NESCAFÉ Plan - Thúc đẩy nông nghiệp tái sinh vì tương lai bền vững và sự thịnh vượng của cộng đồng nông dân trồng cà phê
Thư viện sáng kiến
08/10/2024 16:40
Đơn vị thực hiện
-
Hạng mục
DỰ ÁN
-
Thời gian
TỪ 2010 ĐẾN NAY
-
Lĩnh vực
NESCAFÉ Plan là sáng kiến toàn cầu được tập đoàn Nestlé triển khai từ 2010 tại hơn 15 quốc gia thuộc các khu vực trồng cà phê trọng điểm trên thế giới. Tại Việt Nam, NESCAFÉ Plan được triển khai tại các tỉnh Tây Nguyên từ 2011 đến nay. Là một chương trình dài hạn, trên cơ sở hợp tác đa bên cùng với Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Trung tâm khuyến nông các tỉnh Tây Nguyên, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây nguyên (WASI), NESCAFÉ Plan hướng tới mục tiêu đồng hành với người nông dân xây dựng nền nông nghiệp tái sinh, nhằm: Cải thiện sinh kế toàn diện cho người nông dân; Hỗ trợ chuyển đổi canh tác cà phê theo hướng phát thải thấp, ứng phó với biến đổi khí hậu; Đóng góp vào mục tiêu chung của tập đoàn Nestlé nhằm đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Sau hơn 13 năm triển khai, Chương trình đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, đặc biệt trong việc cải thiện và nâng cao sinh kế cho hàng ngàn nông dân tại khu vực Tây Nguyên.
Phần 1
Bối cảnh ra đời của dự án
Cà phê Tây Nguyên vốn là biểu tượng của ngành cà phê Việt Nam, được người dân trong, ngoài nước biết đến và yêu thích. Trải qua nhiều thế kỷ, cây cà phê đã trở thành niềm tự hào và cũng là một phần không thể thiếu trong đời sống của người nông dân Tây Nguyên.
Mặc dù là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 và là nhà sản xuất cà phê Robusta hàng đầu thế giới nhưng người nông dân trồng cà phê Việt Nam đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức gây ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất và chất lượng hạt cà phê, từ đó ảnh hưởng đến thu nhập, sinh kế, chất lượng cuộc sống của người nông dân và sự phát triển bền vững của ngành cà phê. Những thách thức đó đến từ những hạn chế và khó khăn từ nội tại của ngành cũng như đến từ môi trường khách quan bên ngoài, có thể kể đến là:
- Tập quán canh tác lạc hậu và thực hành theo các kinh nghiệm không được xây dựng trên nền tảng kiến thức khoa học của người nông dân như hái xanh, xay xát dập, lạm dụng thuốc trừ sâu và hóa chất bảo vệ thực vật, bón nhiều phân hóa học; tưới tiêu không hợp lý làm giảm chất lượng hoa và hạt; trồng độc canh hoặc xen canh chưa phù hợp
- Thói quen canh tác theo lợi ích ngắn hạn và thời vụ, dễ bị chi phối bởi sự biến động của thị trường (chặt bỏ cây trồng lâu năm để thay thế cây trông ngắn hạn và cho thu hoạch ngay).
- Những thách thức do biến đổi khí hậu gây ra với các kiểu thời tiết cực đoan như hạn hán kéo dài, thiếu nước, mưa bão & lũ lụt thất thường….gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình canh tác và sản xuất cà phê, tác động đến toàn bộ chuỗi cung ứng.
- Tình trạng diện tích cà phê già cỗi có xu hướng gia tăng. Chỉ riêng các tỉnh Tây Nguyên, hằng năm có khoảng 30-40% diện tích cây cà phê già cỗi*, tương đương 180.000 – 240.000 ha, cần tái canh. Tuy nhiên, nguồn lực dành cho các vườn cà phê tái canh vẫn còn nhiều hạn chế và khó khăn. (*: Tham khảo: Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam)
- Thiếu lực lượng nông dân kế thừa cũng như lực lượng lao động trong ngành nông nghiệp do tình trạng người trẻ tuổi có xu hướng dịch chuyển lên các vùng đô thị hoặc sẽ tiếp tục ở lại các thành phố lập nghiệp và không quay trở lại nông thôn sau khi thời gian học tập.
