Canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu
Thư viện sáng kiến
18/11/2024 02:15

Đơn vị thực hiện
-
Hạng mục
DỰ ÁN
-
Thời gian
TỪ 2023 ĐẾN NAY
-
Lĩnh vực
CÔNG VIỆC TỐT VÀ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ
Chương trình "Canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu" là một dự án được Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền khởi xướng và phối hợp với Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên triển khai từ năm 2023 trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên với 15 huyện trọng điểm ứng với 15 mô hình, trong đó 7 mô hình cà phê trồng thuần, 4 mô hình hồ tiêu trồng xen cà phê, 4 mô hình sầu riêng trồng xen cà phê với mục tiêu giúp canh tác cà phê và cây trồng xen phát triển bền vững.
Theo đó, chương trình sẽ xây dựng quy trình canh tác cụ thể cho vườn cà phê trồng thuần, hồ tiêu trồng xen cà phê, sầu riêng trồng xen cà phê trên từng nhóm đất chính của từng tỉnh một cách thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ khuyến nông và bà con nông dân... nhằm hướng đến sản xuất cà phê và cây trồng xen cho năng suất cao và ổn định, giảm giá thành sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng thu nhập cho người dân và doanh nghiệp.
Phần 1
Bối cảnh ra đời của dự án
Việt Nam là nước sản xuất cà phê hàng đầu thế giới (xếp thứ 6 về diện tích, sau Brasil, Indonesia, Ethiopia, Colombia và Bờ Biển Ngà) với tổng diện tích năm 2022 là 709,6 ngàn ha (645 ngàn ha cho thu hoạch), trong đó có khoảng 40 ngàn ha cà phê chè và chủ yếu tập trung tại Tây Nguyên. Năng suất cà phê của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới, trung bình từ 2,5-3,5 tấn nhân/ha. Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu 1,72 triệu tấn cà phê với kim ngạch đạt 3,95 tỉ USD, hay 17,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm trồng trọt là 22,59 tỷ USD (MAR&D-2023).


Cà phê là ngành sản xuất quan trọng, tạo việc làm cho khoảng 1 triệu nông dân, chưa kể công nhân làm việc trong các nhà máy chế biến, hoạt động thương mại… Tuy nhiên, do lợi nhuận cao nên nhiều năm nông dân đầu tư thâm canh cho cây cà phê quá mức, gần như không bón phân hữu cơ hoặc bón rất ít, trong khi phân vô cơ sử dụng vượt quá khuyến cáo nhiều lần. Sử dụng nước tưới cho cà phê cũng chưa thật khoa học, vừa lãng phí nước (bình quân 500-600 lít, nhiều hộ sử dụng ≈ 800 lít/cây/lần tưới), gây ra xói mòn, rửa trôi dinh dưỡng trong đất. Tất cả những yếu tố trên làm đất trồng cà phê bị suy thoái nghiêm trọng, nổi bật nhất là suy giảm hàm lượng chất hữu cơ cả về số lượng và chất lượng, quá trình chua hóa đất diễn ra nhanh hơn (pHKCl < 4,5 ở phần lớn các mẫu đất phân tích (giảm 1-1,5 đơn vị pH so với trung bình trước đây) do suy giảm Ca, Mg trong đất , là các hiện tượng phổ biến trong sản xuất cà phê của nông dân. Thực tế cho thấy đất có hàm lượng hữu cơ thấp, môi trường đất có phản ứng chua, nghèo canxi và magie ….làm cho đất không được tơi xốp, giữ nước giữ phân kém, hệ vi sinh vật có lợi và động vật côn trùng trong đất cũng bị giảm mạnh
Cùng với kỹ thuật canh tác còn nhiều bất cập, sản xuất cà phê tại Tây Nguyên cũng còn chịu ảnh hưởng nhiều của biến đổi khí hậu. Sự biến đổi bất thường của thời tiết như nhiệt độ tăng, hạn kéo dài, mưa phân bố không đều và hạn xuất hiện bất thường (mưa trong mùa khô, nắng hạn trong mùa mưa) xảy ra thường xuyên hơn. Chỉ riêng hạn năm 2016 đã ảnh hưởng đến 116,4 ngàn hecta cà phê, trong đó Đăk Lăk bị thiệt hại 56,1 ngàn hecta. Diện tích cà phê bị mất trắng do hạn là 6,9 ngàn hecta (Cục Trồng trọt 2023).
