Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL
Thư viện sáng kiến
01/12/2023 10:06
Đơn vị thực hiện
-
Hạng mục
DỰ ÁN
-
Thời gian
TỪ 2016 ĐẾN 2022
-
Lĩnh vực
HÀNH ĐỘNG VỀ KHÍ HẬU
Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền thực hiện chương trình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL từ năm 2016 – 2022. Qua 07 vụ lúa, 496 mô hình tại các vùng canh tác lúa trọng điểm ở 13 tỉnh thành trong vùng đã đạt được kết quả: năng suất lúa bình quân các mô hình tăng 400-500kg/ha, chi phí sản xuất bình quân giảm từ 1 – 1,5 triệu đồng/ha, từ đó lợi nhuận bình quân tăng lên 4-5 triệu đồng/ha. Thông qua việc tập huấn, đào tạo, chuyển giao quy trình trực tiếp, online hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng, chương trình đã cung cấp kỹ thuật canh tác đến hàng ngàn lượt nông dân, giải pháp và quy trình canh tác lúa thông minh cũng được các cơ quan chức năng, hợp tác xã và bà con nông dân áp dụng vào sản xuất. Được công nhận là tiến bộ kỹ thuật, đây là cơ sở khoa học để tiếp tục nhân rộng quy trình vào sản xuất lúa ở các tỉnh vùng ĐBSCL và các địa phương khác trong cả nước.
Phần 1
Bối cảnh ra đời của dự án
Đồng bằng sông Cửu Long với diện tích canh tác trên 3,8 triệu ha, hàng năm cung ứng trên 50% sản lượng gạo cả nước và hơn 90% sản lượng lúa xuất khẩu. Tuy nhiên, theo Uỷ ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu, ĐBSCL là 1 trong 3 vùng châu thổ được xếp trong nhóm cực kỳ nguy cấp do diễn biến khô hạn, xâm nhập mặn trong mùa khô và mưa bão đã gây thiệt hại hàng chục ngàn hecta. Đỉnh điểm vào mùa khô năm 2016 với gần 250.000 ha lúa bị thiệt hại (số liệu được công bố bởi Viện kinh tế nông nghiệp – Bộ kế hoạch và đầu tư).
Trước tình hình đó, Chính phủ và các cơ quan ban ngành từ trung ương đến địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp: xây dựng công trình ngăn nước mặn, trữ nước ngọt để phục vụ sản xuất. Đồng thời thực hiện nhiều hội nghị, hội thảo, toạ đàm, tập huấn để cung cấp các giải pháp về kỹ thuật canh tác trong các điều kiện bất lợi.
Xuất phát từ mong muốn xây dựng và chuyển giao quy trình canh tác lúa phù hợp, hiệu quả và thích ứng với biến đổi khí hậu, công ty Cổ phần phân bón Bình Điền khởi xướng và tổ chức thực hiện chương trình Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu từ vụ hè thu 2016. Chương trình nhận được sự phối hợp từ Trung tâm khuyến nông Quốc gia và trung tâm khuyến nông 13 tỉnh thành vùng ĐBSCL.
Với sự đồng hành của các nhà khoa học hàng đầu, cán bộ kỹ thuật của công ty và trung tâm khuyến nông các tỉnh, chương trình đã xây dựng quy trình và thực hiện các mô hình tại các vùng canh tác lúa trọng điểm, vùng canh tác lúa dễ bị tác động bởi xâm nhập mặn và nâng cao hơn ở từng vùng sinh thái ở 13 tỉnh thành.
Phần 2
Sáng kiến - phát kiến của dự án
Chương trình đã tổng hợp được rất nhiều giải pháp canh tác tiên tiến và các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác lúa như: kỹ thuật làm đất theo từng loại đất và vụ mùa, 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, quản lý nước theo ướt khô xen kẻ, bón phân chuyên dùng kết hợp bón lót cải tạo môi trường đất theo từng vùng sinh thái, thu hoạch đúng độ chín...Các giải pháp này được xây dựng theo từng điều kiện canh tác cụ thể, vừa thực hiện vừa hiệu chỉnh bổ sung nên hiệu quả của quy trình ngày càng được nâng cao.