- Việt Nam là nguồn cung cà phê quan trọng cho thị trường cà phê toàn cầu và ngành cà phê Việt Nam có đóng góp đáng kể cho nền kinh tế quốc gia thông qua hoạt động xuất khẩu. Những năm gần đây, các quy định về phát triền bền vững của các thị trường nhập khẩu và tiêu thụ cà phê lớn trên thế giới ngày càng thắt chặt hơn và trở thành yêu cầu bắt buộc, không còn là yêu cầu mang tính tự nguyện như trước đây. Có thể kể đến các quy định liên quan đến dư lượng các hoạt chất bảo vệ thực vật , các quy định liên quan đến thu mua bền vững (canh tác không gây mất rừng, chuỗi thu mua đáp ứng các yêu cầu về nhân quyền, điều kiện lao động và bảo vệ môi trường…) dẫn đến việc xuất khẩu sẽ gặp nhiều rào cản hơn.
Bối cảnh trên đặt ra yêu cầu cấp thiết cho người nông dân và ngành cà phê Việt Nam buộc phải có những thay đổi để thích ứng đồng thời cần có chiến lược chuyển đổi toàn diện để có một tương lai bền vững. Với Nestlé, Việt Nam luôn là một trong những quốc gia trọng điểm cung cấp nguồn cà phê đầu vào trên toàn cầu. Hàng năm Tập đoàn thu mua trung bình 20% - 25% sản lượng cà phê xanh của Việt Nam để phục vụ nhu cầu trong nước và cho xuất khẩu. Nhằm tạo giá trị chung cho người nông dân trồng cà phê, ngành cà phê Việt Nam cùng với mục tiêu xây dựng nguồn cung có trách nhiệm và bền vững, tập đoàn Nestlé chính thức triển khai Chương trình NESCAFÉ Plan tại Việt Nam vào năm 2011.
Sau hơn một thập kỷ đồng hành cùng nông dân, NESCAFÉ Plan đã giúp họ áp dụng nhiều cải tiến kỹ thuật, công nghệ mới, tạo ra những tác động tích cực cho cuộc sống và sinh kế của người nông dân trồng cà phê cũng như cho môi trường và sự phát triển bền vững của ngành cà phê Việt Nam. Năm 2022, tập đoàn Nestlé tiếp tục công bố chương trình NESCAFÉ Plan 2030 nhằm đẩy nhanh tiến độ của Chương trình trong thập kỷ tới, thể hiện tham vọng và cam kết mạnh mẽ hơn trong việc đồng hành và hỗ trợ người nông dân trong quá trình chuyển đổi sang canh tác cà phê bền vững theo phương thức nông nghiệp tái sinh. Nền tảng vững chắc của những thành tựu to lớn đạt được trong hơn một thập kỷ phát triển chính là động lực giúp NESCAFÉ Plan tự tin về chặng đường phía trước của Chương trình nhằm mang lại cuộc sống bền vững và tốt đẹp hơn cho nông dân và cộng đồng trồng cà phê tại Việt Nam và các quốc gia trọng điểm mà Chương trình hướng tới.
Phần 2
Sáng kiến - phát kiến của dự án
Nông nghiệp tái sinh, cách tiếp cận lấy nông dân làm trọng tâm, theo đó hoạt động sản xuất nông nghiệp hướng đến mục tiêu cải thiện chất lượng và độ phì nhiêu của đất, bảo vệ nguồn tài nguyên nước và đa dạng sinh học, có thể tạo ra tác động tích cực giúp xây dựng nền tảng cho việc sản xuất thực phẩm bền vững và góp phần chống biến đổi khí hậu. Tại Việt Nam, Nestlé là doanh nghiệp tiên phong thực hiện nông nghiệp tái sinh thông qua chương trình NESCAFÉ Plan. Mô hình nông nghiệp tái sinh toàn diện của Nestlé tập trung vào 3 nguồn lực chính của hệ thống nông nghiệp: đất, nước và đa dạng sinh học. Ngoài ra, Nestlé xác định nông dân là yếu tố trung tâm của mô hình bởi đây là những người quản lý các nguồn lực và đưa ra quyết định về các hoạt động phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của chính mình.
Từ đây, đội ngũ của Nestlé Việt Nam phối hợp với các tổ chức khoa học cùng các chuyên gia nông nghiệp thực hiện hỗ trợ nông dân chuyển đổi phương thức canh tác nông nghiệp tái sinh bằng các hành động cụ thể:
● Bảo tồn đất và sức khỏe của đất: Độ phì nhiêu và chất lượng đất đóng vai trò quan trọng giúp cây cà phê hấp thu dưỡng chất và phát triển khỏe mạnh. Vì vậy, Chương trình ưu tiên sử dụng phương pháp cây che phủ tự nhiên, làm cỏ bằng máy hoặc tay thay vì sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sau đó sử dụng chính phần cỏ đó làm lớp phủ (bổi), hạn chế phân bón hóa học, thay thế bằng phân ủ vi sinh từ vỏ cà phê và chất thải từ gia cầm, gia súc nhằm giảm tác động lên đất.