Tổng hợp tác động của các yếu tố sinh học và phi sinh học đã làm cho sản xuất cà phê thiếu bền vững. Các loại dịch hại từ đất phát triển, đặc biệt là bệnh vàng lá thối rễ làm hàng trăm ngàn hecta cà phê phải tái canh, thậm chí phải hủy bỏ, nhiều diện tích bị rút ngắn chu kỳ kinh doanh, hiệu quả kinh tế giảm sút. Theo Cục Trồng trọt, diện tích tái canh giai đoạn 2014-2020 lên đến 90 ngàn hecta và 30 ngàn hecta khác phải ghép cải tạo, chiếm 18,5% tổng diện tích cà phê. Kế hoạch tái canh sẽ vẫn phải tiếp tục, dự kiến đến 2025 cần tái canh tiếp 75 ngàn hecta và ghép cải tạo thêm 32 ngàn hecta.
Gần đây, sản xuất cà phê đang đối mặt với việc tăng nhanh diện tích cây trồng xen trong vườn cà phê, vừa do giá cà phê biến động nhiều, vừa thu nhập của cây trồng xen quá hấp dẫn (250 triệu đồng khi trồng xen sầu riêng và 141 triệu đồng/ha khi trồng xen bơ trong vườn cà phê). Theo Cục Trồng trọt, diện tích cà phê có trồng xen với các cây trồng khác năm 2021 là 169,9 ngàn ha (chiếm 26,17%), là một tỉ lệ khá cao và đang có xu hướng tăng nhanh.
Xác định Tây Nguyên là vùng sản xuất cà phê trọng điểm (chiếm 92% diện tích cả nước), đóng góp lớn cho xuất khẩu. Tuy dư địa phát triển về năng suất và chất lượng cà phê còn rất nhiều nhưng Tây Nguyên đang phải chịu tác động bất lợi từ biến đổi khí hậu. Do vậy, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền đã quyết định khởi xướng thực hiện chương trình "Canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu", với sự tham gia phối hợp của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên. Chương trình nhằm trang bị cho người nông dân Tây Nguyên những quy trình canh tác cà phê phù hợp và hiệu quả có khả năng thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu của từng địa phương mình.



Phần 2
Sáng kiến - phát kiến của dự án
Chương trình "Canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu" tìm ra những tồn tại và hạn chế hiện có trong các phương thức canh tác cà phê truyền thống tại Tây Nguyên. Từ đây, chương trình trang bị cho bà con nông dân Tây Nguyên những gói kỹ thuật canh tác thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, theo đó cung cấp bộ sản phẩm phân bón mới phù hợp cho sản xuất cà phê (trồng thuần, trồng xen), hiệu quả kinh tế cao, có tác dụng ổn định và cải thiện độ phì nhiêu của đất, hạn chế bệnh hại từ đất và giảm phát thải khí nhà kính.
Cụ thể, chương trình tập trung vào 3 mô hình canh tác cà phê phổ biến tại Tây Nguyên: cà phê trồng thuần, hồ tiêu trồng xen cà phê và sầu riêng trồng xen cà phê. Hồ tiêu và sầu riêng là những loại cây phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Tây Nguyên và cũng có nhu cầu cao trên thị trường vì thế các mô hình trồng xen này sẽ góp phần đảm bảo cho nguồn thu nhập của người nông dân.
Tây Nguyên có 2 nhóm đất chính chiếm diện tích lớn nhất gồm: đất xám và đất đỏ bazan, hai nhóm đất này gắn với các cây trồng trong mô hình của dự án. Nghiên cứu đặc điểm đất và tìm ra các yếu tố hạn chế là công việc quan trọng. Từ đây, các nhà khoa học của dự án có thể đề xuất các giải pháp bón phân và tưới nước hợp lý cho từng loại đất, giúp cây trồng khỏe, ít sâu bệnh, tối ưu năng suất và lợi nhuận, tránh tình trạng thừa thãi và lãng phí phân bón, nhằm hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường. Có thể nói rằng, hiểu rõ về đất là yếu tố quan trọng để người dân tự điều chỉnh phương pháp canh tác phù hợp, cải thiện năng suất bền vững.