Bên có đó, chương trình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL chú trọng khâu đào tạo nông dân với ý tưởng giúp nông dân thành chuyên gia, nghĩa là có thể nắm bắt thật rõ về cây lúa, thời tiết, khí hậu, đất đai...để có thể chủ động thích ứng trong từng điều kiện canh tác cụ thể. Nông dân trong mô hình cũng là cầu nối để tiếp tục chuyển giao quy trình canh tác thông minh đến nhiều nông dân khác trong khu vực. Đây cũng là cầu nối để quy trình cso thể tiếp tục nhân rộng quy mô vào sản xuất không chỉ ở ĐBSCL mà còn nhiều địa phương khác trong cả nước.
Chương trình còn thực hiện các bước như hội thảo, tập huấn lý thuyết gắng với thực hành để giúp nâng cao trình độ chuyên môn của lực lượng cán bộ kỹ thuật, cán bộ khuyến nông các địa phương. Đồng thời thực hiện nhiều phóng sự, video kỹ thuật canh tác phát triển các phương tiện truyền thông và mạng xã hội để bà con nông dân tiếp cận.
Phần 3
Mục tiêu - tầm nhìn dự án
Mục tiêu
Vốn kiến thức, kinh nghiệm từ các chương trình tập huấn nông dân và mô hình trình diễn trên cây lúa trước đó dày dặn và phong phú, cộng với sự tư vấn từ hội đồng khoa học kỹ thuật công ty và sự hợp tác của lực lượng cán bộ kỹ thuật từ trung tâm khuyến nông các tỉnh, công ty cổ phần phân bón Bình Điền tin rằng chương trình sẽ thực hiện thành công. Bước đầu là giúp bà con nông dân các vùng trồng lúa đã bị ảnh hưởng bởi hạn mặn, xâm nhập mặn trong mùa khô và mưa bão thất thương, đỉnh điểm là mùa khô đầu năm 2016 đạt được năng suất và lợi nhuận từ cây lúa trong vụ Hè Thu năm 2016, tiếp theo đó, chương trình nhận được sự phối hợp từ Trung tâm khuyến nông quốc gia và trung tâm khuyến nông 13 tỉnh thành vùng ĐBSCL.
Tầm nhìn
Từ hiệu quả bước đầu đạt được chương trình tiếp tục phát triển, cải tiến và triển khai thực hiện ở các vùng sinh thái khác nhau, tiếp tục nâng cao ở 13 tỉnh thành. Chương trình đã xây dựng quy trình, thực hiện các mô hình tại các vùng canh tác lúa trọng điểm, vùng canh tác lúa dễ bị tác động bởi xâm nhập mặn. Ngoài mục tiêu giảm chi phí, tăng năng suất, tăng lợi nhuận chương trình tiến tới yếu tố chất lượng lúa gạo và canh tác thân thiện môi trường.
Phần 4
Quá trình triển khai - Phạm vi - Chi phí của dự án
Quá trình triển khai - Phạm vi thực hiện
Chương trình Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu được thực hiện ở 13 tỉnh thành vùng ĐBSCL trên cây lúa và nhận được sự phối hợp từ Trung tâm khuyến nông Quốc gia và trung tâm khuyến nông 13 tỉnh thành với các hoạt động chính như:
- Biên soạn và xuất bản hàng ngàn sổ tay canh tác lúa thông minh, tài liệu hướng dẫn quy trình canh tác lúa để nông dân và lực lượng cán bộ kỹ thuật địa phương đọc và áp dụng vào canh tác.
- Mua sắm và lắp đặt các trang thiết bị, dụng cụ phục vụ cho chương trình:
+ Lắp đặt 22 trạm quan trắc nước mặn, pH nước tự động trên các tuyến sông, kênh rạch ven biển khu vực ĐBSCL;
+ Lắp đặt 1 trạm giám sát sâu rầy tự động;
+ Tặng nông dân, cán bộ kỹ thuật hàng trăm bút đo độ mặn, dụng cụ đo pH, máy phun hạt để sạ lúa và bón phân.
- Thực hiện lấy mẫu đất, mẫu nước để xây dựng quy trình canh tác phù hợp với từng vùng;
- Xây dựng ruộng trình diễn ở các vùng canh tác lúa trọng điểm;
- Tập huấn, thăm đồng đồng thường xuyên cùng với nông dân để vừa chuyển giao quy trình vừa thực hành các giải pháp canh tác ngay trên đồng ruộng
- Hội thảo tổng kết mô hình, tổng kết chung toàn vùng sau mỗi mùa vụ.