● Bảo vệ nguồn nước: Đội ngũ của Nestlé hướng dẫn nông dân áp dụng các giải pháp tưới tiêu tiết kiệm nhờ các kỹ thuật và dụng cụ đơn giản nhằm giảm lượng nước tưới nhưng vẫn đảm bảo chất lượng hạt cà phê, năng suất của vườn cà phê. Điều này bảo vệ nguồn nước ngầm quý hiếm, giúp nông dân ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu lên ngành sản xuất nông nghiệp nói chung và ngành cà phê nói riêng.
● Bảo vệ tính đa dạng sinh học: Chương trình hỗ trợ nông dân ứng dụng mô hình xen canh hợp lý, kết hợp các cây gỗ, cây ăn trái như hồ tiêu, bơ,... xen cà phê để vừa mang lại các nguồn thu nhập bổ sung vừa tạo ra tán râm che mát và vành đai bảo vệ xung quanh vườn cà phê.
Song song với các hoạt động trọng tâm kể trên, NESCAFÉ Plan cũng chú trọng vào hoạt động cải tiến và đổi mới trong canh tác cà phê thông qua những nỗ lực:
● Nghiên cứu và phát triển các giống cà phê cho năng suất cao, có khả năng kháng sâu bệnh, chịu hạn tốt để phân phối đến cho người nông dân thông qua chương trình hợp tác cùng WASI.
● Xây dựng và phát triển công cụ quản lý nông hộ số giúp nông hộ quản lý hiệu quả hơn hoạt động canh tác. Nhờ đó, nông dân có thể chủ động trong quản lý kinh tế nông hộ trong khi đó Nestlé sẽ có số liệu nhanh chóng phục vụ cho việc theo dõi và quản lý hiệu quả của Chương trình.
● Mô hình giảm phát thải khí nhà kính trong canh tác cà phê: Nestlé hợp tác với các tổ chức quốc tế tổ chức kiểm kê phát thải khí nhà kính trong canh tác cà phê và đặt mục tiêu giảm tỷ lệ phát thải trong canh tác cà phê xuống mức thấp nhất có thể.
o Giai đoạn 1 (2011 – 2021): Ghi chép và thống kê tổng phát thải ra môi trường để sản xuất ra một đơn vị cà phê xanh (kg hoặc tấn), tiến hành phân tích không gian địa lý tích hợp dữ liệu chuỗi cung ứng với lớp phủ của các bộ dữ liệu không gian khác (ví dụ: độ che phủ rừng, các điểm nóng về mất rừng, các khu vực bị suy thoái, v.v.) để xác định các cơ hội phục hồi tiềm năng và các cơ hội can thiệp ngoài nông trại.
o Giai đoạn 2 (2022 – 2025): Tích cực can thiệp bằng cách phương pháp toàn diện, tập trung vào bảo tồn đất và chất lượng của đất, bảo tồn nguồn nước, bảo tồn đa dạng sinh học thông qua các thực hành hướng đến nông nghiệp tái sinh (cây che phủ, luân canh và đa dạng cây trồng, che phủ đất và cây che phủ, hạn chế cày xới đất, phân hữu cơ, công nghệ tưới, tạo vùng đệm, quản lý dinh dưỡng tổng hợp, trồng xen canh, mô hình nông lâm kết hợp và đồng cỏ, hàng rào và bộ đệm xanh, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và kiểm soát sinh học, canh tác thông minh, chế biến và bảo quản phân hữu cơ, quản lý đàn gia súc, chiến lược quản lý đồng cỏ và chăn thả tổng hợp, mô hình cảnh quan tổng hợp).
Trong suốt gần 30 năm thành lập và phát triển, Nestlé Việt Nam luôn cam kết đầu tư lâu dài và góp phần vào sự phát triển bền vững của Việt Nam. Tầm nhìn của chúng tôi là trở thành công ty toàn cầu gắn kết địa phương tiên phong trong phát triển bền vững. Được dẫn dắt bởi các giá trị bắt nguồn từ sự tôn trọng, chúng tôi hợp tác chặt chẽ với các đối tác của mình để tạo ra giá trị chung cho các bên liên quan. Điều này có nghĩa là đóng góp cho xã hội đồng thời đảm bảo sự thành công lâu dài của doanh nghiệp. Chúng tôi gọi cách tiếp cận này là "Tạo giá trị chung" ("Creaating Shared Value" – CSV) và CSV luôn gắn liền trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của chúng tôi. Đây cũng chính là phương pháp tiếp cận mà NESCAFÉ Plan áp dụng nhằm đồng thời tạo ra giá trị xã hội, kinh tế và môi trường một cách bền vững cho cả doanh nghiệp, người nông dân và cộng đồng trồng cà phê cũng như cho cả môi trường và hành tinh:
● Tích hợp mục tiêu xã hội vào chiến lược kinh doanh: Thông qua những tác động tích cực đối với ngành cà phê Việt Nam, góp phần bảo vệ môi trường, cải thiện sinh kế cho người nông dân và thúc đẩy phát triển kinh tế các vùng nông thôn, sáng kiến NESCAFÉ Plan cũng đem lại lợi ích chiến lược cho chính Nestlé. Thông qua chương trình, công ty có thể đảm bảo nguồn cung cà phê chất lượng cao và ổn định, đáp ứng nhu cầu sản xuất ngày càng tăng cao.