Để đạt được mục tiêu đề ra, chương trình đặc biệt chú trọng vào việc tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ khuyến nông và bà con nông dân. Đội ngũ của dự án gồm các nhà khoa học, chuyên gia đã trực tiếp gặp gỡ nông dân để giải đáp thắc mắc về những vấn đề mà họ gặp phải trong quá trình canh tác cà phê như: sử dụng phân bón đúng cách, kỹ thuật tưới nước, quản lý một số dịch hại trên cây cà phê... Thông qua truyền thông , các nhà khoa học và các chuyên gia cũng có thể hướng dẫn đến bà con nông dân toàn vùng áp dụng những kỹ thuật canh tác mới một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Điểm đáng lưu ý của chương trình "Canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu" là mang đến cho bà con nông dân một quy trình động. Quy trình này luôn có sự biến đổi linh hoạt tùy theo tình hình thực tế của vườn cà phê mà có giải pháp phù hợp nhất, dễ lan tỏa nhất và phù hợp nhất với tập quán canh tác của bà con nông dân và điều kiện đất, khí hậu cho từng vùng cụ thể. Trên thực tế, việc triển khai dự án đã gặp không ít khó khăn, thách thức do tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, đặc biệt hiểu biết của bà con nông dân tại các địa phương còn chưa đồng đều, những tập quán cố hữu trong cách thức canh tác cũ gây cản trở cho việc chuyển đổi khoa học kỹ thuật. Do đó, chương trình đã đặt người nông dân làm trung tâm của dự án, hướng đến việc đánh thức tiềm năng ở họ, giúp họ hiểu được rằng không ai hiểu mảnh đất của mình hơn chính mình. Bởi vậy để xây dựng được phương pháp canh tác thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, chính người nông dân phải thực sự hiểu được tình hình thực tế, thay đổi tư duy tránh đi theo lối mòn cũ, chủ động không ngừng học hỏi, áp dụng các kỹ thuật hiện đại tiên tiến, hướng đến làm nông nghiệp bền vững.



Phần 3
Mục tiêu - tầm nhìn dự án
Mục tiêu tổng quát
Xây dựng được quy trình canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu; ổn định và cải thiện độ phì nhiêu đất; tăng thu nhập cho người nông dân và các đối tác tham gia trong chuỗi sản xuất cà phê.
Mục tiêu cụ thể
i) Tìm ra được những tồn tại, hạn chế và đề xuất gói kỹ thuật canh tác thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu tại các tỉnh vùng Tây Nguyên:
Với tình hình biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt tại Tây Nguyên, các phương thức canh tác cà phê truyền thống đã không còn hiệu quả cao, thậm chí còn bộc lộ nhiều hạn chế như: làm ảnh hưởng tới độ phì nhiêu của đất, nguy cơ làm xuất hiện bệnh hại từ đất, không đảm bảo hiệu quả về mặt kinh tế... Chính vì thế, việc đề xuất gói kỹ thuật canh tác thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu là một trong những mục tiêu quan trọng của dự án. Các kỹ thuật canh tác được phát triển ứng dụng công nghệ tiên tiến, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu đặc trưng của Tây Nguyên, đồng thời tương thích với tập quán canh tác truyền thống của người dân địa phương nhằm đảm bảo dễ dàng ứng dụng nhất cho bà con nông dân.
ii) Phát triển được bộ sản phẩm phân bón mới phù hợp cho sản xuất cà phê (trồng thuần và trồng xen), hiệu quả kinh tế cao, có tác dụng ổn định và cải thiện độ phì nhiêu của đất, hạn chế bệnh hại từ đất và giảm phát thải khí nhà kính
Sản xuất cà phê hiện nay không chỉ dừng lại ở trồng thuần, mà còn phát triển mô hình trồng xen với các cây khác như sầu riêng, hồ tiêu. Bởi vậy, cần phải có sản phẩm phân bón phù hợp đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng đa dạng của các loại cây trồng này, giúp cả cà phê lẫn cây xen canh cùng phát triển hiệu quả. Thêm vào đó, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, đất đai ở Tây Nguyên ngày càng trở nên khô cằn và kém màu mỡ, các bệnh hại diễn biến khó lường gây nhiều khó khăn cho canh tác cà phê. Việc phát triển một bộ sản phẩm phân bón phù hợp là vô cùng cần thiết vừa cải thiện và ổn định độ phì nhiêu của đất, vừa cung cấp dinh dưỡng đúng và đủ cho cây từ đó đảm bảo rằng cây cà phê có thể phát triển mạnh mẽ, giảm thiểu tác động của các bệnh hại. Khi phân bón mới giúp cải thiện chất lượng đất và cây trồng, chi phí sản xuất sẽ giảm xuống, đồng thời năng suất và chất lượng cà phê tăng lên, sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho nông dân.
