1.000 NHÀ VỆ SINH TRƯỜNG HỌC
Thư viện sáng kiến
01/12/2023 09:31
Đơn vị thực hiện
-
Hạng mục
Ý TƯỞNG
-
Thời gian
TỪ 2014 ĐẾN NAY
-
Lĩnh vực
NƯỚC SẠCH VÀ VỆ SINH
Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VSF) là tổ chức phi lợi nhuận được thành lập năm 2014 với sứ mệnh đóng góp cho Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), đặc biệt là các mục tiêu về giáo dục, sức khỏe, công bằng và môi trường.
Dự án 1.000 nhà vệ sinh trường học (nhà vệ sinh cho em) là một dự án lớn và dài hạn được Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VSF) phối hợp cùng Trung tâm Tình nguyện quốc gia (VVC) thuộc Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Bộ GD&ĐT triển khai với sự đồng hành của Tập đoàn TH và Ngân hàng TMCP Bắc Á.
Trong gần 10 năm, từ năm 2021 đến năm 2030, dự án đặt mục tiêu xây mới và cải tạo 1.000 nhà vệ sinh cho các trường học thuộc các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn trên cả nước nhằm góp phần cải thiện điều kiện vệ sinh trường học và nâng cao sức khỏe học đường. Với giá thành trung bình là 60 triệu đồng/nhà vệ sinh, tổng kinh phí để triển khai dự án là 60 tỷ đồng. Tính đến tháng 10/2023 dự án đã khởi công xây dựng gần 100 nhà vệ sinh tại các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Lạng Sơn và Quảng trị, trong đó có 35 nhà vệ sinh đã được đưa vào sử dụng.
Phần 1
Bối cảnh ra đời của dự án
Báo cáo năm 2020 từ Bộ Giáo dục & Đào tạo cho thấy 30,6% nhà vệ sinh trên toàn quốc ở các trường học không đạt tiêu chuẩn, trong đó 22,8% không được xây dựng kiên cố. Điều này tương đương với hàng trăm nghìn nhà vệ sinh chưa đạt yêu cầu trên khắp cả nước. Một số nguyên nhân chính của tình trạng này bao gồm sự thiếu quan tâm từ các cơ sở giáo dục, xem nhà vệ sinh chỉ như một "công trình phụ", và thiếu nguồn kinh phí để bảo dưỡng và xây dựng mới.
Cục Cơ sở vật chất thuộc Bộ Giáo dục & Đào tạo chỉ ra rằng ý thức của một số học sinh về việc sử dụng và bảo quản nhà vệ sinh chưa tốt, là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhà vệ sinh nhanh hư hỏng, xuống cấp. Ngoài ra, báo cáo “Nghiên cứu ban đầu về cấp nước, vệ sinh và dinh dưỡng ở nông thôn Việt Nam” do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) thực hiện và công bố đầu năm 2023 cho thấy “vẫn còn nhiều vấn đề trong sử dụng và bảo trì các công trình, dẫn đến việc công trình bị bỏ không, làm giảm việc tiếp cận các công trình cấp nước, nhà tiêu và công trình rửa tay ở trường học… Công trình dành cho học sinh ở trong tình trạng xuống cấp, nhiều học sinh cho biết các em phải phóng uế bừa bãi hoặc về nhà để sử dụng nhà tiêu, không rửa tay… Tại các điểm trường lẻ, việc tiếp cận các công trình nước sạch vệ sinh càng ít hơn”.
Các chuyên gia và tổ chức lớn như WHO đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc có những nhà vệ sinh đạt chuẩn đối với sức khỏe và hiệu quả học tập của học sinh. Chương trình Sức khỏe học đường 2021 - 2025 cũng đã đặt vấn đề vệ sinh trường học làm một trong các ưu tiên hàng đầu.
Phần 2
Sáng kiến - phát kiến của dự án
Về mặt công nghệ, Dự án 1.000 nhà vệ sinh trường học sử dụng cổng thông tin trực tuyến inhandao.vn như là một trong các kênh để tìm kiếm các trường học có nhu cầu được cải tạo và xây mới nhà vệ sinh bên cạnh việc sử dụng danh sách thống kê có sẵn từ Bộ Giáo dục và Đào tạo và khảo sát của cơ quan Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp.