● Xây dựng quan hệ đối tác bền vững với các bên liên quan: Để đảm bảo sự thành công của của Chương trình, chúng tôi hợp tác với nhiều đơn vị gồm Bộ NN&PTNT, Trung tâm khuyến nông các tỉnh Tây Nguyên, WASI.
● Đầu tư dài hạn dài hạn vào cộng đồng để đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp: NESCAFÉ Plan là một chương trình mang tính dài hạn và bền bỉ, thể hiện trách nhiệm xã hội của tập đoàn Nestlé, đồng thời đóng góp trực tiếp vào mục tiêu phát triển bền vững của Nestlé, bao gồm cam kết cắt giảm một nửa khí thải nhà kính đến năm 2030 và đạt phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050.
● Đo lường và truyền thông kết quả minh bạch: Nestlé Việt Nam công bố các số liệu cụ thể về kết quả của NESCAFÉ Plan theo từng giai đoạn, từ đó tạo niềm tin và sự ủng hộ từ cộng đồng cũng như các đối tác, tối ưu hóa tác động của chiến lược CSV.
Phần 3
Mục tiêu - tầm nhìn dự án
Mục tiêu
13 năm trước, nhận thấy những hạn chế và thách thức mà ngành cà phê Việt Nam phải đối mặt dẫn đến ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất cũng như chất lượng hạt cà phê, chương trình NESCAFÉ Plan đã được khởi động, hướng đến một số mục tiêu trọng tâm:
● Mang đến nhiều cải tiến kỹ thuật và áp dụng công nghệ mới, tạo tác động tích cực đến sự phát triển bền vững của ngành cà phê Việt Nam, hướng đến việc phát triển ngành cà phê Việt Nam phát thải thấp và thích ứng với biến đổi khí hậu:
● Cải thiện sinh kế, góp phần thay đổi chất lượng cuộc sống của nông dân địa phương, xây dựng cộng đồng canh tác cà phê thịnh vượng;
● Gia tăng chất lượng và giá trị cho hạt cà phê Việt Nam, duy trì tách cà phê thơm ngon đậm đà qua nhiều thế hệ cho người tiêu dùng Việt Nam, từ đó góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm tham chiếu của cà phê Robusta trên thế giới.
Sau hơn 10 năm nỗ lực và kiên định với hành trình phát triển cà phê bền vững, chương trình NESCAFÉ Plan đã đạt được những thành công đáng kể. Đây cũng là tiền đề để tập đoàn Nestlé công bố Chương trình Nescafé Plan 2030 vào năm 2022 với những mục tiêu lớn hơn. Dự án sẽ tiếp tục đồng hành cùng người nông dân trong quá trình chuyển đổi canh tác cà phê bền vững theo hướng nông nghiệp tái sinh, tập trung vào hơn 15 quốc gia và khu vực trọng điểm của chương trình, bao gồm cả Việt Nam, với tổng mức hỗ trợ 1 tỷ CHF đến năm 2030 của tập đoàn Nestlé cho chương trình NESCAFÉ Plan toàn cầu. Mục tiêu cụ thể:
● Đến năm 2025:
o 100% cà phê của Nestlé được thu mua có trách nhiệm
o 20% cà phê của Nestlé được thu mua từ các nguồn canh tác theo phương thức nông nghiệp tái sinh
● Đến năm 2030:
o 50% cà phê của Nestlé được thu mua từ các nguồn canh tác theo phương thức nông nghiệp tái sinh
o Giảm 50% lượng phát thải CO2.