- Liên kết với các đơn vị đối tác khác hỗ trợ nông dân giảm giống bằng máy sạ cụm, bón phân và phun thuốc bằng thiết bị bay (drone).
- Xây dựng ứng dụng (app) canh tác thông minh để tư vấn kỹ thuật, hỗ trợ nông dân, lồng ghép các tính năng ghi chép nhật ký đồng ruộng, xây dựng mã vùng trồng trong tương lai.
Chi phí
Chương trình đã đầu tư lắp đặt và áp dụng nhiều giải pháp công nghệ và cơ giới hoá để tăng hiệu quả:
Trạm quan trắc nước mặn và pH (cập nhật dữ liệu về chất lượng nước, dựa vào đó có thông tin để khuyến cáo lịch gieo sạ, thời gian bơm nước, canh tác theo kết quả chất lượng nước thực tế). Trạm giám sát sâu rầy tự động (giúp đếm mất số và chủng loại sâu rầy, từ đó các cán bộ kỹ thuật ngành bảo vệ thực vật có các khuyến cáo về lịch gieo sạ và phòng trị sâu rầy). Các thiết bị đo pH, độ mặn cầm tay (sử dụng để xác định chất lượng nước trong các kênh nội đồng và trong ruộng lúa trước và trong mùa vụ). Máy sạ cụm (phương pháp gieo sạ hiệu quả giúp giảm lượng giống từ 150kg/ha trong sản xuất đại trà xuống còn 50-60 kg/ha trong các mô hình). Thiết bị bay (drone), bình máy phun đeo vai (giúp bón phân, phun thuốc đều, tăng hiệu quả sử dụng vật tư nông nghiệp và giảm chi phí).
Bên cạnh đó, chương trình đã thực hiện nhiều biện pháp để tăng hiệu quả đào tạo,chuyển giao kỹ thuật cho nông dân: Điều tra nông hộ trước khi thực hiện và sau khi thực hiện. Ban cố vấn tập huấn cán bộ kỹ thuật, nông dân đầu vụ,thăm đồng trong vụ kết hợp tư vấn trên đồng, tổ chức hội thảo tổng kết cuối vụ. Thực hiện các video kỹ thuật canh tác từ các vấn đề chủ yếu trong canh tác lúa thực tế, video ngắn và được hướng dẫn rõ ràng, dễ hiểu. Tổ chức cho nông dân tham quan, học tập các mô hình canh tác nông nghiệp Phillippine và Thái Lan đồng thời tập huấn, đào tạo cán bộ kỹ thuật tỉnh.
Tổng chi phí chương trình đã thực hiện khoảng 15 tỉ đồng, bình quân trong 7 vụ lúa (Từ 2016 - 2022) khoảng 2 tỉ đồng/vụ và xây dựng chương trình tại Kiên Giang năm 2019 khoảng 1 tỉ đồng.
Phần 5
Kết quả đạt được
Phần 6
Tiềm năng nhân rộng mô hình
Quy trình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu là quy trình mở thể hiện ở việc luôn cập nhật các tiến bộ kỹ thuật, giải pháp mới vào quy trình qua từng vụ, đồng thời cũng là là quy trình thông minh thể hiện qua quy trình riêng cho từng vùng sinh thái, từng mùa vụ. Do đó, hoàn toàn có thể áp dụng và nhân rộng trước mắt trên diện tích 4 triệu ha lúa tại vùng ĐBSCL và các vùng canh tác lúa khác tại khu vực Miền Đông, Cao nguyên, Miền Trung và các tỉnh phía Bắc. Đồng thời, các nước lân cận trong hệ thốngsông Mekong, nhất là Campuchia có thể ứng dụng quy trình để nâng cao năng suất lúa và lợi nhuận cho bà con nông dân.
Bản quyền và tính hợp pháp của các hình ảnh, video, thông tin, dữ liệu về dự án được đăng tải trên landing page (trang thông tin dự án) này do cá nhân/ tổ chức đăng ký tham gia giải thưởng cung cấp và chịu trách nhiệm.