iii) Xây dựng được quy trình canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu áp dụng cho vùng Tây Nguyên được cấp có thẩm quyền công nhận là tiến bộ kỹ thuật:
Chương trình hướng đến xây dựng được những mô hình hoàn chỉnh được áp dụng quy trình canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu. Các mô hình này được thiết kế tích hợp các kỹ thuật canh tác hiện đại một cách thông minh, giúp nông dân giảm chi phí sản xuất thông qua việc tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên như nước và phân bón. Áp dụng quy trình này, năng suất và chất lượng cà phê được cải thiện nhờ vào các phương pháp canh tác thông minh, thu nhập của người dân sẽ tăng lên đáng kể. Điều này không chỉ tạo điều kiện sống tốt hơn cho nông dân mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành cà phê Tây Nguyên, giúp khu vực này trở thành trung tâm sản xuất cà phê chất lượng cao hơn trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Sự công nhận tính khoa học và hiệu quả của quy trình (tiến bộ kỹ thuật) từ các cơ quan chức năng sẽ là một cơ sở quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng quy trình trên quy mô rộng, qua đó đóng góp tích cực vào việc xây dựng nền nông nghiệp hiện đại và bền vững.



Phần 4
Quá trình triển khai - Phạm vi - Chi phí của dự án
● Giai đoạn 2023 - 2024:
- Chương trình đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia để thu thập thông tin dữ liệu về quy trình/hướng dẫn canh tác cà phê đang được áp dụng trong sản xuất từ các tổ chức quốc tế, cơ quan, Viện/trường và Doanh nghiệp cũng như phối hợp với Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên để tổng quan kịch bản biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết vùng trồng cà phê Tây Nguyên.
- Song song đó, Ban tổ chức chương trình cũng đã triển khai công tác điều tra thực tế 500 hộ canh tác cà phê ở 5 tỉnh Tây Nguyên để thu thập thông tin cơ sở về giống, kỹ thuật canh tác, tưới nước, bón phân, dịch hại...
- Chương trình cũng đã tổ chức lấy và phân tích gần 200 mẫu đất với hơn 2300 chỉ tiêu lý ,hóa, sinh ở tầng canh tác trong các vườn trồng cà phê thuần, vườn trồng xen (sầu riêng và hồ tiêu), trong các vườn cây già cỗi, vườn cà phê đang sung sức… để đánh giá hiện trạng độ phì nhiêu đất, phát hiện yếu tố hạn chế và mức độ ảnh hưởng, tác động của biến đổi khí hậu hiện tại và dự báo cho các năm sau.
- Từ những cơ sở dữ liệu trên, tiến hành phân tích hiện trạng canh tác, sản xuất cà phê, diễn biến và tác động của biến đổi khí hậu để dự thảo quy trình canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu tương ứng theo từng vùng sinh thái ở Tây Nguyên và loại cây trồng (cà phê trồng thuần, sầu riêng trồng xen cà phê hồ tiêu trồng xen cà phê ) - gọi tắt là quy trình tạm thời. Quy trình sau khi dự thảo, sẽ được tham vấn chuyên gia khoa học và cán bộ khuyến nông địa phương để hoàn thiện dần và áp dụng cho các mô hình thí điểm tại 5 tỉnh Tây Nguyên.
- Trong năm 2023 đến hết năm 2024, dự án chọn mỗi tỉnh 3 huyện trọng điểm và đại diện cho vùng để bố trí mô hình thử nghiệm, tổng số 15 mô hình. Gồm mô hình cà phê trồng thuần, hồ tiêu trồng xen cà phê và sầu riêng trồng xen cà phê với diện tích 1.5ha/mô hình. Nông dân tham gia thực hiện mô hình được công ty tài trợ 100% phân bón cho cả vụ. Bên cạnh đó còn được hỗ trợ nghiên cứu phân tích đất đầu và cuối vụ, được chuyên gia tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật bón phân, tưới nước cân đối cho từng loại cây trồng trong vườn.
- Để người nông dân thấy được những tác động tích cực mà chương trình đem lại, cũng như nhân rộng mô hình "Canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu", công ty đã phối hợp thường xuyên với các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương như Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh (VTV9), Đài Phát thanh - Truyền hình Đắk Lắk, Đài Phát thanh - Truyền hình Đắk Nông, Đài Phát thanh - Truyền hình Gia Lai, Báo Nông nghiệp Việt Nam, cùng các nền tảng truyền thông số của các đơn vị và Bình Điền... thực hiện định kỳ các phóng sự chuyên đề mang tính khoa giáo để chuyển tải kiến thức, đồng thời thường xuyên phối hợp với nhiều đầu báo đưa tin về chương trình canh tác cà phê thông minh từ quá trình thực hiện đến các kết quả bước đầu đạt được nhằm lan tỏa tác động tích cực mà chương trình mang lại.