Các trọng tâm chính trong Kế hoạch NESCAFÉ Plan 2030:
● Hỗ trợ nông dân chuyển đổi sang canh tác cà phê theo phương thức nông nghiệp tái sinh
Chương trình tiếp tục tổ chức cho nông dân các khóa đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật trồng cây cà phê năng suất cao để giúp họ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nông nghiệp tái sinh thông qua các hoạt động tập trung vào 3 mục tiêu chính: cải thiện sức khỏe và độ phì nhiêu của đất, bảo vệ nguồn nước và bảo vệ đa dạng sinh học.
● Tập trung nguồn lực của chương trình vào các địa phương nơi NESCAFÉ thu mua 90% cà phê
Đội ngũ của Chương trình sẽ làm việc với nông dân trồng cà phê để thử nghiệm, nghiên cứu, áp dụng và đánh giá hiệu quả của những phương pháp thực hành nông nghiệp tái sinh. Điều này sẽ được thực hiện ưu tiên vào 7 khu vực nơi NESCAFÉ thu mua khoảng 90% cà phê xanh, bao gồm Việt Nam (cùng các quốc gia khác như Brazil, Mexico, Colombia, Côte d'Ivoire, Indonesia và Honduras). Mục tiêu cần đạt được:
o 100% nguồn cà phê thu mua bền vững đến năm 2025
o 20% nguồn cà phê thu mua từ cà phê canh tác theo phương thức nông nghiệp tái sinh đến nặm 2025
o 50% nguồn cà phê thu mua từ cà phê canh tác theo phương thức nông nghiệp tái sinh đến năm 2030 như một phần trong cam kết toàn cầu của Nestlé trong việc thu mua các nguồn nguyên liệu trọng yếu.
● Giảm phát thải khí nhà kính bằng cách hấp thu và lưu trữ nhiều Carbon hơn trong đất
NESCAFÉ đặt mục tiêu đóng góp vào cam kết Net Zero của Nestlé nhằm giảm một nửa lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Chương trình sẽ làm việc với nông dân, nhà cung cấp và đối tác để giúp bảo vệ đất nông nghiệp, tăng cường đa dạng sinh học và giúp ngăn chặn nạn phá rừng; đồng thời dự định sẽ giúp nông dân trồng hơn 20 triệu cây tại ngay hoặc gần trang trại cà phê của Nestlé trên toàn cầu bao gồm tại Việt Nam.
● Thực hiện thử nghiệm chương trình hỗ trợ tài chính cho một vài quốc gia triển khai NESCAFÉ Plan
NESCAFÉ Plan cam kết hỗ trợ nông dân chấp nhận rủi ro và chi phí liên quan đến việc chuyển đổi sang nông nghiệp tái sinh. Theo đó, NESCAFÉ Plan xây dựng các chương trình cụ thể giúp nông dân cải thiện thu nhập trong quá trình chuyển đổi. Ngoài ra, thông qua hệ thống giám sát và đánh giá hợp tác với tổ chức Rainforest Alliance cùng những đối tác khác, dự án theo dõi sát sao tiến độ cũng như đánh giá thu nhập người nông dân trồng cà phê đạt được nhằm đảm bảo tính hiệu quả của các chương trình thực địa.
Tầm nhìn
Với kế hoạch NESCAFÉ Plan 2030, tập đoàn Nestlé thể hiện tầm nhìn hỗ trợ nông dân chuyển đổi sang nền nông nghiệp tái sinh một cách toàn diện. Nền tảng vững chắc của những thành tựu to lớn chúng tôi đạt được trong một hơn thập kỷ phát triển chính là động lực giúp chúng tôi tự tin về chặng đường phía trước của NESCAFÉ Plan để tiếp tục hành trình phát triển bền vững hướng tới xây dựng ngành cà phê theo hướng tái sinh cũng như đặt mục tiêu đẩy nhanh tiến độ dự án trong thập kỷ tới, giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu và các thách thức về mặt xã hội và kinh tế trong chuỗi giá trị của mình.
Phần 4
Quá trình triển khai - Phạm vi - Chi phí của dự án
● Năm 2010: Sáng kiến toàn cầu NESCAFÉ Plan được tập đoàn Nestlé triển khai.
● Năm 2011: NESCAFÉ Plan chính thức được triển khai tại Việt Nam thí điểm tại tỉnh 3 tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng và Đắk Nông.
● Năm 2012: NESCAFÉ Plan triển khai thêm tại tỉnh Gia Lai, mở rộng các khu vực trồng cà phê trọng điểm tại Tây Nguyên, gồm tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và Lâm Đồng.
● Năm 2015: Ứng dụng phần mềm FARMS và FFB (Nhật ký Nông hộ số) để quản lý dữ liệu trực tiếp của mỗi trang trại, nhằm hỗ trợ kịp thời cho từng nông hộ.
