Những dữ liệu đó làm kim chỉ nam để xây dựng kế hoạch dự án và phân bổ nguồn lực.
- Xây dựng 350m2 sân bê tông cho trường Tiểu học Yên Thắng, tổ chức các buổi giao lưu, chia sẻ với người dân. Từ đó xây dựng mối quan hệ gắn kết, sự tin tưởng giữa chính quyền, người dân địa phương và Quỹ SCF. Đồng thời góp phần nâng cao chất lượng môi trường học tập và cải thiện đời sống cho các hộ gia đình khó khăn.
Bước đầu triển khai dự án bằng việc giải quyết khó khăn về cơ sở hạ tầng: Xây dựng 3km đường bê tông dân sinh, 20m hệ thống thoát nước, lắp đặt 2km hệ thống chiếu sáng và cải tạo nhà văn hóa.
Tạo sinh kế cho cộng đồng, kêu gọi nguồn lực cho giáo dục và an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân:
- Cung cấp 100 giống cây mận hậu và cung cấp bộ tài liệu hướng dẫn trồng và chăm sóc. Đồng thời thường xuyên theo dõi tình hình canh tác nông nghiệp để hỗ trợ kịp thời.
- Tổ chức họp dân tại bản Peo về vấn đề mở mô hình homestay qua việc khảo sát ý kiến người dân và khảo sát cơ sở vật chất của người dân.
Tổ chức tập huấn khóa đào tạo về kỹ năng phục vụ khách du lịch, hướng dẫn viên du lịch cho người dân, tạo cơ cơ hội giúp người dân có thêm thu nhập.
Dự án cũng cam kết tiếp tục đồng hành cùng địa phương hướng tới hướng tới mục tiêu xây dựng một cộng đồng bền vững và phát triển dựa trên 05 cam kết đã kí với địa phương trong Biên bản ghi nhớ.
Chi phí
Dự án đã huy động nguồn vốn đa dạng thông qua nhiều kênh khác nhau, đảm bảo tính bền vững và khả năng triển khai lâu dài.
- Xã hội hóa nguồn lực: kêu gọi đóng góp từ cộng đồng, các nhà tài trợ cá nhân và doanh nghiệp.
- Nguồn lực tự có của địa phương: chính quyền địa phương đã có những đóng góp đáng kể về nguồn vốn.
- Nguồn lực của người dân: người dân đóng góp qua nhiều hình thức cả về mặt vật chất như đất, đá, xi mặng… lẫn công sức.
- Sự đóng góp của các chuyên gia trong việc đưa ra các ý kiến, góp ý về giáo trình tập huấn
Tổng chi phí huy động được ước tính gần 1 tỷ đồng trong đó 80% phân bổ cải thiện cơ sở vật chất và 20% cho các hoạt động tập huấn cũng như tài trợ giống cây cho bà con nông dân.
Phần 5
Kết quả đạt được
Với mô hình phát triển cộng đồng bền vững, Chương trình Phát triển cộng đồng xã Yên Thắng đã gặt hái nhiều thành tựu ý nghĩa, vừa góp phần nâng cao hiệu quả đời sống người dân địa phương vừa tạo ra những thay đổi tích cực trong cộng đồng:
Cơ sở hạ tầng của xã Yên Thắng cũng được cải thiện rõ rệt sau chương trình. Các trục đường chính được bê tông hóa và lắp đèn điện chiếu sáng. Cơ sở hạ tầng trường học cũng được tu sửa sau 40 năm, nâng cao chất lượng dạy học của trẻ em tại địa bàn xã.
Người dân địa phương có cơ hội phát triển đời sống nhờ kế hoạch tạo sinh kế bền vững cho người người dân thông qua mô hình nông nghiệp chuyên canh quy mô lớn, trồng giống cây mận hận và mô hình du lịch cộng đồng.
Chương trình cũng thành công xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn chi tiết về trồng và chăm sóc cây mận hậu và cung cấp tới bà con nông dân, mở ra cơ hội kinh tế từ cây ăn quả.
Phần 6
Tiềm năng nhân rộng mô hình
Mô hình phát triển nông thôn mới tại Yên Thắng đã chứng minh được hiệu quả vượt trội. Bằng việc khai thác tối đa các tiềm năng sẵn có của địa phương như văn hóa, tự nhiên và nguồn nhân lực, mô hình đã mang lại những giá trị thiết thực, cải thiện đáng kể đời sống của người dân. Thành công này không chỉ nằm ở việc tăng thu nhập thông qua phát triển du lịch cộng đồng và trồng cây mận hậu mà còn ở sự đoàn kết, tích cực của người dân trong quá trình cải thiện đời sống, phát triển quê hương.
Với những ưu điểm như dễ áp dụng, hiệu quả kinh tế cao và tính bền vững, mô hình này hoàn toàn có thể được Quỹ nhân rộng ra các địa phương khác nếu có nguồn lực, góp phần vào sự phát triển chung của cả nước. Quỹ SCF cũng sẵn sàng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về mô hình hoạt động cho các tổ chức khác.
Quỹ Xã hội và Cộng đồng SCF - CTCP đã nhân rộng mô hình này sang xã Thành Sơn - Huyện Mai Châu - Tỉnh Hòa Bình. Đối với xã Thành Sơn, sau khi tiến hành khảo sát, Quỹ SCF nhận thấy xã có sự hỗ trợ nguồn lợi từ chính quyền địa phương lớn, có nhiều các điểm du lịch nhưng chưa quảng bá rộng rãi tới cộng đồng. Vì vậy, Quỹ SCF đã hỗ trợ người dân địa phương bằng cách đồng hành trong việc quảng bá du lịch qua nền tảng website du lịch Booking.com. Ngoài ra, đa số người dân trên địa bàn xã là người dân tộc Thái nên Quỹ cũng định hướng người dân dựa vào nét đẹp văn hóa dân tộc mình - nghề dệt thổ cẩm để tạo ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, tạo thêm nguồn thu nhập thông qua du lịch .
Bản quyền và tính hợp pháp của các hình ảnh, video, thông tin, dữ liệu về dự án được đăng tải trên landing page (trang thông tin dự án) này do cá nhân/ tổ chức đăng ký tham gia giải thưởng cung cấp và chịu trách nhiệm.