Bên cạnh đó, các yếu tố sau khiến dự án có tính mới, sáng tạo và khác biệt:
Không chỉ dừng lại ở xây dựng nhà vệ sinh mà còn cung cấp nước rửa tay, bảng hướng dẫn rửa tay, nâng cao ý thức sử dụng – bảo quản nhà vệ sinh, và nâng cao kiến thức – kỹ năng về sử dụng và bảo vệ nguồn nước sạch, chăm sóc vệ sinh cá nhân và giữ gìn vệ sinh môi trường.
Có sự tham gia của nhiều bên gồm Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ GD&ĐT, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Đề án Hệ tri thức Việt số hóa cùng sự đồng hành của Tập đoàn TH, Ngân hàng TMCP Bắc Á và một số doanh nghiệp khác.
Quy mô nhà vệ sinh được xây dựng: 1.000 công trình. - Thời gian triển khai: 10 năm.
Địa bàn triển khai: toàn quốc.
Phần 3
Mục tiêu - tầm nhìn dự án
Mục tiêu
Trong thời gian gần 10 năm, từ năm 2021 đến hết năm 2030, nhà vệ sinh trường học, ý thức sử dụng - bảo quản nhà vệ sinh trường học cũng như kiến thức và thực hành vệ sinh cá nhân của học sinh ở các địa bàn khó khăn trên cả nước được cải thiện, góp phần cải thiện sức khỏe của học sinh từ đó đóng góp vào mục tiêu chung của Chương trình Sức khỏe học đường cũng như các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.
Cụ thể, dự án đặt các mục tiêu:
Cải thiện nhà vệ sinh trường học ở các vùng miền khó khăn trên cả nước.
Nâng cao kiến thức và kỹ năng của học sinh về bảo quản
Sử dụng nhà vệ sinh để nhà vệ sinh được sử dụng lâu dài, sử dụng hợp lý và bảo vệ nguồn nước sạch, chăm sóc vệ sinh cá nhân và giữ gìn vệ sinh môi trường.
Tăng cường cơ hội tiếp cận với sản phẩm chăm sóc vệ sinh cá nhân miễn phí và có chất lượng.
Tầm nhìn
Dựa vào Quyết định số 1660/QĐ-TTg ngày 02/10/2021, Chính phủ đã khuyến khích sự đóng góp từ các tổ chức và cá nhân để tăng cường nguồn lực cho Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025. Quỹ Vì Tầm Vóc Việt, với sứ mệnh hỗ trợ sức khỏe và giáo dục, đặc biệt cho trẻ em nghèo. Đây là động lực thúc đẩy Quỹ Vì Tầm Vóc Việt cùng với các đối tác thực hiện dự án xây dựng 1.000 nhà vệ sinh trường học để chung tay cùng Chính phủ nhằm góp phần đạt được các mục tiêu của Chương trình Sức khỏe học đường cũng như các Chương trình Mục tiêu quốc gia khác. Dự án cũng gắn liền với Chương trình "Điều ước cho em" do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Đề án Hệ tri thức Việt số hóa (iTrithuc) phối hợp triển khai.
Đối với Tập đoàn TH, việc đồng hành cùng dự án này nói riêng và Chương trình Sức khỏe học đường nói chung đang thể hiện giá trị cốt lõi mà họ vun đắp. Đó là niềm tin rằng con người là trung tâm của xã hội, và sự phát triển toàn diện về thể lực và trí lực của họ là yếu tố quan trọng cho sự phát triển đất nước. Để một quốc gia vững mạnh, không chỉ cần nguồn dinh dưỡng từ thực phẩm, mà còn cần chế độ chăm sóc sức khỏe đúng đắn. Đầu tư vào sức khỏe và giáo dục chính là đầu tư chiến lược cho tương lai của dân tộc.
Phần 4
Quá trình triển khai - Phạm vi - Chi phí của dự án
Quá trình triển khai - Phạm vi thực hiện
Dự án không giới hạn về địa bàn mà được triển khai trên toàn quốc trong đó ưu tiên các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn như miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.
Các hoạt động của dự án bao gồm:
Xây dựng 1.000 nhà vệ sinh trường học tại các vùng miền khó khăn trên cả nước.
Lắp đặt 1.000 bảng hướng dẫn rửa tay.
Cung cấp nước rửa tay cho các trường học tham gia dự án.
Tổ chức ít nhất 15 sự kiện ngày hội nước sạch và vệ sinh tại các trường học tham gia dự án.