● Năm 2019: Được Bộ NN&PTNT trao bằng khen với thành tích xuất sắc đóng góp cho ngành cà phê Việt Nam và phát triển nông nghiệp bền vững theo mô hình hợp tác công tư (PPP), góp phần phát triển nông nghiệp nông thôn.
● 2021-2024: đã và đang hợp tác với Tổ chức Lao động Quốc tế ILO triển khai tập huấn và nhân rộng các thực hành tốt trong An toàn vệ sinh lao động (OSH) và Bộ luật Lao động (Labor Law).
● Giai đoạn 2011-2024: đã và đang triển khai mô hình trồng xen canh hợp lý, giúp bà con nông dân tăng thu nhập từ 30% - 100% trên cùng đơn vị diện tích.
Kể từ khi được triển khai tại Việt Nam, NESCAFÉ Plan đã xây dựng đội ngũ cán bộ hỗ trợ nông nghiệp cho chương trình (hiện có 8 thành viên) nhằm quản lý và giám sát các hoạt động trên thực địa với nông dân. Bên cạnh đội ngũ cán bộ nông nghiệp, chương trình phát triển và đào tạo đội ngũ gồm 274 trưởng nhóm nông dân, là những cánh tay nối dài để giúp Chương trình lan tỏa, kết nối và chia sẻ kiến thức. Mỗi nhóm nông dân sẽ giúp nhau nhân rộng các mô hình và tập quán canh tác tốt và bền vững, đồng thời tạo dựng cơ chế giám sát lẫn nhau để giảm thiểu những thực hành chưa tốt.
Chương trình cũng rất chú trọng các hoạt động đào tạo và tập huấn cho nông dân trên diện rộng. Trong giai đoạn từ 2011-2023, NESCAFÉ Plan đã giới thiệu mô hình canh tác theo Thực hành nông nghiệp tốt (GAP/NBFP), qua đó đã tổ chức hơn 355.000 lượt tập huấn cho nông dân và giúp họ áp dụng các kiến thức đã học ngay trên vườn của mình, giúp tiết kiệm 40% - 60% lượng nước tưới, và giảm 20% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật so với trước khi tham gia Chương trình. Bên cạnh đó, Chương trình NESCAFÉ Plan đã đồng hành cùng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) triển khai dự án giúp nâng cao kiến thức và thực hành trong bảo đảm an toàn lao động và sức khỏe nghề nghiệp và Bộ Luật Lao động, từ năm 2021 đến nay đã có 22,050 lượt nông dân tập huấn được triển khai, giúp nông dân bảo vệ tốt hơn sức khỏe của mình và gia đình trong quá trình canh tác. Dự kiến trong năm 2024, có 17,050 lượt tập huấn được triển khai.
Tính đến nay, Chương trình đã giúp kết nối và hỗ trợ hơn 21.000 nông hộ tiếp cận và thực hiện canh tác theo bộ tiêu chí 4C, tạo ra vùng nguyên liệu bền vững với tổng diện tích hơn 34.000 ha cà phê 4C, cung cấp sản lượng trung bình trên 122.000 tấn cà phê chất lượng hằng năm. Canh tác bền vững và hiệu quả giúp nông dân tăng thu nhập bình quân từ 30% - 150%, góp phần cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống và sinh kế cho gia đình mình.
Bên cạnh mục tiêu hỗ trợ nông dân trong quá trình chuyển đổi canh tác bền vững, hoạt động hợp tác nghiên cứu và đánh giá tác động cũng là những trọng tâm quan trọng của Chương trình NESCAFÉ Plan, trong đó:
o Hoạt động nghiên cứu và phát triển giống cùng Viện Khoa học, Nông-lâm nghiệp Tây nguyên (WASI) giúp phát triển và phân phát các cây giống cà phê chất lượng cao và thích ứng với biến đổi khí hậu được triển khai từ những ngày đầu thực hiện. Chương trình đã hỗ trợ phân phối hơn 74 triệu cây giống trong giai đoạn từ 2011 – 2023 và có hơn 12 triệu cây giống nữa cũng đã được phân phối đến cho người nông dân trong năm 2024. Thông qua đó, giúp tái canh hơn 86 ngàn ha cà phê già cỗi cho khu vực Tây Nguyên.
o Hằng năm, hợp tác cùng tổ chức Rain Forest Alliance về Báo cáo đánh giá tác động (M&E) của Chương trình.