- Tổng kinh phí thực hiện trong giai đoạn này là 6,3 tỷ đồng
● Giai đoạn 2024 - 2025:
- Đây là giai đoạn để hoàn thiện quy trình canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu. Các mô hình được chọn trong niên vụ 2023-2024 sẽ được công ty tiếp tục hỗ trợ phân bón và kỹ thuật canh tác, tư vấn từ chuyên gia trong niên vụ 2024-2025 để giúp nông dân có điều kiện tiếp cận và ứng dụng các kỹ thuật canh tác trên vườn một cách thông minh và hiệu quả hơn. Đây cũng là thời điểm mà người nông dân có thể nhìn thấy những tác động tích cực mà chương trình đem lại sau hai vụ thực hiện, từ đó tích cực hơn trong việc áp dụng quy trình "Canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu". Công tác truyền thông cũng được đẩy mạnh triển khai trong giai đoạn này thông qua các hoạt động hội thảo, hội nghị, phóng sự truyền hình và đưa tin báo chí, với mục tiêu giới thiệu rộng rãi quy trình canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu đến bà con nông dân trồng cà phê toàn vùng Tây Nguyên.
- Kinh phí dự toán để thực hiện chương trình trong năm 2025 là 3.5 tỷ đồng
● Giai đoạn 2025 - 2026:
- Quy trình canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu sau khi hoàn thiện sẽ được nhân rộng tại 5 tỉnh Tây Nguyên trên các vùng sản xuất cà phê trọng điểm, với tổng diện tích dự kiến lên đến 700 -1000 hecta. Ở giai đoạn này, công ty sẽ hỗ trợ 1 phần chi phí vận chuyển phân bón cho bà con.
- Nông dân sẽ được tham vấn cùng chuyên gia, được tập huấn về kỹ thuật canh tác, chăm sóc cà phê và cây trồng xen (hồ tiêu, sầu riêng) theo quy trình canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu. Cùng với đó, chương trình cũng sẽ tiến hành biên soạn Sổ tay hướng dẫn canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu để phổ biến rộng rãi quy trình không chỉ khu vực Tây Nguyên mà còn ở các vùng canh tác cà phê khác.
- Dự toán kinh phí để thực hiện chương trình trong năm 2026 khoảng trên dưới 2 tỷ đồng.
Như vậy tổng kinh phí để triển khai dự án "Canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu" giai đoạn 2023 - 2026 là 12 tỷ đồng. Số tiền được trích từ quỹ nghiên cứu phát triển Khoa học công nghệ của công ty.



Phần 5
Kết quả đạt được
500 hộ canh tác được lựa chọn cho công tác điều tra hiện trạng thực tế trong canh tác cà phê.
Trên 2300 chỉ tiêu của 200 mẫu đất ở các tầng canh tác trong các vườn trồng cà phê được phân tích để đánh giá hiện trạng độ phì nhiêu đất, phát hiện yếu tố hạn chế và mức độ ảnh hưởng, tác động của biến đổi khí hậu hiện tại và dự báo cho 3 năm tới để đề xuất giải pháp khắc phục.
Gần 100 nông hộ được chọn làm mô hình thí điểm và mô hình mở rộng với trên 300 ha canh tác cà phê và cây trồng xen (sầu riêng, hồ tiêu)
Phần 6
Tiềm năng nhân rộng mô hình
Quy trình "Canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu" được xây dựng như một quy trình mở để có thể luôn cập nhật các tiến bộ kỹ thuật, giải pháp mới, đồng thời điều chỉnh linh hoạt cho phù hợp với từng vùng sinh thái, từng loại đất, từng mùa vụ. Ngoài ra các kỹ thuật trong quy trình được thiết kế đảm bảo dễ áp dụng và dễ thực hiện nhất cho bà con nông dân. Vì thế, quy trình này hoàn toàn có thể áp dụng và áp dụng trước mắt trên địa bàn Tây Nguyên, sau đó nhân rộng ra các địa phương và khu vực có trồng cà phê khác trên cả nước.
Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền từng có kinh nghiệm tổ chức rất thành công chương trình "Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu" tại 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, được Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) công nhận là Tiến bộ kỹ thuật và khuyến nghị mở rộng sản xuất ra các vùng sản xuất lúa khác có điều kiện tương tự. Từ thành công của dự án canh tác lúa thông minh tại đồng bằng sông Cửu Long và với cách làm chặt chẽ, chắc chắn, chương trình canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu khu vực Tây Nguyên hứa hẹn thành công tốt đẹp.





Bản quyền và tính hợp pháp của các hình ảnh, video, thông tin, dữ liệu về dự án được đăng tải trên landing page (trang thông tin dự án) này do cá nhân/ tổ chức đăng ký tham gia giải thưởng cung cấp và chịu trách nhiệm.