Tổ chức ít nhất 60 lớp tập huấn
Truyền thông và cuộc thi về bảo quản – sử dụng nhà vệ sinh đúng cách, nước sạch, vệ sinh cá nhân – vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân gắn với chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Chi phí
Dự án được khởi xướng dựa trên nhu cầu cấp thiết của các trường học trên khắp đất nước. Thực trạng nhà vệ sinh chưa đạt chuẩn và kiên cố, cùng với sự thiếu ý thức trong việc sử dụng và bảo quản từ phía học sinh đã được nêu rõ qua nhiều nghiên cứu và báo cáo của các cơ quan chuyên trách, cũng như được đưa tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Dự án này cũng là phản hồi trực tiếp đối với lời kêu gọi từ Chính phủ theo Quyết định số 1660/QĐ-TTg ngày 02/10/2021, là một biện pháp hành động dựa trên nhu cầu thực tế và bằng chứng khoa học.
Kế hoạch xây dựng nhà vệ sinh trong dự án tuân theo tiêu chuẩn được đề ra trong Quyết định số 878/QĐ-BGDĐT ngày 01/3/2021 của Bộ GD&ĐT, nhưng cũng linh hoạt chỉnh sửa để phù hợp với từng địa phương và trường học. Đây là một phương pháp có sự tham gia đồng lòng.
Mỗi nhà vệ sinh trong dự án có diện tích khoảng 14m2, với khu vực dành riêng cho nam và nữ. Nhà vệ sinh này có thể phục vụ tối đa cho 70 học sinh. Khu vực rửa tay được trang bị hướng dẫn chi tiết cùng dịch vụ nước rửa tay miễn phí từ các doanh nghiệp hợp tác. Với đặc điểm này, mẫu nhà vệ sinh thích hợp cho các trường nhỏ hoặc làm bổ sung cho các trường lớn đang thiếu hụt nhà vệ sinh.
Mỗi nhà vệ sinh có giá 60 triệu đồng. Việc xây dựng 1.000 nhà vệ sinh sẽ tiêu tốn 60 tỷ đồng, bên cạnh 1,5 tỷ đồng cho việc điều phối từ các đối tác. Những khoản chi này chưa tính đến đóng góp từ các doanh nghiệp hợp tác trong việc cung cấp hướng dẫn và nước rửa tay, cũng như chi phí cho hoạt động truyền thông và tập huấn cho học sinh.
Phần 5
Kết quả đạt được
Phần 6
Tiềm năng nhân rộng mô hình
Các nghiên cứu, khảo sát của Bộ Giáo dục & Đào tạo và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã cho thấy các trường học trên cả nước không chỉ thiếu nhà vệ sinh đạt chuẩn và được kiên cố hóa mà còn nhanh hư hỏng, xuống cấp do người sử dụng thiếu kiến thức, ý thức và kỹ năng sử dụng, bảo quản. Do vậy, bên cạnh việc tiếp tục đầu tư xây mới nhằm kiên cố hóa và chuẩn hóa nhà vệ sinh trường học thì việc nâng cao kiến thức, ý thức và kỹ năng sử dụng, bảo quản nhà vệ sinh cũng rất quan trọng. Cùng với đó là việc nâng cao kiến thức và kỹ năng của học sinh để giúp các em chăm sóc vệ sinh cá nhân (bao gồm việc rửa tay đúng cách) tốt hơn, sử dụng hợp lý và bảo vệ nguồn nước, giữ gìn vệ sinh chung và bảo vệ môi trường xung quanh. Những việc này đòi hỏi phải thực hiện thường xuyên, lâu dài và đồng bộ trên cả nước. Vì thế, chỉ với riêng Dự án 1.000 nhà vệ sinh trường học do Quỹ Vì Tầm Vóc Việt triển khai thì không thay đổi được thực trạng nhà vệ sinh trường học và vệ sinh môi trường tại trường học trên cả nước. Việc kéo dài, mở rộng dự án này hoặc triển khai các dự án mới và cách làm tương tự là rất cần thiết nhằm đạt được mục tiêu của Chương trình Sức khỏe học đường và các Chương trình Mục tiêu quốc gia khác.
Bản quyền và tính hợp pháp của các hình ảnh, video, thông tin, dữ liệu về dự án được đăng tải trên landing page (trang thông tin dự án) này do cá nhân/ tổ chức đăng ký tham gia giải thưởng cung cấp và chịu trách nhiệm.