Phần 5
Kết quả đạt được
● Giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và cải thiện sinh kế cho nông dân trồng cà phê
o Giúp > 21.000 hộ nông dân tiếp cận và thực hành sản xuất cà phê theo bộ tiêu chí 4C, giúp các nông hộ tăng từ 30 đến 150% thu nhập nhờ áp dụng các mô hình xen canh hợp lý và tiết kiệm các chi phí trong canh tác cà phê nhờ tiết kiệm nước tưới, phân bón…; hỗ trợ cây giống cho trung bình 15,000 nông dân mỗi năm (2011-2023).
o Phân phối > 74 triệu cây giống kháng bệnh, chất lượng tốt và cho năng suất cao, hỗ trợ tích cực trong hoạt động tái canh các diện tích cà phê già cỗi và cải tạo vườn cà phê (2011 – 2023).
o Triển khai tập huấn về canh tác cà phê bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu; nâng cao kiến thức và thực hành trong bảo đảm an toàn và sức khỏe nghề nghiệp trong canh tác cà phê cho > 355.000 nông dân. Trong đó >35% lượt tham dự là nông dân nữ (2011 – 2023).
o Thành lập 274 nhóm nông dân, trong đó có 30% nữ trưởng nhóm nông dân, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của nông dân nữ.
o Hỗ trợ nông dân trẻ khởi nghiệp và nâng cao kỹ năng mềm trong quản lý nông hộ, góp phần xây dựng lực lượng nông dân kế thừa cho ngành cà phê. Tính đến nay 34% nông dân tham gia Chương trình trong độ tuổi dưới 30.
o Hỗ trợ phát triển và xây dựng công cụ quản lý nhật ký nông hộ dựa trên công nghệ số (Digital Farmer Field Book - FFB) và Koltitrace App, giúp người nông dân quản lý kinh tế nông hộ hiệu quả hơn, thay thế việc quản lý bằng giấy tờ.
o Tăng cường hoạt động kết nối và chia sẻ thông tin và kiến thức cho cộng đồng nông dân thông qua mạng thông tin trực tuyến Agrinest, giúp việc chia sẻ thuận lợi và nhanh chóng, tiếp cận thông tin dễ dàng.
● Thúc đẩy các thực hành tốt hướng đến một nền nông nghiệp tái sinh, giúp tái tạo hệ sinh thái, đồng thời tăng cường khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu cho các vườn cà phê, hướng đến xây dựng ngành cà phê bền vững, phát thải thấp
o Cải tạo hơn 74 ngàn ha diện tích cà phê già cỗi thông qua phân phối cây giống kháng bệnh và năng suất cao và chất lượng tốt (2011 – 2023).
o Tiết kiệm từ 40% đến 60% nước tưới tiêu nhờ áp dụng các phương pháp và kỹ thuật tưới tiêu tiết kiệm và hiệu quả.
o Giảm 20% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, thay thế bằng việc sử dụng phân ủ vi sinh từ vỏ cà phê và chất thải từ gia cầm và gia súc
o Năng suất cao hơn 15% so với năng suất bình quân của quốc gia.
o 86% vườn cà phê trồng xen canh với trung bình từ 3 loại cây trồng khác nhau.
o Phương pháp xen canh hợp lý giúp cải thiện hiệu quả sử dụng đất để giúp bảo vệ chất lượng và độ phì nhiêu của đất, từ đó giúp tăng khả năng tỉ lệ hấp thu carbon vào đất, giảm phát thải ra môi trường và giúp bảo tồn đa dạng sinh học.
o Triển khai Dự án Nông-lâm kết hợp trồng xen canh 2,3 triệu cây xanh (gỗ, cây ăn trái cây) trong các nông trại cà phê nhằm giúp hấp thu và lưu trữ CO2 (ước tính khoảng 480.000 tấn CO2 trong giai đoạn 5 năm từ 2023 - 2027) và tăng cường đa dạng sinh học.
● Xây dựng mô hình tiêu biểu trong liên kết chuỗi, nâng cao giá trị hạt cà phê Việt Nam thông qua chế biến sâu và xuất khẩu
o Thông qua việc thúc đẩy sản xuất cà phê chất lượng cao và bền vững, NESCAFÉ Plan góp phần hoàn thiện chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất cà phê bền vững từ người nông dân đến người tiêu dùng, góp phần nâng cao giá trị hạt cà phê Việt Nam.
o Hàng năm, Nestlé thu mua 20 - 25 % sản lượng cà phê của Việt Nam với tổng giá trị trung bình từ 700 triệu đô la Mỹ, chủ yếu là chế biến sâu để tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, với 100% cà phê đạt tiêu chí bộ quy tắc chứng nhận quốc tế 4C. Đây là động lực để thúc đẩy sản xuất có chứng nhận có truy xuất nguồn gốc của cà phê Việt Nam trong thời gian qua.
o Tất cả hạt cà phê xanh thu mua từ Việt Nam đều đến từ nguồn thu mua có trách nhiệm từ hạt cà phê Việt Nam chất lượng cao nhờ áp dụng kỹ thuật canh tác bền vững từ NESCAFÉ Plan. Đến nay, các sản phẩm cà phê của Nestlé đã xuất khẩu sang gần 30 nước và khu vực trên thế giới, bao gồm các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Phần 6
Tiềm năng nhân rộng mô hình
Mô hình của NESCAFÉ Plan được đánh giá cao về tiềm năng nhân rộng khi đạt được những kết quả tích cực ở cùng lúc nhiều phương diện: hướng dẫn kỹ thuật, hướng dẫn quản trị, thu mua nông sản, tổ chức chế biến và phân phối chuỗi giá trị. Khởi động từ năm 2011, NESCAFÉ Plan tại Việt Nam không ngừng mở rộng về quy mô theo thời gian với nhiều hợp phần được bổ sung, cải tiến.
NESCAFÉ Plan xác định đối tượng trung tâm là người nông dân, đây được xem là một trong những yếu tố then chốt giúp mở rộng quy mô chương trình. Việt Nam hiện có trên 18 triệu hộ nông dân và họ là nhân tố quyết định các hành động về ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp. Là những người trực tiếp canh tác, chăm sóc cây trồng vật nuôi, thu hoạch, việc nâng cao nhận thức cho nông dân về phát triển bền vững không chỉ tăng thu nhập cho họ mà từ đó còn góp phần đẩy nhanh quá trình thực hiện các mục tiêu của một nền nông nghiệp bền vững.
Tính đến nay, Chương trình đã tiến hành các đợt tập huấn, đào tạo cho hàng trăm nghìn nông dân trồng cà phê. Đặc biệt, NESCAFÉ Plan đã xây dựng được mạng lưới gần 300 trưởng nhóm nông dân được trang bị bài bản về kỹ thuật, các kiến thức về kinh tế trở thành những cánh tay nối dài giúp nhân rộng các mô hình và tập quán canh tác tốt và bền vững. Ngoài ra, dự án cũng chú trọng vào các hoạt động đào tạo nông dân trẻ, thế hệ kế thừa và tiếp nối sự phát triển cho một thế hệ nông nghiệp tái sinh với thực hành canh tác mới và ứng dụng số hóa trong quản lý nông hộ.
Bên cạnh đó, để mô hình thành công của NESCAFÉ Plan được nhân rộng ra nhiều địa phương, khu vực khác, Nestlé cũng tích cực chia sẻ những kinh nghiệm xoay quanh chương trình tại nhiều sự kiện trong nước, quốc tế của ngành hàng và các diễn đàn về phát triển bền vững. Chương trình cũng đón chào nhiều đoàn khách trong nước và ngoài đến tham quan, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm tại thực địa trong suốt thời gian qua.
Ngoài những thách thức về môi trường, xã hội, cùng những tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu lên sản xuất nông nghiệp nói chung và ngành cà phê nói riêng, những quy định pháp lý ngày càng khắt khe từ các thị trường xuất khẩu (gần đây nhất là Dự luật về giám sát chuỗi cung ứng của EU gồm các quy tắc giám sát chuỗi cung ứng kinh doanh, trong đó sẽ yêu cầu các công ty trong khối này tự quản lý chuỗi giá trị của mình để ngăn chặn vi phạm quyền con người và môi trường; hay Quy định của EU về ko gây mất rừng (EUDR) quy định cấm nhập khẩu 7 nhóm mặt hàng (cà phê, dầu cọ, gỗ, cao su, thịt bò, ca cao và đậu) vào EU nếu quá trình sản xuất các mặt hàng này gây mất rừng), NESCAFÉ Plan với một chương trình hành động toàn diện và dài hạn đã góp phần quan trọng giúp các nông dân và đối tác trong chuỗi cung ứng cà phê có sự chuẩn bị sẵn sàng để đáp ứng với các yêu cầu về phát triển bền vững ngày càng khắt khe mà thị trường quốc tế đặt ra. Điều này cho thấy giá trị tích cực mà Chương trình mang lại khi tạo ra sự lan tỏa cho chuỗi giá trị cà phê, và xa hơn sẽ là mô hình tiêu biểu giúp các ngành sản xuất nông nghiệp khác của Việt Nam tham khảo mô hình và học hỏi kinh nghiệm.
Bản quyền và tính hợp pháp của các hình ảnh, video, thông tin, dữ liệu về dự án được đăng tải trên landing page (trang thông tin dự án) này do cá nhân/ tổ chức đăng ký tham gia giải thưởng cung cấp và chịu trách nhiệm.